<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;">Những con người đã làm nên lịch sử</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Tối ngày 24/7, chương trình Kỷ niệm 65 năm ngày Thương bình – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2012) đã diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Đến tham dự có đồng chí Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – UVBCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Chánh Trực – Nguyên Bí thư Thành Đoàn, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn và đại diện các gia đình của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, những đồng chí, đồng đội đã chiến đấu cùng với các liệt sĩ.</span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><img src="H_NH%20-%20Copy.JPG" alt="" /></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cô Mười Thu (thứ hai từ trái sang) và các cô chú trong CLB truyền thống Thành Đoàn nhớ lại những kỷ niệm cùng với đồng đội một thời hoa lửa.</span></span></em></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;">Buổi họp mặt là dịp các cô, chú - những cán bộ Thành Đoàn năm xưa ôn lại kỷ niệm một thời máu lửa. Trong cuộc đấu tranh gian khổ đó, 250 cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Thành Đoàn đã anh dũng hi sinh. Chân dung những thủ lĩnh thanh niên bất khuất như Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ, Đỗ Ngọc Thạnh, Trần Quang Cơ, Hồ Hảo Hớn vẫn còn hiện diện mãi với thời gian. Những cán bộ Thành Đoàn thời bí mật là lực lượng xung kích trong các trận đánh trong lòng đô thị và nhiều anh hùng, liệt sĩ Thành Đoàn đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Năm 2012, 5 liệt sĩ Thành Đoàn thời chống Mỹ cứu nước vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là Liệt sĩ Đàm Thanh Quang (Ba Gia), Liệt sĩ Nguyễn Sơn Hà (Bảy Thép), Liệt sĩ Võ Thị Lớn (Út Thu), Liệt sĩ Lê Văn Nghề (Năm Lăng), Liệt sĩ Trang Văn Học (Năm Tranh).</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Cô Nguyễn Thị Cúc (Mười Thu) đã kể lại trận đánh chợ Bàn Cờ mà cô cùng tham gia với hai Liệt sĩ Nguyễn Sơn Hà (Bảy Thép) và Liệt sĩ Lê Văn Nghề (Năm Lăng). </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Hai Liệt sĩ Bảy Thép và Năm Lăng là những người có tính kỷ luật chiến đấu cao, luôn có cách ứng phó trong tình huống bất ngờ. Trong trận đánh chợ Bàn Cờ, khi chú Bảy Thép nhận được hai cây súng AK và bốn băng đạn đã vô cùng hạnh phúc khi được tiếp ứng vũ khí cho dù đó không phải số lượng nhiều. Trong trận đánh đội của các cô chú bị bao vây tứ phía, chú Bảy Thép rất bình tĩnh và lạc quan, dũng cảm chỉ huy đồng đội. Chú nói với các đồng đội rằng: “Nếu may mắn mình còn thoát được, còn không mình sẽ biến con hẻm này thành con hẻm lịch sử”. Không đầu hàng giặc, chú Năm Lăng đã hi sinh rồi đến chú Bảy Thép cũng hi sinh, trong không gian yên tĩnh bỗng vang lên: “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm”.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Liệt sĩ Võ Thị Lớn – Bí danh Út Thu, nguyên là chiến sĩ lực lượng vũ trang biệt động Khu đoàn Sài Gòn – Gia Định. Chú Huỳnh Văn Minh (Ba Dừa) – Nguyên Ủy viên thường vụ Thành Đoàn những năm 1970 nhận xét về cô Út Thu: “Đồng chí Út Thu là một cô gái nhỏ bé, mảnh mai nhưng vô cùng dũng cảm, dù biết là nguy hiểm nhưng đồng chí ấy vẫn kiên quyết chuyển bom vào nội thành, tiếp ứng vũ khí cho lực lượng đấu tranh trong lòng địch”.<br />
Cô Út Thu là người đã dũng cảm chuyển quả bom DH10 vào lòng đô thị, không may chiếc xe đạp bị ngã, quả bom rơi xuống. Để tránh gây thương vong cho người dân xung quanh, cô Út Thu đã lấy thân mình ôm quả bom và hi sinh khi vừa tròn 22 tuổi.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngày 27/7 hằng năm đã trở thành dịp để dân tộc ta tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã đổ máu xương cho công cuộc bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng hơn hết là thế hệ trẻ chúng ta nhìn lại cuộc đấu tranh gian khổ để biết trân trọng thành quả mà cha anh để lại</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Thông qua những câu chuyện do chính các cô chú là người trong cuộc kể lại, các bạn trẻ thấu hiểu những gian khổ, mất mát mà chiến tranh đem lại. Từ đó, mỗi người tự soi lại mình để sống xứng đáng với sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, góp sức nhiều hơn vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.</span></div>
<div style="text-align: right;"><strong><br />
</strong></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;">HẢI YẾN</span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></div>
</meta>
</div>
</meta>
</div> </html>