<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: left;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>Bài dự thi cuộc thi viết về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ:</strong></span></span></div>
<div style="text-align: left;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cảm xúc sau một chuyến đi</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"> <span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tạm chia tay với thành phố mang tên Bác, chúng tôi khởi hành bắt đầu cho chuyến đi thực tế miền Trung. Gió thổi lồng lộng khiến từng đợt sóng Cà Ná xô bờ cát trắng xua tan oi bức của trưa hè. Vào vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận nắng nóng, xương rồng từng bụi, đất đai khô nẻ nhưng lại chứa chan sự cần mẫn của con người nơi đây. Chúng tôi vượt qua 12km của đèo Cả để tiến vào địa phận của Tuy Hòa – nơi có Gành Đá Đĩa một danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và những câu thơ về núi Đá Bia. Buổi sáng ở Phú Yên se se lạnh. Màu xanh của đồng lúa triền miên nối liền nhau. Những giọt sương mai lần lượt cùng nhau lướt trên những ngọn lúa. Khung cảnh đồng quê thanh bình khiến tâm hồn tôi thư thái, nhẹ nhàng chào đón một ngày mới. Qua bãi tắm Tiên là tới mộ Hàn Mặc Tử tại Quy Nhơn. Mộ cải táng của nhà thơ Hàn Mặc Tử được đặt trên khuôn viên cao, thoáng đãng – nơi bóng cây ánh nắng chan hòa. Sóng biển rì rào như chào đón chúng tôi ghé thăm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi – một thành phố anh hùng. Và tại Đức Phổ này đã có một người con gái tràn đầy nhựa sống, can đảm khi bảo vệ các bệnh nhân của mình trong cuộc chiến không cân sức: “một cô gái gan lì trước 120 lính Mỹ”. Đến với bệnh xá Đặng Thùy Trâm là về với những ngày rực lửa của kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nhật kí Đặng Thùy Trâm sẽ mãi là hành trang soi sáng cho các thế hệ mai sau: “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố” (Nhật kí Đặng Thùy Trâm).<br />
<br />
<br />
Chúng tôi xuyên hầm Hải Vân dài hơn 8km, qua dãy núi Bạch mã vào địa phận của tỉnh Thừa Thiên khi ánh chiều dần buông. Xứ sở của sông Hương núi Ngự hiện ra thơ mộng hơn tôi từng tưởng tưởng. Cầu Tràng Tiền bảy sắc màu lung linh như một nàng tiên đang nhảy múa trên dòng sông Hương lững lờ. Tản mạn trên chiếc xích lô cổ xưa quanh thành phố Huế, tôi mới cảm nhận hết cái nên thơ của nơi đây. Trong chiếc áo dài thướt tha như cô gái Huế, chúng tôi đứng lặng vài giây trước cột cờ độc lập rồi tiến vào Đại Nội. <br />
<br />
<br />
Trời lạnh buốt, mưa nặng hạt dần. Có lẽ đó là tâm trạng của chúng tôi khi chia tay Huế - một kỉ niệm khó quên. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Càng đi vào Bắc, trời càng rét. Tôi mặc hai, ba lớp áo mà vẫn không thắng được thời tiết ở đây. Không hiểu sao mưa cứ rả rích không thôi, không ướt sũng nhưng cũng đủ để người tôi lạnh cóng. Mãi đến khi chúng tôi bước vào Thành Cổ Quảng Trị, mưa ướt lối tôi đi, mưa ướt mái tóc tôi nhưng trái tim tôi không run vì mưa. Tôi không dám bước mạnh, không dám nói lớn vì tôi sợ sẽ làm các anh đau, làm các anh thức giấc. Tim tôi thấm đẫm niềm ngậm ngùi, đau xót bởi lẽ dưới mỗi bước tôi đi, từng ngọn cỏ xanh non là từng đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến 81 ngày đêm với tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật bản. Bộ đội Quân đội Nhân dân Việt Nam tử trận trong Thành cổ Quảng Trị đều bị vùi lấp. Có những lá thư hậu phương gửi đi mà không bao giờ còn nhận lại được bức hồi âm. Có những người vợ, con thơ chưa kịp gặp mặt người chồng, người cha lần cuối. Lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm. Tôi lắng nghe câu chuyện của các anh về mà sụt sùi đôi lần. Con người vùng đất Quảng Trị trong gian truân, khó nhọc đã hy sinh cho Tổ quốc rất nhiều. Các anh hãy say giấc nồng…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ <br />
