<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><strong><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Bài dự thi cuộc thi viết về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ:</span></span></em></strong></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div><strong>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);">Tấm lòng những người lính đảo</span></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
</strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đến với Thiềng Liềng từ chương trình Món quà yêu thương, chương trình là sự phối hợp giữa CLB ISC ĐH CNTT với CLB Chung sức vì cộng đồng trường Đại học KHXH&NV Tp.HCM nhằm quyên góp 1000 quyển vở dành tặng trẻ em ở ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, Tp.HCM. Đồng thời tổ chức một đêm văn nghệ cho các em nhân ngày tết thiếu nhi, thăm và tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại ấp đảo. Từ chương trình đó, chúng tôi được quen biết với các anh bộ đội biên phòng ở Trạm kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng thuộc Đồn biên phòng 554. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tiếp nối thành công của chương trình Món quà yêu thương, từ tháng 5/2013, CLB ISC cùng CLB Chung sức vì cộng đồng tổ chức chương trình “Phổ cập tin học Thiềng Liềng”. Chương trình đã thu được những thành công bước đầu, chỉ sau vài tháng, các cán bộ ấp và các em học sinh đã biết sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản và thực hiện được các thao tác cơ bản của Excel. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Như vậy là chúng tôi đã có mặt ở đây hơn 6 tháng rồi, thời gian 6 tháng không phải là dài, nhưng đối với chúng tôi, những sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học thì đó là một chặng đường dài, đầy khó khăn. Khó khăn vì chúng tôi, lần đầu tiên được đặt chân đến nơi này, khó khăn vì chúng tôi phải vượt qua 4 chuyến xe buýt, 1 chuyến phà, 2 chuyến đò, mất tổng cộng 7 tiếng đồng hồ mới tơi nơi. Khó khăn vì nhiều bạn say xe, say sóng, không biết nấu ăn,…Khó khăn vì trình độ của các em học sinh không đồng đều, vì không có đủ điện để dạy, vì máy hỏng,…Thế nhưng, trong thời gian suốt 5 tháng đó, chúng tôi đã được các anh chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng giúp đỡ rất tận tình. Các anh đã nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với chúng tôi từ vật chất đến tinh thần, coi chúng tôi như những người thân trong gia đình, giúp chúng tôi vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu. Các anh, những người chiến sĩ biên phòng đã cho chúng tôi mái ấm gia đình thứ hai, nơi chúng tôi luôn được chào đón, yêu thương. Các anh đã sát cánh cùng chúng tôi trong suốt chặng đường đã qua, và cùng chúng tôi đi tiếp chặng đường sắp tới.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ở Trạm kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng, chúng tôi được quen biết với Thượng úy Bao Minh Tiến, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng. Là người lính đảo, anh hiểu được sự khó khăn, thiếu thốn của người dân nghèo nơi đây. Với cương vị người Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng, anh sống giản dị, gần dân, lo nghĩ cho dân và luôn muốn làm những việc có lợi cho dân. Chương trình “Phổ cập tin học Thiềng Liềng” cũng được bắt đầu từ ý tưởng của anh. Anh vận động các cá nhân, tổ chức tài trợ máy tính, bàn ghế, xăng dầu để chạy máy phát điện; anh vận động chúng tôi hằng tuần đến dạy tin học cho người dân; anh vận động các em học sinh cấp 2-3, các cán bộ, Đoàn viên, thanh niên, thầy cô giáo trong ấp đi học. Tất cả những việc đó, anh làm bằng sự kiên nhẫn, bền bỉ, bằng tấm lòng của một người quân nhân đối với người dân nơi các anh đóng quân. Ngoài chương trình này, anh thường xuyên phối hợp với lãnh đạo địa phương vận động các cá nhân, tổ chức trao tặng những phần quà cho các gia đình nghèo, những cụ già neo đơn, những phần học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học; tổ chức các chương trình giao lưu, vui chơi, học hỏi dành cho Đoàn viên, thanh niên ở ấp đảo.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ở xa đất liền, Trạm kiểm soát biên phòng ngoài việc bảo vệ biên cương còn có thêm trách nhiệm tuần tra trên biển và trên đảo, bảo vệ sự bình yên cho người dân ở ấp đảo, hòa giải các vụ việc tranh chấp, ly hôn của người dân, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước cho người dân hiểu và thực hiện,… Các anh còn phải kiêm luôn nhiệm vụ người thầy giáo dạy chữ cho người dân,… Và còn có thêm rất nhiều công việc không tên đè nặng lên vai các anh, trong đó có vai trò của người Trạm trưởng mới ngoài 30 tuổi. Anh Tiến và các anh ở Trạm kiểm soát biên phòng làm tất cả những việc đó bằng tất cả tấm lòng của người lính. Anh vẫn thường nói với chúng tôi, anh sẽ làm tất cả những việc gì có lợi cho dân, dù ở bất cứ cương vị nào, thậm chí nếu anh chỉ là một người dân bình thường, anh vẫn muốn được giúp đỡ những người dân nghèo.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với tôi và các bạn sinh viên nhiều lần đến Thiềng Liềng, anh Tiến và các anh ở Trạm kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng rất xứng danh với “hình tượng anh bộ đội cụ Hồ”.<br />
<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;">KHÁNH HÀ (Q3)</span></strong></span></div> </html>