<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bí quyết của sự phát triển bền vững là ở văn hoá</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><em><span style="font-family: Arial;"><br />
Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, bản thân văn hóa phải đủ mạnh để có thể thẩm thấu vào trong kinh tế, chính trị, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật…cũng như mọi lĩnh vực khác có quan hệ trực tiếp đến phát triển con người. Nhưng, không phải tự nhiên văn hóa đủ mạnh, nếu không có sự tiếp sức của con người và của các tổ chức xã hội, từ gia đình, đoàn thể, nhà trường đến Nhà nước, nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong đường lối phát triển. </span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><em><span style="font-family: Arial;"><img height="299" width="448" alt="" src="Story_axd.jpg" /></span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Văn hóa chỉ có thể thực hiện được chức năng chỉ đường, khả năng lãnh đạo, khi con người cũng như các tổ chức xã hội ý thức được sự nghiệp cách mạng trong lĩnh vực văn hóa, cũng như thực hiện nguyên tắc văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận với ý nghĩa đúng đắn và nghiêm túc của quan điểm cách mạng cũng như quan niệm mặt trận văn hóa, văn nghệ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trước khi nói đến văn hóa, phải khẳng định kinh tế là cơ sở của mọi sự phát triển. Không có kinh tế sẽ không có cái gì cả. Đặt chiến lược phát triển đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đặt sự phát triển trên cơ sở kinh tế, nhằm tăng trưởng nhanh nền kinh tế quốc dân. Từ đó, có thể khẳng định, trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thì tăng trưởng kinh tế bao giờ cũng phải đặt ở vị trí số một. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đây cũng là quan điểm cơ bản của các nhà kinh điển từ Mác, Ăngghen, Lênin đến Hồ Chí Minh. Bản chất chủ nghĩa Mác tập trung chủ yếu trong học thuyết kinh tế-chính trị. “Học thuyết về giá trị thặng dư là viên đá tảng của lý luận kinh tế của Mác” (Lênin). Coi lao động là nguồn gốc của mọi của cải và mọi giá trị, bộ Tư bản luận của Mác nghiên cứu về giá trị thặng dư, phản ảnh quá trình ra đời và phát triển chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản. Đó là cuốn sách kinh điển về kinh tế-chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận quan điểm đấu tranh giai cấp trong chủ nghĩa Mác, bởi lẽ, đó là quy luật phát triển tự nhiên, đồng thời cũng là quy luật tiến hóa của nhân loại, vốn ra đời từ lâu, mà Mác chỉ có công hoàn thiện, nêu bật giá trị khoa học và ý nghĩa cách mạng của nó. Song, đó chỉ là một nội dung, chưa phản ảnh đầy đủ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác. Lý tưởng giải phóng loài người của Mác là ở chỗ làm cho con người có ăn, có mặc, có chỗ ở và được học hành, chứ không chỉ là đấu tranh giai cấp, dù cho đấu tranh giai cấp là có thực, là hệ quả của sự áp bức, bóc lột. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cho nên, không phải là ngẫu nhiên, trong buổi lễ an táng Các Mác, nhằm khẳng định những cống hiến vĩ đại của Mác, Ăngghen đã nói: “Giống như Darwin đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, cái sự thật đơn giản mà đã bị những lớp tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết phải ăn, uống, ở và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, v.v…; và vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và do đó, mỗi giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại, tạo thành một cơ sở trên đó người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan điểm tôn giáo của những con người nhất định; Và vì vậy, phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm”(1). </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Khẳng định quan điểm trên của học thuyết Mác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ cho thấy Mác đã phát hiện ra quy luật tiến hóa của lịch sử loài người trên cơ sở kinh tế mà còn nhằm uốn nắn lại những cách hiểu không đúng, đồng thời, phê phán những quan điểm nghiên cứu các vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác không xuất phát từ con người, mà GS. Trần Đức Thảo gọi là chủ nghĩa “lý luận không có con người”. Nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ tập trung vào học thuyết đấu tranh giai cấp một cách đơn thuần và chuyên chính vô sản một cách cực đoan, máy móc, thực chất là thứ “lý luận không có con người”, là tầm thường hóa chủ nghĩa Mác - Lênin, đã và đang bị phê phán. <br />
