<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><br />
Giáo dục đạo đức – nhìn từ góc độ tâm lý xã hội </span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tình trạng “lạm phát” các hành vi bạo lực, thể hiện nếp sống thiếu tổ chức, buông thả và vi phạm pháp luật trong vài năm gần đây là một vấn đề khá nghiêm trọng với những mức độ khác nhau. Nhưng hình như đến khi có những sự cố như có clip nữ sinh đánh bạn được tung lên mạng hoặc những băng nhóm cướp giật tuổi “teen” bị phát hiện thì mọi người mới thực sự quan tâm. Thực ra nếu có những cảnh báo sớm hơn, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này thì có lẽ tình hình có thể chưa đến nỗi trầm trọng và gây bức xúc đến như vậy. Hiện nay các bậc phụ huynh và giáo viên, những nhà quản lý đang hết sức lo lắng về những dâu hiệu cho thấy đang có sự suy thoái đạo đức lối sống trong lớp trẻ, thậm chí dấu hiệu ấy bộc lộ ngày càng nhiều…Việc các bậc phụ huynh sốc và các nhà quản lý giáo dục lo lắng cũng dễ hiểu bởi lẽ họ không thể tưởng tượng được điều xảy và họ đang cảm thấy “bất lực” trước tình trạng này, họ cảm thấy chính mình hình như cũng đang bị… mất phương hướng trong giáo dục. Nguyên nhân làm đạo đức có dấu hiệu xuống cấp và các hành vi vi phạm pháp luật có khuynh hướng gia tăng không chỉ từ nhà trường hay gia đình mà còn vì nhiều vấn đề khác, trong đó xã hội, người lớn cũng đã có phần không nhỏ. Người lớn ở đây là nói về người lớn cả trong gia đình, trong xã hội và trong cả nhà trường…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><img width="400" height="300" src="bao-luc-hoc-duong.jpg" alt="" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Nạn bạo lực học đường </span></span>vẫn đang tìm "lời giải", ảnh: Internet</em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<em><strong>Về phía xã hội:</strong></em> Có thể nhận thấy rằng, trong những năm gần đây, cảnh bạo lực diễn ra trên khắp các lĩnh vực: Bạo lực sân cỏ - Cầu thủ đánh nhau, Huấn luyện viên chửi bới trọng tài, cổ động viên “choảng” nhau không thương tiếc và tình trạng này hiện vẫn chưa có hồi kết! Bạo lực kinh doanh - Đâm chém nhau tranh giành thị phần, nhiều chiêu “dằn mặt” dữ tợn giữa các công ty để cạnh tranh, giành giật khách hàng, bảo vệ rượt đuổi đanh nhau tràn lan. Ngoài đường phố - Taxi húc xe vào cảnh sát, đánh lại cảnh sát, nhiều băng nhóm thanh toán nhau đẫm máu ngay trong khu phố, hiện tượng trả thù bằng các hình thức “khủng bố” xuất hiện. Bạo lực gia đình - Con cái hù dọa cha mẹ, mẹ đánh đập con đến gây thương tích nặng, con hành hạ cha đến ngất xỉu… Và rất nhiều hình thức bạo lực khác chứ không riêng gì bạo lực học đường. Tại sao những hiện tượng như vậy lại xảy ra ở xã hội ta? Tại sao ngày nay những hiện tượng đó vẫn chưa được hạn chế mà còn có khuynh hướng gia tăng? Tất nhiên, những hiện tượng như vậy không phải là phổ biến, không phản ánh bản chất của các vấn đề xã hội, nhưng thử hỏi nếu nhiều năm sau y như vậy, điều đó có còn là một hiện tượng không phổ biến nữa hay không? Điều gì lẫn khuất đằng sau những hình thức bạo lực như vậy? Bạo lực học đường chỉ là một phần nhỏ trong hiện trạng chung của xã hội nhưng có điều đáng quan tâm nhiều hơn. Chuyện học trò đánh nhau có thể xem là chuyện bình thường vì cuộc đời đi học lắm thứ suy nghĩ hành động lung tung, vì đó là hiện tượng của “thứ ba học trò” nhưng tại sao trước đây nhiều năm, hiện tượng học trò đánh nhau không để lại những hậu quả nghiêm trọng? Tại sao ngày nay, tính chất nghiêm trọng của vấn đề lại trở nên dữ dội đến vậy khi các cuộc đánh nhau thường kèm theo hung khí, thậm chí đã có nhiều cuộc thanh toán chết người giữa học sinh, sinh viên? Điều gì đang xảy ra đằng sau những hiện tượng bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng?<br />
<br />
