- BẾN TRE (1966-1968)
NGUYỄN KIÊN TRUNG
Vùng căn cứ cách mạng "Tam Giác Sắt" vào những năm 1965 - 1966 Mỹ Ngụy tăng cường càn quét, bom pháo ác liệt, gây trở ngại lớn cho công tác chỉ đạo, liên lạc, học tập ngày càng khẩn trương của các đơn vị hoạt động ngoại thành nên Khu Đoàn có chủ trương mở rộng vùng căn cứ sang các tỉnh xung quanh địa bàn của T.4 * như Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre…
Từ năm 1965, một bộ phận lớn của cánh Thanh niên Công nhân lao động chuyển về đóng căn cứ tại xã Phước Vân, Long Khê - quận Cần Đước, tỉnh Tân An. Đến khoảng gần cuối năm 1965 thì địa bàn này trở nên chật hẹp vì các đơn vị của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cũng triển khai về tập trung vùng này và một số xã giáp ranh của quận Cần Giuộc, hoạt động các cửa khẩu, các bàn đạp quá tải, địa bàn bị lộ, địch bắt đầu chú ý, cài cắm mật vụ và bố trí số chiêu hồi ở các chốt cảnh sát.
Để mở rộng địa bàn hoạt động, tạo thế chủ động bất ngờ và bảo vệ an toàn lực lượng đồng thời đáp ứng yêu cầu cao nhất cho công tác chỉ đạo, học tập cho cơ sở trong tình hình mới vô cùng khẩn trương và cấp thiết, đồng chí Hồ Thái Hòa (Năm Khoa) - Bí thư Đoàn ủy Thanh niên công nhân lao động với mối quan hệ trước với cấp ủy tỉnh Bến Tre nên khoảng cuối năm 1965, đồng chí đã có cuộc tiếp xúc và khảo sát địa bàn Châu Thành tỉnh Bến Tre.
Được sự giúp đỡ tận tình của Tỉnh ủy Bến Tre, Quận ủy Châu Thành, nhất là Bí thư các xã nằm hai bên trục lộ phà Rạch Miễu - Bến Tre như Phước Thạnh, Song Phước - Tam Phước…
Sau đợt học tập cho cán bộ nội thành trong dịp tết 1965 - 1966 ở Phước Vân - Long Khê, Tân An, đầu năm 1966 căn cứ Thanh niên Công nhân lao động chuyển về xã Phước Thạnh, Quận Châu Thành, tỉnh Bến Tre với sự giúp đỡ tận tình của đồng chí Ba Hải - Bí thư xã Phước Thạnh. Đồng chí bố trí đơn vị đóng tại ấp 1 vùng tiếp giáp, rất thuận lợi cho việc liên lạc, bảo đảm thế hợp pháp cho khách ra vào đồng thời khu vực ít bom pháo. Đơn vị được rãi ra, đóng trong nhà dân, như nhà Bác Tư, nhà anh chỉ Ba Bộ (Bí thư chi bộ ấp), nhà Má Út.
Tháng 4/1966, đội vũ trang Nguyễn Văn Trỗi do đồng chí Năm Trọng chỉ huy triển khai mở rộng căn cứ ở xã Tam Phước. Ở đây đơn vị vận động thanh niên xây dựng phát triển nhiều giao liên công khai và chiến sĩ bổ sung cho đơn vị.
Về đóng quân ở đây được sự giúp đỡ tận tình của Quận ủy Châu Thành và có quan hệ tốt bộ phận quân báo tỉnh Bến Tre (đồng chí Mười Điền phụ trách) và bộ phận công tác Học sinh của thị xã ủy (do đồng chí Minh Hiền - Sáu Phong phụ trách) nên ta nắm chắc được tình hình hoạt động của địch ở địa bàn.
Vùng căn cứ được mở rộng sang xã Song Phước và bàn đạp giao liên mở rộng đến xã Phú An Hòa và Hữu Định.
Tháng 5/1966, Khu ủy quyết định điều động đồng chí Năm Khoa sang công tác ở bộ phận công vận cùng một số đồng chí khác là công nhân bám trụ tại các công ty, xí nghiệp lớn như đồng chí Năm Liên, Sáu Lan.