Từ sự khẳng định bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác trong học thuyết kinh tế-chính trị, Ăngghen cũng cho thấy trong cuộc sống xã hội bao giờ cũng hiện diện hai mặt chủ yếu, có quan hệ gắn bó hữu cơ và phụ thuộc vào nhau như một thể thống nhất biện chứng giữa cơ sở kinh tế và nền tảng văn hóa, hoặc còn gọi là văn minh vật chất và văn minh tinh thần, mà kinh tế bao giờ cũng giữ vai trò quyết định, nếu xét đến cùng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tuy nhiên, khi nói kinh tế giữ vai trò quyết định, xét đến cùng, lại không thể xem kinh tế có trước, văn hóa có sau, hay kinh tế phát triển trước rồi mới nói đến phát triển văn hóa, mà chỉ để khẳng định sự tồn tại cuộc sống con người trước tiên phải nói đến những điều kiện tối thiểu như ăn, mặc, ở, đi lại, v. v…, rồi sau đó mới nói đến những phương tiện sinh hoạt và phương thức sử dụng do con người sáng tạo và phát minh nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc sống, được gọi là văn hóa. Đó là hai mặt cùng hiện diện, phụ thuộc vào nhau trong quan hệ biện chứng. Do đó, không thể nói kinh tế quyết định tốc độ và quá trình phát triển đất nước, nhất là yêu cầu phát triển bền vững, mà đối với chúng ta là phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bí quyết của sự phát triển bền vững bao giờ cũng hướng vào con người, mà văn hóa là động lực, là nền tảng, là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển xã hội và con người. Vì thế mới nói, bí quyết của sự phát triển bền vững là ở văn hóa. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sở dĩ, phải khẳng định bí quyết của sự phát triển bền vững là ở văn hóa, bởi lẽ, việc nhận thức cho đúng về yêu cầu phát triển văn hóa trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế, quả là vấn đề không đơn giản. Đó là vấn đề đã được bàn nhiều trên các lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị học, văn hóa học…Song, ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của văn minh trí tuệ, sự bùng nổ của văn hóa, nhất là thực tiễn đang xảy ra những cuộc khủng hoảng, nạn thất nghiệp và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng ngay ở các nước tư bản phát triển, người ta đã thấy tăng trưởng GDP chưa phải là tất cả của sự phát triển, do đó không thể coi GDP là thước đo của sự phát triển, mà phải coi văn hóa mới là thước đo của sự phát triển bền vững. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nhận thức văn hóa từ chỗ còn lệ thuộc vào tăng trưởng kinh tế đến chỗ xem là thước đo của sự phát triển là cả quá trình biến đổi không ngừng và sâu sắc trong tư duy văn hóa, ý thức ngày càng rõ về những tiềm năng vô tận của văn hóa trong phát triển, vì phát triển, mà ngày nay nói đến học thuyết về “sức mạnh mềm” thực chất là nói đến sức mạnh văn hóa. Do đó, nếu nói như J.Derrida: “Văn hóa là điều bí ẩn không cùng”, thì ngày nay người ta đã thấy rõ điều bí ẩn không cùng ấy, chính là ở bí quyết của sự phát triển bền vững, mà đối với chúng ta là phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn nữa, còn có thể nói, Hồ Chí Minh là một trong những người đầu tiên đã “giải mã”, không chỉ khám phá ra điều bí ẩn không cùng ấy mà còn phát hiện ra chức năng lãnh đạo, khả năng chỉ đường của văn hóa. Do đó, để thấy rõ bí quyết của sự phát triển bền vững là ở văn hóa, phải thấy không phải bất cứ thứ văn hóa nào mà là văn hóa mới vì con người, do con người, được xây dựng và phát triển theo tư duy mới, hiện đại, văn hóa Hồ Chí Minh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo, đồng thời phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã phát hiện khá sớm tiềm năng văn hóa trong học thuyết Mác và chủ nghĩa Lênin. Người không chỉ thấy văn hóa gắn liền với cái ăn, cái mặc, chỗ ở và được học hành, tức nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn, mà hơn thế, Người còn thấy sức mạnh tiềm ẩn, không cùng của văn hóa. