<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tôi viết về chiến sĩ Mười Thương</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Noi theo tấm gương của Bác Hồ, trong lịch sử các cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ của nước ta đã có biết bao chiến sĩ, biết bao anh bộ đội cụ Hồ đã lập nên những chiến công vẻ vang. Trong số đó, tôi được có cơ hội tiếp xúc với một người –người đã từng ba lần ám sát Ngô Đình Diệm- mang bí danh là Mười Thương tên thật là Nguyễn Văn Điển (Phan Văn Điền), hiện giờ ông Điền vẫn còn sinh sống ở thị xã Tây Ninh. Sở dĩ tôi có được cơ hội này là do đồng nghiệp cũ của tôi là con gái ruột của ông, và đó cũng là lý do, là nguồn cảm hứng cho tôi để chọn ông làm nhân vật trong bài viết của mình.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ông là Nguyễn Văn Điển (Phan Văn Điền), nguyên là cán bộ an ninh tỉnh Tây Ninh. Ông SN 1935, ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; chưa đầy 5 tuổi, người cha đã mất khi tham gia cuộc binh biến Đô Lương (1940). Năm 10 tuổi, ông đã phải rời quê, lưu lạc vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu và từ đây ông đến với cách mạng bằng cái tên do bố nuôi đặt - Đinh Văn Phú. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tháng 8/1948, khi đó Đinh Văn Phú tròn 13 tuổi, trong vai "cậu bé chăn trâu", được Ban quân báo tỉnh Bà Rịa giao nhiệm vụ vào liên lạc với Thiếu uý Phạm Ngọc Chẩn, Đồn trưởng đồn Cao Đài để nắm tình hình và vẽ sơ đồ, phục vụ cho kế hoạch tấn công của ta. Sau gần 2 tháng lăn lộn, khi công việc vừa hoàn thành thì bị bắt đưa về Tây Ninh, nhờ sự can thiệp của Trung tá Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Tây (anh ruột Thiếu uý Chẩn) nên ông được ra tù và tiếp tục hoạt động. Đến giữa năm 1953, địch theo dõi quá khắt khe nên ông được rút ra căn cứ hoạt động. Từ đây, ông được mọi người gọi với cái tên thân mật Mười Thương.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau khi được Mỹ dựng lên nắm quyền Tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn, Ngô Đình Diệm ngày càng bộc lộ bản chất phản động, trở thành tên tay sai khét tiếng; từ quần chúng nhân dân đến mỗi chiến sĩ cách mạng, ai nấy đều căm phẫn cực độ và nung nấu ý chí tiêu diệt tên Việt gian bán nước, hại dân. Thời gian này, Ban địch tình Tây Ninh đã bố trí lực lượng theo dõi hoạt động của Diệm, nhất là các cuộc Diệm đi "kinh lý" địa phương để tìm cơ hội tiêu diệt.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau 2 lần lập kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm không thành vào tháng 10 và Noel năm 1950, vào tháng 2/1957, báo chí ở Sài Gòn đưa tin Ngô Đình Diệm sẽ tới dự, đọc diễn văn và cắt băng khai mạc Hội chợ nông lâm nghiệp ở Ban Mê Thuột (Tây Nguyên) vào ngày 22/2/1957. Người chiến sỹ an ninh tròn tuổi 22 Mười Thương một lần nữa lại báo cáo, xin được tiếp tục hoàn thành công việc hiện còn dang dở. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Biết Tổng thống ra khỏi "hang ổ" là gặp nguy hiểm nên Ngô Đình Nhu cho giăng một mạng lưới bảo vệ dày đặc, gồm cả quân đội, cảnh sát, tình báo, an ninh và bảo an, ở cả bên trong lẫn bên ngoài hội chợ. Tuy nhiên, với con mắt tinh tường của người chiến sĩ an ninh, ông Điền đã phát giác được 2 lỗ hổng nhỏ ở khu vực hàng rào giáp với Trung đoàn 60 mà có thể bí mật lọt vô. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 15/2/1957, ông trở về căn cứ ở ấp Rỗng Tượng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu báo cáo và xin ý kiến về phương án đã định. Sau khi cân nhắc cẩn thận, đồng chí Lâm Kiểm Xếp - trưởng Ban địch tình Tây Ninh quyết định "dùng súng, không dùng lựu đạn để tránh gây thương vong cho nhân dân và nổ súng đúng lúc chúng bắt đầu chào cờ".