<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> <b style="text-align: center;">CĂN CỨ PHƯỚC VÂN - LONG KHÊ</b> </span></span></span></div>
<p class="MsoNormal" align="center" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:center;
tab-stops:27.0pt"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b>CÁNH THANH NIÊN CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG </b></span></span></span><b><span style="font-size:16.0pt"><o:p></o:p></span></b></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="margin-bottom:6.0pt;text-align:center;
tab-stops:27.0pt"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b>(1964 - 1968)</b></span></span></span><b><span style="font-size:16.0pt"><o:p></o:p></span></b><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><b> </b></span></p>
<p class="MsoNormal" align="right" style="margin-bottom:12.0pt;text-align:right;
tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b>NGUYỄN VĂN BÌNH</b></span></span><b><span style="font-family:"Arial","sans-serif";mso-bidi-font-family:
"Times New Roman""><o:p></o:p></span></b><b> </b></p>
<div><span style="font-family: Arial;">
<p class="MsoNormal" align="right" style="margin-bottom:12.0pt;text-align:right;
tab-stops:27.0pt"> </p>
</span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></div>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sau năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ thay bằng những tên tay sai mới. Trải qua nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi và không tránh khỏi những tổn thất về tổ chức và con người dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, tổ chức cách mạng Học sinh - Sinh viên vẫn ngoan cường tồn tại và mở rộng, quần chúng thanh niên, nhất là Học sinh - Sinh viên ngày càng giác ngộ và hành động quyết liệt hơn. Phong trào phát triển mạnh mẽ tổ chức, lực lượng tất yếu phát triển tương ứng, đặc biệt là vào những năm 1965-1966, khi Mỹ đưa quân vào trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, đòi hỏi sự chỉ đạo, lãnh đạo và tác chiến của các đơn vị (hay gọi tắt là các cánh) phải năng động, nhanh nhạy, kịp thời. Nhu cầu phát triển căn cứ địa phương phục vụ cho phong trào tổ chức hết sức cấp bách, trong khi các căn cứ chính, gốc ở Củ Chi ngày càng khó khăn, bị động về nhiều mặt. Thành ủy và Khu Đoàn có chủ trương chỉ đạo các cánh, các bộ phận đi xây dựng căn cứ mới cho chính bộ phận, đơn vị mình trước yêu cầu của tình hình chuyển biến mới.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chấp hành sự chỉ đạo, khoảng cuối năm 1964, cánh Thanh niên công nhân lao động cử 3 đồng chí Nguyễn Văn Ly (Hai Nhân, Tư Kết), Nguyễn Văn Y (Út Thống) và Nguyễn Văn Bình (Năm Trọng) lên đường đi xây dựng căn cứ ở hướng tỉnh Long An. Từ Củ Chi về căn cứ dã chiến xã Hưu Thạnh Thượng (Đức Hòa, Long An) tạm trú tại căn cứ S36, bên bờ kênh Lý Văn Mạnh - Vườn Thơm, 3 đồng chí vượt cánh đồng hoang hóa vì bom đạn của xã Thanh Hà, qua Mỹ Yên (quận Bến Lức, Long An), vượt quốc lộ 4 (đi Miền Tây, nay là quốc lộ 1A) tại cung đường thuộc xã Phước Lý (Long An), băng qua địa phận xã về đến Ngã Tư An Thuận, xã Phước Vân, liên hệ ngay với huyện ủy Huyện Cần Đước: bắt đầu những chuỗi ngày xây dựng căn cứ tại hai xã Phước Vân và Long Khê.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cũng xin nói chút ít vì sao có việc phát hiện và xây dựng căn cứ tại các xã này. Bởi đó là quê của đồng chí Đỗ Đăng Đằng, một cán bộ học sinh từ thời 1954-1960, sau được chuyển về cánh Thanh niên công nhân lao động. Tổ chức cử đồng chí Hai Nhân đi công khai nghiên cứu thực địa, được chấp thuận, đồng chí cùng đồng chí Năm Trọng và đồng chí Út Thống, lúc đầu dưới danh nghĩa đi xây dựng căn cứ cho bộ phận võ trang Khu Đoàn (đội 9-1). Về sau (khoảng 1965) đồng chí Hai Nhân, Năm Trọng về công tác trong ban vận động Thanh niên công nhân lao động (tiền thân của cánh Thanh niên công nhân lao động) nên căn cứ Phước Vân - Long Khê nghiễm nhiên thành căn cứ của cánh Thanh niên công nhân lao động.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cùng đi xây dựng căn cứ lần này có đoàn của Khu ủy do đồng chí Ba Tôn (Nguyễn Văn Thuyền), Khu ủy viên, lãnh đạo; đồng chí Năm Hoàng là cán bộ căn cứ. Bí thư huyện ủy Cần Đước là đồng chí Bảy Nguyễn, Tỉnh ủy viên đã hết sức giúp đỡ, hỗ trợ các đoàn xây dựng căn cứ. Đoàn của cánh Thanh niên công nhân lao động được Thường vụ huyện ủy giới thiệu đến chi bộ các xã Phước Vân, sau đó mở rộng ra, đến các chi bộ xã Long Khê, Long Trạch, Phước Lý… là những xã giải phóng và nửa giải phóng, có phong trào và lực lượng mạnh; có đường giao thông liên lạc, đi lại, cơ sở hậu cần tiếp tế thuận tiện.