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trên cơ sở tư duy mới, hiện đại về văn hóa, Hồ Chí Minh đề ra cả một hệ thống các quan điểm văn hóa; từ một định nghĩa khái niệm văn hóa đến năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc, bao gồm tâm lý, luân lý, xây dựng xã hội, xây dựng chính trị, xây dựng kinh tế, mà có lúc Người nói đến bốn lĩnh vực phải coi trọng ngang nhau, đó là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vận dụng sáng tạo hệ thống quan điểm văn hóa ấy vào thực tiễn xây dựng xã hội mới, Người đã cải tạo hệ thống quan điểm văn hóa đạo đức cũ thành quan điểm văn hóa đạo đức mới, đạo đức cách mạng, đồng thời đề ra triết lý phát triển đất nước ta theo mục tiêu gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, phát triển nền văn hóa mới gắn với việc xây dựng con người có nhân cách văn hóa, đặc biệt là triết lý văn hóa lãnh đạo, văn hóa chỉ đường. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ hệ thống các quan điểm văn hóa mới, Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước ta, mà còn hình thành một quan điểm mới về chủ nghĩa xã hội, có thể gọi, đó là chủ nghĩa xã hội văn hóa hay chủ nghĩa xã hội nhân văn. Thực hiện mục tiêu đó, ngay từ đầu sự nghiệp cách mạng, Người đòi hỏi trước tiên phải làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở và có học hành, đồng thời với việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa thấm nhuần đạo đức cách mạng. Cũng ngay từ đầu sự nghiệp cách mạng, Người yêu cầu xây dựng một Nhà nước kiểu mới thực sự dân chủ, nhà nước của dân, do dân và vì dân, đồng thời với việc xây dựng một Đảng cầm quyền kiểu mới vừa đạo đức vừa văn minh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Có thể nói, Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu những hạt nhân cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa gắn với kinh tế, con người, mà trải qua thực tiễn đấu tranh tìm đường cứu nước, Người còn phát triển tư duy văn hóa lên một tầm cao mới phù hợp với thời đại toàn cầu hóa và phát triển nền kinh tế tri thức, thấy văn hóa không chỉ gắn với chính trị, kinh tế mà còn có khả năng chỉ đường cho quốc dân đi. Từ đó, Người nhận thức rõ những mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gắn liền với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, con người mới. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Khi nói đến những nguyên nhân của sự phát triển đất nước, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh vị trí của văn hóa thể hiện ở ý chí tự cường, ở tinh thần yêu nước, ở quan điểm vì dân, nhất là ở đạo đức cách mạng, tức là ở chính con người thấm nhuần nhân cách văn hóa chứ không phải ở kinh tế, dù cho kinh tế là cơ sở. Trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú báo Nhân Đạo tại Hà Nội (1962) về nghị lực của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nói: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này càng đúng với những nhà trí thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hóa dân tộc”. Khi nhà báo hỏi, nhân tố nào sau hòa bình, đất nước có sự biến đổi, Hồ Chí Minh cũng trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa”(2). Coi văn hóa có thể chỉ đường cho quốc dân đi, cũng như văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ, có lẽ, không ai thấy rõ bí quyết của văn hóa trong phát triển đất nước và xây dựng con người như Hồ Chí Minh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đại hội XI của Đảng đã có bước nhận thức mới về văn hóa so với trước đây, nhất là nhận thức về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa tập trung vào những chỉ tiêu phát triển con người. Hơn nữa, Đại hội XI của Đảng còn nhấn mạnh: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Với nhận thức mới đó, văn hóa không chỉ là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế-xã hội, cũng không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội như cách nói trước đây, mà văn hóa đã được coi là thước đo của phát triển bền vững. Đó là một bước nhận thức mới về văn hóa so với trước. Nhưng, so với tư duy văn hóa Hồ Chí Minh, có lẽ, vẫn còn một khoảng cách nhất định, do chưa phản ảnh đúng tầm tư duy văn hóa trong phát triển đất nước và con người như Hồ Chí Minh đòi hỏi, tuy rằng trong thực tế sự nghiệp cách mạng, đất nước ta đạt được những thắng lợi như ngày nay, chính là có sự quán triệt tư duy văn hóa trong phát triển, như Hồ Chí Minh đã từng khẳng định.