<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Thanh niên xây dựng xã hội học tập</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Xã hội học tập, xét từ góc độ đối tượng tham gia hoạt động, là một xã hội mà “ai cũng học và ai cũng lo cho người khác học”. Trong tham luận này, học được hiểu như là một hoạt động chủ động của con người nhằm tiếp thu những hiểu biết, kỹ năng, nếp sống, thói quen… mới. Ở đây xin nhấn mạnh từ hoạt động chủ động nhằm phân biệt với tình trạng thụ động bị ảnh hưởng, bị lây nhiễm bởi môi trường xung quanh.<br />
<br />
Trong đời người, tuổi thanh niên là giai đoạn mà cảm hứng học tập là cao nhất, với sức lực dồi dào nhất, tính tình xông xáo nhất, và khả năng tiếp thu tốt nhất. Thanh niên khi học ít bị ràng buộc bởi các định kiến, thói quen nặng nề như người già nên dễ làm quen và làm chủ cái mới hơn. <br />
<br />
Nói đến việc học của thanh niên, phải làm rõ những câu hỏi quan trọng sau đây: học để làm gì; học ở đâu; học cái gì và học như thế nào.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><img width="448" height="336" alt="" src="1%20(2)(1).JPG" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em>Thanh niên góp phần tham gia xây dựng xã hội học tập</em></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trước hết là <em><strong>học để làm gì,</strong></em> nói cách khác học nhằm mục tiêu gì? Học để biết, để tiếp thu tri thức mới, tiếp cận với kho báu trí tuệ của nhân loại, đây chính là một trong bốn trụ cột của giáo dục đã được nêu trong văn bản của UNESCO. Tri thức của loài người tích lũy được trong quá trình lịch sử của mình được gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được củng cố, được phát triển, được lan truyền chính là nhờ quá trình học của thế hệ sau từ thế hệ đi trước. <br />
<br />
Nhưng học không dừng lại ở mức biết, mà học còn phải để làm. UNESCO nêu trụ cột thứ hai của giáo dục là học để làm. Bác Hồ thì căn dặn học để biết phải trái, học để hành. Biết hành chính là đạt đến cấp độ cao hơn trong việc học, nhờ hành mà ta hiểu cặn kẽ hơn, hiểu sâu tri thức đã có, trồng “cây đời mãi mãi xanh tươi” vào mớ “lý luận màu xám” đã học. Học mà chỉ dừng lại ở mức biết, mức lý thuyết thôi thì bản thân người học cũng nhận thấy việc học là chán ngán, xã hội cũng không được lợi lộc gì từ người chỉ biết mà không thực hành được, thậm chí xã hội còn lên án những người nói một đằng, làm một nẻo là kẻ đạo đức giả. Bác Hồ chỉ rõ mục đích học tập của cán bộ là để sửa chữa tư tưởng, để tu dưỡng đạo đức cách mạng…, để tin tưởng vào tương lai của dân tộc và cách mạng, học để hành. Vì vậy thanh niên nên hết sức tránh bệnh nói lý thuyết suông, nói “cao đạo” mà phải gắn với hành động cụ thể, việc làm cụ thể dù là nhỏ. Học nếp sống văn minh rồi mà ném rác xuống kênh rạch, mà khạc nhổ ra đường, mà nói điện thoại oang oang chốn đông người… làm như vậy thì chỉ có thể gọi là người kém văn hóa. Thử đặt cho thanh niên câu hỏi học để làm gì và tổng kết lại các câu trả lời, có thể nhận ra thanh niên hiện nay học vì một hay nhiều lẽ sau đây: học để không thua kém bạn bè; học để có việc làm, để đảm bào cho mình và gia đình một cuộc sống sung túc; học để có bằng cấp và được chuẩn hóa đạt yêu cầu của một cương vị nào đó; học để thỏa mãn khát khao hiểu biết; học để “Việt Nam vẻ vang sánh vai cùng cường quốc năm châu”. Trong thâm tâm mình, người Đoàn viên TNCS đích thực, một cán bộ Đoàn nhiệt huyết sẽ chọn lẽ học nào? Nguyễn Tất Thành vào đầu thế kỷ trước đã Tây du mà học để hiểu rõ đằng sau ba từ đẹp đẽ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là gì, học để tìm đường cứu nước. <br />
