<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thành công từ bốn lần thất bại</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" color="#0000FF" size="2">Tùng "dế" - Thành công từ
bốn lần thất bại</font></b></p>
<p><b><font face="Arial" color="#808080" size="2">Mỗi lần thất bại, bài học cho
anh ngày càng đắt giá, đắt đến nỗi tưởng chừng phải buông xuôi mọi thứ vì nản,
vì buồn, vì lời ra tiếng vào của bà con xóm giềng khi thấy anh làm chuyện "kỳ
cục": nuôi dế. Níu chân anh "nông dân rặt" Lê Thanh Tùng (tổ 3, ấp Bến Đò 2, xã
Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) với những con dế nhỏ chỉ có một thứ duy nhất: tinh
thần cầu tiến. </font></b></p>
<div style="float: left; width: 210px; height: 25px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="thanh%20cong%20tu%204%20lan%20that%20bai.jpg" width="234" height="175"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p><b><font face="Arial" color="#008000" size="2">Tuổi trẻ, liều lĩnh và đam mê</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Mười tám tuổi, anh Tùng đã có thâm niên năm năm
"ăn ngủ" cùng trên 2.000 con vịt chạy đồng. Trứng gà, vịt Trung Quốc làm mưa làm
gió trên thị trường Việt Nam năm 1997. Lỗ to. Anh đành bỏ nghề, "ôm" khoản nợ 37
triệu. Trắng tay, anh quay sang trồng rau thơm. Lặn lội "mò" tới những vườn rau
xanh um để học hỏi kinh nghiệm, ba năm sau, cái nợ đã ra đi hai phần ba. Đất lên
giá vùn vụt, chủ đất không cho mướn nữa. Lại phá sản! </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đi làm thợ hồ. Mùa nắng hùng hục. Mùa mưa nằm
nhà. Cái ăn, cái nợ bám riết phía sau. Anh nghĩ: "Mình phải kiếm việc gì làm để
ổn định tương lai, chứ bấp bênh như vầy...". Qua báo, đài, anh biết trên thế
giới đang rất chuộng món ăn côn trùng. Hàm lượng dinh dưỡng cao, giá cả cũng tạm
được, anh quyết định ... nuôi dế. Anh hồ hởi: "Mỗi năm chỉ cần ăn nửa cân dế là
sẽ giảm béo phì và hạ thấp lượng cholesterol trong máu, mình thích cái thông tin
đó lắm, vả lại, dế trong tự nhiên cũng còn nhiều" Và anh bắt tay vào làm. </font>
</p>
<p><font face="Arial" size="2">Không vốn, không kỹ thuật, không sách hướng dẫn.
Anh lân la hỏi những cụ già ngày xưa từng mê mẩn với mấy món dế thơm lừng. Nhận
được cái lắc đầu: "Bắt thì biết, nuôi thì không biết đâu", anh cứ như "người mù"
lạc vào giữa mê hồn trận. Cứ lần dò từng bước mà đi, vừa nuôi vừa... khắc phục
hậu quả! Anh làm tăng ca để có tiền mua xô nhựa về làm "nhà" cho dế. "Mình mê
lắm, làm cái gì mình cũng say mê, đổ tất cả công sức của mình vào đó", anh tâm
sự. "Nhà" của dế ban đầu chỉ là... hai cái nồi nấu bánh tét, một cái lu mẹ cho
mượn kèm lời dặn "đừng làm bể nghe con". Anh bắt đầu ra vườn "rình" bắt dế và
chỉ biết cho ăn cỏ nuôi lớn, chứ không biết làm sao cho dế... đẻ. </font></p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Vấp nhưng không ngã </font>
</b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Anh nấu cơm, cá, thịt trộn lại vo tròn cho dế ăn.
Ba tháng sau, dế già rồi ôm bụng trứng mà... chết chứ không chịu đẻ. Đau đầu!