Hiện nay các giá trị xã hội đang thay đổi, các bạn trẻ lại chưa được giáo dục giá trị một cách bài bản, đồng bộ và do đó, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đang có khuynh hướng khủng hoảng giá trị, tiếp thu các giá trị ảo, giá trị không phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Nhiều bạn trẻ đã định vị bản thân không rõ ràng, đôi khi quá cường điệu hoặc quá mặc cảm về mình mà trở nên mất phương hướng và hành động một cách thiếu cân nhắc. Một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ ngày nay chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội sâu sắc, ít hiểu biết về pháp luật và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng với tình huống bất thường nên có thể hành động nông nổi thậm chí quá khích, sự quá khích chính họ không nhận thức được. Trong trường hợp này, xã hội nói chung, người lớn nói riêng có vai trò gì trong việc định hướng và giáo dục giá trị…? Mặt khác, môi trường xã hội có những tác động nhiều chiều vào nhận thức và tình cảm của các bạn trẻ, trong đó có một số tác động tiêu cực hình thành nên cách sống “an toàn là trên hết” vì họ cảm thấy thiếu an toàn và do đó họ có những phản ứng tự vệ hơi thái quá vì thiếu kỹ năng và điều đó trở thành một thói quen ứng xử họ cho là bình thường. Trên đường phố ai sẽ bảo vệ học sinh khi các bạn gặp sự cố hoặc bị ai đó đe dọa? Một khi các bạn học sinh phải tìm mọi cách để có cảm giác an toàn, hoặc lặng thầm chịu đựng, hoặc tìm cách chống lại kịch liệt thì tâm trạng lo lắng ấy được mang vào tận lớp học và có thể chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, các em đã không đủ sức tỉnh táo để “tự vệ chính đáng”. Trong khuôn viên nhà trường, giáo viên không phải và không thể đóng vai của một chiến sĩ công an, không phải là một quan tòa để lúc nào cũng phân xử một cách lạnh lùng các vụ đánh nhau, nhiều khi đánh nhau mà giáo viên không hay biết. Ngay chính giáo viên nhiều lúc cũng không thấy an toàn khi giải quyết một mâu thuẫn nào đó của học sinh thì làm sao tình hình được sáng sủa…?<br />
<br />
Ở một góc độ khác, các bạn trẻ ngày nay được đánh giá quá cao, thậm chí một vài trường hợp quá đề cao làm cho các bạn ngộ nhận về bản thân mình và xem thường người khác, xem thường các giá trị truyền thống và có những hành vi vượt ngưỡng cho phép. Trong một số trường hợp, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, các bạn trẻ quan sát chứng kiến điều trái tai gai mắt không được xử lý nghiêm túc, một bộ phận người trẻ cho rằng, người có tiền có thể mua được nhiều thứ, thậm chí mua được sự an toàn cho mình, do vậy họ biết cậy thế, ỷ lại vào sự “bảo kê” của một ai đó và họ cứ hành động theo sở thích và theo cảm xúc của mình. Chính điều này đã làm cho một số bạn trẻ mất niềm tin về cuộc sống, mất niềm tin về điều thiện và thử đi tìm một cách thức ứng xử “khác thường”. Hơn nữa, chúng ta đang cổ súy tự do nhưng môi trường tự do có khi thái quá, nhất là trong các lĩnh vực “nhạy cảm” với bạn trẻ như tiếp cận với các ấn phẩm văn hóa, tự do tìm kiếm thông tin sex, tự do uống rượu bia... đã làm các bạn trẻ cảm thấy mình được tự do sống “sành điệu” và thể hiện cảm xúc một cách không kiểm soát và… đánh nhau như một liệu pháp giải tỏa căng thẳng của các bạn ấy… Xã hội đã có những biện pháp hữu hiệu nào nhằm ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực từ những ấn phẩm độc hại, làm băng hoại tinh thần tuổi trẻ như phim sex, các trò chơi bạo lực nhan nhản…? Trong khá nhiều trường hợp, người lớn đã không gương mẫu trong sinh hoạt gia đình, trong việc thực hiện các mối quan hệ xã hội, trong việc thực hiện nếp sống thông thường của một công dân thông thường. Nhiều người lớn đã “dập tắt” tinh thần cộng đồng hoặc những nét tính cách tốt đẹp của trẻ em ngay từ bậc học mầm non chỉ vì lối sống quá ích kỹ của họ và thật trớ trêu thay, họ sống ích kỹ, sống bất chấp kỹ cương mà họ vẫn giàu có hơn người khác, vẫn sống sung sướng hơn rất nhiều người khác…<br />
