<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Cô gái Nhật và những chuyện khó</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span class="text16b" id="lbHeadline">Cô gái Nhật và những chuyện khó quên</span>
</font></b></p>
<div style="float: left; width: 156px; height: 236px">
<table border="0" width="100%" id="table1" style="border-collapse: collapse">
<tr>
<td>
<img border="0" src="co%20gai%20Nhat%20va%20nhung%20chuyen%20kho%20wen.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><span id="AvatarDesc"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Chikako Baba (trái) và
người bạn Việt Nam</font></i></span></td>
</tr>
</table>
</div>
<font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Những ngày tháng 8 ở Đà
Nẵng, nếu ai đó tình cờ rẽ vào những con hẻm nhỏ trong các khu phố nghèo của
quận Thanh Khê, sẽ nhìn thấy một cô gái Nhật nhỏ bé, vai xách một túi lỉnh kỉnh
máy ghi âm, máy ảnh với đủ thứ giấy tờ, vào thăm hỏi từng ngôi nhà, từng người
bệnh ở đây. Cô bạn ấy là Chikako Baba.</span> </font>
<span class="indexstorytext" id="lbBody">
<p><font face="Arial" size="2">Lần đầu tiên Baba đến Việt Nam để khảo sát cho dự
án "Gánh nặng bệnh tật đối với nhân dân miền Trung" do Đại học Y Hà Nội kết hợp
với Đại học Keio, Nhật Bản, thực hiện, cô sinh viên 21 tuổi khoa Quản lý nhà
nước của Đại học Keio này đã chọn nghiên cứu một phần hết sức đặc biệt của dự án
là người nhiễm vi-rút HIV và những bệnh nhân AIDS.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Những cái bắt tay</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Cái bắt tay đầu tiên của Baba là với người bạn ra
đón cô ở sân bay. Sau lời giới thiệu, Baba hỏi ngay cô bạn:<em> "Bạn có thấy lạ
khi gọi tên của mình không? Tên mình rất hiếm có ở Nhật đấy".</em> Sau này gặp
ai cô cũng hỏi người ta như vậy. Lần thứ hai là cái bắt tay với bác sĩ Phan
Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm y tế quận Thanh Khê. Bác sĩ Phương, một
người bạn niềm nở có nụ cười hiền hậu, theo lời Baba nhận xét, đã đón cô tại
trung tâm và giới thiệu với những y, bác sĩ, những kỹ thuật viên tình nguyện tại
Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng. Người nhiễm HIV và những bệnh nhân AIDS thường
xuyên đến nơi đây để được xét nghiệm, tư vấn và được cấp thuốc miễn phí.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Người thứ ba cô tiếp xúc là bác sĩ Phi Nga,
trưởng phòng tư vấn cho bệnh nhân AIDS. Trong những ngày Baba lưu lại Việt Nam,
bác sĩ Nga là người đã đưa cô đến với gia đình những người nhiễm HIV và bệnh
nhân AIDS để tìm hiểu và phỏng vấn. Quận Thanh Khê là nơi có số người nhiễm HIV
cao thứ hai ở Đà Nẵng và có số người nghiện ma túy nhiều nhất theo thống kê 7
tháng đầu năm 2006. Baba đã gặp gỡ những người nhiễm HIV, hầu hết là người đã
từng hút chích. Trong số họ, có những người đã phát hiện bệnh từ hơn mười năm,
có những người vừa mới bị cách đây vài tháng. Theo bác sĩ Nga, họ được tạo điều
kiện để tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình, được giữ kín về bệnh tật, về
tên tuổi và được cấp một mã số riêng mỗi khi tìm đến các bác sĩ - những tình
nguyện viên tại Trung tâm y tế để khám bệnh.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Những cái bắt tay tiếp theo của Baba với những
người nhiễm HIV ấy thường rất khác nhau. Có cái bắt tay vui vẻ và tin cậy, có
những cái bắt tay rụt rè trong im lặng. Có cái bắt tay của một người nhiễm HIV
đã trở thành một tình nguyện viên trong Hội Đồng đẳng. Có cái bắt tay của một cô
gái làng chơi. Và có cái bắt tay của một người nhiễm HIV đã chuyển sang bệnh
AIDS ở giai đoạn cuối. Chỉ một ngày sau khi Baba đến thăm hỏi gia đình, người ấy
đã qua đời. Baba kể: <em>"Hôm qua, lúc chia tay, tôi đã bắt tay để chào anh ta.
