<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: left;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Bài dự thi cuộc thi viết về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ:</span></span></strong></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Anh lính Cụ Hồ</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lịch sử nhân loại hiếm thấy một đất nước, dân tộc nào mà người lính được toàn dân tin yêu, mến phục- biểu tượng của nhân cách cao đẹp như “Bộ đội Cụ Hồ” ở Việt Nam!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cách đây gần bảy mươi năm, ngày 22-12-1944, trước yêu cầu của cách mạng Việt Nam, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Ra đời và lớn lên trong phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và Bác Hồ, sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân, quân đội ta không ngừng phát triển lớn mạnh, cùng dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những mốc son chói lọi ở thế kỷ XX. Lật lại những trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc, hình tượng người lính với nhiều tên gọi khác nhau: anh vệ quốc quân, anh bộ đội, anh giải phóng quân… nhưng tất cả đều là người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân sẵn sàng hy sinh… Tất cả hội tụ, kết tinh thành danh hiệu cao quý “Bộ đội cụ Hồ”. Danh hiệu ấy vừa hết sức giản dị, vừa gần gũi thân thương, trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một mẫu người, một nhân cách văn hóa Việt Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ra đời chưa được bao lâu, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cùng dân tộc Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính quyền về tay nhân dân. Nhân dân Việt Nam làm chủ vận mệnh dân tộc mình chưa được bao lâu, được sự hà hơi tiếp sức của quân Anh, thực dân Pháp nhanh chóng quay lại xâm lược nước ta lần 2 vào ngày 23-9-1945. Trước vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - mệnh lệnh của non sông đất nước, lớp lớp thanh niên Việt Nam nối tiếp ra trận với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hình ảnh ấy hiện lên thật đẹp, thật hào hùng hiên ngang bất khuất - trở thành hình mẫu cùng cả dân tộc hành quân ra mặt trận!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lớp lớp thanh niên ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Cuộc đời người lính được người lính - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương khẳng định “chỉ đẹp trên trận tuyến đánh quân thù”. Trên mặt trận chiến đấu gian khổ, hy sinh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, trong sâu thẳm tâm hồn người lính vẫn tràn đầy vẻ lãng mạn và hào hoa, vẫn ngời sáng tinh thần lạc quan, vẫn cháy bỏng khát vọng hạnh phúc và những giấc mơ đẹp. Hình ảnh ấy hiện lên đậm nét về “cái chí, cái tình” trong khói lửa chiến tranh. Trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông đầy ác liệt, anh hùng La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt cánh tay để tiếp tục chiến đấu. Đặc biệt, trên chiến trường Điện Biên Phủ, làm sao quên được hình ảnh anh Bế Văn Đàn chôn thân làm giá súng để đồng đội tiến lên tiêu diệt quân thù. Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo... Những bàn chân xẻ núi, lăn bom với một tinh thần và niềm tin nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện. Hình ảnh các anh đã đi vào lịch sử, đi vào thơ ca, đi vào những trang sử của dân tộc với tư thế của những người anh hùng tuyệt đẹp và trở thành những tượng đài nghệ thuật kì vĩ về người lính cầm súng giữ nước. Máu xương của các anh đã cùng dân tộc trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm, cơm vắt.”</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hiệp định Giơ-ne-vơ ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ trắng trợn nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Dân tộc ta lại phải đương đầu với tên đế quốc Mỹ to lớn nhất, hùng mạnh nhất thời đại. Vì sự tồn vong của dân tộc, tiếp tục nhiệm vụ của người lính chống Pháp năm xưa, anh Giải phóng quân trong thời đại chống Mỹ, cứu nước gửi lại quê hương, miền Bắc xã hội chủ nghĩa những gì tốt đẹp nhất, lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tiếng gọi của Bác Hồ kính yêu: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Những năm tháng ác liệt ấy, niềm lạc quan chiến thắng của người cầm súng trên chiến trường một lần nữa được tỏa sáng, cùng cả dân tộc làm nên những kỳ tích lớn lao của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Trước sự sống và cái chết, niềm lạc quan yêu đời đã giúp người lính sống thanh thản, tự tin và ấm áp tình người trên những chặng đường hành quân gian khổ, trong những điểm chốt nóng bỏng và ở những trận chiến quyết liệt, người lính vẫn nói về quê hương, tình yêu và tương lai xán lạn của đất nước!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>HUỲNH THỊ THU TRANG</strong> <em>(Quận 10)<br />
</em><br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>