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tại xã Phước Vân, đoàn đã xây dựng căn cứ tại ấp "1", sau đó thêm ấp "2"; tại xã Long Khê đoàn lập căn cứ tại ấp "4"; xây dựng bàn đạp các xã chung quanh (Long Hiệp, Long Trạch, Phước Lý,…). Bàn đạp là nơi tiếp giáp giữa vùng ta và vùng địch (vùng độn), nơi chuyển đổi từ thế bất hợp pháp thành thế hợp pháp và ngược lại, cho cán bộ, khách và giao liên ra vào hai vùng. Tại các xã thuộc vùng thượng huyện Cần Đước này nhân dân còn giữ được thế hợp pháp đối với địch. Việc đi lại giữa nhân dân hai vùng gần như bình thường, dù vẫn chịu sự kiểm soát, khám xét gắt gao. Tại Phước Vân ta xây các bàn đạp ở khu vực cầu Bà Bắc (cầu ranh giới giữa xã Phước Vân và Phước Lợi) và tại xã Long Hiệp. Cả hai bàn đạp này đều ra quốc lộ 4. Tại Long Khê ta xây các bàn đạp tại xã Long Trạch, ra Cầu Tràm về thị trấn Bình Chánh và xã Phước Lý theo lộ chính của xã ra quốc lộ 4. Nói chung có 4 ngã chính và một số ngã phụ băng đồng ra quốc lộ 4 về Sài Gòn. Từ chiếu tối anh em có thể ra gần quốc lộ 4 nhìn các loại xe xuôi ngược, pha đèn sáng quắc, nhớ về Sài Gòn, mơ ước ngày về vinh quang.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Xã Phước Vân, theo hành chánh Ngụy, là một xã thuộc quận Gò Đen, tỉnh Long An. Ngoài quốc lộ vào phải qua xã Phước Lợi, theo đường đá đỏ mới về Phước Vân, Long Khê là hai xã giáp ranh, chỉ cách Sài Gòn khoảng trên 30 cây số.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Phước Vân là một xã giải phóng từ năm 1963 nhưng nằm trong vùng xung yếu của chiến trường Long An. Nơi đây đã có chi bộ, có lực lượng du kích, lực lượng huyện, thỉnh thoảng chủ lực tỉnh cũng về trú quân. Xã đã thành xã chiến đấu, phá đường, đào hầm - hào, dựng hàng rào, đắp đê, các vuông tre, bụi tre, bờ tre là các ổ chiến đấu đều có đặt mìn, gài trái… Phải với lực lượng cở 2 tiểu đoàn, có máy bay, xe lội nước yểm trợ, quân ngụy mới có thể vào đến trung tâm xã (ngã tư An Thuận). Mặc dù dọc theo lộ 4, nhất là tập trung từ ngã ba Long Hiệp đến ngã ba Gò Đen, lúc nào cũng đầy dẩy, tràn ngập các lực lượng biệt động quân, lính sư đoàn, lính bảo an, cảnh sát, công an, mật vụ,… nhưng địch cũng ít tiến hành các cuộc hành quân vì ngại thương vong. Mãi đến những năm 1968 - 1969, với sự tham chiến của quân Mỹ, cùng với các chương trình “bình định trọng điểm”, rồi “trọng điểm của trọng điểm”, quân ngụy mới tái chiếm các xã giải phóng của ta trong khu vực này. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Phải nói rằng, bất cứ nơi nào, vùng nào trong cuộc kháng chiến cực kỳ khốc liệt này đều có muôn vàn khó khăn từng ngày, từng giờ của riêng mình, nhưng chi bộ các địa phương được Thường vụ huyện ủy Cần Đước giới thiệu đoàn đến, các đồng chí lãnh đạo tại đây đều vui vẻ và nhiệt tình đón tiếp, thể hiện rõ tính chất độc đáo của chiến tranh nhân dân, của sự lãnh đạo trên - dưới một lòng, biểu hiện rõ sức mạnh của một Đảng lãnh đạo cách mạng. Đây cũng chính là bài học vô giá người ngày nay phải học.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tại Phước Vân, đoàn được sự giúp đỡ tận tình của chi ủy xã và đồng chí Bí thư Chi bộ Ba Hưu (Đào Văn Hữu). Đoàn được hướng dẫn về ấp “1” liên hệ với đồng chí Bí thư ấp Tư Nghệ để lập căn cứ. Ấp “1” Phước Vân nằm dọc theo con rạch Phước Vân chảy qua các xã Long Khê, Phước Lợi, Phước Vân, Long Hiệp,…đến Bến Lức, là ranh giới tự nhiên giữa các xã, hai bên bờ um tùm rặng dừa nước, ô rô, cây bần, các bụi cây không biết tên đầy gai gốc… là địa hình rất tuyệt. Quân địch ít khi dám đến gần “đám lá tối trời” âm u, bí hiểm này, nó là bức tường thiên nhiên che giấu, bảo vệ không biết bao nhiêu con người kháng chiến, trong một cuộc chiến không cân sức. Chính vì lợi thế thiên nhiên đó việc xây dựng căn cứ tại ấp “1”, Phước Vân, lúc đầu không cần phải làm hầm bí mật mà chủ yếu là công tác quần chúng nhân dân tại đây “hầm bí mật” trong lòng dân. Lúc đầu đoàn đóng căn cứ trong nhà anh, chị Tư Nghệ và nhà ông xã Bàn. Nhà ông xã Bàn là nhà lai, kiên cố lớn nhất xã Phước Vân khiến nhiều người mới ngạc nhiên. Chiều về, không gian, cảnh vật yên tĩnh, gió thổi mơn man, ruộng lát xào xạt, tiếng dệt chiếu lộc cộc, lộc cộc thật thanh bình, thơ mộng làm người chiến sĩ tạm thời quên đi những nỗi nhọc nhằn, nguy hiểm của chiến trường đô thị ác liệt, về đây thở không khí tự do, giải phóng, phấn khích lòng người. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Căn cứ Phước Vân mở rộng đến gia đình chị Ba Ở, ba má Năm Tiên (ba Năm Tiên còn được gọi là ông già Trung ương, vì sau khi làm một xị thì ba đi họp Trung ương về để bảo ban các con), nhà ông Bảy Mù (ông bị khiếm thị, giàu lòng yêu nước, gọi riết nên không biết tên thật của ông), nhà má Hai Nghiêm (còn gọi là má Hai Tôn Tẩn), nhà ba má Năm Tranh, anh Ba Bớt…; bàn đạp có nhà bác Bốn Ngôn, chị Ba Hưu, anh Bảy Giai, chị Tư Mùi… Về sau còn phát triển sang ấp 2 (ấp Truy Lộc) đóng tại nhà chú Tư Trần… Một mạng lưới cơ sở vùng căn cứ Phước Vân phục vụ mọi yêu cầu hoạt động chính trị - vũ trang trong lòng thành phố Sài Gòn - Gia Định của Cánh Thanh niên công nhân lao động đạt hiệu quả cao.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Từ ngày bắt đầu xây dựng, năm 1965, trải qua các năm 1966, 1967 căn cứ Phước Vân đã dần hoàn chỉnh về các mặt: tổ chức nơi đóng quân an toàn cho cán bộ, chiến sĩ vùng B </span></span><span style="font-size:12.5pt"><a href="#_ftn1" name="_ftnref1" title=""></a><span style="font-size: small;"><a href="#_ftn1" name="_ftnref1" title=""><span style="font-family: Arial;"><sup>(</sup></span></a><span style="font-family: Arial;"><sup>*) </sup>ăn, ở, phục vụ các đồng chí vùng A <sup>(*)</sup> về làm việc, hội họp, học tập. Cán bộ chiến sĩ đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi về luyện tập, lên sa bàn các trận đánh địch tại Sài Gòn - Gia Định. Tổ chức giàn giao liên vận chuyển tài liệu, vũ khí, đưa đón cán bộ, khách…; tổ chức bố phòng an ninh chống giặc càn quét đột kích, chống gián điệp… Căn cứ đã phát huy tác dụng tốt, góp phần vào thành tích công tác, tấn công địch trên các mặt trận chính trị, vũ trang tại Sài Gòn - Gia Định.</span></span><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Từ năm 1968 một năm lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Miền Nam và cũng là năm đặc biệt riêng, không thể nào quên của căn cứ Phước Vân. Tại đây đã chứng kiến cảnh ra quân hùng tráng của cán bộ chiến sĩ các đơn vị công tác thành của Sài Gòn - Gia Định. Các căn nhà căn cứ, nhà nhân dân tại ấp 1 kéo dài đến chân cầu Bà Đắc (cầu cửa ngõ của xã), rầm rập lên đường tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Gần 200 cán bộ chiến sĩ mới, cũ các đơn vị của Thành ủy, Công vận, Thành Đoàn, các Đội Võ trang Biệt động Thành họp mittinh bên chân cầu đêm 29 Tết lịch sử, một ngày bằng 20 năm. Từng loạt súng nổ chào mừng năm mới, chào mừng Cách Mạng đang sang trang, đoàn quân chia nhau vượt lộ 4 về Vĩnh Lộc, Bình Trị Đông, các vùng ven quận Bình Chánh tràn về quận 6, 10, 11; hoặc vượt lộ Cần Giuộc, cầu Ông Thìn về các quận 7, 8 tiến vào Chợ Lớn… Tết Mậu Thân nổ ra như trời long đất lở trước một kẻ địch có hàng triệu quân. Quân ta trên toàn miền từ Quảng Trị, Huế, Sài Gòn đến mũi Cà Mau thắng lớn nhưng không dứt điểm được chính quyền miền Nam.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sau đợt một Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Mậu Thân các lực lượng quân sự - chính trị của ta phải rút về các căn cứ, củng cố rút kinh nghiệm chuẩn bị cho đợt sau. Các ban chỉ huy quân sự chủ lực miền, Quân khu 4, Biệt động Thành, các đơn vị của Thành ủy lùi ra xa nội thành, về bên kia sông Vàm Cỏ… Các đơn vị của Thanh niên công nhân lao động và Đội Võ trang Nguyễn Văn Trỗi lại lùi về Phước Vân. Đến tháng 3/1968 có thêm bộ phận lãnh đạo của Thành Đoàn (do đồng chí Tư Liêm phụ trách căn cứ) cũng về đóng quân ở Phước Vân, chia nhau căn cứ của Thanh niên công nhân lao động. Tất cả các đầu mối công tác nội, ngoại thành đều tập trung về đây. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chuẩn bị cho đợt 2 Tổng công kích 1968, Ban chấp hành Thành Đoàn về hội nghị tại căn cứ Phước Vân, sắp xếp lại tổ chức chủ trương tập trung các cán bộ cốt cán của các bộ phận Thành Đoàn về thành lập các Liên phường (do các Liên Phường ủy phụ trách) tại các khu vực địa bàn chuẩn bị khởi nghĩa gồm: Liên Phường 1 khu vực tỉnh Gia Định (Bí thư: đồng chí Tám Võ, tức đồng chí Trân Hữu Phước); Liên Phường 3 khu vực Hòa Hưng - Lê Văn Duyệt - Nguyễn Thông do đồng chí Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) là Bí thư Liên Phường ủy, Phó Bí thư đồng chí Nguyễn Văn Bình (Năm Trọng), Đảng ủy viên đồng chí Võ Văn Thôn (Mười Thôn). Về sau Liên Phường 3 chia thành; Liên Phường 3A </span></span><span style="font-size:12.5pt"><a href="#_ftn2" name="_ftnref2" title=""></a><span style="font-size: small;"><a href="#_ftn2" name="_ftnref2" title=""><span style="font-family: Arial;"><sup>(</sup></span></a><span style="font-family: Arial;"><sup>*)</sup> (có đồng chí Ba Xích về thay đồng chí Năm Trọng vừa bị địch bắt) và Liên Phường 3B phụ trách khu vực Trương Minh Giãng nối dài do đồng chí Chín Kế, Bí thư Liên Phường và hai đồng chí Mười Thôn, Năm Xuân; Liên Phường 6 khu vực Quận 11, 6 do đồng chí Sáu Vĩnh là Bí thư Liên Phường. Cả 4 Liên Phường đã phát huy tác dụng trong đợt 2 Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Mậu Thân.</span></span><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cùng với công tác tổ chức chuẩn bị cho đợt 2 nói trên, Ban chấp hành Thành Đoàn đã tiển 50 cán bộ, chiến sĩ thanh niên ưu tú, rút từ các đơn vị quân sự, chính trị của Đoàn, lên đường gia nhập lực lượng Biệt Động Thành (Quân khu Y4). Đoàn lên đường gồm các đồng chí cán bộ - chiến sĩ: Tư Nghĩa (Đại đội bậc trưởng), Ba Chiến, Hai Dũng, Út Tâm. Ba Thu, Tám Tân, Chín Linh, Út Thành (Lê Công Thành), nữ đồng chí Thu An, Thu Vân, các em Quyết, Tiến và nhiều đồng chi khác. Các đồng chí Ba Phong, Hai Tâm (Biệt động Thành) đã về Phước Vân nhận quân. Các cán bộ - chiến sĩ Thành Đoàn đã chiến đấu anh dũng trong hai đợt Mậu Thân (đợt 2 và 3/1968). Trong đội ngũ Biệt động Thành, một số đồng chí đã anh dũng hy sinh như trường hợp của đồng chí Thu Vân. Đồng chí đã ngã xuống trên cánh đồng xã Mỹ Hạnh khi đưa một đơn vị chủ lực quân khu tiến vào Sài Gòn đợt 2 Mậu Thân. Ngày 04/5/1968, giặc đánh vào xã và đội hình của tiểu đoàn. Giao tranh diễn ra rất ác liệt, phá bắn cấp tập vào đội hình ta, đồng chí Thu Vân, cùng nữ đồng chí Chín Phương hy sinh khi lấy thân mình che đạn pháo cho em Phan Kiến Quốc (chiến sĩ mới). Đồng chí Phạm Thu Vân (biệt danh Bảy Thủy) là con một của hai vợ chồng đồng chí Phạm Quang Hồng, cán bộ cách mạng lão thành… Đồng chí Tư Nghĩa anh dũng hy sinh tại khu vực chùa Ấn Quang, Quận 3.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Kể chuyện căn cứ Phước Vân gợi nhớ đến sự hy sinh anh dũng của đồng chí Ba Thành và nữ giao liên Hồng Liên. Đêm trước ngày hai đồng chí hy sinh căn cứ Phước Vân đón được đoàn cán bộ - chiến sĩ do đồng chí Bảy Trung phụ trách, đưa anh chị em ta từ Bến Tre về (sau 46 ngày đêm ròng rã chờ cơ hội vượt sông Cửu Long, nhiều lần tìm cách qua lộ 4, ngày tránh giặc, đêm hành quân, nhiều lần gặp giặc phục kích phải quay lại trạm giao liên xuất phát…). Cả căn cứ vui mừng không kể xiết. Sáng hôm sau (một ngày tháng 4/1968) anh chị em trong căn cứ vừa ăn cơm xong thì có báo động giặc càn. Mọi người ngay lập tức thu gọn đồ đạc, ba lô súng đạn lên vai chuẩn bị tránh càn (để giữ bí mật căn cứ, chỉ được phép nổ súng khi tình thế bắt buộc). Một số đông đồng chí chém vè dưới rặng dừa nước, một số đồng chí, nhất là các đồng chí nữ, xuống hầm bí mật nằm rải rác trong căn cứ. Không may, có kẻ chỉ điểm, bọn Mỹ bắn phá dữ dội, xông vào căn cứ, sục sạo tìm hầm, phát hiện ra hầm bí mật có đồng chí Ba Thành và hai nữ giao liên là đồng chí Hồng Liên và đồng chí Sáu Lan. Chúng gọi hàng nhưng đáp lại là tiếng hô dõng dạc, tiếng AK quyết liệt của đồng chí Ba Thành. Giặc ném lựu đạn vào hầm. Đồng chí Ba Thành và đồng chí Hồng Liên hy sinh khi còn ở tuổi thanh niên trong trắng đầy những ước mơ tươi sáng. Đồng chí Sáu Lan bị thương khá nặng, bị giặc bắt. Đồng chí khai là vợ vào thăm chồng, nghe tiếng đạn bom chạy theo vào hầm thế thôi giặc giam đồng chí một năm rồi trả tự do, không gây tác hại gì cho đơn vị. Cho đến tận ngày hôm nay, anh chị em Thành Đoàn vẫn nhớ và nhắc mãi khí phách anh hùng của Ba Thành (quê Củ Chi) và lòng dũng cảm của Hồng Liên (lúc đó chỉ mới 16 - 17 tuổi, quê Bến Tre), nhất định không hàng dù biết rằng phải hy sinh. Căn cứ Phước Vân địa hình mỏng manh đã cứu mạng không biết bao nhiêu lớp cán bộ, chiến sĩ Giải phóng, từ các đồng chí địa phương đến các đồng chí từ bốn phương trời quy tụ về đây cùng với hàng trăm cán bộ - chiến sĩ Thành Đoàn. Năm đồng chí Thành Đoàn là đồng chí Mười Nam, Út Trung, Hai Trung, Ba Thành và Hồng Liên đã ngã xuống và mãi mãi ở lại với ruộng đồng Phước Vân. Ngã xuống tại ấp “2”, Phước Vân, năm 1967, còn có nữ đồng chí Năm Sự (Lê Thị Năm). Trong một chiều mưa gió mịt mù, trắng