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ. <br />
Người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ <br />
Khi chồng con không trở về... <br />
…Xin chớ vô tình với người hy sinh <br />
Trên mảnh đất quê mình.”<br />
( Bài hát Cỏ non Thành Cổ - Tân Huyền)<br />
<br />
Theo đường Hồ Chí Minh lịch sử, qua đèo Đá Đẽo chúng tôi được mở rộng hiểu biết với Trường Sơn Đông nối Trường Sơn Tây. Rừng nối rừng, núi tiếp núi. “Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”. Không gian hoang vu, trầm lặng của con đường lịch sử. Thế mà ngày ấy các anh bộ đội hành quân ngày đêm mặc cho núi rừng nguy hiểm, quân địch có thể mai phục bất cứ lúc nào, vẫn “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“…Đoàn quân vẫn đi vội vã<br />
Bụi Trường Sơn nhoà trong trời lửa.”<br />
( Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)<br />
<br />
Tôi thật sư khâm phục các anh. Chỉ có ý chí mạnh mẽ và lòng yêu nước sâu sắc thì các anh mới có thể làm được những điều mà ta tưởng chừng rất khó thực hiện. Dòng người lần lượt vào nghĩa trang Trường Sơn, tâm trí tôi miên man về các anh. Sau lễ tưởng niệm, tôi cũng như mọi người dâng nén nhang trầm cho các chiến sĩ… Dù rằng đang ở trên núi cao, cái lạnh càng làm người tê tái nhưng tim tôi lại đang tan chảy. Hơn mười ngàn ngôi mộ trước mặt làm tôi đau nhói. Có người đầy đủ tên họ nhưng cũng có mộ không một tuổi tên. Những anh hùng vô danh đã ngã xuống quên mình, đến lúc ngủ mãi với ngàn thu vẫn không ai biết được thân phận của các anh. Nhưng có một điều mà các anh đã để lại đó là tình yêu đất nước, sự hy sinh cao cả vì ngày mai của nước nhà. Đồi thông reo xì xào như các anh đang về nói chuyện. Có lẽ các anh đã thấy ấm lòng hơn khi mọi người còn nhớ đến mình. Hãy yên nghỉ nơi đây thưa các chiến sĩ…<br />
<br />
Chúng tôi vào Ngã Ba Đồng Lộc trong bóng hoàng hôn – nơi trọng điểm của quân dân ta thời chống Mĩ cứu nước. Cảm giác man mác buồn khi đứng giữa chiều Đồng Lộc. Quang cảnh xác xơ, đìu hiu. Phải chăng đó là cảm giác chung của những ai từng đặt chân đến Đồng Lộc? Chúng tôi được một lần sống tron</span></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">g những ngày đỏ lửa năm xưa với những thước phim, câu chuyện về nơi đây. Khúc hát âm vang “Cô gái mở đường” mà giọng nghẹn ngào:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“…Phải chăng em cô gái mở đường, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát. Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường. Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường?...”</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lễ tưởng niệm ghi nhớ công ơn của các thanh niên xung phong và mười cô gái Đồng Lộc trong hơi chiều tà. Hố bom còn trũng, vài quả bom còn dưới đất chưa đào nhưng sao không thấy các chị ra lấp đường? Các chị vẫn nằm yên nơi đó. Phút chốc trái tim tôi muốn vỡ ra, lệ cứ trào dâng không thôi khi nhìn từng gương mặt các chị. Mười ngôi mộ nằm sát bên nhau như những ngày các chị bên nhau cùng ca hát, cùng lao động, cùng chiến đấu và cùng hy sinh. Mười bông cúc trắng còn xuân sắc, tuổi đời còn xanh, chưa có chồng mà lời yêu cũng chưa. Với lí tưởng cao đẹp, mười bông cúc trắng đã