<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: center; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><strong><span style="color: rgb(0, 0, 255); "> Giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay</span></strong></span></span></div>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Giáo dục lòng yêu nước hiện nay, nhất là cho thanh niên, có nhiều thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều thử thách. Một trong những nguyên nhân là do sự vận động quá nhanh của các mặt đời sống xã hội mà sự tiếp cận, thích nghi của hệ thống giáo dục, quản lý đối với sự vận động đó còn nhiều hạn chế.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><strong><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Một số “lỗ hổng” về kiến thức lịch sử trong thanh niên</span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Những năm gần đây, ngày càng có nhiều báo động về lỗ hổng kiến thức lịch sử trong một bộ thanh niên, được báo chí thường đề cập.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Xem nhiều phim kiếm hiệp, có những thiếu niên kháo nhau: “Mấy nhân vật trong phim Hồng Kông đánh quá dữ, không biết ông Trần Hưng Đạo nước mình có… đánh lại không?”; “Ông Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt đều giỏi, nếu hai ông… đánh nhau thì không biết ai thắng ai”?</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Liên tiếp trong 4 năm 2004 – 2008, môn sử được chọn là một trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thống kê điểm thi môn sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học luôn ở vị trí thấp nhất. Điểm bình quân môn sử trong kỳ thi 2006 là 1,9; năm 2007 là 2,09; năm 2008 là 2,39. Trong số 107.000 bài thi khối C trong kỳ thi tuyển sinh 2007, chỉ có 9,23% bài thi có điểm trên 5, trong khi có đến 21,3% bài thi bị 0 điểm hoặc 0,5 điểm.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Năm 2010 và 2011, môn sử tiếp tục được chọn là môn thi tốt nghiệp THPT nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến tích cực. Đến kỳ thi tuyển sinh năm 2011, nhiều trường đại học có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình; có trường chỉ 1 thí sinh đạt điểm trung bình. Hầu hết các trường, tỉ lệ thí sinh đạt điểm môn sử từ trung bình trở lên chỉ chiếm từ 0,3 – 5%...</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được viết bằng mồ hôi, nước mắt và máu của nhiều thế hệ. Ngày nay, học tập và kế thừa truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông là bổn phận của mỗi người Việt Nam. Thế nhưng, kiến thức lịch sử của một bộ phận thanh niên lại đang có nhiều “lỗ hổng”. Có nhiều lý do, như sự bùng nổ thông tin khiến giới trẻ tiếp cận với nhiều thứ khác dễ dàng và nhanh hơn học lịch sử ; cách dạy lịch sử ở trường học ít hấp dẫn; sự thiếu ý thức định hướng truyền thống của gia đình... Và “hình như” đang có hiện tượng là không ít học sinh chỉ có một “khái niệm mang máng” về lịch sử nước nhà chứ chưa có hiểu biết căn bản!</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><strong><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Giáo dục lòng yêu nước phải gắn với giáo dục lịch sử</span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: center; "><img width="448" height="336" alt="" src="1189.JPG" /></div>
<div style="text-align: center; "><em>Thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố</em> . <em>Ảnh: Lý Thành.</em></div>
<div style="text-align: justify; "><em> </em></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Hiểu lịch sử nước nhà để tự hào với truyền thống oai hùng của cha ông, để càng thêm yêu Tổ quốc, càng ra sức học tập, lao động để xây dựng đất nước. Điều đầu tiên trong 5 điều dạy của Bác với thiếu nhi là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” cho thấy, tình yêu lớn nhất là tình yêu Tổ quốc. Nếu không hiểu biết đúng về truyền thống, nguồn cội của mình thì khó có thể có một tình yêu Tổ quốc đúng nghĩa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Học lịch sử là để rút cho mình những bài học kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, trong học tập, lao động, xây dựng đất nước. Ngày xưa Chu Văn An trên đường đi thấy có học trò lễ phép cúi đầu chào liền dừng xe chào đáp lễ. Bài học giữ lễ đó đáng để muôn đời noi theo. Hay Cao Bá Quát dù nổi tiếng học rộng tài cao nhưng khi trẻ cũng thường tự cột tóc mình lên trần nhà để khỏi ngủ gục. Tấm gương vượt khó đó chắc thời nào cũng cần học tập. Hoặc những nhân vật như Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Tắc, Lê Chiêu Thống... luôn là những “điển hình” về “mãi quốc cầu vinh”, bị ngàn năm “bia miệng”...</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Giáo dục lịch sử dân tộc cho thanh thiếu niên là để truyền thống nước nhà được các thế hệ kế thừa hiểu rõ hơn quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước đầy gian lao vất vả, để họ thêm yêu đất nước và trân trọng sự đóng góp của cha ông. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều lần bị đô hộ nhưng dân tộc ta không bị đồng hóa. Đó là sự khẳng định tuyệt vời cho tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa. Điều này càng có ý nghĩa trong điều kiện nước ta đang trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Bác Hồ rất quan tâm đến việc giáo dục truyền thống đến người dân, để nâng cao tinh thần yêu nước của mọi người thông qua lịch sử của dân tộc. Người dạy: Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Hiện nay, “biết sử ta” không chỉ để “tường gốc tích” mà còn để có thêm điều kiện xây dựng và bảo vệ đất nước được tốt hơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><strong><br type="_moz" />
</strong></div>