xóa đồng xuộng, hai đồng chí Hai Liên, Năm Sự trên đường đi công tác gấp từ Long Khê ra cửa khẩu Phước Vân về thành phố, đến ngang ấp “2” bỗng có tiếng sét dữ dội ngoài đồng đang chìm trong cơn mưa nặng hạt. Hai đồng chí bị đánh văng ra xa, ngất xỉu. Hai Liên bị chấn thương nhưng Năm Sự không dậy được nữa. Đồng chí hy sinh lúc vừa tròn 18 tuổi…</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Vào khoảng tháng 7 và tháng 8/1968, các đồng chí các bộ phận và Văn phòng Thành Đoàn rời căn cứ tại Phước Vân lần lượt về Ba Thu ở tận biên giới Campuchia học Nghị quyết mới. Một số đồng chí ở lại vùng B, về lại căn cứ Bến Tre, phần lớn vào Sài Gòn tiếp tục chiến đấu đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/04/1975. Căn cứ Phước Vân hoàn thành nhiệm vụ chính trị - quân sự của mình vào cuối năm 1968.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cũng phải nói thêm, sau đợt 2 Mậu Thân giặc Mỹ Ngụy đánh phá ác liệt xã và căn cứ Phước Vân. Ấp “1”, nhà lớn, nhà nhỏ của nhân dân, địa hình rặng dừa nước huyền thoại hầm hố… bị bom pháo đánh phá tan tành bình địa, đồng bào phải sơ tán ra đồng, dựng chòi ở tạm cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tuy thế cô bác vẫn bám đất, giữ nhà trong từng ấy năm sống trong kềm kẹp, vẫn tiếp tế và nối lại liên lạc với cán bộ địa phương đấu tranh liên tục với địch.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Long Khê là xã giáp ranh với xã Phước Vân. Về địa giới hành chánh thời trước Long Khê cũng thuộc quận Cần Đước. Đến cuối năm 1969, khi tái bình định, địch thành lập quận Rạch Kiến, Long Khê thuộc quận này. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Ngoài con đường từ thị trấn Gò Đen Bình Chánh, Rạch Kiến về Long Khê còn có đường bộ vào Cầu Tràm (Long An), qua xã Long Trạch, thì vào ấp 4 của xã. Ấp có phong trào và lực lượng du kích mạnh nhất, thường là nơi làm việc của các đồng chí cán bộ địa phường xã, huyện; nơi nghỉ quân của đơn vị C316 của Cần Đước và còn là nơi lập các trạm giao liên đường dài liên tỉnh, liên khu… Thành Đoàn (cánh thanh niên công nhân lao động) phát triển căn cứ qua xã Long Khê được giới thiệu cho về đóng ở ấp 4 là một sự quan tâm, chiếu cố của thường trực huyện ủy. Địa hình chung của xã là đồng ruộng bao quanh xóm làng, nhà cửa của đồng bào ẩn hiện, thấp thoáng sau các lũy tre xanh, quây quần thành từng xóm gần nhau, có thể dựa vào nhau chiến đấu, hình thành từng cụm dân cư gọi là "ấp". Các ấp “1, 2, 3, 4” nằm rải rác, phân bố trên diện tích của toàn xã, hầu hết đều có lũy tre làng bao quanh. Lũy tre cũng chính là thành lũy che dấu, bảo vệ mọi thứ bên trong. Nói như thế có nghĩa là lực lượng “liên quân” của xã và các đơn vị đóng trên địa bàn chỉ có thể làm chậm các cuộc hành quân của địch chứ không thể ngăn chận được chúng với ưu thế máy bay, xe lội nước. Sống và chiến đấu ở đây được là nhờ vào lòng dân, do nhân dân bảo vệ và… chỉ có thế thôi! Một lần giặc đã vào tận căn cứ Long Khê, nhưng giặc ở bên trên, ta tạm thời ở dưới hầm trong nhà, trong vườn, cô bác tiếp chuyện với lính coi như không có gì xảy ra. Đến chiều giặc đi (không dám ở đêm) ta lại lên nhà tiếp tục công việc. Bao nhiêu năm qua cứ thế mà tồn tại trong sự bảo bọc, giữ gìn bí mật của dân. Cả Phước Vân, Long Khê đều nằm trong vùng xung yếu, những căn cứ này rất thuận tiện cho công tác bám đô thị nhưng đồng thời nó cũng rất dễ bị đánh phá, gây tổn thất dây chuyền từ trong cứ đến chiến trường, nếu bị địch phát hiện. Thế mà vùng căn cứ này của cánh Thanh niên công nhân lao động vẫn bảo đảm được an toàn cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cho đến gần cuối năm 1968 thì di chuyển toàn bộ về căn cứ xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cũng như ở Phước Vân, các đồng chí cấp ủy chi bộ xã Long Khê đã vui vẻ tiếp đàn cán bộ căn cứ chúng ta. Lúc bấy giờ, bí thư chi bộ là đồng chí Sáu Nhiếp (Nguyễn Văn Nhiếp), Phó bí thư là đồng chí Hai Tiện (Nguyễn Văn Tiện), Trưởng ban tuyên huấn, đồng chí Sáu Trạch (Lê Văn Trạch) đã tận tình hướng dẫn, giới thiệu và hỗ trợ đoàn trong suốt thời gian xây dựng căn cứ và công tác tại xã Long Khê cho đến lúc toàn cơ quan, căn cứ phải rời xã vào cuối năm 1967.