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với sự nhận thức văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, có thể nói, Đại hội XI của Đảng đã tiếp cận với quan điểm xem bí quyết của sự phát triển bền vững không phải ở bản thân kinh tế mà là ở văn hóa. Nói đến sức mạnh nội sinh, dĩ nhiên, phải nói đến sức mạnh phát sinh và phát triển từ nội lực tinh thần của con người, là kết quả của sự tích tụ những giá trị văn hóa tạo nên con người phát triển toàn diện vừa có đức, vừa có tài. Nhưng, vấn đề là làm thế nào để có sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, thì hình như vẫn chưa có lời giải thật rõ ràng, do đó, trong thực tiễn phát triển đất nước, chúng ta vẫn thấy phát sinh những quan điểm không bình thường và cả những cách ứng xử văn hóa chưa thật mạnh mẽ, như hiện tượng phòng chống căn bệnh quan liêu, tham nhũng, không chỉ làm chậm tốc độ phát triển ở nước ta mà còn có nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, bản thân văn hóa phải đủ mạnh để có thể thẩm thấu vào trong kinh tế, chính trị, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật…cũng như mọi lĩnh vực khác có quan hệ trực tiếp đến phát triển con người. Nhưng, không phải tự nhiên văn hóa đủ mạnh, nếu không có sự tiếp sức của con người và của các tổ chức xã hội, từ gia đình, đoàn thể, nhà trường đến Nhà nước, nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong đường lối phát triển. Văn hóa chỉ có thể thực hiện được chức năng chỉ đường, khả năng lãnh đạo, khi con người cũng như các tổ chức xã hội ý thức được sự nghiệp cách mạng trong lĩnh vực văn hóa, cũng như thực hiện nguyên tắc văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận với ý nghĩa đúng đắn và nghiêm túc của quan điểm cách mạng cũng như quan niệm mặt trận văn hóa, văn nghệ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Song, có lẽ do tầm thường hóa khái niệm cách mạng văn hóa nên nhiều người muốn loại bỏ khái niệm này. Thậm chí, cả khái niệm mặt trận trong nguyên tắc văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận cũng thường được hiểu sai lệch, do đó nhiều người không muốn nói đến cả khái niệm mặt trận văn hóa, văn nghệ nữa. Khi nói văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, không nên hiểu điều đó chỉ diễn ra trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đơn thuần, mà phải thấy đó là quy luật chung. Ở đâu có văn hóa, cần đến văn hóa, thì ở đó có mặt trận văn hóa, nghĩa là có đấu tranh, phê bình và tự phê bình, có phản biện và đối thoại thẳng thắn giữa cái đúng và cái sai, giữa các khuynh hướng tư tưởng khác nhau. Đây cũng là một đặc điểm riêng của chức năng văn hóa, khác với kinh tế do kinh tế có thị trường điều tiết bằng lợi nhuận và luật kinh doanh. Trong văn hóa cũng có pháp luật chi phối, nhưng không có điều luật nào cấm con người phải suy nghĩ theo quan điểm nào. Phải chăng, cũng vì chưa thực sự quán triệt được ý nghĩa cách mạng trong lĩnh vực văn hóa cũng như quan điểm coi văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, cho nên, chúng ta chưa tạo được sức mạnh nội sinh quan trọng cho phát triển. Để “văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”, cần phải “làm cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân”, như Hồ Chí Minh đòi hỏi. Song, có lẽ, vì chưa thực hiện được điều đó, cho nên, chúng ta chưa tạo được tâm lý phản biện xã hội và dư luận lên án mạnh mẽ những hành vi thiếu văn hóa, phản văn hóa. Từ đó, có thể hiểu, không chỉ đòi hỏi chính trị ở trong kinh tế, xã hội và văn hóa mà văn hóa cũng phải gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào trong kinh tế, chính trị và tâm lý xã hội. Nếu nói như Lênin “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”, thì văn hóa phải là biểu hiện tập trung của chính trị, nghĩa là văn hóa phải trở thành tâm lý, nội lực quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất của chính trị. Nói cách khác, văn hóa chính trị đúng đắn sẽ quyết định mọi sự phát triển đúng hướng, phát triển bền vững. Sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển văn hóa phải trở thành tiêu chí đầu tiên của những người có trách nhiệm trong việc định hướng phát triển đất nước, trước hết là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, biểu hiện trên mọi mặt của hoạt động thực tiễn công tác cũng như đời sống riêng tư. Chính vì vậy, văn hóa mới là bí quyết của sự phát triển bền vững.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển cũng như xem văn hóa là bí quyết của sự phát triển bền vững, cần phải đặc biệt chú ý ba lĩnh vực sau đây: </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em><br />
