<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Một thanh niên mới ra tù thi đỗ</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span class="text16b" id="lbHeadline">Một thanh niên mới ra tù thi đỗ đại học</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 159px; height: 46px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="1%20thanh%20nien%20moi%20ra%20tu%20thi%20do%20DH.bmp" width="203" height="130"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-size: 10pt; font-style: italic; font-family: Arial">
Đỗ Quốc Vương và người mẹ thân yêu của mình</span></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Thế là Đỗ Quốc Vương
thi đỗ vào đại học năm nay. Cái tin vui lan ra khắp xã Hành Phước, huyện Nghĩa
Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cả xã này chẳng ai dám ngờ, bởi một người như Vương vừa
mới ra tù được một năm, hòa nhập cộng đồng đã khó, đi học lại còn khó hơn. Bằng
quyết tâm khắc phục lỗi lầm, vượt qua mặc cảm, Vương đã tìm lại con đường sáng
cho bản thân mình...</span> </font><span class="indexstorytext" id="lbBody">
<p align="left"><font face="Arial" size="2"><strong><font color="#008000">"Ngày
nào tui cũng khóc thầm..."<br>
</font><br>
</strong>Trong gia đình Đỗ Quốc Vương bây giờ, bà Nguyễn Thị Quảng là vui nhất.
Mà làm sao không vui cho được, vì đứa con của bà cuối cùng cũng làm mát lòng mát
ruột cha mẹ mình. Việc Vương thi đỗ đại học đã bù lại bao nhiêu thời gian bà rơi
nước mắt vì con...<br>
Cách đây 3 năm, vào tối 8/6/2003, bà Nguyễn Thị Quảng nghe tin như sét đánh từ
cơ quan chức năng: Thằng con trai của bà tên Đỗ Quốc Vương, sinh ngày 20/3/1984
tham gia vào một vụ đánh người, gây ra án mạng... Nhiều ngày sau, nước mắt cứ
chảy dài trên gương mặt nghèo khó của bà Quảng. Lòng bà tan nát: "Làm sao mà
không buồn, khi con người ta chuẩn bị đi thi đại học thì con mình chuẩn bị vào
tù". Buồn nữa là trước đây, Vương chuyên tâm học hành, luôn đứng đầu lớp, lại
ngoan hiền. Thấy vậy, vợ chồng bà Quảng bảo nhau gom góp tiền đi vào Bảo Lộc
(Lâm Đồng) mua hai hec-ta đất trồng cà phê làm vốn liếng lo cho Vương ăn học về
lâu dài. Không ngờ, thời gian ở xa, không có người thân quan tâm, chỉ bảo nên
thằng Vương theo bạn bè xấu và hư dần. Khi học lớp 10 và 11 (ở Trường THPT số 1
Tư Nghĩa), Vương còn đạt học sinh tiên tiến hai năm liền. Nhưng vào năm học 11,
cô giáo chủ nhiệm là Nguyễn Thanh Bình phê: Học khá, nhưng chưa cố gắng, thực
hiện nội quy cần nghiêm túc hơn. "Cuối năm học lớp 11, thằng Vương về nhà lấy
ghế mời tui ngồi và quỳ xuống trước mặt, khoanh tay trước ngực xin lỗi mẹ, hứa
là lên 12 sẽ học giỏi hơn. Vậy mà khi lên 12, ai ngờ nó hư, bị trường đuổi học
và bất ngờ gây ra tai họa", bà Quảng nhớ lại. </font></p>
<table style="width: 20px; height: 10px" align="center" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="center"><font size="2" face="Arial">
<img src="http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/ngthanh/3008/anh-2---moi-ra-tu.jpg" border="0"><br>
</font><font size="2"><em><font face="Arial" color="#808080">Giấy báo
nhập học của tân sinh viên Đỗ Quốc Vương</font></em></font><font size="2" face="Arial" color="#808080">
</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2"><br>
Thời gian Vương bị đuổi học, bà Quảng phải chạy vạy lên xuống trường nhiều lần
để xin con mình được học lại nhưng vẫn không được chấp nhận. Xin chuyển trường,
cũng không được. Bà đành đưa con mình vào Bảo Lộc để đi học thêm ở các thầy cô
giáo trong vùng cho không quên kiến thức. Sau một năm ở Bảo Lộc, Vương về quê và
xin vào học lớp 12 tại Trường THPT dân lập Hoàng Văn Thụ, ở thành phố Quảng
Ngãi. Khi Vương thi đậu tốt nghiệp 12, bà Quảng nhẹ người, nghĩ với lực học của
nó, chắc đậu đại học được. Thế mà, Vương không những không đậu đại học, còn
thẳng đường đi vào... trại giam. Bà Quảng xót xa: "Suốt 15 tháng thằng Vương ở
tù, hầu như ngày nào tui cũng khóc thầm". Có lẽ buồn phiền nhiều vì con, nên mới
52 tuổi, bà Quảng đã bạc phơ mái đầu như người ở tuổi 70. <br>
<br>
<strong><font color="#008000">Tìm lại con đường sáng</font></strong><font color="#008000"><br>
</font><br>
Vương bảo, ngoài ba, mẹ thì chính cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh
Quảng Ngãi (ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) là người dạy mình nên người, trỗi dậy
ước mơ làm lại cuộc đời. "Hồi mới vào trại giam, em nghĩ: Thế là hết! Nên không
chấp hành nội quy của trại, bị xếp vào loại "khó giáo dục", bị kỷ luật như cơm
bữa. Trong 15 tháng ở trại giam, có lần em nghe trung tá Nguyễn Thành Tâm bảo:
Con người gắn liền với nhân cách, chứ không gắn với sự phạm tội, lỗi lầm. Tiếp
theo, lần làm em xúc động nhất và thay đổi hẳn suy nghĩ, cũng là ở trại giam.
