<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: left;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ (1956-1957), Đơn vị Anh hùng LLVTND:</span></span></strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: left;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;">Chiến công thầm lặng xuất sắc</span></strong></span></span></div>
<div style="text-align: left;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span></div>
<table align="left" cellspacing="1" cellpadding="1" border="0" style="width: 173px; height: 145px;">
<tbody>
<tr>
<td style="text-align: left;"><img alt="" style="width: 192px; height: 236px;" src="3_nguoi2509.jpg" /></td>
</tr>
</tbody>
</table>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Sau nhiều năm đất nước hoàn toàn thống nhất, hòa bình, nhưng cho đến nay không phải ai cũng biết rõ về một văn phòng, một chi bộ bí mật, độc đáo tồn tại ngay giữa nội thành Sài Gòn - đầu não của chế độ cũ. Nơi đây đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ ủy (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam), đã ở, làm việc, chỉ đạo, viết bản dự thảo “Đề cương đường lối Cách mạng Việt Nam ở miền Nam”. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn 1956-1957, nhưng với sự sắc sảo, khôn khéo, Chi bộ Văn phòng này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt của mình, góp phần không nhỏ vào thành công chung của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. </span></span></div>
<div style="text-align: left;"> </div>
<div style="text-align: left;"> </div>
<div style="text-align: left;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><em>Người nữ Bí thư Chi bộ, </em></span></span></div>
<div style="text-align: left;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><em>Chánh văn phòng Xứ ủy Nam Bộ - Nguyễn Thị Một.</em></span></span><br />
<span style="font-family: Arial;"><strong><span style="font-size: small;"><br />
Cơ quan bí mật của Đảng nằm ngay trong lòng địch</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Văn phòng đặc biệt này (ở địa chỉ 29 Huỳnh Khương Ninh, phường Đakao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) chính là Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ thời kỳ 1956-1957, tồn tại dưới danh nghĩa một gia đình trung lưu gồm sáu thành viên gần như xa lạ được tập hợp lại từ nhiều nguồn, sát cánh, gắn bó với nhau còn hơn cả tình anh em ruột thịt, mỗi người một “vai diễn”, một nhiệm vụ rõ ràng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đứng đầu Văn phòng là bà Nguyễn Thị Một - Bí thư Chi bộ, Chánh văn phòng, vào vai một bà dì khó tính ở quê lên; ông Trịnh Long Nhi từ Ban Tuyên huấn Xứ ủy đóng vai một nhà giáo ngày ngày đi dạy học; bà Nguyễn Thị Loan, một đầu mối liên lạc từ Ban Tuyên huấn Xứ ủy về Thường vụ Xứ ủy, đóng vai em gái của ông Nhi, đồng thời là vợ của một sĩ quan quân đội Sài Gòn, chồng thường vắng nhà trong thời chinh chiến, bà Loan cùng hai con (cháu Công lên 7 tuổi và cháu Bình mới tập đi) phải ở dựa vào anh Hai; ông Phan Kim Thảo (Tám Thảo) công tác ở bộ phận mật mã từ Văn phòng Xứ ủy trước đó đóng vai anh nuôi, ngày ngày đi chợ lo cơm nước cho cả nhà; bà Nguyễn Thị Danh, vợ ông Nhi, một công chức thuế quan của chính quyền Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất; người em trai của ông Nhi là Trịnh Long Việt đang làm tư chức ở hãng Olympic đứng làm chủ hộ về hành chính. Bà Danh và ông Việt tình nguyện làm bình phong che giấu cho Văn phòng. Chi bộ Văn phòng do Thường vụ Xứ ủy Lê Toàn Thư trực tiếp chỉ đạo. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Gia đình đặc biệt này người bên ngoài nhìn vào sẽ chỉ thấy bình thường như bao gia đình khác, có đàn ông, đàn bà, có người lớn, có trẻ con thuộc hàng gia đình trung lưu. Nhưng thực tế nơi đây, dưới sự dẫn dắt của Bí thư Chi bộ, Chánh văn phòng Xứ ủy Nguyễn Thị Một - người chịu trách nhiệm chính về hoạt động của văn phòng, đã trở thành một trung tâm liên lạc hai chiều từ Thường vụ Xứ ủy đến các liên tỉnh ủy, các ban chuyên môn của Xứ ủy - giữ được mạch máu lưu thông trong cơ thể Đảng, để tập trung được thông tin, giúp Đảng nắm tình hình để kịp thời chỉ đạo phong trào trên phạm