<br />
<em><strong>Về phía nhà trường:</strong></em> Do nhiều lý do, cho đến nay, áp lực về việc cố gắng hoàn thành chương trình vẫn còn gây khó khăn cho giáo viên trong việc đa dạng hóa các hình thức dạy học nhằm mục tiêu “giáo dục con người”, việc dạy chữ vẫn còn phổ biến hơn là dạy người. Và cũng vì nhiều lý do, môi trường sư phạm một số nơi chưa được bảo đảm có khi gây phản cảm với học sinh như việc buôn bán lẫn lộn, nhiều khi các hình thức giới thiệu sản phẩm chưa phù hợp đến tận sân trường gây ngộ nhận cho học sinh về môi trường sư phạm. Đặc biệt một số giáo viên đã chưa gương mẫu, tác phong thiếu nghiêm túc, có những hành vi xúc phạm học sinh, thậm chí xâm hại học sinh, hiện tượng đối xử không công bằng đối với các em học sinh đã làm nhiều em bức xúc và do đó quậy phá là mộ hình thức “phản kháng” của các em, lâu rồi thành thói quen… phá phách và đánh nhau là một hình thức “cân bằng” căng thẳng.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"> </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và hoàn thiện nhân cách vì gia đình có những điều kiện mà các môi trường giáo dục khác không có. Hiện nay, một số gia đình “khoán trắng” việc giáo dục con em mình cho nhà trường vì họ cho rằng mình không đủ thời gian cho công việc thì làm sao có thì giờ dạy con. Thật ra nếu xét một cách thấu đáo và xét cho cùng thì nếu quan tâm đầy đủ đến việc giáo dục con thì ai cũng có thể sắp xếp thời gian để chăm sóc con. Nhiều trường hợp một số bậc cha mẹ ngụy biện rằng vì con nên họ phải làm việc cật lực để có tiền nuôi con. Do đó nhiều ngày cha mẹ, con cái mỗi người một nơi, các con không hưởng được “phúc lợi gia đình” từ lòng yêu thương của cha mẹ. Các con không nhận được những cú hích tình cảm thần tiên từ cha mẹ, do vậy mối liện hệ gia đình trở nên lỏng lẻo và các giá trị đáng lý ra được vun đắp, củng cố từ gia đình trở nên xa vời với các bạn trẻ và sự hụt hẫng ấy có thể là nguồn gốc sâu xa của việc đánh nhau để biết mình đang tồn tại, đánh nhau để mọi người phải quan tâm đến mình. Tất nhiên, điều đó có thể đã được chìm lắng trong vô thức của các bạn và có dịp là bùng nổ. Nhiều cha mẹ cũng đã không gương mẫu trong gia đình, không thể hiện đầy đủ vai trò của cha của mẹ, có những hành xử không phù hợp chuẩn mực trong quan hệ với nhau, với hàng xóm và với các qui tắc ứng xử xã hội. Điều đó làm các bạn trẻ có suy nghĩ lệch lạc về cuộc đời và các bạn có thể bắt chước làm theo một cách vô tình và trở thành thói quen ứng xử… Vấn đề qua trọng nữa là các bậc cha mẹ thương con nhưng lại thiếu kỹ năng giáo dục con nên đôi khi phản tác dụng, các bạn trở nên ngỗ nghịch, ít chú ý đến người khác…<br />
<br />
Một điều quan trọng cần chú ý là bên cạnh các tác động từ gia đình nhà trường và xã hội nói chung, có nhiều mối nguy hiểm khác có thể đe dọa sự phát triển nhân cách của giới trẻ, đó là tâm lý sống thực dụng, sống hưởng thụ không giới hạn, tâm lý cá nhân trên hết, tâm lý sòng phẳng đến lạnh lùng của nhiều người đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận thức xã hội của các bạn trẻ và biểu hiện vô cảm là một dấu hiệu của điều đó.<br />
<br />
Giáo dục là một quá trình cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều phía, đã có nhiều biện pháp giáo dục xuất phát từ lòng yêu thương trẻ, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người lớn nhưng về phương pháp, đôi khi chúng ta đã chủ quan và áp đặt, có lúc mang tính hình thức... Việc nêu gương người tốt việc tốt là điều rất cần thiết và nên làm thường xuyên nhưng cần có chọn lọc và các tấm gương phải thể hiện ở nhiều mặt của cuộc sống, chú ý đến những giá trị sống gần gũi với tâm lý bạn trẻ. Hơn nữa người lớn cần hiểu các bạn trẻ nhiều hơn để biết họ nghĩ gì, muốn gì, thích làm điều gì và làm như thế nào… nhằm có những tác động giáo dục phù hợp, không gây căng thẳng, không làm mất cân bằng đời sống tinh thần của các bạn trẻ và quan trọng nữa là đối xử với các bạn trẻ như những thực thể giá trị trong những chừng mực nhất định để phát huy tinh thần trẻ trung trong họ.<br />
