<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;">Ngôn ngữ giới trẻ: Kẻ khen, người chê</span></strong></span><span style="font-size: small;"><br />
</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
<em>Hội trường 500 chỗ ngồi của Trung tâm văn hóa Pháp trong buổi tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @” tối ngày 29-3 đã chật kín, có nhiều người phải đứng. Đa phần trong số này là những bạn trẻ. Họ không chỉ đến để nghe những người “già” thuộc thế hệ cha chú của họ như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, giáo sư Phạm Văn Tình hay giáo sư Văn Như Cương phân tích nhận định, mà chính những người trẻ còn nêu rõ quan điểm yêu ghét của mình.</em></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><em><img height="307" width="448" alt="" src="ke%20khen,%20nguoi%20che.jpg" /></em></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;">Các diễn giả trong hội thảo</span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>Kẻ chê, người khen</strong><br />
<br />
Cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” do Công ty Nhã Nam và NXB Mỹ thuật phát hành tháng 10-2011 đã gây ra phản ứng đa chiều trong dư luận, NXB này đã quyết định tạm dừng phát hành cuốn sách.<br />
<br />
Tưởng như chỉ có những bậc phụ huynh khó tính, những người “già” mới phản ứng về ngôn ngữ của cuốn sách này. Nhưng điều thú vị, chính những người trẻ là những người có ý kiến về những “hạt sạn” của cuốn sách cũng như thể hiện sự trăn trở đối với ngôn ngữ của chính bạn bè lứa tuổi mình.<br />
<br />
Bạn Minh - Sinh viên trường Thủy Lợi đặt câu hỏi “Thế nào là ngôn ngữ không trong sáng? Liệu có ảnh hưởng xấu nào đến sự phát triển, mất đi khả năng biểu lộ cảm xúc đa dạng của Tiếng Việt cũ hay không?”. Hay như một bạn nam khác cho rằng: “Nhiều khi các bạn trẻ nói những câu vần vè này không mang ý nghĩa tích cực. Chẳng hạn câu “Gia đình là phù du, SuJu (một nhóm nhạc Hàn Quốc) là tất cả”. Kể cả như câu nói trong cuốn sách “Miệt mài quay tay, vận may sẽ đến”, bao nhiêu bạn ở đây nghĩ đang nói đến chương trình Chiếc nón kỳ diệu?”. Câu hỏi của bạn đặt ra là làm thế nào để chúng ta “gạn lọc” bớt những ý xấu như thế?<br />
<br />
Ngay cả một sinh viên thế hệ 9X cũng không hiểu ngôn ngữ của những bạn trẻ chỉ cách mình vài tuổi: “Khi cháu đọc các đoạn chat hay các bài viết ở blog của nhiều bạn trẻ, dù cố gắng nhưng cháu không thể nào dịch được, phải nhờ em khóa dưới dịch”.<br />
<br />
Theo PGS-TS Phạm Văn Tình, sự ra đời của ngôn ngữ mới, cũng như bất kỳ hiện tượng mới nào trong xã hội, thường gặp phải sự phản đối. Tuy nhiên, ngôn ngữ của giới trẻ trong thời đại công nghệ thông tin này (dù là ngôn ngữ chat, ngôn ngữ trao đổi trong các diễn đàn trực tuyến hay ngôn ngữ blog…) đều có thể coi là sản phẩm của trí tuệ dân gian. Có thể bộ phận ngôn ngữ đó chưa được sử dụng trong các văn bản chính thống, trong các tình huống trang trọng, nhưng chúng ta không nên phủ nhận nó.<br />
<br />
Quan trọng hơn, ngôn ngữ ấy đang tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống bởi giới trẻ vẫn sử dụng những câu như “Hôm nay đi ăn chúng ta Campuchia” hay “Thôi đừng có Hồng lâu mộng nữa”. Là sản phẩm dân gian, ngôn ngữ có cơ chế tự chọn lọc của riêng nó. Thời gian sẽ “gạn đục khơi trong”, những yếu tố tích cực sẽ được giữ lại và thừa nhận rộng rãi. PGS-TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh rằng không phải ngẫu nhiên mà tiếng lóng và ngôn ngữ “chat” được đưa vào bộ từ điển lớn như Oxford, đó là sự ghi nhận chính thức ngôn ngữ mới đã dung nhập vào đời sống sau một quá trình chọn lọc đủ lâu dài.<br />