<div style="text-align: justify; "><strong><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Gắn giáo dục lòng yêu nước với các hoạt động thực tiễn</span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Gần đây, có nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân như vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Đã có những hoạt động tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và biển đảo nói chung. Trên nhiều diễn đàn, các nhật ký điện tử, nhiều ý kiến bày tỏ thái độ tích cực của thanh niên đối với đất nước. Đây có thể xem là chất xúc tác quan trọng để khơi gợi, làm rõ thêm tinh thần, trách nhiệm công dân của mỗi người. Tức là, qua sự kiện này, người dân có suy nghĩ và hành động cụ thể, thiết thực. Cũng từ đây, hoạt động tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước được các ngành chức năng chú trọng hơn (chẳng hạn qua các cuộc thi, các hoạt động văn hóa – văn nghệ...), từ đó đạt kết quả tích cực hơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Hiện nay, nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Đôi lúc, người ta có cảm giác vấn đề kinh tế quan trọng hơn truyền thống; việc của hôm nay cần thiết hơn chuyện ngày hôm qua. Nếu không chấn chỉnh kịp thời nhận thức này sẽ khiến một thế hệ người Việt quên mất nguồn cội, đánh mất bản sắc. Vì vậy, việc giáo dục tinh thần yêu nước cho người dân là điều hết sức quan trọng, bởi “vũ khí” lòng yêu nước còn có sức mạnh gấp bội những phương tiện quân sự hiện đại.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Khi Bộ Chính trị có chỉ thị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều người đã nhắc đến khẩu hiệu “dùng hàng Việt Nam là yêu nước”. Xét ở góc độ tâm lý, tình cảm, người Việt Nam (ưu tiên) dùng hàng Việt Nam chính là thể hiện lòng yêu quý các sản phẩm của người Việt Nam mình, của đất nước mình, từ đó khẳng định được lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Có thể nói, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cuộc vận động này chính là một cơ hội để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><strong><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Giáo dục lịch sử bằng nhiều hình thức</span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Vì lịch sử có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước nên cần tuyên truyền rộng rãi lịch sử đến mọi người dân. Các tầng lớp nhân dân cần được tiếp cận với các sự kiện lịch sử thường xuyên, với liều lượng cần thiết để có thể dần ăn vào tiềm thức. Truyền hình nên có mục nói về lịch sử báo chí nên có góc giới thiệu sự kiện và nhân vật lịch sử. Phim truyện lịch sử thường xuyên xen kẽ với các loại phim khác; truyện lịch sử cũng nên được khuyến khích đăng tải ở chuyên mục văn nghệ trên các báo... Trong các đợt sinh hoạt truyền thống ở từng đơn vị nên có phần thi tìm hiểu về lịch sử với quy mô rộng rãi, thời gian dài để nhiều người có điều kiện tham gia... Ngoài ra, báo chí cần tiếp tục thông tin nhiều vấn đề lịch sử cần làm rõ để giúp mọi người quan tâm và có hứng thú với lịch sử hơn. Báo chí, phim ảnh, văn học nghệ thuật, sân khấu… cần tăng cường khơi gợi, phát huy lòng yêu nước của người dân một cách mạnh mẽ hơn nữa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Đối với thanh thiếu niên, giáo dục lịch sử là để giáo dục yêu nước, chứ không phải để “cho qua” kỳ thi. Về nội dung, việc dạy sử không phải chỉ để các em nắm bắt các sự kiện, mà thông qua đó, cần khơi gợi tinh thần tự tôn, tự cường dân tộc, giúp các em học được các bài học dựng nước, giữ nước của cha ông. Về phương pháp, cần kết hợp nhiều biện pháp, phương tiện như sách giáo khoa, phim ảnh, truyện lịch sử, âm nhạc… để phát huy thế mạnh của từng biện pháp, từ đó mới có tác dụng tổng hợp. Cần chú ý, thay vì chỉ giới thiệu những “điểm hay”, “một chiều” thì cũng cần “điểm qua” những “mặt trái” của lịch sử trong những hoàn cảnh phù hợp. Ví như, những sự kiện mất nước, những nhân vật phản quốc, những kinh nghiệm lịch sử từ những sai sót của tiền nhân… sẽ khơi gợi sự khám phá, tìm hiểu sâu hơn trong học sinh, giúp các em có cái nhìn đa diện hơn về lịch sử.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Ngoài ra, cũng cần thay đổi số tiết (thời lượng), lượng kiến thức, cách truyền đạt, cách kiểm tra đánh giá… của môn lịch sử. Trong giảng dạy, cần kết hợp dạy trên lớp với tham quan thực tế ở những di tích lịch sử. Bài giảng có thể kết hợp với các thể loại khác như khoa học tự nhiên, văn học, âm nhạc...</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Giáo dục lòng yêu nước trong điều kiện mới không nên đi theo lối cũ. Phải thay đổi tư duy, đề cao sự cởi mở, thẳng thắn, trao đổi nhiều chiều; kết hợp thuyết phục với khơi gợi; kết hợp hội nhập, tiếp thu với gìn giữ và phát huy.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Bác Hồ đã nói: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(1). Tức là, với từng đối tượng cụ thể, trong từng hoàn cảnh cụ thể, cần có biện pháp giáo dục tinh thần yêu nước phù hợp để tinh thần yêu nước đó biến thành hành động cụ thể, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Việc làm này nên bắt đầu với thanh niên.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: right; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><strong>Trúc Giang</strong></span></span></div>
<div style="text-align: right; "><em>(Nguồn: Sổ tay xây dựng Đảng Thành ủy TP.HCM)</em></div>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">---------------------------------------</span></span></div>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">(1) Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr.272</span></span></div>
<div> </div>
</meta>
</div> </html>