<br />
Cải tiến nội dung chương trình giảng dạy đạo đức trong trường phổ thông là điều có thể cân nhắc theo hướng quan tâm nhiều hơn đến những nét đẹp trong ứng xử giữa người với người trong gia đình, trường học và trong cuộc sống, giáo dục lòng tự hào dân tộc với các truyền thống hiếu học, nhân ái, bao dung… Việc giáo dục đạo đức cần quan tâm nhiều hơn về phươg pháp giảng dạy, làm sao cho các em có tâm hồn, biết yêu biết ghét, biết đúng biết sai, biết xấu hổ và tự trọng, biết khiêm nhường và tự tin, biết say mê nhưng có giới hạn…<br />
<br />
Sự xuống cấp về đạo đức thể hiện trong bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục và không chỉ là chuyện học đường mà là vấn đề có tính chất cảnh báo cho cả xã hội về một xu hướng sống, một xu hướng tâm lý lạ, đang âm ỉ cháy, đang hình thành một cách tự phát theo hướng tiêu cực, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến việc bảo tồn một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc. Các nhà quản lý cần nhận thức thật rõ, hiện tượng này phản ánh một nguy cơ tiềm ẩn về sự thay đổi giá trị và định hướng giá trị của lớp trẻ nói riêng và của xã hội nói chung. Chỉ có những tấm gương thật tốt của người lớn trong cách sống, trong lối sống thì mới có thể giáo dục học trò có hiệu quả. Tuổi trẻ cần được đầu tư, nghiên cứu để nhận thức chính xác về họ trong hoàn cảnh cụ thể và cần chủ động hơn nữa trong các tác động giáo dục. Một xã hội phát triển trong tương lai không thể không dựa vào các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên ngày nay. Các tác động giáo dục chỉ có ích khi chúng ta hiểu được đối tượng của mình và có những biện pháp xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu thương.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Điều chỉnh, thay đổi các hành vi lệch chuẩn là một quá trình hợp tác giữa cá nhân cộng đồng và nhà trường. Ý thức tự giác hay ý thức cộng đồng luôn được bắt đầu từ một nhận thức đúng kết hợp với một thái độ ủng hộ, hợp tác cần thiết, các em học sinh và các bạn trẻ nói chung cần được cung cấp tri thức về ứng xử, sinh hoạt cộng đồng một cách thường xuyên và hệ thống. Xã hội định hướng, thực hiện những qui tắc ứng xử một cách nhất quán theo một số hình thức cụ thể. Hãy tập các thói quen tốt từ trường Mầm non cho đến bậc học Đại học với những nội dung phù hợp trình độ và lứa tuổi thông qua chương trình giáo dục chính thức. Những thói quen tốt được hình thành là cơ hội tích cực cho việc tạo dựng một cung cách ứng xử văn minh.<br />
<br />
Các tổ chức xã hội và các đoàn thể có thể tập trung nhiều thời gian hơn cho việc thảo luận về giá trị, về các vấn đề nhân văn trong quan hệ người - người bên cạnh các phong trào bề nổi như đã có, đặc biệt là trong nhà trường phổ thông. Tấm gương sáng của giáo viên là một “công cụ” giáo dục hữu hiệu và có tác dụng rất mạnh đến việc hình thành nhận thức rõ ràng, tình cảm lành mạnh và hành động nhân văn đối với các em học sinh trong môi trường giáo dục phổ thông. Điều quan trọng hơn nữa là cần chú trọng đầu tư cho giáo dục gia đình vì gia đình là nơi đầu tiên và cũng là là nơi tiếp diễn, nơi cuối cùng phát huy tất cả các giá trị sống cho tất cả mọi người, gia đình là nơi có tác dụng giáo dục suốt đời cho mỗi cá nhân…<br />
<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong>TS. Đinh Phương Duy<br />
</strong><em>Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thành phố</em><br />
<br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>