</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 22/3/1957, đồng chí Mười Thương đến Hội chợ với giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí. Súng đã lên đạn, được giấu cận thận trong người, bên ngoài mặc chiếc áo dài để ngụy trang, ông trà trộn vào dòng người rảo bước đến hội chợ. Lựa lúc bọn lính hướng mắt về phía đoàn Tổng thống nghiêm nghị tiến vào, ông mau lẹ vượt qua lỗ hổng hàng rào bảo vệ đã phát hiện trước đó và tiến đến vị trí thuận lợi nhất để hành động, là phía sau hàng danh dự người dân tộc Eđê, cách chỗ Diệm ngồi chừng 20 mét.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Khi hiệu lệnh của viên sĩ quan ngụy hô vang và bài "quốc ca" ngụy quyền Sài Gòn được cất lên, ông rút súng, hướng nhanh về phía Ngô Đình Diệm và bóp cò. Nhưng tình huống diễn ra quá bất ngờ, đúng lúc đó thì tên Bộ trưởng nông nghiệp đứng bên, xoay người về phía Diệm nên trúng đạn bị thương nặng; ông bóp cò liên tục nhưng đạn không nổ tất cả trở nên hỗn loạn, bọn lính ngụy như bầy thú dữ bị đánh thức, một đám ùa về phía Diệm tạo vòng vây giải cứu; một nhóm nhanh chóng lao vào ôm chặt lấy ông. Chúng giằng lấy súng và gì thẳng ông xuống đất…". Từ đây, người chiến sĩ an ninh ngụy danh "Hà Minh Trí" bắt đầu phải đối chọi với những chuỗi ngày dằng dặc trong hệ thống nhà tù của Mỹ - Diệm.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ trại giam của Ty Cảnh sát Buôn Mê Thuột đến Trại P42 ở Sài Gòn, rồi Trung tâm thẩm vấn của Tổng nha Cảnh sát, trại giam Chí Hoà... Ở đâu cũng vậy, chúng dùng các thủ đoạn tra tấn, nhục hình vô cùng man rợ, làm ông chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, nhưng không một lần hé miệng kêu than. Thấy không thể khuất phục được ý chí kiên cường của người Cộng sản mẫu mực Mười Thương, tháng 10/1963 chúng đã kết án tử hình vắng mặt và đầy ông ra "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Đầu năm 1964, chúng lại đưa ông về Trung tâm thẩm vấn của Tổng nha Cảnh sát, tiếp tục tra tấn dã man, song điều mà chúng nhận được không có gì khác hơn, đó là sự im lặng!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau khi được trả tự do, đồng chí Mười Thương được tổ chức bố trí về hoạt động ở Ban tổ chức Đặc khu Sài Gòn - Gia Định; cuối tháng 4/1965, chuyển sang công tác ở Ban An ninh T4. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác trong lực lượng Công an, đến năm 1989 chuyển sang làm Phó Ban nội chính, rồi Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Năm 1999, ông nghỉ hưu về sống cùng gia đình ở thị xã Tây Ninh. Với bề dày thành tích và cống hiến đối với công tác an ninh, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2005, đồng chí Nguyễn Văn Điển đã vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chắc rằng, theo thời gian sẽ không còn nhiều người nhớ tới những cái tên Phan Văn Điền, Đinh Văn Phú, Hà Minh Trí hay Mười Thương như trước đây nữa, nhưng hàng ngày cái tên cúng cơm Nguyễn Văn Điển vẫn được bà con lối xóm gọi tới gọi lui với tấm lòng trân trọng, bởi ông không chỉ là tấm gương sáng về lòng dũng cảm, chịu thương chịu khó, vì nước vì dân cho gia đình, con cháu mà còn là con người sống có tình có nghĩa; có nhiều đóng góp trong việc xây dựng đảng bộ và chính quyền cơ sở, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư. Khi tiếp xúc trực tiếp với ông, chắc hẳn rằng mọi người sẽ thấy được hình ảnh đâu đó của Bác Hồ chúng ta, vẫn phong thái giản dị, giọng nói hào hùng, đầy thuyết phục. Tuổi xế chiều, người lính biệt động năm nào vẫn khỏe mạnh, duy chỉ có một chân của ông đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Trở mùa là chân ông bị giật, phải uống thuốc. Nguyện ước cho ông cùng gia đình được sức khỏe dồi dào để truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những ký ức không thể phai nhạt.<br />
<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>BÙI HÀ VÂN ANH </strong><em>(Công ty cổ phần Y DP Vimedimex)</em></span></span></div> </html>