<br />
Ông kết luận: “Ngôn ngữ ra đời dựa trên nhu cầu của xã hội, và tồn tại theo dòng chảy của xã hội. Chúng ta nên bình tĩnh xem xét lại xu hướng của ngôn ngữ giới trẻ thời @ như thế nào chứ không nên vội phủ nhận nó”.<br />
<br />
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lý giải thêm: “Giới trẻ thường thích cái mới, họ lại khao khát chứng tỏ mình, mong muốn khẳng định sự độc đáo cá nhân bằng những cái mới lạ. Như vậy, sự hình thành ngôn ngữ giới trẻ thời hiện đại âu cũng là một hiện tượng tất yếu dễ hiểu. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của ngôn ngữ mới đôi khi lại là công cụ hữu ích giúp con người chuyển tải các sắc thái ý nghĩa mới”.<br />
<br />
<strong>Chỉ cần có tình yêu</strong><br />
<br />
PGS- TS Phạm Văn Tình nhìn nhận: “Hãy cứ xem nó (ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay) như một món ăn lạ đang tồn tại, việc có ăn nó hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân.”<br />
<br />
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trong một lá thư gửi cho Quốc hội vào ngày 28-2 đã khẳng định sự cần thiết phải quan tâm đến một bộ “Luật về ngôn ngữ và chữ viết” để góp phần bảo tồn những di sản cũng như phát huy vai trò của ngôn ngữ, một lĩnh vực nền tảng hết sức quan trọng liên quan đến tính cách và bản sắc văn hoá của một quốc gia, nhất là đối với nước ta, một quốc gia đa thành phần dân tộc, ngôn ngữ và có một bề dày lịch sử tiếp nhận nhiều yếu tố văn hoá, văn minh từ bên ngoài.<br />
<br />
“Bảo vệ sự trong sáng và khả năng sáng tạo của tiếng Việt Nam hiện đại (tiếng nói và chữ viết), tôn trọng những di sản của quá khứ (trong đó có di sản Hán, Nôm), tôn trọng những ngôn ngữ của các dân tộc thành phần trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện đại cũng như phát huy tính phong phú của nhiều vùng miền nhưng vẫn tạo dựng được những chuẩn mực quốc gia trên lĩnh vực này; và trong xu thế hội nhập việc tiếp thu giá trị ngôn ngữ của các quốc gia khác đi đôi với việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt Nam.. đang đòi hỏi phải sớm có một bộ luật điều chỉnh” -Trích thư gửi Quốc hội của Đại biểu Dương Trung Quốc.<br />
<br />
Nhưng trước khi chờ đợi Luật về ngôn ngữ và chữ viết ra đời, hơn hết trách nhiệm của các bạn trẻ là phải sáng tạo, chọn lọc, tiếp thu để Ngôn ngữ giới trẻ thời @ đóng góp “đắc địa” cho tiếng Việt, để con cháu chúng ta được thừa hưởng nó như chúng ta được thừa hưởng di sản tiếng Việt đẹp đẽ từ ông bà, cha mẹ của mình. Và những người lớn, phải chăng nên bình tĩnh suy xét, mở rộng biên độ tiếp nhận và có sự “gạn đục khơi trong” để rút ngắn khoảng cách thế hệ và cùng với những người trẻ, giữ gìn, phát huy ngôn ngữ Tiếng Việt giàu đẹp?<br />
<br />
Tiếng Việt ân tình hình thành ngay khi chúng ta trong lòng mẹ đưa nôi. Bất kể tuổi già hay tuổi trẻ, đều từng được nuôi dưỡng trong những lời ru của mẹ, chuyện kể của bà. Chỉ cần Tình yêu với Tiếng Việt còn, chỉ cần “Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người” (Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ) thì những giá trị đẹp đẽ của ngôn ngữ Việt cũng sẽ còn mãi cùng với thời gian.<br />
</span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">LÊ HẠNH NGUYÊN</span></strong></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><em>(Theo báo Nhân dân)</em></span></strong><span style="font-size: small;"><br />
<br />
</span></div>
</meta>
</div> </html>