<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Cuộc thi</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2">Cuộc thi "Tuổi trẻ và pháp luật" - Đợt 2</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Càng chơi càng
thú vị</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Chiều 15/8, Thành Đoàn TP.HCM và Báo Pháp Luật
TP.HCM đã tổ chức trao giải cuộc thi "Tuổi trẻ và pháp luật" - Đợt 2, tìm hiểu
Luật Giao thông đường bộ. Bạn Dương Thị Phương Mai (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) đã
vượt qua hơn 20.000 thí sinh để giành giải nhất.</font></p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Nhiều bài thi ấn tương như
một....luận văn!</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ban tổ chức cuộc thi đã rất bất ngờ khi có đến
hơn 20.000 bài dự thi. Hầu hết các tỉnh, thành trong nước đều có thí sinh tham
gia. Chị Huỳnh Thu Thảo, Phó Ban Tư Tưởng-Văn hóa Thành Đoàn, cho biết: "Nhiều
bài dự thi các bạn chăm chút, đầu tư khá kỹ lưỡng, tham khảo tài liệu rất bài
bản. Nhiều bài dự thi thiết kế như một bản luận văn. Có những bài viết kèm hình
ảnh rất bài bản. Năm câu hỏi đầu chỉ cần trả lời dưới hình thức trắc nghiệm,
đánh dấu vào ô cho sẵn nhưng các bạn đã trả lời luôn và kèm theo cả việc trích
dẫn điều luật.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ban giám khảo vòng sơ tuyển với gần 30 cộng tác
viên đã phải làm việc rất vất vả mấy ngày trời mới chọn được 80 bài dự thi vào
vòng chung khảo. Và phải hơn 10 ngày, hội đồng chung khảo mới có được kết quả
cuối cùng với một giải nhất, một giải nhì, một giải ba và năm giải khuyến khích.</font></p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Đi bộ cũng phải theo luật</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Sự có mặt của luật sư, tiến sĩ Phan Đăng Thanh đã
làm cho không khí buổi trao giải "nóng" hẳn lên. "Cuộc thi này được coi là cuộc
chơi mà cũng cực khổ cả người chơi lẫn người chấm" - luật sư-tiến sĩ Phan Đăng
Thanh đã mở đầu phần tổng kết cuộc thi như vậy.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ông nhận xét: "Đề thi này coi vậy chứ khó vì có
nhiều bạn trả lời không đúng năm câu hỏi trắc nghiệm. Đáng lý các bạn phải áp
dụng Luật Giao thông đường bộ ngày 29-6-2001 đang hiện hành thì một số bạn lại
áp dụng Nghị định về giao thông đường bộ có từ thời....lâu lắc. Ai nắm được Luật
Giao thông đường bộ thì sẽ trả lời được năm câu hỏi trắc nghiệm".</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Chỉ những bạn nào trả lời đúng năm câu hỏi trắc
nghiệm mới được chọn vào vòng chung khảo để "thi đấu" bằng câu hỏi tình huống.
Chuyện một người đi bộ không chịu đi đúng phần đường của mình khi băng qua đường
rồi bị xe tông. Ai có lỗi và tại sao lại như vậy, coi dễ nhưng đã không ít bạn
"rớt đài" vì cho rằng người đi xe gắn máy có lỗi.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">"Thói quen thường tình bà con ta vẫn cứ nghĩ xe
lớn phải nhường xe nhỏ, xe nhỏ phải nhường cho người đi bộ. Khi tông nhau, ông
đi xe có lỗi, ông xe lớn có lỗi. Pháp luật ta quy định ai cũng có quyền và nghĩa
vụ. Và khi có sự cố xảy ra phải coi ai vi phạm nghĩa vụ của mình thì người đó có
lỗi. Cho nên bạn nào nói người đi xe gắn máy có lỗi là sai" - luật sư-tiến sĩ
Phan Đăng Thanh nói.</font></p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Có vạch phải đi theo vạch</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ông nhận xét tiếp: "Có đến 90% số bạn được chọn
đáp đúng phần này: người đi bộ có lỗi. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là tại sao. Câu
hỏi "tại sao" này rất có duyên vì nó đã làm cho nhiều người trả lời...trật!
Nhiều bạn lý giải khác nhau. Có bạn nói sở dĩ người đi bộ sai vì không dòm ngó
trước sau, cứ băng đại qua. Luật sư-tiến sĩ Phan Đăng Thanh nhớ lại hai câu thơ
mà ông đã được thầy dạy cách đây 50 năm để nói về tình huống của đề thi: <i>"Ra
đường xe cộ dập dìu, ngó trông sau trước con thời mới qua".</i></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Luật sư-tiến sĩ Phan Đăng Thanh "bật mí" phương
án giải đáp câu hỏi tình huống. "Thực tế, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ có
đến hai khoản nói về vấn đề này. Khoản 2 có nêu: "Nơi không có đèn tín hiệu,
không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì khi qua đường, người đi bộ phải
quan sát các xe đang đi tới để qua đường an toàn, nhường đường cho các phương
tiện giao thông đang đi trên đường và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua
đường". Khoản 3 thi quy định: "Nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu
vượt, hầm dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu
chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí đó". Ban giám khảo đã quyết định vận dụng
Khoản 3 Điều 30 của Luật Giao thông đường bộ là đúng nhất.</font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="tuoi%20tre%20phap%20luat.JPG" width="308" height="231"></p>
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td bgcolor="#99CCFF">
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Chị
DƯƠNG THỊ PHƯƠNG MAI</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i>(Công
an TP. Mỹ Tho, Tiền Giang)</i> - <b>giải nhất</b></font></p>
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2">Nhà ở Tp.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nên
từ 12 giờ trưa, hai anh chị đã đón xe đò lên thành phố cho kịp giờ khai
mạc. Vẫn còn rất bất ngờ trước sự kiện "trọng đại", anh Thành - chồng
chị Mai thổ lộ: "Hai vợ chồng làm cùng ngành, cùng cơ quan nên có điều
kiện hỗ trợ nhau để tham gia. Cô ấy trả lời hết các câu hỏi, tôi chỉ giữ
nhiệm vụ "chốt" lại phần sau. Tưởng tham gia cho vui để bổ sung kiến
thức, ai dè trúng thưởng lớn. Vui quá!".</font></i></p>
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2">Còn chị Mai thì nhỏ nhẹ: "Cuộc thi này
không những là một sân chơi cho những người am hiểu về kiến thức mà qua
đề thi sẽ mở ra cách nhìn nhận đúng đắn hơn về việc chấp hành luật giao
thông cho mọi người".</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo Pháp Luật</font></i></b></p>
</body>
</html>