<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Viết về người lính hải quân</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Hồi tôi còn là một cô học sinh của một trường cấp ba, tôi rất yêu văn học Việt Nam, nhất là các tác phẩm viết về người lính cụ Hồ. Bởi qua những bài học đó, tôi hiểu về các anh, những người lính giản dị nhưng đầy lạc quan, đầy anh dũng hi sinh vì tổ quốc qua hai cuộc kháng chiến trường kì gian khổ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Lật lại trang thơ xưa, hình ảnh người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp lại hiện lên trong tâm trí của tôi. “ …Đồng chí! Anh với tôi đôi người xa lạ, tự phương trời chẳng hẹn quen nhau, súng bên súng đầu sát bên đầu, đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ…”là những câu thơ của nhà thơ Chính Hữu mà tôi thích. Người lính được khắc họa trong bài thơ với một vẻ đẹp giản dị và đầy lạc quan, thắm thiết tình đồng chí, tình đồng đội keo sơn. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết "rừng hoang sương muối" và sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng các anh vẫn dũng cảm, vẫn kiên cường vượt lên cái buốt giá của mùa đông nơi núi rừng với "áo rách vai" và "chân không giày", vẫn cầm chắc cây súng trong tay và "chờ giặc tới" vì các anh luôn vững niềm tin, luôn mang trong mình phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Niềm tin tưởng, niềm lạc quan ngời lên từ nụ cười: "chân không giày, miệng cười buốt giá”, cười trong gian lao thử thách và những hiểm nguy của cuộc kháng chiến trường kỳ. Niềm lạc quan ấy không chỉ được sưởi ấm bằng một con tim, một khối óc mà còn được truyền lửa qua lớp lớp người chiến sĩ và giữa các chiến sĩ trong cùng thế hệ. Phải có một tinh thần yêu nước, thương dân các anh mới có thể làm được điều đó.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ vẫn còn lưu giữ và nối tiếp qua các thế hệ con người Việt Nam. Và ngày hôm nay, những phẩm chất ấy lại sáng ngời khi các chiến sĩ hải quân thân yêu đang canh giữ ngoài đảo xa, bảo vệ biển đảo quê hương.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Rồi những khi mùa đông đến, nơi Trường Sa sương gió, các anh vẫn đang ngày đêm bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Đối mặt với những vất vả trong nhiệm vụ và cuộc sống đầy khó khăn thường nhật trên đảo không làm các anh nản lòng. Vậy mà khi gió đông về, nỗi nhớ gia đình, nhớ người thân da diết lại dội lên trong lòng những người lính đảo và các anh lại ngậm ngùi nhớ về quê hương. Tôi thầm cảm phục tinh thần ấy, tình cảm ấy ở các anh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Có lần xem trên truyền hình, bài phóng sự viết về các anh, những người lính Trường Sa. Tôi không khỏi xúc động thương các anh. Bởi Trường Sa thường xuyên phải đón những cơn gió mạnh, dông và bão lớn đi qua. Nhất là những ngày cuối năm, thời tiết càng diễn biến phức tạp hơn. Và tôi đã phần nào hiểu được cuộc sống người lính hải quân. <br />
Tôi hiểu hơn ở con người các anh, vượt lên trên tất cả những thiếu thốn về lương thực và nguồn nước ngọt, vượt qua những cơn lốc xoáy và gió giật mạnh , khi thì rét run người với cái lạnh hay khô khát với cái nóng rám da của vùng biển đảo.Và trong tất cả những khó khăn ấy, điều khó khăn nhất là các anh phải vượt qua chính bản thân mình. Giữa mênh mông chông chênh của biển khơi, sự bao la vô hạn của biển trời khiến người ta cảm thấy chơi vơi và cô đơn hơn bao giờ hết.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tuy vậy, những người lính ấy đã biến niềm nhớ nhung, niềm yêu thương gia đình thành động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi các anh đang ngày đêm đem sự bình yên cho Tổ quốc, cho cả dân tộc và cả người thân của các anh. Mỗi chiếc áo, mỗi lá thư đều làm các anh thấy mình gần với đất liền, thấy tổ quốc đang ở trong tim mình. Các anh không những đem đến niềm tự hào, niềm hạnh phúc cho những người thân yêu mà còn cho cả dân tộc, cho tổ quốc hôm nay.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Để bày tỏ sự sẻ chia và lòng biết ơn sâu sắc tới các anh, đã có rất nhiều hoạt động hướng về biển đảo thân yêu có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, có cả những hoạt động sôi nổi của tuổi trẻ Việt Nam. Là một giáo viên của một trường phổ thông, đứng trong tổ chức Đoàn tôi có nhiều dịp được tham gia các phong trào do tổ chức Đoàn phát động, đặc biệt là phong trào: “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" doThành đoàn TP.HCM phát động, tôi cảm thấy đó là những hoạt động rất sôi nổi, đầy ý nghĩa, là món quà sưởi ấm, tiếp sức cho các anh khi đông về.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Rồi xuân về mang theo sự sum vầy, đoàn tụ trên mỗi mái nhà, góc phố, chúng ta lại hân hoan đón tết bên gia đình, người thân thì xin đừng quên các anh, những người lính hải quân giữa biển khơi, giữa nỗi nhớ người thân da diết, các anh vẫn cầm chắc cây súng trong tay canh giữ đất trời tổ quốc. Xin gửi đến các anh những tình cảm mến yêu, những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc các anh mãi mãi nở nụ cười rạng rỡ trước mọi khó khăn, gian khổ để tổ quốc mãi bình yên.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><strong><br />
</strong></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">ĐẶNG THỊ DUYÊN</span></span></strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> <em>(Phú Nhuận)</em><br />
<br />
</span></span></div> </html>