vi toàn Nam Bộ chăm sóc và bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Xứ ủy mỗi khi hội họp... </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Với vai trò vô cùng quan trọng như thế, những biện pháp đề phòng bất trắc đã được đặt ra theo những phương án cụ thể. Khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy về ở và làm việc tại văn phòng, công tác bảo vệ, phục vụ đồng chí lãnh đạo đã được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tạo cho đồng chí những điều kiện sinh hoạt và làm việc tốt nhất, an toàn nhất. Do đó, trong khoảng thời gian hai năm tồn tại ngay trong nội thành Sài Gòn - đầu não của địch, những hoạt động của gia đình đặc biệt này không hề bị địch theo dõi cho đến ngày cơ quan Xứ ủy rời Sài Gòn qua nước bạn Campuchia.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Bà Nguyễn Thị Loan, hiện dù đã rất cao tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, tiếp chuyện với chúng tôi, bà tỏ ra linh hoạt và đầy hân hoan khi kể về những hoạt động của Văn phòng Xứ ủy giữa nanh vuốt kẻ thù. Bà kể, sau Hiệp định Geneva, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đi tập kết ra Bắc, trong đó có chồng của bà. Nhưng bà lại được tổ chức yêu cầu bám trụ miền Nam, lúc ấy bà đã một nách hai con, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Đầu năm 1956, bà được tổ chức điều về xây dựng cơ sở cho Ban Tuyên huấn Xứ ủy, giữ đầu mối liên lạc trong nội bộ Ban Tuyên huấn Xứ ủy và từ Ban Tuyên huấn về Thường vụ Xứ ủy. Sau đó bà được điều về Văn phòng Xứ ủy, từ đây bà bước vào đại gia đình đặc biệt và nhận “vai diễn” để đời cùng với các đồng đội khác. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Bà Loan cho biết, thời gian đồng chí Lê Duẩn ở Văn phòng Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc bấy giờ là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, cũng có vài lần đến làm việc. Những lúc này, mọi người trong văn phòng luôn tập trung chú ý phân công nhau ngồi ở trước nhà để canh chừng động tĩnh bên ngoài, nhằm bảo đảm an toàn cho hai vị lãnh đạo. Bên cạnh đó, Thường vụ Xứ ủy Lê Toàn Thư cũng thỉnh thoảng ghé qua báo cáo tình hình với Bí thư Xứ ủy, nhận nhiệm vụ, tranh thủ trao đổi với các thành viên rồi lại đi. Còn lại mọi việc lớn nhỏ của Văn phòng Xứ ủy đều do người nữ Bí thư Chi bộ, Chánh văn phòng Nguyễn Thị Một quyết định và có ý kiến chỉ đạo, trừ trường hợp nghiêm trọng, cấp bách mới dám làm phiền đến đồng chí Bí thư Xứ ủy.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ông Phan Kim Thảo, dù xấp xỉ tuổi với bà Loan, nhưng có vẻ sức khỏe yếu hơn, tuy vậy, mọi chuyện của văn phòng hồi ấy ông vẫn nhớ như in và đã kể lại cho chúng tôi nghe về quãng thời gian đóng “vai diễn đặc biệt” của mình với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi. Ông Thảo cho biết, trước khi Hiệp định Geneva được ký kết, ông công tác ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Sau đó, ông về thành và bất ngờ nhận được quyết định về hoạt động ở Văn phòng Xứ ủy với vai diễn - làm anh nuôi. Thực ra công việc chính của ông là phụ trách giữ gìn, cất giấu tài liệu cơ quan, đồng thời ông cũng là người bảo vệ cơ sở và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong văn phòng. Đặc biệt, ông là người lãnh trọng trách chính chép lại bằng “bạch chỉ” (mực viết là nước ngâm trái ngũ bội, khi viết được chữ nào là chữ đó lặn mất không thấy được, khi đọc phải thoa hóa chất để chữ nổi lên) bản dự thảo “Đề cương đường lối Cách mạng Việt Nam ở miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn chấp bút.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><img height="265" width="448" src="3_TONG2509-450.jpg" alt="" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span class="main_content" id="lbBody"><font size="2">Tổng Bí thư Lê Duẩn và đoàn đại biểu phụ nữ Nam Bộ năm 1976.</font></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Một tập thể trung kiên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trong một bài phát biểu trước đây về Chi bộ Văn phòng này, bà Nguyễn Thị Một, với vai trò là Bí thư Chi bộ, Chánh văn phòng, cho rằng lúc đầu các thành viên chỉ có nhiệm vụ bảo vệ làm sao không để bị địch dòm ngó, phát hiện ra văn phòng đặc biệt này. Nhưng sau đó khi đồng chí Lê Duẩn về đây ăn ở, hoạt động thì nhiệm vụ của Chi bộ vô cùng quan trọng, nặng nề gấp bội, bởi đây đương nhiên trở thành một cơ quan đầu não của cách mạng ở miền Nam. “Khi có đồng chí Lê Duẩn đến thì mỗi người đảng viên người nào cũng thấy trách nhiệm của mình, nếu có vấn đề gì sơ sót thì sẽ tổn hại rất lớn đến Đảng và tất cả anh chị em cũng phải chịu trách nhiệm rất lớn với Đảng… Do đó, chúng tôi đã hết sức cẩn trọng và thấy rõ trách nhiệm của mình đối với Đảng, đối với đồng chí Xứ ủy (sau này là Tổng Bí thư)…”. </span></span></div>