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cơ sở nhân dân đầu tiên đoàn được gởi đến ở nhà má Năm Đồng (má tên Nguyễn Thị Khánh) khoảng trên 40 tuổi, khỏe, phương phi, rất vui. Trong nhà má còn một bà má nữa, sau này vừa là má chiến sĩ vừa là cán bộ của Đội Võ trang Nguyễn Văn Trỗi (cánh Thanh niên công nhân lao động). Đó là má Hai (hay má Mười Hai, Nguyễn Thị Hường). Hai bà má đã giúp đỡ, lo lắng cho anh chị em chúng ta khi mới chân ướt, chân ráo đến xã nhà. Trong một lần có báo động bất ngờ lúc chúng ta ở tại nhà má Năm Đồng, hai bà má đã linh hoạt cho chúng ta chun vào hầm bí mật “cây rơm” (dựng riêng cho cán bộ địa phương đến ở tại nhà có chỗ tránh khi có động). Ở vùng làm ruộng, nhân dân thường đánh các cây rơm ở góc vườn nhà nơi gần bếp để lấy rơm nấu ăn. Nhân đó các đồng chí cùng nhân dân đã nghĩ ra cách làm hầm bí mật trong lòng cây rơm truyền thống, ra vào bằng một cửa nhỏ, bí mật. Trong xã có hàng mấy trăm cây rơm, ai biết cây rơm nào là cây rơm có hầm bí mật, vốn là loại sở hữu gia đình, chỉ có người nhà: người còn thế hợp pháp với giặc mới được biết mà thôi (để đóng mở cửa hầm, báo yên, cơm nước…) Nếu hầm bí mật cây rơm bị lộ, thì tai họa khôn lường đối với gia đình, vì thế cho người xa lạ, vừa mới đến, dù là cán bộ, chiến sĩ cách mạng, nhưng chưa biết lòng trung trinh, khí tiết như thế nào, sử dựng hầm bí mật riêng là một việc hiếm có, điều đó chỉ xuất phát từ lòng yêu thương cán bộ Thành Đoàn vô bờ bến và sự hy sinh không tính toán của các má ngay những ngày đầu mới gặp. Về sau, hầm bí mật trong cây rơm bị lộ, đồng bào cho làm hầm bí mật trong vườn nhà, ở những nơi gai góc nhất để chống soi hầm. Lúc giặc bắn đại bác bừa bãi vào xóm, nhà nhà phải làm hầm chống pháo (còn gọi là trăn-xê), dưới trăn-xê là hầm bí mật; ngoài ra còn có hầm cá trê, bắt chước cá trê làm hang, móc ở các bờ hào, dưới các bụi tre rậm rạp, vẫn có thể “chém vè” tránh địch. Nhưng chém vè lâu trong hầm cá trê dễ bị… đánh bò cạp vì lạnh. Từ nhà má Năm Đồng, về sau, chúng ta phát triển ra nhiều nhà khác như: nhà chú thím Bảy Dầu (Nguyễn Văn Dầu); chú thím Tám Rạng (Nguyễn Hữu Rạng); nhà má Tư (Cao Thị Én) và chị Năm Bân (Phạm Thị Viễn, vợ xã đội trưởng Năm Bân, cán bộ ấp và là cơ sở của căn cứ Long Khê); nhà bác Bảy Hóng có con là cô Sáu Sự, chuyên bám tình hình khi có giặc càn vào xã; nhà má Mười Có; nhà chú thím Lý Văn Sinh (Sáu Sinh); chú Tám Kiên, nhà thím Hai Chương; chú thím Bùi Văn Mau (Tư Mau) và đặc biệt là nhà má Mười Một (hay má Một, Nguyễn Thị Giáp), nhà trung tâm như là văn phòng vùng B của cánh Thanh niên công nhân lao động, về sau má Một trở thành “chiến sĩ lão thành” của Đội Võ trang Nguyễn Văn Trỗi, lập nhiều thành tích mang vũ khí, tài liệu vào Sài Gòn. Ngoài má Một có má Hai (Mười Hai) sau này cũng trở thành cán bộ lão thành, phụ trách giàn giao liên của căn cứ Phước Vân… Nhà chú Bảy Dầu, chú Sáu Vinh, má Tư (Cao Thị Én), chú Tám Kiên, nhà văn phòng (má Một) là những nhà có hầm bí mật; những nhà khác làm nơi nghỉ cán bộ điều lắng, cán bộ chờ phân công, học viên các lớp huấn luyện, là nơi mở lớp… và nhất là cho nữ giao liên ở (theo thế) hợp pháp. Ngoài ra ta còn mở các bàn đạp ở các xã Phước Lý (nhà chị Sáu Lành); xã Long Trạch (nhà anh chị Tám, Trần Văn Lộc; nhà anh Tám Thìn); ấp “1” Long Khê (nhà anh Tám Lùn - anh cao hơn 1,7m nhưng lúc nhỏ anh thấp, và nhà chị Chín Bé)…</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Kiểm lại, hai căn cứ Phước Vân, Long Khê là hai căn cứ ở vùng xung yếu nhưng đã được tổ chức khá quy mô, có đầy đủ nhân sự, các cơ sở vật chất - kỹ thuật, hậu cần… phục vụ thành công nhiệm vụ chính trị của cánh Thanh niên công nhân lao động, hoàn thành nhiệm vụ là hậu phương, hậu cứ của Cánh trong suốt thời gian tồn tại của hai căn cứ tại đây.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Được bắt đầu xây dựng từ cuối năm 1964 và tồn tại đến gần cuối năm 1968 (riêng Long Khê thì đến cuối năm 1967), cả hai căn cứ đã góp sức cùng toàn Cánh, hai vùng A và B, hoàn thành các công tác lớn sau:</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">+ Phục vụ điều lắng và huấn luyện chính trị, quân sự cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ của Cánh và Đội Võ trang Nguyễn Văn Trỗi. Nhờ vậy đã góp phần bảo vệ tốt tổ chức và cơ sở tại vùng A, bảo đảm an toàn cho căn cứ và cơ quan tại vùng B.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">+ Xây dựng được nhiều nhân tố ở vùng B cung cấp nhân lực, cơ sở quần chúng cho vùng A (50 cơ sở).