<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Vang mãi câu ca về bưng biền huyền thoại</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nhân sự kiện Tỉnh ủy Đồng Tháp công bố bộ phim tài liệu “Đồng Tháp Mười – Chiến khu bưng biền huyền thoại”, nhằm làm sống lại những năm tháng hào hùng, ôn lại những điểm son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Nam Bộ kháng chiến chống quân xâm lược, Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức chương trình giao lưu, nghệ thuật “Đồng Tháp Mười – Chiến khu bưng biền huyền thoại” tại Nhà văn hóa Thanh niên.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Những câu chuyện lịch sử</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chiến khu Đồng Tháp Mười ghi dấu những trận đánh của quân ta và những con người lịch sử với trái tim quả cảm và một tình yêu mãnh liệt với quê hương, đất nước đã chiến đấu hết mình ở đầm lầy bưng biền. Cùng với những hình ảnh huyền thoại ấy là những câu chuyện đã làm nên lịch sử của một “đầm lầy Đồng Tháp Mười đầy rắn độc”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><img src="3%20-%20Copy.JPG" alt="" /></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Bác Hai Phước và bác Sáu Tòng kể những câu chuyện lịch sử</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Khi nhắc đến lý do tại sao Xứ ủy Nam Bộ đã chọn Đồng Tháp Mười là căn cứ địa, đại bản doanh của Xứ ủy trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất và thứ hai, Đại tá Nguyễn Văn Tòng – Nguyên Phó Chính ủy Quân Đoàn 4, nguyên Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 311 Long Châu Sa cho biết: “Đồng Tháp Mười có địa hình với nhiều lợi thế, không chỉ đầy rắn độc mà với diện tích rộng lớn, kênh rạch chằng chịt, chỉ có đường bộ mà những năm đầu kháng chiến, thực dân Pháp không tài nào tấn công sâu vào chiến khu được”. Khi nghe đến “bưng biền” là có thể nghĩ ngay đến một vùng đầm lầy với ngập nước và cỏ dại. Chính vì thế mà chiến khu Đồng Tháp Mười được an toàn trong suốt một thời gian dài mặc cho sự bao vây của giặc. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nhắc đến Đồng Tháp Mười, nhắc đến những chiến công hiển hách của quân đội ta, không thể không nhắc đến một đội quân đặc biệt – đội quân “không báo” đã hỗ trợ đắc lực cho quân đội và góp phần không nhỏ làm nên những chiến thắng đã được lịch sử ghi nhận. Đây là đội chim bồ câu đưa thư, mang văn thư, công văn từ chiến khu đi đến các địa phương và thậm chí còn bay hiên ngang qua các đồn giặc. Đội chim bồ câu đã tạo một hệ thống thông tin liên lạc trên không, tiết kiệm rất nhiều xương máu của các chiến sĩ giao thông thông tin của quân đội ta. Đồng chí Trần Hữu Phước – Phó ban chỉ đạo, xây dựng Khu di tích lịch sử miền Nam, nguyên thư kí đồng chí Lê Đức Thọ cho biết: “Ban đầu chỉ có 6,7 cán bộ chiến sĩ với 50 chim bồ câu nhưng trong 4 năm đầu kháng chiến chống Pháp, đội quân “không báo” này đã đưa tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang đánh trạm rất hiệu quả, đặc biệt trong trận chống càn quét vào tháng 6/1950 và tiêu diệt 100 tên địch”. Bác Hai Phước cũng cho biết thêm sau trận càn tháng 6/1950, đội chim bồ câu đưa thư đã di chuyển xuống miến Tây Nam giúp cho quân đội ta đánh nhiều trận lớn, trong đó phải kể đến trận chống càn lớn mà tiểu đoàn 307 đã nhấn chìm 4 chiếc tàu của địch xuống lòng sông. Sau những chiến công ấy, đội quân “không báo” đã được Bộ Tư lệnh pháo binh miền Tây cấp giấy tuyên dương.