Ban Chấp hành đơn vị Thanh niên Công nhân Lao động họp tại nhà bác Tư ở ấp 1 xã Phước Thạnh; Khu Đoàn chỉ định đồng chí Tư Giang làm Bí thư thay đồng chí Năm Khoa và bổ sung đồng chí Ba Xích, cán bộ tập kết về vào Ban Thường vụ.
Hoạt động vùng căn cứ ở khu vực các xã lân cận Phước Thạnh - Song Phước rất sôi động. Khách ra vào học tập thường xuyên. Một bộ phận văn phòng của Thành Đoàn (Khu Đoàn) về đóng quân ở ấp 3 - 4 xã Phước Thạnh và xã Song Phước.
Khoảng tháng 5/1967, đồng chí Hai nghị (Hồ Hảo Hớn) - Bí thư Khu Đoàn về trực tiếp mở lớp cho cán bộ Khu Đoàn. Bộ phận vũ trang của Khu Đoàn cũng về đóng tại ấp 2 xã Phước Thạnh.
Sau khi có nghị quyết về tình hình nhiệm vụ mới, tại căn cứ này có nhiều cuộc hội nghị như hội nghị của Khu Đoàn về sắp xếp lực lượng cán bộ các đội vũ trang biệt động, thê đội II đánh chiếm các mục tiêu xung yếu, các đội vũ trang tuyên truyền và lực lượng phong trào công khai.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, tất cả các lực lượng đều tăng cường điều động cán bộ về vùng căn cứ này để củng cố tổ chức và học tập. Huấn luyện tác chiến vũ trang. Có thể nói, hoạt động của vùng căn cứ lúc này trở nên quá tải, địch bắt đầu có sự chú ý, theo dõi. Nhiều lần cấp ủy địa phương có thông báo nhắc nhở, vì vậy cần mở rộng bàn đạp mới sang các xã khác như Quới Sơn - tiếp giáp sông Tiền qua Mỹ Tho.
Đến những tháng đầu năm 1968, chuẩn bị cho đợt Tổng công kích – nổi dậy Xuân Mậu Thân hầu hết cán bộ được phân công đã được bố trí vào nội thành. Số còn lại bằng đường giao liên công khai và du kích chuyển về củng cố lại khu căn cứ Phước Vân - Long Khê, tỉnh Long An để tiếp nhận quân cụ, vũ khí đồng thời tạo điều kiện xâm nhập vào nội thành khi có yêu cầu.
Căn cứ Bến Tre từ cuối năm 1967 đầu năm 1968 chỉ còn ở lại một số đồng chí để bảo vệ căn cứ và quản lý tài liệu và địa bàn.
Có thể nói, vùng căn cứ Bến Tre (các xã Phước Thạnh, Song Phước) là nơi hoạt động sôi động và an toàn của Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định vào những năm 1966-1968, đựơc sự che chở của các lực lượng, cấp ủy địa phương và tình cảm sâu đậm của bà con nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân, ơn sâu nghĩa nặng ấy không bao giờ phai đối với cán bộ, chiến sĩ Thành Đoàn, nhất là những người đã hơn một lần về học tập ở đó.
Về lại căn cứ Phước Thạnh - Bến Tre (12/1969 - 12/1970)
Tháng 12 năm 1969, do căn cứ chính của Thành Đoàn ở cồn Bình Thạnh - Cao Lãnh, địch bắt đầu đánh phá ác liệt. Các cửa khẩu ra vào địch tăng cường khám xét, hoạt động của Thành Đoàn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Thành Đoàn chủ trương phân tán các Đoàn ủy chuyển về một số địa bàn khác để bảo tồn lực lượng - Đoàn ủy học sinh về Mỹ Long, Nhị Quý - Cái Bè - Mỹ Tho, Ban Quân sự và khối Đoàn ủy Thanh niên Liên phường về xã Phước Thạnh - Bến Tre
Ban quân sự đóng ở Ấp 1 - ấp 2 xã Phước Thạnh, có các đồng chí Đỗ Văn Lai (Chín Kim), Huỳnh Văn Minh (Ba Dừa), đồng chí Bảy Miễn, đồng chí Đàm Thanh Quan (Ba Gia - Bảy Đoàn), đồng chí Công Thành, đồng chí Tư Việt, Sáu Ly, Ba Đức, Bảy Châu…, ngoài ra còn một số đồng chí ở trong nội thành để thực hiện công tác võ trang.