<br />
Thứ hai là <em><strong>học ở đâu</strong></em>, đừng lầm tưởng đã học là chỉ có ở trường. Nguyên tắc học tập 25/75 cho biết chỉ có 25% hiểu biết cần thiết để sống ở đời là thu được từ nhà trường, 75% còn lại là tự thu lượm lấy, tự học lấy ngoài đời. Học ở bạn theo tục ngữ “học thầy không tày học bạn”, học trong đời sống thường ngày nhờ quan sát, suy nghĩ, chiêm nghiệm thực tế, học trong thành công lẫn thất bại của mình và của người. Rất nhiều người trở thành danh nhân mà không hề tốt nghiệp từ trường đại học nổi tiếng, thậm chí không hề học đại học mà nhờ biết lấy cuộc đời làm trường đại học lớn nhất của mình. Hồ Chí Minh là một người như thế. Thời còn trẻ, do hoàn cảnh phải đi làm thuê cực nhọc để kiếm miếng ăn, có tiền mà hoạt động cách mạng bí mật, Nguyễn Tất Thành ít được học ở trường nên đã phải tranh thủ học mọi nơi, mọi lúc, “học trong đời sống của mình và học ở giai cấp công nhân”. Có một câu chuyện như sau về Nguyễn Tất Thành khi lên đường qua Pháp trên chiếc tàu biển Latouche Tréville. Qua Pháp để tìm con đường cứu nước lúc 21 tuổi, mới học xong sơ học yếu lược hết tiểu học, Nguyễn Tất Thành đã đặt quyết tâm phải tranh thủ học tiếng Pháp. Làm bồi tàu, phải làm việc nặng nhọc từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm, lấy đâu thì giờ mà học tiếng Pháp? Người thanh niên 21 tuổi giàu ý chí này đã nhờ người giỏi tiếng Pháp viết bằng bút mực lên mu bàn tay mình mỗi ngày mấy chữ tiếng Pháp - viết lên mu bàn tay chứ không phải ra giấy - để có thể vừa thái rau, rửa chén… vừa liếc vào đó mà học. Cứ như vậy đến cuối buổi làm việc thì mồ hôi đầm đìa, chữ cũng mờ đi nhưng đã được học thuộc. Người đã nêu một tấm gương tuyệt vời về ham học, học suốt đời, học mọi nơi mọi lúc, học ngoài đời đó là lấy tự học làm chính. <br />
<br />
Thứ ba là <em><strong>học cái gì</strong></em>, tất nhiên là học kiến thức văn hóa (học chữ), học kỹ năng nghề nghiệp (học nghề). Ngoài ra còn phải học cách cư xử văn minh với gia đình, xã hội và môi trường. Nhưng như thế vẫn còn thiếu. Còn phải học… cách học. Có một nhà tương lai học từng nói: “Trong thế kỷ 21, người thất học là người không biết cách học”. Vậy học cách học là học cái gì? Đó là học những điều rất bình thường mà nhà trường ít hoặc quên dạy, mà ai cũng tưởng rằng mình biết rồi như học cách đọc sách, cách ghi chép sao cho nhanh mà hiệu quả cao, cách suy nghĩ sao cho khoa học, lôgic và sáng tạo. Có người sẽ thắc mắc: biết chữ thì tự nhiên là biết đọc sách rồi, cần gì phải học cách đọc sách? Ai cũng biết sách là kho tàng trí tuệ vô cùng phong phú, một phương tiện vô cùng hữu hiệu để học tập, một phương tiện rất dễ tiếp cận. Nhưng tại sao có người đọc xong cuốn sách khi gấp lại thì chẳng còn nhớ gì dù là đọc rất chậm, rất kỹ, có người thì nhớ đến 10- 20% nội dung chính, có người nằm hầu hết nội dung chính dù đọc rất nhanh, lại có người còn đọc ra được “những điều giữa các hàng chữ”? Đó là do trình độ đọc sách của những người đó khác nhau, người thu nhận được nhiều hơn từ cuốn sách là do có kỹ thuật đọc tốt hơn, tâm lý đọc tốt hơn, trí nhớ tốt hơn. Ngày nay có rất nhiều sách dạy cách đọc sách, cách ghi chép, cách luyện trí nhớ, cách suy nghĩ… mà người ham học có thể đem về, đọc, áp dụng và rèn luyện để biết cách học. Học cách học chính là đặt nền móng vững chắc nhất bảo đảm cho việc tiến xa sau này. <br />
