<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Hiệp sĩ đường phố - Những bông hoa lửa của dân</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chương trình giao lưu “Gặp những hiệp sĩ đường phố” với chủ đề Hoa lửa vừa được diễn ra tối 2/10 tại nhà hát Hòa Bình. Chương trình nhằm biểu dương tinh thần hiệp nghĩa, dũng cảm quên thân của những con người tay không bắt cướp, những con người được người dân ưu ái gọi là hiệp sĩ. Chương trình do đài truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp với trung tâm Phát thanh – Truyền hình – Điện ảnh Công an nhân dân thực hiện. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="500" height="350" alt="" src="1-cac%20hiep%20si%20giao%20luu%20tro%20chuyen.JPG" /></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Xuất hiện trong chương trình là 6 hiệp sĩ đại diện cho các hiệp sĩ dường phố. Những câu chuyện được chính các anh kể lại làm khán giả đi từ bất ngờ, hào hứng đến đồng cảm, thương xót. “Động lực giúp mình bắt cướp là gia đình, những người thân thiết của mình. Nhưng mình không sợ bọn cướp trả thù vì mình có truyền một ít kinh nghiệm cho người thân để họ xử lý được trong những tình huống nguy hiểm” – Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến vui vẻ nói.<br />
<br />
“Mình thường bắt bọn cướp ở các chợ đầu mối quận 5, bắt cả những tên cướp là người nước ngoài nên bà con gọi mình là khắc tinh của bọn tội phạm.” – Hiệp sĩ Trần Huệ Hùng giải thích về biệt danh của mình.<br />
<br />
Bắt cướp trên đường là một việc khó, bắt cướp với hai bàn tay không lại còn khó hơn. Nhưng các hiệp sĩ vẫn liều mình, bất chấp tai nạn có thể gặp phải bất cứ lúc nào. Đối với các anh, “ở đâu có hiệp sĩ thì ở đó sẽ không còn chỗ cho tội phạm”.<br />
<br />
Hiệp sĩ Trần Văn Hải bộc bạch: “Tôi được các đồng chí công an động viên, quan tâm, coi trọng. Tôi phải tự có trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.”<br />
<br />
Không phải ai bắt cướp cũng toàn vẹn trở về cùng vợ con, gia đình. Có người bị thương ít, người bị thương nhiều, cũng có người vĩnh viễn ra đi để lại nỗi niềm thương xót cho người ở lại. Như trường hợp của hiệp sĩ Nguyễn Xuân Chinh, anh đã mãi mãi ra đi ở tuổi 29 khi gặp nạn trong một lần bắt cướp tại Bình Dương. Anh không thể có mặt trong buổi giao lưu, mọi người chỉ nhìn thấy anh qua những thước phim ngắn ngủi mà Ban tổ chức ghi lại. Xót thương đó, đồng cảm đó, nhưng ai cũng thấy tự hào. Các anh nằm xuống để những người khác đứng lên, vì “…có một cây là có rừng…”<br />
<br />
Trong đêm giao lưu, toàn bộ số tiền 100 triệu đồng mà các hiệp sĩ đường phố nhận được, các anh đã gửi về cho Trường Sa yêu dấu. Lại thêm một nghĩa cử cao đẹp nữa của những hiệp sĩ làm mỗi người chúng ta thấy rõ hơn tình yêu quê hương trong họ. Các anh luôn sống hết mình để phục vụ nhân dân. </span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>THU HIỀN</strong><br />
</span></span></div> </html>