<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chuyện về những con tàu không số</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 27/10, Chi bộ Nhà Văn hóa Thanh niên đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011).</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Buổi sinh hoạt để lại nhiều cảm xúc khi có sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử đã nhiều lần lênh đênh trên các con tàu không số. Chú Nguyễn Văn Đức (Sáu Đức) thuyền trưởng một con tàu không số và Đại tá Phạm Duy Tam – thuyền trưởng tàu 675 đã chia sẻ về những gian khổ và sự hi sinh của những đồng chí trên các chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí, đạn dược từ miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Vì sao các con tàu lại không có số? Chúng đều có số cả, nhưng đến mỗi vị trí khác nhau các biển số sẽ được thay đổi. Các vật dụng trên tàu đều không có nhãn hiệu, mục đích để giữ bí mật và an toàn cho con đường.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Những con tàu không số đều là những chiếc tàu thô sơ, trọng tải nhẹ rất dễ bị vệ tinh và hải quân cộng hòa phát hiện, những lúc đó 2 tấn bộc phá trên tàu cùng các chiến sĩ phát nổ, thi hài các chiến sĩ vẫn còn nằm mãi dưới biển sâu, quyết không cho tàu rơi vào tay địch.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><img height="355" width="455" src="TN.JPG" alt="" /></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(128, 128, 128);"><em>Các đại biểu chia sẻ những câu chuyện về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển</em></span></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược và các trang thiết bị quân sự đã được vận chuyển an toàn chi viện cho miền Nam do các chuyến tàu không số đảm nhiệm trên đường biển Hồ Chí Minh. Chú Sáu Đức chia sẻ: "Sau chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Đồng Khởi, vào khoảng đầu năm 1961, tôi và các đồng chí khác được đồng chí Mười Khước - đặc phái viên xứ ủy Nam Bộ và đồng chí Nguyễn Thị Định - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cử vượt biển ra miền Bắc báo cáo tình hình Đồng Khởi đồng thời xin hỗ trợ vũ khí, đạn dược. Trước khi chính thức mở con đường Hồ Chí Minh trên biển đã có nhiều con tàu của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vượt biển ra miền Bắc vận chuyển vũ khí, đạn dược và các khí tài khác chi viện cho miền Nam".</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chú Sáu nói thêm, lúc đó đi trên biển không có la bàn, ban ngày hướng Mặt trời mà đi, ban đêm dùng sao Bắc Đẩu làm phương hướng. Những ngày lênh đênh trên biển hết nước uống, có lúc phải dùng nước tiểu. Những khi gặp bão phải thả trôi thuyền. Dù gian khổ nhưng tinh thần các chiến sĩ vẫn luôn ở thế sẵn sàng. Một chiến sĩ hải quân lúc đó phải bơi thật giỏi, trung bình mỗi người phải bơi trên 20km. Trong người được trang bị một thắt lưng, một thanh lương khô Trung Quốc, một chai nước, một con dao găm và một gói thuốc chống cá mập.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đại tá Phạm Duy Tam kể lại chuyến đi dài ngày nhất, trải qua 45 ngày đêm lênh đênh trên biển. Trên tàu ngoài vận chuyển vũ khí còn chở thêm 45 tấn dầu. Con tàu đã phải vượt qua hai cơn bão mạnh cấp 11, cấp 12. Đi vòng qua các đảo của Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Malayxia, Singapore rồi đến Thái Lan mới vào được đảo Phú Quốc. Trên hành trình đó các chiến sĩ phải đối mặt với những con sóng cao như muốn nhấn chìm con tàu xuống biển sâu. Nhiều chiến sĩ say sóng mửa ra mật xanh, mật vàng. Nhưng cuối cùng con tàu không số đã cập bến an toàn, cung cấp một lượng lớn vũ khí và dầu.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trước khi ra đi, các chiến sĩ đều biết rằng chuyến đi này sẽ là gian khổ, sẽ là mất mát và hi sinh, nhưng ai cũng sẵn sàng xông pha. Hơn 200 chiến sĩ đã nằm mãi dưới đại dương sâu thẳm, không một di hài, không một nén hương của người thân, của đồng đội. Tất cả chỉ vì sự thống nhất của đất nước, hòa bình cho dân tộc và sự bình yên cho tương lai.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>HẢI YẾN</strong><br />
</span></span></div> </html>