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Kể lại những câu chuyện lịch sử với các bạn đoàn viên, thanh niên thành phố, bác Trang Sĩ Liêm – Nguyên cán bộ cơ quan Xứ ủy Nam Bộ, Nguyên giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã chia sẻ về sự ra đời của đồng bạc Cụ Hồ, những khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng lòng dân Nam Bộ đối với tiền Cụ Hồ vẫn như còn nguyên vẹn. Bác Ba Liêm kể: “Có nhiều người đã đòi đổi tiền Đông Dương lấy tiền Cụ Hồ làm kỉ niệm”. Hay những câu chuyện của bác Võ Anh Tuấn – Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ về đời sống mới, về tinh thần bình dân học vụ của đồng bào: “Ngồi dưới đất, viết dưới đất, mượn đình, chùa, bóng cây, chỗ nào học được thì học, vác lúa để học đếm số,…”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Những câu ca đi cùng năm tháng</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hình ảnh một Đồng Tháp Mười huyền thoại với bao chiến công làm nên lịch sử đã đi vào từng lời hát, câu thơ, điệu hò như tái hiện một thời oai hùng của quân dân Nam Bộ thành đồng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Tinh thần quật cường như vẫn còn nguyên vẹn, gợi bao nhớ thương qua từng ca từ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><img width="448" height="336" alt="" src="2%20-%20Copy.JPG" /></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Liên khúc Nhạc rừng của nhạc sĩ Hoàng Việt do ca sĩ Đông Quân, Thụy Vân, Phương Thùy và nhóm Giai điệu xanh biểu diễn.</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Những bài hát vang vọng câu ca bưng biền vẫn còn sống mãi, nếu như ca khúc “Nam Bộ kháng chiến” của Thanh Sơn vang lên những lời ca kêu gọi đồng bào miền Nam đứng lên chống giặc, gợi mở một trang sử mới thì thì những điệu “múa Sen Đồng Tháp” với những câu hò gợi nhớ gợi thương một vùng Tháp Mười oanh liệt đã tái hiện hình ảnh những nữ chiến sĩ trẻ đang chiến đấu vì miền Nam, vì đất nước giữa chiến khu Đồng Tháp bạt ngàn sen tươi. Nếu như cá khúc “Tiểu đoàn 307” thể hiện tinh thần chiến đấu của 7 chàng trai trẻ với bao chiến công hiển hách “Trận Tháp Mười, trận Mộc Hoá vang tiếng đồn với trận La Bang” thì trích đoạn cải lương “Thiên Hộ Dương” đã phần nào tái hiện cuộc chiến của quân dân ta với hào khí mạnh mẽ và một tinh thần đồng đội không gì khuất phục. Đó là hình ảnh người thủ lĩnh Võ Huy Dương – vị tướng chỉ huy cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất và đã lấy Đồng Tháp Mười làm chiến khu lớn nhất Đông Nam Bộ lúc bấy giờ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bên cạnh những bài hát, những ca khúc cải lương gắn liền với ba từ Đồng Tháp Mười, chương trình còn hun đúc thêm cho các bạn trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc qua những ca khúc thể hiện hào khí, ca ngợi chiến công của các nhạc sĩ cách mạng: Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Lên ngàn (Hoàng Việt), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái),…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">. <br />
Những lời ca bất hủ, những câu hát đi vào lòng người chính là minh chứng của lịch sử, minh chứng cho một thời oai hùng của quân dân Nam Bộ, của một chiến khu bưng biền huyền thoại, của những trang sử vàng trong lịch sử Việt Nam. Từ đây, thế hệ trẻ Việt Nam đang nối tiếp những bài ca cách mạng hào hùng ấy, góp sức xây dựng đất nước trong thời đại mới. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bạn Nguyễn Văn Trung, sinh viên trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh quyết tâm: “Là những người chủ tương lai của đất nước, mình sẽ cố gắng hơn nữa để không cảm thấy hổ thẹn với những gì ông cha ta đã trải qua trong chiến tranh vì nền hòa bình của đất nước”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cứ như thế, Đồng Tháp Mười huyền thoại không chỉ đi vào lời ca, điệu hò, câu thơ mà còn đi vào những trích đoạn cải lương, làm sôi sục tinh thần yêu nước của bao người trẻ. Không khí của những năm tháng chống Pháp như vẫn còn đâu đây và vẫn như nghe vang vọng lời hiệu triệu cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm chống Pháp.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>ĐỨC THỦY – LÊ THOA<br />
</strong><br />
</span></span></div> </html>