Khối Đoàn ủy thanh niên Liên Phường đóng ở Ấp 3 - Ấp 4 xã Phước Thạnh - Bến Tre do đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) phụ trách chung. Khối Đoàn ủy Thanh niên Liên phường có 3 Đoàn ủy: Đoàn ủy Liên phường 3 gọi tắt là F3 phụ trách quận 3 và quận 10 do đồng chí Trần Thị Ngọc (Chín Mai) phụ trách cùng với đồng chí Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), đồng chí Tư Quốc, đồng chí Nguyễn Thị Gái (Năm Thái), Đoàn ủy Thanh niên Liên phường 10 gọi tắt là F10, chịu trách nhiệm Gò Vấp, Bà Chiểu, Bình Thái do đồng chí Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà) phụ trách cùng với đồng chí Nguyễn Kiến Quốc (Năm Hùng), đồng chí Đào Thị Hạnh (Tư Nguyện), đồng chí Trần Thị Trúc Chi (Năm Thạnh), đồng chí Huỳnh Thị Kiều Thu (Út Hải), Đoàn ủy Thanh niên Liên Phường 4 gọi tắt là F4, do đồng chí Trần Thị Sáu (Mười Thoa) phụ trách cùng với đồng chí Hai Dũng, đồng chí Nguyễn Thị Đỉnh (Sáu Phượng), đồng chí Nguyễn Vân Vũ (Chín Trực), đồng chí Đỗ Tiến Lực (Chín Lực)… phụ trách Khánh Hội - Xóm Chiếu quận 4, quận 2 cũ gần Phường Cầu Kho, Phường Cô Giang, Phường Cầu Ông Lãnh… của quận 1 hiện nay.
Về căn cứ Phước Thạnh vào thời điểm này địch bắn phá bom pháo hủy diệt cây trái, vườn dừa tan hoang, địch thực hiện chính sách bình định, người dân không thể bám trụ, địch gom về Ấp chiến lược, thỉnh thoảng lúc nào yên bà con mới lén về thăm vườn. Anh em trong căn cứ Khối Thanh niên Liên phường lúc đầu chỉ có đồng chí Đào Văn Thành (Tám Sơn) mới ở tù ra và đồng chí Dương Thị Trước (Bảy Huyền). Gần đến Tết có thêm một số đồng chí về thêm như đồng chí Đỗ Tiến Lực (Chín Lực), Hồ Văn Thông (Ba Minh, Ba Luân), Nguyễn Văn Vũ (Chín Trực), Nguyễn Kiến Quốc (Năm Hùng), Lê Doãn Sĩ (Tư Thanh), Tư Liêm, Nguyễn Thị Hiệp (Ba Trung)… Năm đó ăn tết ở Phước Thạnh rất buồn vì Bảy Huyền vừa bị pháo bắn hy sinh.
Sau Tết có thêm một số đồng chí từ nội thành về, đồng chí Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà), đồng chí Lê Thanh Hải (Hai Nhựt) sau khi đi học lớp chính trị của Thành ủy cũng về đây. Anh em sử dụng lại mấy căn nhà bỏ trống hoang của bà con bỏ đi, đào được 10 hầm bí mật để tránh giặc càn, mỗi hầm chứa được từ 2-3 người.
Căn cứ Phước Thạnh ra vào vùng nội thành có 3 cửa khẩu: Bến đò An Hóa ở ấp 4, Vàm Cái Trang ở ấp 1, cửa khẩu xã Phú An Hòa hướng ra vào thị xã Bến Tre.