</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">+ Phục vụ, bảo đảm an toàn cho các cuộc họp của Đảng ủy, Ban chỉ huy Cánh Thanh niên công nhân lao động cùng nhiều cuộc họp của các bộ phận, đơn vị thuộc Cánh, góp phần phục vụ các phong trào đấu tranh chính trị, võ trang của Cánh, trong đó đáng kể là:</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Cuộc họp (khoảng cuối năm 1964) thành lập Ban Vận Động Thanh niên công nhân lao động Sài Gòn - Gia Định được tổ chức tại căn cứ Phước Vân, gồm các Ủy viên: Năm Khoa, Tư Kết, Tư Hà, Bảy Phát, Năm Trọng…</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Các cuộc họp của Ban chỉ huy Cánh chỉ đạo toàn Cánh Thanh niên công nhân lao động tham gia mạnh mẽ vào phong trào đấu tranh chính trị nhân dân Sài Gòn - Gia Định các năm 1965, 1966, 1967. Thời kỳ xuống đường khá liên tục suốt năm 1966 - 1967: biểu tình khắp Sài gòn - Gia Định của lực lượng các giới, trong đó có lực lượng thanh niên công nhân, lao động đưa đến việc thành lập nhiều tổ chức công khai, trong đó có tổ chức “Thanh niên Phụng sự Lao động” (1966)… Cuộc biểu tình lớn hàng vạn người, có mang theo công cụ tự vệ (chai đầy nước, thước gỗ, cờ lê, mỏ lết…) ngày 01/5/1966. Cuộc biểu tình khổng lồ kéo đến trước Tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi năm 1966 ra tuyên cáo lên án và đòi Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam (khắp nơi sơn, vẽ đầy khẩu hiệu “US GO HOME”, lần đầu xuống đường quy mô lớn và rất ý thức của mọi tầng lớp nhân dân, thanh niên…). Cuộc biểu tình có dự định đánh chiếm công khai Đài phát thanh Sài Gòn năm 1967…</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Về đấu tranh vũ trang: Đã mang vào thành phố nhiều vũ khí, đạn, lựu đạn phục vụ tác chiến: 65 trận lớn nhỏ, diệt nhiều Mỹ, công an - cảnh sát Ngụy, mật vụ, bọn ác ôn ở các phường, xóm, xí nghiệp; phá hủy và đốt nhiều xe cảnh sát, MP (quân cảnh) Mỹ… trên đường phố Sài Gòn Gia Định. Đặc biệt Đội Võ trang Nguyễn Văn Trỗi của Cánh đã tham gia cuộc tiến công Mậu Thân 1968 suốt từ ngày mùng Một đến mùng 10 Tết tại khu vực vào sâu nhất của lực lượng Quân Giải phóng là khu vực Ngã Sáu Sài Gòn.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">+ Nhân lực vùng căn cứ Phước Vân - Long Khê: có thể nói cán bộ, chiến sĩ làm công tác căn cứ Phước Vân - Long Khê thật sự không nhiều. Căn cứ Phước Vân - Long Khê ghi nhớ các đồng chí.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Trước hết phải kể đến trường hợp không may của đồng chí Phan Thị Mỹ Tâm (biệt danh Tư Phương), nữ chiến sĩ kiêm giao liên công khai, người đã bị pháo địch ngã xuống trên ruộng đồng ấp “4”, liên khu khi máy bay địch phát hiện một đoàn cán bộ đang di chuyển. Một nữ sinh trong trắng, vừa vào tuổi thanh niên, dũng cảm, trung thực, hiềnlành, siêng năng, em thể hiện hết tính cách của người nữ thanh niên Cộng sản trong thời chiến, anh chị em trong đơn vị cho đến ngày nay vẫn thường nhắc đến em với nỗi tiếc thương vô hạn. Cán bộ xây căn cứ Phước Vân - Long Khê đều là nam thanh niên, gồm các đồng chí:</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Hai Phước (còn biệt danh là Tư Đồng, Phạm Hữu Đức) là một trong những đồng chí chịu thương, chịu khó, gắn bó với căn cứ từ khi thành lập đến lúc chuyển công tác khác (1964-1969). Công tác rất tốt được nhân dân vùng căn cứ rất thương mến. hiện đồng chí sống tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Năm Vững, Lê Văn Đức, quê Bàu Sen, xã Đức Lập, Đức Hòa, Long An là đồng chí công tác căn cứ gắn bó, chịu thương, chịu khó như đồng chí Hai Phước. Cùng tham gia đồng thời với Hai Phước, Năm Vững là đồng chí Tư Nghĩa (Văn Ân) quê Gò Công Đông, một thanh niên nông thôn, công tác tốt nhưng chẳng may bị bệnh phải về quê chữa trị dài ngày, không theo kịp đơn vị.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Cùng công tác căn cứ là các đồng chí: Tám Việt (hay Tám Tân), học sinh, có bằng tú tài 1, bị lộ ở vùng A được điều về căn cứ, là đồng chí có nhiều sáng kiến trong việc làm hầm bí mật. Năm 1968, được chuyển về biệt động quân khu. Cùng với Tám Việt là Hai Quốc (Lê Thanh Hoàng), cựu cảnh sát Ngụy, bị lộ chạy về làm công tác căn cứ. Rất siêng năng, tận tình, dũng cảm trong mọi công tác giao phó. Ngoài ra có đồng chí Hai Nhẫn, công tác văn phòng Cánh tại vùng B; anh Sáu Hà, người tại xã Phước Vân, được thu nhận làm công tác căn cứ để chuẩn bị đưa vào vùng A (vì còn thế hợp pháp) nhưng không thành công vì không thích nghi được với chiến trường. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">- Cùng chung sức với các đồng chí căn cứ Phước Vân - Long Khê là giàn giao liên có thể nói là hùng hậu gồm các nữ đồng chí: Út Phượng, Úy Hồng, Út Tuyết, Tư Hồng, Hai Danh, bé Mai, Năm Vân, Sáu Lan và các má vùng căn cứ như má Hai, má Một, các em trai: bé Quyết, bé Tiến, bé Châu… Phụ trách vùng căn cứ Phước Vân - Long Khê là đồng chí Năm Trọng (Tư Võ, Nguyễn Văn Bình). Anh Hai Nhân là người đầu tiên chỉ đạo xây dựng căn cứ sau đó trực tiếp chỉ đạo vùng căn cứ là đồng chí Năm Khoa (Hồ Thái Hòa, Đỗ Hoàng Hải).</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Các đồng chí căn cứ Phước Vân - Long Khê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ căn cứ của mình, đáp ứng tốt các yêu cầu trong công tác căn cứ, nuôi quân tốt, bảo vệ tốt không để xảy ra bất cứ tổn thất nào kể cả về tài sản, tài liệu, vũ khí…, tham gia huấn luyện được nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ vùng A; phục vụ tốt các yêu cầu công tác chính trị, vũ trang, chiến đấu tại chiến trường Sài Gòn - Gia Định; vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí phục vụ tác chiến trong thành phố…</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Căn cứ tại hai xã Phước Vân - Long Khê là căn cứ quan trọng và việc chọn địa bàn nơi đây làm căn cứ là một chủ trương sáng suốt có bản lĩnh trong điều kiện tình hình bấy giờ và đến bây giờ mới thấy hàm nhiều ý nghĩa. Cái hay của cuộc chiến tranh nhân dân là nơi nào có giặc nơi đó có Cách mạng. Phước Vân - Long Khê là một trong những căn cứ vành đai của Cách mạng, của kháng chiến bao quanh Sài Gòn…vốn đã có truyền thống, được mở ra từ thời kháng Pháp. Ý nghĩa của các căn cứ vành đai là: chính quyền hiện hữu thật sự đang suy yếu, bị bao vây và nhất định phải sụp đổ. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Điều có ý nghĩa trước tiên khi nói đến các căn cứ Phước Vân - Long Khê là sự lớn mạnh của Cách mạng miền Nam, ngay sát nách địch (chỉ cách Sài Gòn 30 km) đã có vùng giải phóng, có căn cứ cách mạng, ra vào nghiên cứu, bàn kế hoạch đấu tranh, biểu tình, lên sa bàn tác chiến, tấn công địch về chính trị, quân sự, một cách ngang nhiên mà chúng không hề biết, không đối phó được, không làm gì được. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Điều có ý nghĩa đặc biệt nữa là: Cách mạng ở đây tồn tại không có thành trì, không có pháo đài, chiến tuyến mà địch không làm gì được… Lòng dân thương yêu, bảo bọc, che chở là thành trì vô địch, không thể đánh phá được. Có nằm trong lòng dân như thế mới hiểu được sức mạnh của quần chúng, vai trò lịch sử của nhân dân, mới hiểu được thế nào là “từ trong nhân dân mà ra”. Có từ trong nhân dân mà ra mới hiểu hết ý nghĩa của việc phục vụ nhân dân, mới hiểu được “thế nào là và chỉ có xây dựng chính quyền CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN mới gìn giữ được chính quyền nhân dân. </span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:justify;text-indent:
18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đến bây giờ khi nhìn lại hai căn cứ Phước Vân - Long Khê mới thấy được tinh thần cách mạng, ý chí xông lên đánh địch không sợ gian khổ, hy sinh của các đồng chí cán bộ, chiến sĩ các bộ phận của Khu Đoàn (hay Thành Đoàn) đã đóng quân, ra vào làm việc, học tập, rèn luyện tại các căn cứ Phước Vân - Long Khê, cũng như các căn cứ khác của Thành Đoàn ở Long Sơn, Long Cang, Long Định… (Cần Đước). Thật ra căn cứ Phước Vân, Long Khê không xa Sài Gòn, địa hình đồng bằng trống trải, nếu địch phát hiện được thì việc bị đánh phá, tổn thất, hy sinh là rất dễ hiểu. Thế mới hiểu được cái cốt lõi của sự tồn tại sát nách quân địch tại đây; thế mới hiểu được thế nào là tinh thần, ý chí cách mạng của tuổi thanh niên. Ngày nay đến tham quan chiến trường cũ tại hai căn cứ này chính các đồng chí đã sống và chiến đấu tại đây cũng rất ngạc nhiên “sao vùng căn cứ lại mỏng như thế này”; còn đồng chí khác thì nói: “Các ông gan mà cũng giỏi thật”.</span></span><span style="font-size:12.5pt"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" align="right" style="margin-bottom:3.0pt;text-align:right;
text-indent:18.0pt;tab-stops:27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b> </b><b>N.V.B</b></span></span><b><span style="font-size:12.5pt;font-family:
"Arial","sans-serif";mso-bidi-font-family:"Times New Roman""><o:p></o:p></span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:3.0pt;text-indent:18.0pt;tab-stops:
27.0pt"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<div>
<div id="ftn2"> </div>
</div> </html>