<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Vang mãi bài ca người lính</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Thế hệ 9X chúng tôi sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Chúng tôi không hề biết đến chiến tranh, đó là một điều vô cùng may mắn. Tuy vậy, nói đến người lính – những anh bộ đội Cụ Hồ, bao giờ chúng tôi cũng cảm thấy thật gần gũi, thân thương và luôn kính phục, tự hào.<br />
Tôi còn nhớ hồi học tiểu học, được đọc một bài thơ của Trần Đăng Khoa, trong đó có những câu thơ làm tôi nhớ mãi:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“Cháu nghe chú đánh những đâu<br />
Những tàu chiến cháy những tàu bay rơi<br />
Đến đây chỉ thấy chú cười<br />
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi”<br />
(Gửi theo các chú bộ đội – Trần Đăng Khoa)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Khi đó mặc dù còn nhỏ nhưng tôi vẫn hiểu bộ đôi là những người làm nhiệm vụ đánh giặc giữ nước. Cho nên khi đọc bài thơ thấy chú bộ đội sau những trận đánh ác liệt, lập nên những chiến công lẫy lừng khiến kẻ thù khiếp sợ, lại có những lúc chú đi gánh nước giúp dân, ngồi “đánh bi” với trẻ nhỏ… trong trí óc non nớt của một đứa trẻ ngày ấy, tôi thấy các chú sao mà thân thương, gần gũi.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lớn lên, tôi được học nhiều tác phẩm nói về anh bộ đội trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Hình ảnh các anh bộ đội thời chống Pháp phải chịu nhiều gian khổ thiếu thốn, ăn đói, mặc rét mà vẫn kiên cường chiến đấu, mưu trí đánh giặc khiến tôi vô cùng cảm phục. Thật xúc động khi đọc những câu thơ:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“ Giọt giọt mồ hôi rơi<br />
Trên má anh vàng nghệ<br />
Anh Vệ quốc quân ơi<br />
Sao mà yêu anh thế !”<br />
(Cá nước – Tố Hữu)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Và hình ảnh các anh “áo rách vai”, quần có vài mảnh vá, “chân không giày”… vẫn sát cánh bên nhau khiến tôi nhớ mãi:<br />
“Đêm nay rừng hoang sương muối<br />
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới<br />
Đầu súng trăng treo”<br />
( Đồng chí – Chính Hữu)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đó chính là những anh bộ đội “áo vải chân không. Đi lùng giặc đánh” đã làm nên chiến thắng Điện Biên lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh tan quân xâm lược thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tôi cũng có hai bác đi bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ, giờ là những cựu chiến binh, có bác đã ngoài 60 tuổi rồi. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, bác lại kể chuyện chiến đấu cho chúng tôi nghe. Những trận chiến ác liệt ở Khe Sanh, Đăk Tô, Tân Cảnh năm 1972. Cuộc chiến giải phóng Buôn Ma Thuột, cuộc hành binh thần tốc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975… Bác lúc thì hào hùng, sảng khoái khi nhắc đến những chiến thắng của quân ta, lúc lại ngậm ngùi, trầm tư khi nhắc tới những đồng đội đã ngã xuống trên những nẻo chiến trường. Khi đó, dù chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi cũng hiểu, cuộc sống độc lập, tự do hôm nay có được là nhờ có bao xương máu của bao chiến sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chính vì thế tôi càng thấm thía trước hình ảnh lớp lớp cha anh lên đường tòng quân đánh giặc thời ấy:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước<br />
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Và:<br />
“Anh đi xuôi ngược tung hoành<br />
Bước dài như gió lay thành chuyển non<br />
Mái chèo một chiếc xuồng con<br />
Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương”<br />
(Tố Hữu)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lớn lên, vào đại học, tôi cùng bạn bè có một tháng tập trung học quân sự ở Trung tâm giáo dục Quốc phòng Thủ Đức. Một tháng được rèn luyện để có nề nếp, tác phong sinh hoạt như người lính quả thật quá ít ỏi nhưng cũng để tôi có được những trải nghiệm thật sâu sắc. Những hôm trên thao trường, những đêm báo động, tập hành quân … quả thật khiến tôi lớn lên rất nhiều. Tôi hiểu hơn về những gian khổ hy sinh của người lính, những người làm sứ mệnh bảo vệ sự bình yên cho đất nước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tôi lại nhớ hình ảnh những những chiến sỹ quân đội trong những trận bão lụt tháng 11 vừa qua. Mưa to, bão lớn, lũ lụt, ngập úng nhiều nơi tại các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…. Hàng chục nghìn chiến sỹ đã bảo vệ an toàn cho dân, giúp dân sơ tán, vận chuyển tài sản của nhân dân ra khỏi vùng bão lũ. Các anh đội mưa, đội bão, dầm mình trong nước … để cứu hộ đê, chằng chống nhà cửa cho người dân. Các anh ngày đêm thường trực, sắn sàng ứng cứu người bị nạn, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bà con. Có những chiến sỹ còn rất trẻ, tuổi đời mới đôi mươi đã hy sinh trong dòng nước lũ sau những giờ vật lộn với sóng nước để cứu những người dân thoát khỏi nguy hiểm.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mỗi lúc nghĩ về các anh, những người lính Cụ Hồ, lòng lại không khỏi muốn cất cao tiếng hát: </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“Mãi mãi lòng chúng ta.<br />
Ca bài ca người lính.<br />
Mãi mãi lòng chúng ta.<br />
Hát mãi khúc quân hành ca...”</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><strong><br />
</strong></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
HOÀNG THỊ NGỌC NGÀ </span></span></strong><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">(Quận 1)</span></span></em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
</span></span></div> </html>