nằm xuống không một giã từ, đầu chưa kịp gội, bữa cơm chiều chưa kịp ăn. Đau quá phải không? Và còn đau hơn nữa khi tự tay tôi mở bọc lấy từng chiếc gương, từng cây lược cùng vài trái bồ kết để ra ngoài cho các chị về dùng. Cảm giác đau biết dường nào như ai xé nát tim mình, như nỗi đau mất đi người thân trong gia đình. Hương bồ kết còn đó, lược và gương còn đó nhưng hình hài, nhịp thở của các chị lại vĩnh viễn trở về với cát bụi mà thoáng đâu đó vẫn còn tiếng hát mở đường hôm nào, vẫn còn tiếng cười yêu đời năm xưa. Tôi thầm nguyện cho các chị yên lòng bên nhau… Trước công lao đóng góp về mười cô gái Thanh niên Xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc trong một lần ra chỉ đạo chiến trường Bình Trị Thiên, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã căn dặn: “Ngã ba Đồng Lộc là nơi để giáo dục không chỉ đối với thanh niên, tuổi trẻ mà còn đối với đồng bào cả nước về truyền thống cách mạng”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dần quen với cái rét, quê ngoại – Hoàng Trù và quê nội – Kim Liên của Bác Hồ đang đến gần. Đặt chân đến quê Bác tôi cảm nhận được sự đơn sơ, mộc mạc trong từng vật dụng cho đến gian nhà mà các đấng sinh thành của Bác và Bác từng sinh sống. Thì ra thuở thơ ấu Người cũng lắm cơ cực và chịu nhiều mất mát. Cái giếng cốc ngày nào Bác từng gánh nước mỗi ngày vào nhà để dùng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cây mít ngày nào Bác thích ăn còn ngọt và thơm lắm. Cây bưởi trước nhà còn ngào ngạt hương. Chiếc võng ngày xưa Bác được ru bởi bàn tay ấm áp của mẹ trong câu hát “Ầu ơ ví dầu…”. Rồi chiếc rương – nơi Bác vịn đi chập chững từng bước,… Đọc “Búp sen xanh” hóa ra lúc còn tấm bé Người đã có tư chất thiên tư lại giàu lòng nhân ái. Chính từ chiếc nôi gia đình nho học truyền thống, từ trong gian nan, khó nhọc đã làm nên Bác Hồ của ngày hôm nay. Yêu sao sự giản dị của Bác, yêu sao tình cảm chân tình mà Bác dành cho quê hương sau 50 năm trở về cũng như tình cảm Bác dành cho nhân dân miền Nam, yêu cả những câu chuyện thuở nhỏ của Bác – vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Và chính sự uyên bác của Hồ Chí Minh mà Người đã phát hiện ra tài năng thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay từ lần gặp đầu tiên tại Thuý Hồ, Vân Nam (Trung Quốc) vào tháng 6/1940. Sau một thời gian hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã giao trọng trách quan trọng cho đại tướng – thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ chu đáo về mọi mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm 34 chiến sĩ với 34 khẩu súng các loại do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung được thành lập ngày vào ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng lúc 5 giờ chiều với 10 lời thề danh dự do Võ Nguyên Giáp biên soạn đã trở thành kim chỉ nam cho mọi chiến sĩ quân đội cách mạng Việt Nam dựa trên bài học “vỡ lòng” mà đại tướng khắc ghi về những cơ bản nhất trong đường lối quân sự cách mạng Việt Nam của chủ tịch Hồ Chí Minh: “làm cách mạng phải dĩ công vi thượng”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Vừa mới ra đời, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã lập được chiến công vang dội, trong ngày 25 - 26/12/1944 tiêu diệt hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần – mở đầu cho những trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua nhiều lần sát nhập, năm 1950, tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam được chính thức giữ cho đến bây giờ với số lượng quân sĩ ngày càng đông đảo, vũ khí dần hiện đại. Tên gọi “Quân đội Nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ". Một tên khác được nhân dân yêu mến đặt cho là “bộ đội cụ Hồ”. Trong suốt quá trình chiến đấu và xây dựng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn được nhân dân nuôi dưỡng, che chở, biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người đã trực tiếp dẫn dắt “đội quân thơ ấu” từ hai bàn tay trắng, từ súng trường chân đất lớn lên trong suốt cuộc trường chinh mười ngàn ngày và đã đánh bại mười đại tướng của quân đội viễn chinh nhà nghề của hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – đánh dấu sự trưởng thành, có tổ chức, có kế hoạch chiến đấu của cách mạng Việt Nam đồng thời là một bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng của dân tộc ta. <br />
<br />
Chuyến đi thực tế đã trôi qua trong tích tắc nhưng trong tôi vẫn đọng mãi những hình ảnh của những ngày ấy. Bên cạnh thấu hiểu sự nghèo khổ, cơ cực của người dân trong địa hình cực kì khó khăn nhưng họ cũng thật kiên cường mỗi khi thiên tai đi qua dọc các tỉnh miền Trung từ Phú Yên đến Quãng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh…, tôi hiểu thêm rất nhiều về lịch sử dựng nước và giữ nước. Không thể phủ nhận công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc thành lập và chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam đi từ con số không cho đến những chiến thắng vẻ vang dưới kim chỉ nam của Bác Hồ. Song để có được niềm hân hoan ấy, Tổ quốc phải hy sinh không biết bao nhiêu các chiến sĩ, các anh hùng. Có hy sinh làm nên tên tuổi vang dội nhưng cũng có những hy sinh lặng lẽ không một tuổi tên cụ thể. Với tôi, hình ảnh bộ đội cụ Hồ không chỉ là các anh bộ đội hành quân đêm ngày, các chiến sị chiến đấu ngoài mặt trận khói lửa mà còn là những cô gái, chàng trai thanh niên xung phong; những y tá, dược sĩ những con người âm thầm, lặng lẽ góp sức cho chiến tranh mưa bom bởi tất cả họ đều là những con người đã hy sinh cả tuổi trẻ, thanh xuân và chính nước mắt, xương máu, đánh đổi cả mạng sống, cuộc đời của mình để giành lấy sự hòa bình cho đời sau. Tận mắt chứng kiến, tận tai nghe chuyện từ Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn cho đến Ngã Ba Đồng Lộc tôi mới thấm thía những hy sinh khi chiến tranh khốc liệt. Tôi mới hiểu công ơn của những người ngã xuống cao cả vô cùng, mới cảm nhận được nỗi đau của sự mất mát, đau thương khi chiến tranh cướp đi của dân ta ngày trước. Chiến tranh quả là tàn khốc, nhưng nhân dân ta vẫn không lùi bước, vẫn đứng lên anh hùng, lạc quan chống kẻ thù. Giờ tôi chợt hiểu ra các ca khúc tiền chiến vẫn sống mãi trong lòng người dù ở bất cứ thời đại nào là vì vậy. Nghe một ca khúc là sống lại một lần với chiến tranh bom đạn, với những hy sinh bất tử… Và tôi sẽ nhớ mãi những ngày đi thực tế nay – ngày của lòng biết ơn sâu sắc. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Một giáo sư đã từng nói: “Cuộc đời con người là những khoảnh khắc đã, đang và sẽ trôi qua”. Liệu có mấy bạn trẻ lại từng dành vài phút chỉ để tưởng nhớ công ơn của bộ đội ta ngày trước? Mong rằng các bạn sẽ cùng nhau đâu đó đôi lần lắng đọng tâm hồn mình để cùng hướng về những ngày tháng hào hùng đã qua để biết trân trọng những khoảnh khắc bình yên mình đang sống, để tự hào về sức mạnh của niềm tin và sự đoàn kết của nhân dân ta để rồi sống có ý nghĩa hơn cho bản thân, gia đình và chính xã hội. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>NGUYỄN KIM MỸ HẰNG</strong> <em>(Trung tâm GDTX Gia Định)</em><br />
</span></span></div> </html>