Anh ta còn nắm tay tôi rất chặt. Không ngờ anh ra đi quá nhanh".</em> Lần đầu
tiên, Baba im lặng trong suốt chuyến taxi đưa cô rời khỏi Trung tâm y tế.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Xe buýt, xe máy và xích
lô</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Chỉ còn một ngày trước khi tạm biệt thành phố
biển, Baba mới có thể tạm gác mọi ý định để dồn cho chuyến đi Hội An. Trên chiếc
taxi chở ra trạm xe buýt, anh chàng lái xe van nài: <em>"Sao các cô không đi
taxi luôn có phải tiện không, chen chúc xe buýt làm chi cho mệt rứa?".</em> Baba
nhẩm tính, cả đi lẫn về, cả thời gian taxi đưa đón mình đi chơi chỉ có hai tiếng,
mà hết những 20 đô, rồi tặc lưỡi: thôi, đành đi xe buýt vậy. Baba và cô bạn Việt
Nam đợi xe buýt non nửa tiếng, được một cô bán nước trước công viên 29.3 thân
tình mời ngồi ghế miễn phí, rồi sau đó bước lên một chiếc xe chạy tuyến Hội An
nêm chật cứng người. Một tấm tôn nhựa màu xanh được chèn ngang qua lối đi. Hai
đứa cầu trời cho cái tấm tôn và người chủ của nó xuống xe ở một trạm nào đó giữa
đường nhưng nó vẫn ngoan cố theo xe đến tận thị xã Hội An mới chịu buông tha.
Chuyến xe về thì đỡ chật chội hơn, không có tấm tôn xanh. Thay vào đó là vài ba
thanh niên đứng giữa lối đi, hút thuốc mù mịt và tán chuyện ầm ĩ. Lần đầu tiên
Baba biết được thế nào là xe buýt Việt Nam. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Cảm giác đi xe máy dễ chịu hơn. Sau này, khi được
hỏi Baba nhớ những kỷ niệm nào ở Đà Nẵng, cô trả lời: <em>"Mình thích nhất là
lần đầu tiên được ngồi trên xe máy đi qua các con đường nhỏ yên tĩnh ở Đà Nẵng".</em>
Buổi tối thứ hai ở thành phố biển, cô bạn đánh bạo đi xe máy đến chở Baba.<em>
"Baba thử ngồi đi, rồi sẽ quen mà".</em> Baba cười quá cỡ, nhảy lên xe, ôm cứng
ngắc eo tài xế. Đi vòng vèo qua gần hai hay ba ngã tư, cô bạn lái xe vẫn huyên
thuyên nói chuyện, Baba vẫn ôm cứng cô bạn và rôm rả trả lời. Một lúc sau quay
nhìn lại, thì ra nãy giờ Baba ngồi xe máy mà nhắm tịt mắt, không dám nhìn đường
phố. Xe đi thật chậm, cô mới he hé mắt nhìn ra bờ sông Hàn, ra bờ biển, ra ánh
đèn sáng lấp lóa trên những chiếc cầu. Khi xe quay về khách sạn, Baba đề nghị:<em>
“Ngày mai mình đi xe máy nữa nhé!”. </em></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Con đường từ thị xã Hội An ra bãi biển Cửa Đại
thật thơ mộng, càng thơ mộng hơn khi ngắm nhìn nó từ những vòng xe chậm rãi của
chiếc xích lô. Lần đầu tiên leo lên xích lô, Baba thích chí cầm máy quay ghi lại
tất cả những hình ảnh diễn ra bên đường: những quán xá vỉa hè, những tiệm quần
áo nhiều màu sắc, những gánh chè trẻ con xúm xít đứng ngồi, những khách Tây đội
nón trắng đi xe đạp ngược gió, những khúc sông vắng và hàng dừa, một anh chàng
tóc vàng mắt xanh đi bộ dọc theo triền lúa... Xích lô đạp qua cầu, hai du khách
mồ hôi nhễ nhại nhìn Baba và vẫy tay chào. Baba nói: <em>"Chắc họ ước gì lúc này
họ cũng được ngồi trên xe như tụi mình nhỉ?".</em> Trong nhiều phương tiện di
chuyển từ Hội An ra Cửa Đại, đi dạo bằng xích lô là một điều thú vị hiếm có.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Trái dừa tươi ở bãi biển
Cửa Đại</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Bãi biển Cửa Đại rợp bóng dừa. Ngồi trên cát
trắng, ngắm biển xanh và uống ngụm nước dừa ngọt lịm, Baba thích thú nói: <em>"Các
bạn thích thật đấy, được uống nước ngay từ trong trái dừa tươi. Bên tôi chỉ toàn
là nước dừa đóng hộp. Hộp nào hộp nấy vuông vức và nước dừa cũng rất ngon nhưng
chỉ có chung một thứ mùi vị thôi".</em> Những ngày bên cạnh Baba, cô bạn người
Nhật nhỏ bé với sự háo hức của những điều được nếm trải lần đầu tiên, mới thấy
thì ra mình đã bỏ quên tình yêu từ những điều rất nhỏ bé và giản dị của quê
hương. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Thanh Niên</i></b></font></p>
</span>
</body>
</html>