<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Người mang lại niềm vui bất ngờ</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
Xuất thân con “nhà nòi” trong một gia đình có truyền thống nghề y, bác sĩ Vũ Bích Thụy – Khoa hiếm muộn, bệnh viện Từ Dũ luôn cháy hết mình trong công việc mang lại những niềm vui cho bệnh nhân hiếm muộn. <br />
</span></span><span style="font-size: small;"><br />
<strong>Người thích làm khoa học</strong><br />
</span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="448" height="597" src="IMG_7460.jpg" alt="" /></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, cơ duyên đưa chị gắn bó với khoa hiếm muộn với nhiệm vụ chẩn đoán và điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Vốn rất mê con nít chị hiểu được nỗi lòng của những cặp vợ chồng hiếm muộn, nhiều lúc nhìn thấy nét mặt thất vọng của những bệnh nhân, chị lại muốn tìm tòi ra những phương pháp mới để làm tăng khả năng thụ thai cho những cặp vợi chồng hiếm muộn. Năm 2008 – 2009, bác sĩ Bích Thụy tham gia khóa học thạc sĩ tại Úc chuyên ngành Phôi thai học lâm sàng, chứng kiến những thành quả tiên tiến của y học thế giới chị bắt đầu nghĩ ra những ý tưởng ứng dụng vào y học trong nước: Chuyển đổi quy trình nuôi cấy phôi theo hệ thống giếng thành quy trình nuôi cấy phôi theo hệ thống giọt có phủ dầu trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm; ứng dụng kỹ thuật sinh thiết và chẩn đoán một số bất thường số lượng nhiễm sắc thể của phôi sau rã đông trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ và các đề tài nghiên cứu quốc tế được đăng tải tại các trang báo nước ngoài…Vừa làm công tác chuyên môn, vừa tập trung vào nghiên cứu khoa học và tìm tòi những sáng kiến mới đã lấy đi của chị và đồng nghiệp không ít thời gian nhưng thành quả đạt được đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người. Đó là tỷ lệ thụ thai trong ống nghiệm tăng từ 28% (năm 2008) lên 38% (năm 2012).<br />
<br />
Trong nghiên cứu, chị gặp không ít những khó khăn trong quá trình thuyết phục người dân hiến phôi để nghiên cứu. Đồng thời các vấn đề nghiên cứu về phôi đòi hỏi kỹ thuật rất cao, người thực hiện di truyền có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong quy trình thực hiện và phân tích kết quả. “Thời gian bắt đầu thực hiện đề tài, tôi phải tự tìm tòi, thử nghiệm trên những phôi chất lượng kém. Vì kỹ thuật rất khó nên kết quả ban đầu không như mong đợi. Lúc đó, tôi chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của các thầy cô bên Úc. Có khi tôi phải ở lại bệnh viện đến 7 giờ tối, chụp từng tấm hình của phôi bào trước và sau thực hiện, viết chi tiết và cụ thể lại những gì đã làm rồi gửi email để hỏi các thầy cô ở Úc trong suốt 6 tháng đầu thực hiện. Sau đó, kinh nghiệm được đúc kết dần dần và lúc đó mới bắt tay vào làm thực sự”, bác sĩ Bích Thụy chia sẻ. Để có được những đề tài nghiên cứu khoa học đôi khi bác sĩ phải bỏ tiền túi ra để trang trải cho kinh phí tìm tài liệu và các trang thông tin nước ngoài. <br />
<br />
<strong>Tia sáng của những bệnh nhân hiếm muộn</strong><br />
<br />
“Cuộc sống có bao nhiêu đâu mà hững hờ”, đó là quan niệm sống của nữ bác sĩ này, có lẽ vì thế mà chị luôn sống và cống hiến hết mình. Bác sĩ Bích Thụy không thể nào quên một Việt kiều Mỹ đã mang đứa con trai vừa tròn 1 tuổi cùng chiếc bánh sinh nhật đến bệnh viện để cảm ơn những người đã mang đến niềm vui bất ngờ cho vợ chồng họ. Ngày ấy, nữ bệnh nhân đến khoa hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ với nỗi thất vọng lớn vì đã thụ tinh nhân tạo ở nước ngoài đến cả chục lần nhưng vẫn không mang thai và nữ bệnh nhân đến bệnh viện Từ Dũ với hi vọng hiếm hoi. Hiểu được nỗi lòng của bệnh nhân bác sĩ Bích Thụy và đồng nghiệp của mình đã cố gắng giúp người phụ nữ này, mặc dù bệnh nhân chỉ có một phôi (tình trạng rất khó có thai) nhưng không ngờ lại thành công.<br />
<br />
Niềm vui của nữ bác sĩ này, chỉ đơn giản là khi bệnh nhân mình gọi “Vợ chồng em có con rồi bác sĩ ơi!”. Bác sĩ Bích Thụy chia sẻ câu nói của ba luôn là kim chỉ nam theo suốt đời “Hành nghề y sẽ giúp con tích đức nhanh nhất, nhưng ngược lại nếu không cẩn trọng, con cũng sẽ thất đức nhanh chóng”. Và nữ bác ấy vẫn luôn yêu nghề, yêu bệnh nhân và sống hết mình với phương châm: “Chúng ta đều là “thiên thần áo trắng” nếu chúng ta biết cùng chia sẻ, biết quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh quanh mình. Quan tâm để xoa dịu phần nào nỗi đau thể xác và tinh thần, chia sẻ để cảm thông và cảm nhận cuộc sống này đáng yêu biết bao, để mỗi người trong chúng ta luôn là một đóa hoa hướng dương tươi sáng luôn hướng về phía mặt trời”.<br />
<strong><br />
</strong></span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>MAI THANH<br />
</strong><br />
</span></span></div> </html>