Khi căn cứ nhà cửa ổn định, hầm hố bố phòng tương đối vững chắc, cửa khẩu ra vào thông suốt, Khối đoàn ủy Thanh niên Liên Phường đã tổ chức một số lớp học ngắn từ 7 đến 10 ngày với nội dung cơ bản như Lý tưởng Thanh niên, Lịch sử phát triển xã hội loài người qua 5 chế độ, năm bước công tác, Khí tiết và đạo đức người cộng sản… Giảng bài có đồng chí Tư Liêm, Bảy Hà, Hai Nhựt, huấn luyện quân sự có đồng chí Năm Hùng, Chín Trực giao liên trong căn cứ có Tám Sơn, giao liên công khai có Ba Trọng, Hai Liên…
Tuy tình hình căn cứ rất ác liệt, địch càn bố, chà xát liên tục, chỉ trong 6 tháng có 5 đồng chí lần lượt hy sinh: Bảy Huyền, Tám Sơn, Bé Nhân, Ba Luân và Bé Hòa, nhưng các đồng chí quyết tâm khắc phục khó khăn, biến đau thương thành động cách mạng, tập trung chỉ đạo qua gần 1 năm đã phát triển trên 60 cán bộ cơ sở, hoạt động đến khắp ở các quận 1, 2, 3, 4, Bà Chiểu, Bình Hòa, Gò Vấp, Khánh Hội, quận 4, đã tổ chức 1 trận đánh trong nội thành: diệt ác phá kềm, trụ sở nhân dân tự vệ, trạm biến thế điện, trạm xăng, đồn quân cảnh, và hàng trăm vụ võ trang tuyên truyền, rãi truyền đơn, treo biểu ngữ, treo cờ mặt trận giải phóng, rãi truyền đơn, gây tiếng nổ, làm tối om, tắc nghẽn thành phố… xây được những lõm chính trị ở Hòa Hưng, Vườn Chuối, Bàn Cờ, Ngã Bảy, Bình Hòa, Bà Chiểu, Cây Thị…
Căn cứ Ban Quân sự cũng nằm trong bối cảnh chung đó, địch càn bố chà xát hằng ngày, cửa khẩu ra vào rất khó khăn, việc vận chuyển vũ khí vào nội thành hết sức phức tạp, căng thẳng, địch lùng xét thật kỹ và cho chiêu hồi nhìn mặt ở các cửa khẩu. Các đồng chí Ban chỉ huy quân sự và cán bộ chiến sĩ đã hạ quyết tâm tập trung thực hiện trên 17 trận đánh vào những mục tiêu làm thối động thành phố, bọn địch hoang mang lo sợ, trong đó có 2 chung cư Mỹ làm chết và bị thương 65 tên, 2 Bưu điện trung tâm, 1 ty chiêu hồi, 2 trạm biến thế điện, 1 trạm cấp nước, 5 xe chở lính Mỹ, 1 cuộc võ trang tuyên truyền, đánh 1 tòa báo phản động, cầu vượt chợ Bến Thành… trực tiếp thực hiện các trận đánh trong nội thành có các đồng chí Ba Tung, Tư Kiên, Tư Việt, Bảy Đoàn, Sáu Ly và một cán bộ chiến sĩ khác.
Cả Ban quân sự và Khối đoàn ủy Thanh niên Liên phường hiện theo sự chỉ đạo của quân khu đánh vào một số mục tiêu, diệt ác phá kềm theo phương châm “im tiếng, tối om, tắc nghẽn”… làm cho thành phố rối loạn, địch hoang mang lo sợ, ta đánh để hỗ trợ cho phong trào chung của nội thành và nông thôn.
Thời gian về lại căn cứ Phước Thạnh, tuy ngắn (1969), Ban quân sự và Khối Đoàn ủy Thanh niên liên phường đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhiệm vụ, góp cho Quân khu đánh các mục tiêu, diệt ác phá kềm và những cuộc võ trang tuyên truyền hỗ trợ cho phong trào chung của thành phố. Trong căn cứ tuy rất ác liệt, nhưng chính nơi đây nhiều cán bộ đã được rèn luyện, thử thách và trưởng thành.
Thành Đoàn không bao giờ quên được sự giúp đỡ hỗ trợ nhiệt tình của Huyện ủy Châu Thành (Bến Tre), đồng chí A Hai, Xã ủy - Xã đội Phước Thạnh đồng chí Tám Hoàng, đồng chí Tám Hùng, các đơn vị giao liên tỉnh Bến Tre (Trạm lộ 6, lộ 7) đồng chí Hai Dũng, Lê Minh và tập thể anh em du kích xã, tập thể anh em giao liên tỉnh…
Thành Đoàn còn được sự thương yêu, bao bọc, che chở, cưu mang hết lòng của nhân dân trong xã như Chị Tư Chơi, chú Hai Hải, chị Sáu Mành, Dì Hai Lụa, Chị Ngoan, dì Tư Ngoạn…
N.K.T