<table align="right" cellspacing="1" cellpadding="1" border="1" style="width: 241px; height: 200px;">
<tbody>
<tr>
<td><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Cho đến hôm nay, sau hơn 35 năm đất nước thống nhất, một số thành viên của Chi bộ Văn phòng đã mất, còn lại do tuổi đã cao, chiến công thầm lặng của Chi bộ Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương và ghi nhận xứng đáng với công lao của họ. Theo đó, ngày 27/4/2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 544/QĐ-CTN phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ (thời kỳ 1956-1957) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.</span></span>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngày 12/6/2012, Văn phòng Trung ương Đảng sẽ tổ chức trọng thể lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng cho Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ (thời kỳ 1956-1957).</span></span></div>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> <br />
</span></span><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Có lẽ chính vì nhiệm vụ nặng nề như vậy nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, biết gắn liền việc bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh đạo với việc bảo vệ cơ sở, bảo vệ chính bản thân mình, các thành viên của Chi bộ Văn phòng đã thực hiện xuất sắc vai trò của mình, đúng như đồng chí Lê Toàn Thư (hiện đã mất) - Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ đã từng có lần phát biểu rằng: “Tất cả chúng ta đều một lòng lo lắng đầy trách nhiệm đối với việc bảo vệ lãnh tụ của cách mạng... Anh Ba có tinh thần cảnh giác rất cao… không bao giờ anh Ba ở lâu một chỗ được năm, mười ngày, có khi anh tới chỗ này được một, hai hôm rồi lại rời đi chỗ khác... Anh Ba ở với cơ quan chúng ta lâu như thế là đã có một sự tin cậy rất cao…”. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sau khi đồng chí Bí thư Xứ ủy qua Campuchia tiếp tục hoạt động, Chi bộ đã giải thể vào tháng 4/1957, các đảng viên trong Chi bộ đã được Xứ ủy tiếp tục giao các nhiệm vụ khác.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Qua quá trình tồn tại và hoạt động của văn phòng này, có thể nói, đây là một trong những văn phòng “có một không hai” trong cả hai cuộc đấu tranh kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tính chất đặc biệt, là Chi bộ một cơ quan lãnh đạo của Đảng hoạt động trong lòng địch nên những nhiệm vụ đặt ra cho Chi bộ hết sức nặng nề, cực kỳ cẩn mật. Do đó, tất cả các thành viên trong văn phòng luôn có sự phối hợp nhịp nhàng, hợp lý khiến cho cả một bộ máy gồm nhiều cơ quan, bộ phận an ninh khét tiếng của ngụy quyền Sài Gòn không thể nào “đánh hơi”, phát hiện ra được dù thời gian tồn tại của nó có sự liên tục và không phải ngắn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đặc biệt, văn phòng này đã là nơi sinh hoạt, làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy lúc bấy giờ, chính tại đây, bản dự thảo “Đề cương đường lối Cách mạng Việt Nam ở miền Nam” đã được đồng chí Lê Duẩn hoàn thành. Đây là tài liệu vô cùng quan trọng có tính chất đánh giá toàn diện âm mưu của Mỹ - ngụy và cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam để đề xuất với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng cho chỉ thị và áp dụng vào cuộc cách mạng ở miền Nam. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">PHÚ LỮ - CÔNG TRƯỜNG</span></span></strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<em>(Theo CAND online)</em><br />
<br />
<br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>