<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ngày hội văn hóa giao thông</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ngày hội văn hóa giao thông</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hôm qua 18-9, Ngày
hội an toàn giao thông tại TP.HCM diễn ra với sự có mặt của cả ngàn bạn trẻ TP,
khởi động Tháng an toàn giao thông 2011.</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="2">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" src="http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=520222" hyperlink hspace="0" border="1"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Tình
nguyện viên tuyên truyền “văn hóa giao thông” tại chợ Nguyễn Tri Phương
</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thông điệp được gửi
đi từ hoạt động này không chỉ là ý thức khi tham gia giao thông, kéo giảm tai
nạn mà chính là khởi động hành trình xây dựng văn hóa giao thông, trong đó giới
trẻ giữ vai trò tiên phong.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Băn khoăn
của người trẻ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ca sĩ Nguyễn Phi
Hùng đem đến diễn đàn “Người trẻ với văn hóa giao thông” một phép so sánh rằng ở
Thái Lan dù đường phố kẹt xe nhiều nơi còn kinh khủng hơn VN, nhưng hầu như
không nghe bất kỳ tiếng còi hay một sự giận dữ nào giữa những người lưu thông.
Anh chia sẻ: “Nhiều người nói sợ giao thông VN và tôi nghĩ mỗi người trẻ ngồi
đây phải có nhiệm vụ làm giảm đi nỗi sợ đó”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thạc sĩ tâm lý
Nguyễn Hữu Long cho rằng nếu chúng ta chỉ chấp hành luật giao thông vì sợ vi
phạm, sợ bị phạt thì mới chỉ dừng lại ở tuân thủ một kỷ luật. “Văn hóa giao
thông phải là sự tự giác thực hiện, là kỹ năng, là thái độ sống” - ông Long nói.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bạn Nguyễn Hải
Dương (ĐH Công nghệ thông tin) cho rằng “những bài học về giao thông phải được
dạy nhiều hơn cho học sinh ngay cấp tiểu học mới mong giải quyết được phần gốc
của văn hóa giao thông”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều phát biểu tỏ
rõ trăn trở trước thái độ thờ ơ của người lưu thông khi gặp tai nạn trên đường,
là chống người thi hành công vụ khi vi phạm, là cư xử thiếu văn hóa khi va quẹt
giao thông.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Nhiều hoạt
động</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hàng loạt hoạt động:
thi kiến thức, làm tranh cổ động, lái xe an toàn, kịch diễn đàn... được các bạn
trẻ cùng so tài để hướng đến mục tiêu cuối cùng: tôi và bạn cùng xây dựng văn
hóa giao thông.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại công viên Văn
Lang, sau một hồi tỉ tê, các tình nguyện viên đã rủ được một số bạn trẻ cùng
người dân thử đi xe buýt xanh (chạy gas, trang bị máy lạnh, bán vé tự động) một
vòng công viên. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Xuống xe, cô Nguyễn
Thị Mai nói: “Tôi ít đi xe buýt vì vừa ngột ngạt vừa không tiện, nhưng hôm nay
lên chiếc xe này thấy được. Nếu xe buýt nào cũng trang bị tốt như vậy, tôi sẽ đi
ngay vì mát mẻ, an toàn”. Bạn Nguyễn Lê Kiều Duyên (ĐH Khoa học xã hội & nhân
văn TP.HCM) bày tỏ: “Tôi học ở Thủ Đức nên thường đi xe buýt nhưng lần đầu tiên
lên xe không có mùi xăng, đến trạm dừng còn có hệ thống tự động thông báo điểm
đến để mọi người chuẩn bị. Hay quá!”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bạn Nguyễn Hải Đăng
(ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: “Cần có nhiều hơn những hoạt động rầm rộ thế này để
đánh động ý thức, suy nghĩ của mỗi người khi tham gia lưu thông”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhìn từ một góc
khác, Thùy Vân (Q.3) cho rằng văn hóa giao thông ngoài thay đổi ý thức người dân
còn phải thay đổi hình ảnh người cảnh sát giao thông, để nhắc đến họ người ta
phải thấy hình ảnh nghiêm minh chứ không phải gắn liền với sự phiền toái khi
trót vi phạm.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" width="96%" align="center" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5">
<tr>
<td valign="center" bgcolor="#cfe6f9">
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">
Vận động đi xe đạp, đi xe buýt và không tiếng còi</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hàng trăm
cẩm nang tiết kiệm nhiên liệu với nội dung tư vấn sử dụng xe đạp, xe
buýt để giảm chi phí nhiên liệu đã được tặng người dân. Cùng hành trình
xe buýt còn có hành trình tuyên truyền bằng xe đạp, xe gắn máy để kêu
gọi mọi người ý thức sử dụng còi xe khi cần thiết. Ngoài ra, 100 tình
nguyện viên đã có mặt tại một số giao lộ để mời mọi người tham gia “Ngày
không tiếng còi xe”.</font></td>
</tr>
</table>
<p class="pAuthor" align="right"><b><font face="Arial" size="2">Q.LINH - K.ANH</font></b></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>