<br />
Thứ tư là <em><strong>học như thế nào? </strong></em>Phải học mọi nơi, mọi lúc, tranh thủ thời gian mà học, mà làm giàu hiểu biết. Ngày nay với sự tiến bộ như vũ bão của khoa học công nghệ, khi tri thức loài người đang tăng theo cấp số nhân, một người dù đã từng đạt một trình độ cao nào đó mà ngưng học thì sớm muộn gì cũng trở nên lạc hậu, cũng trở thành người dốt. Ai cũng có thể chủ động học những điều bổ ích cho mình qua máy tính nối mạng, qua ti vi, qua đài phát thanh, qua nghe báo cáo chuyên đề học qua đọc sách, đọc báo có ghi chép (bằng hình ảnh, âm thanh hay chữ) bằng cách lựa chọn có chủ đích chương trình, nội dung phù hợp với yêu cầu hiểu biết của mình. Nhiều thanh niên còn trẻ mà nói rằng do thiếu thời gian học tập nên ngoài thời gian làm việc ra thì hoạt động thích nhất, thường xuyên nhất của mình là đi… mua sắm. Thật uổng phí tuổi xuân. <br />
<br />
Đặc biệt thanh niên khi học chớ suy nghĩ xuôi chiều, rập khuôn, học theo kiểu thuộc lòng để “trả bài” mà phải luôn học đi với hỏi, tập cách lật ngược vấn đề và suy rộng vấn đề, tìm hiểu những nguồn thông tin khác liên quan rồi phản biện và tự phản biện để hiểu đúng, hiểu sâu và toàn diện vấn đề hơn, hình thành một thứ niềm tin có lý trí, có cơ sở khoa học và thực tiễn vào những vấn đề mình xem là chân lý chứ không mù quáng theo hùa. Xin nêu một dẫn chứng: Bác Hồ luôn ca ngợi chủ nghĩa Mác Lê nin là tinh hoa của mọi học thuyết nhưng cũng đồng thời đặt vấn đề “xem xét lại chủ nghĩa Mác trên cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”. Trong bài Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ viết tại Matxcơva năm 1924, Người lý giải: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng là lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. <br />
<br />
Thanh niên xây dựng xã hội học tập, ngoài việc lo cho mình học thì còn một nhiệm vụ quan trọng nữa là giúp cho người khác học. Người khác là ai? Có thể là thành viên trong gia đình, trong tổ chức mình đang làm việc hay học tập, là láng giềng trong khu dân cư, là dân cư một vùng nào đó còn khó khăn... Giúp người khác học là làm gì? Có muôn vàn cách: nhắc nhở người lớn không mở lớn ti vi, đừng làm ồn để trẻ con học bài buổi tối; kiên trì hướng dẫn ông bà sử dụng điện thoại di động hay máy tính; mách cho bạn về một quyển sách hay, một phần mềm máy tính tiện lợi; tổ chức buổi học tập, nghe báo cáo chuyên đề bổ ích tại đơn vị hay khu dân cư hướng dẫn một sinh hoạt câu lạc bộ thanh thiếu niên; vận động nhau làm đường, làm cầu, tặng sách giáo khoa, sách đọc… cho trẻ em vùng sâu vùng xa… Chính trong quá trình “lo cho người khác học” mà thanh niên sẽ học thêm được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống, làm phong phú đời sống tâm hồn của mình, vốn sống của mình.<br />
<br />
Xây dựng xã hội học tập là một sự nghiệp đầy khó khăn, thử thách đối với ý chí của mỗi thanh niên bởi nó đòi hỏi tinh thần vượt lên chính mình, chiến thắng những quan niệm lạc hậu, những thói quen trì trệ lâu nay vẫn điều khiển mình. Nhưng bao giờ cũng vậy, “muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>TS. Hồ Thiệu Hùng - </strong> <br />
<em>Nguyên Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy, <br />
nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo<br />
</em><br />
<br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>