Năm đó, khi lao động khiêng cây, em bị cây đè dập một ngón. Thế là cán bộ Lực
(đại úy Hồ Văn Lực - PV) vội chạy đến và đi tìm lá thuốc, nhai đắp lên vết
thương cho em. Từ xưa đến nay, chỉ có ba, mẹ em mới làm như vậy...". Cứ sau mỗi
lần như vậy, Vương cải tạo tiến bộ hẳn lên và nhắn về gia đình là xin phép lãnh
đạo trại giam cho mang sách, vở vào ôn thi để sau khi ra tù sẽ đi học lại. Nhờ
cải tạo tốt và khát vọng hoàn lương luôn cháy bỏng, Vương được tha tù. Tháng
9.2005, Vương ra trại. Việc đầu tiên Vương làm là chạy đi tìm cán bộ Lực, nhưng
không tìm thấy; còn việc thứ hai là... khóc! <br>
<br>
“Về đến nhà, cũng giống như bao người mới ra tù khác, "em "dị" lắm, vì bao đứa
bạn, có đứa đã học đại học, đứa đi làm, có đứa bạn thấy em thì tránh né", Vương
bồi hồi nhắc lại. Bà Quảng tiếp lời con: "Tháng 9 năm ngoái, khi mới ra tù, nó
về ăn giỗ bên ngoại. Thấy mấy anh em bên ấy ăn giỗ xong là lên chào cô bác để đi
học, nó bỏ đũa ra phía sau lau nước mắt và về hẳn ở nhà. Từ đó, nó xin vợ chồng
tui cho nó đi luyện thi đại học ở Trường THPT chuyên Lê Khiết, thành phố Quảng
Ngãi". Ngày đầu mới đến lớp, do mặc cảm lớn tuổi, lại có một số học sinh biết
Vương mới ở tù ra, nên Vương không học mà bỏ về. Thế nhưng, khi về ở nhà thì
nghĩ lại, nên hôm sau vào lớp học đàng hoàng. Tiết học đầu tiên trôi qua, Vương
nghe cứ như... vịt nghe sấm! Có điều, nhờ giáo viên ôn luyện thi bài bản, nên
giúp cho Vương lấy lại dần kiến thức. Vương nói: "Do em học trễ nên phải học gấp
2 - 3 lần để bù lại thời gian trước. Khi không biết là em hỏi, ngay cả lúc làm
bài đúng vẫn hỏi lại cho chắc ăn, thậm chí hỏi cả những đứa em bà con đang còn
học ở cấp 3 những kiến thức mình quên khuấy đi mất...". Vương tự nhắc mình: "Bây
giờ học không phải cho mình, mà còn học cho bố mẹ vui, học bù cho cả những đứa
bạn lầm lỗi bây giờ còn đang ở trại giam".<br>
<br>
Bà Quảng kể: "Ngày thằng Vương đi thi về (thi khối A, ở Hội đồng thi Trường Đại
học Quy Nhơn), tui hỏi: làm bài được không? Nó nói làm không được, nhưng cái
miệng thì cười. Sau nó nói chắc: Con được 21 điểm, mẹ khỏi lo tiền cho con đi
thi cao đẳng, chắc đậu đại học rồi. Tui nói: Mày nói dóc! Nó trả lời: Xưa nay
con đoán điểm thi của con có sai bao giờ! Tui nghĩ cũng đúng, vì hồi thi tốt
nghiệp cấp 3, nó nói được 36 điểm và cuối cùng y như vậy". Tôi hỏi: "Còn lần này
thì sao?". Bà Quảng nói nhỏ: "Nó đoán sai, chỉ được 20 điểm (Toán: 6,25; Lý: 6
và Hóa: 7,50), đậu Trường đại học kinh tế Quốc gia Hà Nội" (Trường này liên kết
với Đại học Quy Nhơn mở ngành Quản trị doanh nghiệp - ngành mà Đỗ Quốc Vương đã
trúng tuyển - PV). Ngày nhận được giấy báo nhập học cũng là buổi tối, tuy nhiên
buổi tối cách đây 3 năm, bà Quảng đã khóc ngất, còn tối vừa qua, bà cũng khóc
nhưng vì sự mừng vui, hạnh phúc. Khi chia tay tôi, Vương tâm sự: "Trước khi vào
học trường đại học, em sẽ tìm cán bộ Lực, có khi cán bộ quên em, nhưng em thì
không bao giờ quên được". Nói xong, Vương quay sang ôm mẹ: "Tối nay, mẹ có về
bên ngoại không?". Bà Quảng cốc nhẹ đầu con: "Cha mày, lớn rồi còn thích ngủ với
mẹ..."</font><p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Thanh Niên</i></b></font></p>
</span>
</body>
</html>