<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"> </div>
<div><span style="color: rgb(0, 0, 255);">
<div style="text-align: center;"> </div>
</span><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);">
<div style="text-align: center;"> </div>
</span><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);">
<div style="text-align: center;"> <b style="text-align: center;">CĂN CỨ CỒN BÌNH THẠNH</b></div>
</span></span></span></div>
<p class="MsoNormal" align="center" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:center;
tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><b>(CAO LÃNH - ĐỒNG THÁP) </b></span></span></span><b><span style="font-size:16.0pt"><o:p></o:p></span></b></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:center;
tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><b>(7/1968 - 3/1971)</b></span></span></span><b><span style="font-size:16.0pt"><o:p></o:p></span></b><b> </b></p>
<p class="MsoNormal" align="right" style="margin-bottom:12.0pt;text-align:right;
text-indent:18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b>NGUYỄN THỊ NAM (CHÍN TRUNG)</b></span></span><b><span style="font-family:"Arial","sans-serif";mso-bidi-font-family:"Times New Roman""><o:p></o:p></span></b><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sau đợt II Mậu Thân, để củng cố, chuẩn bị lại lực lượng, theo sự chỉ đạo của Thành ủy. Thành Đoàn phải rút toàn bộ cán bộ chủ chốt về học tập Nghị quyết và phải đưa một số cán bộ về điều lắng tạm thời, vì căn cứ ở Thanh Hưng, Cái Bè đã bị lộ, địch bao vây, đánh phá ác liệt. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Để bảo toàn lực lượng cách mạng và giữ vững các mối liên lạc trong chỉ đạo lãnh đạo và nhận Chỉ thị, Nghị quyết của trên được liên tục, đồng chí Phan Chánh Tâm (Ba Vạn), Bí thư Thành Đoàn cho triển khai căn cứ về cồn Bình Thạnh còn gọi là cồn Chà, xã Bình Thạnh - Sa Đéc thuộc huyện Kiến Văn, tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp). Vì nơi đây có nhiều kênh rạch chằng chịt, bốn bề sông nước, có sông Cái lớn, sông Cái nhỏ bao quanh. Phía Bắc giáp Tiền Giang, phía Nam giáp Sa Đéc, phía Đông hướng xuống hạ lưu sông Tiền (Bắc Mỹ Thuận), phía Tây hướng về thượng nguồn sông Tiền lên phía Long Xuyên. Do vậy có nhiều cửa khẩu ra vào giáp với những trục giao thông huyết mạch thuận lợi công tác giao liên và xây dựng bàn đạp. Diện tích tuy không lớn nhưng hầu hết cù lao này thuộc vùng giải phóng, giặc Mỹ muốn tấn công vào phải tổ chức càn quét thật quy mô với lực lượng quân số thật đông. Với địa hình sông rạch như thế phương tiện đi lại duy nhất bằng xuồng ghe, nên tàu bè đi lại dễ dàng, đường bộ trên cù lao đều bị cắt khúc gián đoạn không liên thông nhau và hơn nữa nơi đây vẫn còn gần thành phố, cách Sài Gòn khoảng 140 km và địch cũng chưa chú ý. Người đầu tiên đi tiền trạm, xây dựng căn cứ cồn Bình Thạnh là đồng chí Bảy Trứ (thường gọi là Ba Bảy). </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b>Quá trình hình thành và phát triển</b></span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Từ tháng 12/1968 đến khoảng tháng 02/1969, căn cứ cồn Bình Thạnh đóng tập trung xung quanh Ấp Miễu Trắng (nhà đồng chí Năm Tấn, bí thư chi bộ cồn Bình Thạnh và một vài nhà quanh đó. Tại đây chỉ sử dụng cho bộ phận văn phòng, cán bộ điều lắng và mở lớp. Bộ phận giao liên được đóng ở Cồn Trọi, phân bố trên những chiếc ghe tam bản có mui. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Thường vụ Thành Đoàn lúc này gồm có: Đồng chí Phan Chánh Tâm (Ba Vạn) - Bí thư Phạm Chánh Trực (Năm Nghị); Lê Mỹ Lệ (Năm Trang), Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm); Trang Văn Học (Năm Tranh); Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết). </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Trong khoảng hai tháng, tại căn cứ Cồn Bình Thạnh này đã đưa được toàn bộ cơ sở về học tập Nghị quyết và các cán bộ chủ chốt cùng Ban chấp hành về học tập Nghị quyết Bình Giả III tại L.71 Bến Tre (Căn cứ Thành ủy). Nơi đây tổ chức học tập với quy mô lớn, mở được nhiều lớp được thuận lợi nhờ vào địa hình sông nước, cửa ngõ ra vào, nên việc bảo vệ đưa đón, ăn ở đều được an toàn. Ra khỏi cù lao là sông cái, đi trên sông lẫn lộn với dân nên địch khó kiểm soát, các điểm đưa đón có thể là Sa Đéc, Mỹ Hiệp, Cao Lãnh, Cái Tàu, Bắc Mỹ Thuận… Đời sống nơi đây của cả cơ quan được cải thiện nhờ vào nguồn rau cải mọc tự nhiên như rau má, rau càng cua, rau dịu, cải trời… các loại khác dân trồng để lại như bạc hà, môn ngọt, bông so đủa, bắp chuối, bông súng… và nguồn tôm cá ở rạch ao sông quanh vùng căn cứ dồi dào. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sau tháng 02/1969 đến khoảng tháng 04/1969, Văn phòng Thành Đoàn chuyển hẳn vào nội thành để việc chỉ đạo được liên tục và theo sát phong trào nên Thường vụ Thành Đoàn đã cho xây dựng được ba điểm căn cứ lõm gồm: Ấp Đồn, Tân Vạn (Biên Hòa) và Long Hải (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu). </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Các căn cứ lõm này, Thường vụ vẫn tổ chức bộ máy hoàn chỉnh gồm các đồng chí: Trần Thị Sáu (Mười Thoa), Chánh văn phòng; Nguyễn Thị Nam (Chín Trung), Phó văn phòng; Nguyễn Văn Mót (Tám Mót), Phó văn phòng; Trần Thị Trúc Viên (Tư Lộc), Văn thư lực lượng giao liên có Hai Danh, Năm Hồng (Tiền Giang); Út Hằng, Tám Thư, Chín Lan, Mười Tân, Bé Tuấn. Đồng chí Phan Chánh Tâm (Ba Vạn) Bí thư Thành Đoàn trực tiếp phụ trách văn phòng. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nhiệm vụ căn cứ lõm này là: Thường xuyên tổ chức hội nghị của Thường vụ Thành Đoàn; Tổ chức nhiều buổi làm việc giữa Thường vụ Thành Đoàn và đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) Thường vụ Thành ủy phụ trách Thành Đoàn; giữ các liên lạc với các đầu mối Thành Đoàn trong nội thành và căn cứ vùng B cồn Bình Thạnh để đưa các bộ về lắng, học tập chính trị và giữ liên lạc chặt chẽ với Văn phòng Thành Ủy; Sao lại các Chỉ thị, Nghị quyết và tài liệu tuyên truyền gửi cho các cánh để tổ chức học tập cho cơ sở (viết mật, nghi trang và giao cho bộ phận giao liên mang đi). Các đồng chí Tư Lộc, Chín Trung, Tám Mót đều nhận và thi hành nhiệm vụ này. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Lúc này căn cứ cồn Bình Thạnh chỉ sử dụng cho các cán bộ điều lắng và học tập chính trị là chủ yếu. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cuối năm 1968, phong trào học sinh sinh viên nổ ra với quy mô lớn. Như đêm văn nghệ mừng Giáng sinh hòa bình 1968. Là sự kết hợp tổng lực giữa Tổng Hội Sinh viên, Liên Đoàn Sinh viên Công giáo, Ban đại diện các trường Đại học và Trung học, cùng với các Đoàn ủy Liên phường, các cơ sở bí mật vận động lực lượng quần chúng khác cùng tham gia. Đêm văn nghệ đã biến thành cuộc rước đuốc vì hòa bình. Và đó là tiền đề cho phong trào đấu tranh chính trị ngày một mạnh hơn. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Phong trào đấu tranh vũ trang và diệt ác phá kềm đã nổ ra liên tục. Ngoài Ban Quân sự, các Đoàn ủy đều có đội vũ trang diệt các phá kềm. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tuy nhiên, sau đó địch đánh phá ác liệt. Căn cứ lõm ở Ap Đồn - Tân Vạn - Biên Hòa bị lộ, các đồng chí trong Thường vụ Thành Đoàn bị bắt gồm Đồng chí Phan Chánh Tâm (Ba Vạn) - Bí thư Phạm Chánh Trực (Năm Nghị), Phó bí thư Lê Mỹ Lệ (Năm Trang), Phó bí thư và một số đồng chí chủ chốt và giao liên bị bắt. Thành Đoàn lại dời về căn cứ về cồn Bình Thạnh. Kế tiếp đó đồng chí Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết) Thường vụ Bí thư Đoàn ủy Sinh viên lại bị bắt và bị địch tra tấn dã man, đã hy sinh trong tù. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Thường vụ Thành Đoàn được củng cố và bổ sung: Trang Văn Học (Năm Tranh) được chỉ định Quyền Bí thư Thành Đoàn; Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) - Phó Bí thư các Ủy viên Thường vụ: Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí), Trầm Khiêm (Tám A, Hai Lâm), Huỳnh Văn Minh (Ba Dừa).</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bộ máy lãnh đạo và phục vụ cho lãnh đạo của Thành Đoàn tại căn cứ Cồn Bình Thạnh gồm 4 bộ phận chủ yếu: Văn phòng, Giao liên, Tuyên huấn và Sinh viên - Học sinh - Thanh niên công nhân lao động. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Bộ phận Văn phòng đóng tại nhà bác Bảy Phần (thuộc ấp Bình Mỹ B) gồm các đồng chí: Trang Văn Học (Năm Tranh) Quyền Bí thư Thành Đoàn; Nguyễn Thị Nam (Chín Trung) Chánh văn phòng Thành Đoàn; Ngô Lộc Sơn (Mười Hòa) cán bộ An ninh T4 cử sang phụ trách an ninh cho toàn lực lượng Thành Đoàn và trực tiếp phụ trách đội bảo vệ của cồn Bình Thạnh; Trần Thị Trúc Viên (Tư Lộc) phụ trách văn thư tài chánh; Trần Hưng Đoàn (Năm Bằng) nghiên cứu tài liệu tuyên truyền và làm công tác huấn luyện; Đồng chí Năm Châu (Năm Sao) phó ban căn cứ kiêm làm giấy tờ giả để phục vụ cho cán bộ nội thành đi lại; Đào Văn Đức (Bảy Lâm) phụ trách đội phó bảo vệ căn cứ tại cồn, kiêm tổ trưởng bảo vệ văn phòng gồm: Mười Vĩnh, Chín Nhịn, Hai Trận,Tư Tiến (Bộ đội địa phương chuyển sang) và Sáu Bảo (nội thành đưa vào là em của Năm Tranh); Nguyễn Thị Xuân (Tám Vân) phụ trách y tế và chị nuôi. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Bộ phận Giao liên có hai cụm: <i>Cụm đưa rước khách</i> trực tiếp quan hệ với văn phòng đóng tại ấp Bình Mỹ A (gần trường Trang Văn Học bây giờ). Tổ Bảo vệ gồm: Sáu Hải, Tư Quán, Năm Nghĩa. <i>Cụm giao liên công khai</i> đóng tại cồn Trọi gồm có 4 ghe tam bản gắn máy có mui như người dân sống trên sông. Ghe 1 của Chú Bảy Trứ và Má Bảy Trứ Ghe 2 của chú Ba Cường và Dì Bảy Nhự, Bầu Lâm, Ba Tiên; Ghe 3 của Ba Huyền Phong và Ba Thắm, bé Liêm; Ghe 4 của Chú Hai Thanh, và Bé Tám, Bé Hoàng</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đội giao liên còn có: vợ Sáu Hải, Tư Hà, Ba Lê, Sáu Trang, Dì Hai Trận, Hai Chi (con Hai Trận), Ba Minh (vợ Ba Dũng) lực lượng này là người địa phương xung phong tham gia công tác cho Thành Đoàn. Ngoài ra còn có các đồng chí giao liên của Đoàn ủy Thanh niên Liên phường gồm: Ba Trọng (Bé Hạnh), Bảy Huyền, Chín Thu, Bé Nhân, Mười Lâm…</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Bộ phận Tuyên huấn đóng quân gần nhà bà Bóng Dưng, do đồng chí Năm Cơ (cán bộ Trung ương Đoàn tăng cường) phụ trách chung. Cán bộ huấn luyện gồm có: Nguyễn Huy Tưởng (cán bộ Trung ương Đoàn tăng cường); Đồng chí Sáu Hoàng (Bảy Miễn) cán bộ Quân khu tăng cường huấn luyện quân sự Trần Hưng Đoàn (Năm Bằng), cán bộ văn phòng tăng cường, huấn luyện chính trị Hoàng Phủ Ngọc Phan (Năm Sơn, Tư Hợp), cán bộ huấn luyện và nghiên cứu; Đồng chí Nguyễn Thị Lệ (Ba Thanh), Y tá nuôi quân. Tổ bảo vệ: Ba Dũng, Chín Ẩn, Bảy Tạo, Hai Nhân (bộ đội địa phương tăng cường).</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tại đây đã mở nhiều lớp cho cán bộ phong trào. Tuy nhiên nhiều nhất vẫn cho Đoàn ủy Sinh viên và Ban Quân sự. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Bộ phận Sinh viên - Học sinh - Thanh niên Công nhân Lao động đóng quân tại cụm ấp Miễu Trắng (vào làm việc rồi đi) chỉ có một bộ phận của Đoàn ủy Sinh viên bám trụ dài ngày như: Dương Văn Đầy (Bảy Không), Lê Công Giàu (Út Mới), Trầm Khiêm (Hai Lâm), Huỳnh Quan Thư (Sáu Phụng), Trần Thị Ngọc Hảo (Tư Tín)... Chị nuôi: đồng chí Ba Minh. Bảo vệ: Mười Công, Hoàng, Nam, Tư Đời (bộ đội địa phương chuyển sang). </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Trong giai đoạn này, mọi công việc trôi chảy, lực lượng phong trào, bám được củng cố, lớp bồi dưỡng chính trị được mở liên tục, chủ yếu vẫn là lớp bồi dưỡng cho Sinh viên, Thanh niên Liên phường, Ban Quân sự. Sự chỉ đạo được xuyên suốt, vừa củng cố, phát triển lực lượng vừa trú quân để chuẩn bị cho tình hình mới, nhiệm vụ mới. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tuy nhiên sau chiến dịch Mậu Thân, địch chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh phá ác liệt vùng căn cứ của ta nên việc đi lại, bám trụ căn cứ có phần khó khăn hơn. Cồn Bình Thạnh cũng bị địch chà đi xát lại, có lúc phải chống càn liên tục cả nửa tháng trời, nhờ lực lượng bảo vệ của ta do Đồng chí Năm Tranh chỉ huy tác đã phối hợp tốt với lực lượng địa phương chiến đấu dũng cảm, bảo vệ được căn cứ và bảo toàn được lực lượng. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bác Hồ mất ngày 02/9/1969, sau đó ít ngày, được sự chỉ đạo của Thành ủy, Thường vụ Thành Đoàn đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ thật trang trọng. Lực lượng các bộ phận vùng căn cứ, cán bộ lắng, cán bộ đang học tập bồi dưỡng chính trị, giao liên, bảo vệ có mặt đầy đủ. Và khẩu hiệu “Biến đau thương thành hành động cách mạng” như liều thuốc củng cố thêm sức mạnh, niềm tin trong mỗi cán bộ, chiến sĩ. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Với khí thế cách mạng mới, phong trào học sinh sinh viên nổi lên như một cao trào hành động cách mạng, như phong trào công khai của Học sinh Sinh viên thành cao trào năm 1970, bước đầu là Ủy ban đòi quyền sống đồng bào của Thanh niên Sinh viên Học sinh được thành lập đấu tranh cho quyền lợi các giới đồng bào. Tổng hội sinh viên được thành lập do anh Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch đã tổ chức đêm văn nghệ “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Ban đại diện các trường được thành lập đã đồng loạt kêu gọi bãi khóa, chống đàn áp Học sinh Sinh viên, chống đàn áp Việt Kiều, chiến dịch đốt xe Mỹ do chị Võ Thị Bạch Tuyết làm tổng chỉ huy chiến dịch. Sau đó Tổng Đoàn Học sinh được thành lập do anh Lê Văn Nuôi làm chủ tịch đã phối hợp chặt chẽ với Tổng Hội Sinh viên trong các phong trào đấu tranh. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Công tác diệt ác phá kềm cũng được đẩy lên mạnh mẽ trong các khu phố. Đội Biệt động Thành Đoàn cũng có những trận đánh gây tiếng vang cả trong và ngoài nước như trận đánh cư xá Thái Lan, trận đánh cầu vượt ở chợ Bến Thành, đặt chất nổ, ném lựu đạn vào các đoàn xe quân sự Mỹ. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Mặc dù vậy, tại căn cứ cồn Bình Thạnh địch đánh phá ác liệt và mỗi ngày ta phải hợp đồng tác chiến chống càn, nhưng nội thành thì phong trào cách mạng sôi sục hơn bao giờ hết. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Khoảng tháng 3/1970, để chia bớt lửa tại cửa khẩu Cồn Bình Thạnh. Thành ủy chỉ đạo mở thêm đầu mối chỉ đạo từ căn cứ nội thành và chỉ thị đồng chí Tư Liêm đi tiền trạm mở căn cứ tại xã Nhị Quý, Cai Lậy, Tiền Giang. Đưa toàn bộ Đoàn ủy Học sinh về làm việc tại đó. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Lực lượng đi cùng đồng chí Tư Liêm gồm có: Bảo vệ: Đồng chí Đào Văn Đức (Bảy Lâm), Lê Thanh Tạo (Bé Tư), Trần Văn Ơn (Năm Nghĩa); tuyên huấn có đồng chí Năm Cơ. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Song song đó, Thành Đoàn cho củng cố lại căn cứ Phước Thạnh Bến Tre của Ban Quân sự và Đoàn ủy Thanh niên Liên phường: Liên phường 3 gồm Quận 10 và Quận 3 do đồng chí Trần Thị Ngọc (Chín Mai) và Lê Thanh Hải (Hai Nhựt) phụ trách; Liên phường 4 gồm Xóm Chiếu và Khánh Hội, Quận 4 do đồng chí Trần Thị Sáu (Mười Thoa) phụ trách; Liên phường 10 là Gia Định do đồng chí Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà) và Nguyễn Kiến Quốc (Năm Hùng) phụ trách. Khối thanh niên Liên phường do đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) phụ trách chung. Lúc đó, đồng chí Trần Thị Sáu thay vì đi học chính trị ở Khu ủy thì đồng chí Đỗ Thị Ngọc Trinh (Bảy Hà) và đồng chí Lê Thanh Hải được thay thế, chị lại trở vào Sài Gòn công tác, bị địch bắt và hy sinh. Do chị giữ khí tiết không khai báo nên chúng tra tấn dã man cho đến chết. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b><i>Tháng 6/1970 đến tháng 10/1970</i></b></span></span><b><i><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></i></b></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sau khi có một giao liên cánh Học sinh bị bắt và chiêu hàng, khai ra hệ thống giao liên cồn Bình Thạnh. Địch cho tàu chiến bao vây cửa sông Cái Lớn phía Thanh Hưng, sông Cái Nhỏ phía Sa Đéc, bao vây Cồn Trọi trong nhiều ngày và bắt ba ghe tam bản của ta: Ba Cường, Ba Huyền Phong, Chú Bảy Trứ, Dì Bảy Nhự, Ba Thắm, Ba Tiên, riêng ghe chú Hai Thanh Long chạy thoát và sau đó được điều về căn cứ Cần Thơ. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sau đó, người phụ trách giao liên bị bắt, bị tra tấn không giữ được khí tiết đã khai ra toàn bộ hệ thống căn cứ và lực lượng giao liên tại cồn Bình Thạnh. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Vì lẽ đó, địch đánh phá càng ác liệt vùng căn cứ cồn Bình Thạnh, đánh cả ban ngày lẫn ban đêm, vừa bao vây thả lực lượng bộ binh, tàu chiến trực thăng tập trung đánh các điểm căn cứ của Thành Đoàn. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Theo chỉ đạo của Thành ủy, tháng 9/1970 một bộ phận văn phòng được điều về sông Sở Thượng để xây dựng căn cứ mới. Lúc bấy giờ đồng chí Tư Liêm được cử đi tiền trạm lần thứ hai mang theo một lực lượng gồm: đồng chí Ngô Lộc Sơn (Mười Hòa) lo công tác an ninh, đồng chí Sáu Hoàng công tác quân sự, Trần Hưng Đoàn (Năm Bằng) tuyên huấn, Hoàng Phủ Ngọc Phan (Năm Sơn) tuyên huấn, Trần Thị Trúc Viên (Tư Lộc) văn phòng, đồng chí Năm Sao xây dựng căn cứ vừa làm giấy tờ giả cùng một số đồng chí bảo vệ. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cũng trong thời gian này, đồng chí Ba Vạn, đồng chí Năm Trang, đồng chí Năm Nghị vượt ngục trở về. Thành Đoàn có sự phân công sắp xếp trở lại.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Trong ngày diễn ra hội nghị, địch càn vào các khu vực căn cứ, bắn pháo trúng ngay căn nhà của văn phòng và làm bật một nắp hầm bí mật. Tuy nhiên hầm chỉ chứa đồ đạc cá nhân và dụng cụ nhà bếp. Sau trận càn lớn đó, Thường vụ quyết định rút toàn bộ bộ máy văn phòng về sông Sở Thượng, riêng nhà của văn phòng (tại nhà Bác Bảy Phàn) đã được di dời vào gần trạm y tế xã. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b><i>Từ khoảng tháng 10/1970 đến tháng 3/1971</i></b></span></span><i><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Căn cứ chỉ đạo của Văn phòng Thành Đoàn trở thành hậu cứ, nhưng nó trở thành căn cứ chỉ đạo của Ban Quân sự Thành Đoàn. Thường vụ Thành Đoàn còn lại tại cồn Bình Thạnh duy nhất có đồng chí Năm Tranh là Phó Bí thư. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nhiệm vụ cụ thể lúc bấy giờ là: Giữ liên lạc chỉ đạo với Ban Quân sự trong nội thành, liên lạc với các căn cứ Phước Thạnh (Bến Tre) căn cứ Nhị Quý (Mỹ Tho) của các Đoàn ủy học sinh, các Đoàn ủy thanh niên Liên phường và Ban Quân sự để giải quyết, đưa toàn bộ lực lượng 3 căn cứ đó về sông Sở Thượng (vì lúc bấy giờ các căn cứ này cũng bị địch đánh phá ác liệt). Hỗ trợ đưa một số cán bộ của Thành ủy về sông Sở Thượng bằng cả đường công khai và du kích. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Số còn lại căn cứ cồn Bình Thạnh gồm có: Đồng chí Năm Tranh, phụ trách chung; Đồng chí Chín Trung, văn phòng; Đồng chí Tám Vân, Y tế, chị nuôi; Các đồng chí bảo vệ: Mười Công, Chín Nhịn, Ba Dũng, Tư Quán; Giao liên: vợ đồng chí Sáu Hải, đồng chí Ba Minh (vợ Ba Dũng). Ngoài ra, còn xây dựng gia đình đồng chí Tư Quán ở cồn Trọi làm địa điểm nhắn tin, liên lạc. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Theo chỉ đạo của Thành ủy và Thành Đoàn; sau khi các đồng chí cuối cùng của cứ Mỹ Tho và Bến Tre đưa về hết sông Sở Thượng, số cán bộ chiến sĩ còn lại của cồn sau đó rút cũng hết về Sở Thượng. Lúc này, bằng mọi phương tiện địch đánh phá trực diện vào căn cứ cồn Bình Thạnh hầu như cả ngày lẫn đêm… Lực lượng hậu cứ ở Bến Tre, Mỹ Tho chưa rút hết thì vào tối ngày 14/12/1970 địch tập kích vào nhà văn phòng (chỗ đồng chí Năm Tranh làm việc) bằng nhiều đợt pháo, sau đó trực thăng rocket ngay hầm trú ẩn trong nhà. Đêm ấy đồng chí Sáu Hòa vào làm việc với đồng chí Năm Tranh và ra về ngay sau đó. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Vào lúc 6 giờ sáng ngày 15/12/1970, địch cho máy bay quần đảo tại cồn, sau đó bắn trái điểm tại nhà văn phòng, phản lực địch tập kích ngay và thả loạt bom đầu tiên. Đồng chí Năm Tranh hy sinh lúc 7 giờ sáng ngày 15/12/1970 (căn cứ vào chiếc đồng hồ đeo tay bị ngấm nước ngưng chạy lúc 7 giờ). Sau khi làm lễ truy điệu, chôn cất đồng chí Năm Tranh xong, quân số còn lại gồm các đồng chí Chín Kim, Chín Trung, Tám Vân và các đồng chí bảo vệ. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Khoảng nửa tháng sau, Thành Đoàn rút đồng chí Chín Kim về sông Sở Thượng để xây dựng căn cứ Ban Quân sự tại Cồn Cò. Và sau đó đưa tiếp đồng chí Chín Trung, Tám Vân và Tổ bảo vệ về bằng đường hợp pháp, chỉ để lại đồng chí Tư Quán (vì gia đình đồng chí Tư Quán là đầu mối liên lạc cuối cùng với căn cứ Nhị Quý, Tiền Giang; Phước Thạnh, Bến Tre và Cồn Cò, sông Sở Thượng… Sau khi công việc của cồn Bình Thạnh xong, chưa kịp đưa đồng chí Tư Quán đi thì trong một trận càn đồng chí phối hợp với địa phương chống càn, nhưng súng đồng chí bị cướp cò và đồng chí hy sinh. Từ đây Thành Đoàn chấm dứt nhiệm vụ tại cồn Bình Thạnh, qua hơn hai năm hoạt động sôi nổi, ác liệt nhưng rất kiên cường.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:center;
tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">* * *</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Căn cứ Cồn Bình Thạnh, Sa Đéc là căn cứ bám trụ chỉ đạo tương đối dài hơi của Thành Đoàn (từ tháng 12/1968 đến tháng 3/1971), là nơi tổ chức bộ máy huấn luyện hoàn chỉnh nên đã tổ chức được lớp học Nghị quyết và học tập chính trị nơi thu nhận và đào tạo được một đội ngũ giao liên và bảo vệ rất hùng hậu. Đại bộ phận các đồng chí thông qua công việc được giao đã trưởng thành và góp phần không nhỏ cho thắng lợi các mặt ở nội thành Sài Gòn cho đến ngày giải phóng. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b>N. T. N</b></span></span><o:p></o:p></p>
<p class="MsoNormal"><o:p><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></o:p></p> </html>