<strong>Một là,</strong></em> nhận thức tiếp về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển nói chung, trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng. Đây là vấn đề không mới, nhưng không bao giờ được xem là vấn đề đã cũ. Quả như ông Tổng Giám đốc UNESCO Mayor F. viết: “Văn hóa ngày hôm qua mới chỉ là một thứ trang trí, nay là nền tảng và linh hồn cuộc phiêu lưu của con người” (3). Là nền tảng, văn hóa đã đem đến cho con người những tiềm năng vô tận để phát triển kinh tế, xã hội và con người. Là linh hồn cuộc phiêu lưu, văn hóa không chỉ mang lại tích cực mà cả tiêu cực khi nó bị lợi dụng vào những mục đích phi văn hóa, phản văn hóa. Bản thân lĩnh vực văn hóa cũng đã hình thành một mặt trận đấu tranh rất quyết liệt giữa những khuynh hướng khác nhau của những người sử dụng văn hóa vào mục tiêu phát triển đúng đắn với những người tìm cách sử dụng văn hóa vào mục đích phi văn hóa, tạo nên chủ nghĩa đế quốc văn hóa. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta nên nghĩ đến một Đề cương hoặc một Cương lĩnh phát triển mới về văn hóa trên cơ sở tư duy mới, hiện đại về văn hóa phù hợp với bối cảnh mới khi đất nước hội nhập quốc tế toàn cầu hóa với những diễn biến vô cùng phức tạp, trước hết trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em><br />
<strong>Hai là,</strong></em> cần khẳng định nền tảng tư tưởng, cốt lõi của nền văn hóa mới là lý tưởng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng là vấn đề không mới, nhưng là vấn đề khó khăn, nhiều thử thách nhất trong thực tiễn xây dựng nền văn hóa mới. Đã đến lúc cần có sự thảo luận rộng rãi về quan điểm thế nào là định hướng xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa mới mà chúng ta gọi là văn hóa tiên tiến có phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay không? Nội dung nền văn hóa tiên tiến định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào ?</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em><br />
<strong>Ba là,</strong></em><strong> </strong>việc đấu tranh thực hiện cho được những chỉ tiêu phát triển con người, trước hết trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nhiều lĩnh vực khác như y tế, bảo hiểm xã hội mà hiện nay chúng ta thuộc loại kém không chỉ so với các nước phát triển mà cả với các nước đang phát triển ở Đông Nam Á. Vấn đề này đã được Đại hội XI của Đảng quan tâm, nhưng từ nghị quyết đến thực tiễn cuộc sống không phải bao giờ cũng thuận chiều. Do đó, cần phải có tiếp sức mạnh mẽ của văn hóa trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống bằng việc hình thành những cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, văn hóa đạo đức, lối sống… </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ba vấn đề nêu trên có thể là những vấn đề nổi bật nhất trong văn hóa, cũng là những vấn đề bức xúc của thực tiễn phát triển bền vững đất nước ta. Song, cũng chính vì những đòi hỏi nêu trên, chúng ta cần phải suy nghĩ tiếp hệ thống quan điểm về chức năng văn hóa trong tư duy văn hóa Hồ Chí Minh, đặc biệt là quan điểm văn hóa chỉ đường, văn hóa lãnh đạo, mà có lẽ cho đến nay chúng ta vẫn chưa thấy hết chiều sâu của nó. Ý nghĩa của triết lý văn hóa lãnh đạo, văn hóa chỉ đường trong tư duy văn hóa Hồ Chí Minh là vấn đề rộng lớn, có tính bao quát từ việc hình thành nhân cách văn hóa đến vấn đề xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu ngày càng giải phóng con người, ngày càng thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, mang lại tự do, hạnh phúc thật sự cho con người. Từ đó, mới nói đến chủ nghĩa xã hội văn hóa hay chủ nghĩa xã hội nhân văn./.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>PGS.TS THÀNH DUY </strong><br />
</span><em><span style="font-family: Arial;">-------------------<br />
(1) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1994, t.19, tr. 116-117.<br />
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, (xuất bản lần thứ hai), Nxb. CTQG, H, 1995, t. 10, tr. 392.<br />
(3) Tạp chí Người đưa tin, UNESCO, 1994, số 10, tr. 34-36.</span></em></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<em>(Theo Tạp chí Tuyên giáo)<br />
</em><br />
</span></span></div> </html>