Anh trầm ngâm, suy nghĩ nát nước, rồi... bỏ đất vào xô. Thế là dế... đẻ. Cả gia
đình đều mừng vì "thằng Tùng" thành công. Cả nhà dốc tiền của ra mua xô nhựa về
nuôi dế, trong lòng khấp khởi mừng thầm. "Ngày vui ngắn chẳng tày gang", dế lại
lăn ra chết. Anh Tùng buồn xo. Hóa ra kỹ thuật nuôi của anh chưa hoàn chỉnh.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Hơn một năm sau, gia tài quý của anh là 140 cái
xô nhựa nuôi dế. Số lượng tăng dần, những tưởng đã êm thấm, dế lại chết lần nữa.
Gia đình mất niềm tin, bà con xúm nhau lại đòi... chia xô về đựng nước. "Ai cũng
cười, khi dễ tui làm chuyện không đâu", anh kể. Lúc đó anh buồn rầu đến nỗi sụt
cân, ốm nhom, hom hem như ông già mặc dù mới 22 tuổi. "Nhưng mình dám làm dám
chịu", anh cười. Nguyên nhân dế chết cuối cùng cũng tìm ra. Do anh "cưng" dế
quá, làm màn che kín mít, nhà lại nấu nướng khói mịt mù, dế bị "ngộp". "Ngộ" ra
chân lý "phải gần thiên nhiên", anh tháo tung vách, chỉ che chắn mỗi khi mưa
gió. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đàn dế cứ thế tăng lên nhanh chóng, từ 100 xô lên
300 xô. Cả nhà bị dế bao quanh. Có nguyên liệu, lại lo khâu tiêu thụ. Anh mang
cái mặt non choẹt của mình vào các quán ăn, nhà hàng tiếp thị... dế, hầu như chỉ
nhận được cái nhìn thiếu tin tưởng, xem thường. Cuối cùng, nhờ kiên trì, nhiều
người tìm đến mua dế về ăn thử, rồi thích! Anh bị "cháy hàng", dế không đủ bán.
Tín hiệu vui này đã giúp anh Tùng vững tâm thêm sau ba lần lao đao. </font></p>
<div style="float: right; width: 288px; height: 25px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td bgcolor="#D3ECF8"><font face="Arial" size="2">Dế có thể chế biến
thành 6 món "ngon vô cùng": dế chiên dòn, dế chiên bột, gỏi dế, dế
xào mì, dế kho, dế rim mặn. Hiện nay, anh Lê Thanh Tùng đã có trong
tay "số vốn" là 15.000 con bò cạp và hàng ngàn thùng dế chứa 500 chú
dế mỗi thùng, chuyên cung cấp mặt hành này cho Thành phố Hồ Chí Minh
và nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p><font face="Arial" size="2">Năm 2003, anh nghỉ làm phụ hồ chỉ chuyên tâm nuôi
dế. Ngày chăm sóc dế, cho dế ăn. Đêm một mình hì hục lấp ao tạo mặt bằng mở rộng
trại. Người mẹ xót con, năn nỉ anh nghỉ tay. "Chẳng hiểu tại sao mình làm không
biết mệt, không đi chơi, cả tuần không ra khỏi nhà được 50m", anh hào hứng kể.
Lấp xong ao, làm trại, tăng đàn lên 700 xô. Dế đông người ít, cả gia đình làm
không ngơi tay. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Tết 2004, chỉ còn hai mươi ngày nữa là sẽ "hốt
bạc" với đàn dế trên một trăm ngàn con thì chúng lại chết. Mỗi ngày đổ đi cả rổ.
Anh đau xót khi nhìn thấy công sức của mình đang lụi dần. Lần này, dế không bị
chết ngộp mà lại chết vì... ngộ độc thuốc trừ sâu trong cải ngọt! </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đến bây giờ anh đã gầy dựng được bốn trăm ngàn
con dế với diện tích 500m2 chuồng trại từ khoảng ba chục ngàn con còn lại sau
trận ngộ độc đó. Hiện nay có trên 10 nhà hàng đang là "mối ruột" của anh. Anh
cười, hi vọng sau lần trầy trụa thứ tư này sẽ không còn nhiều va vấp. </font>
</p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Một chút riêng tư </font></b>
</p>
<p><font face="Arial" size="2">Nhiều người dân trong xóm lân la đến mua dế giống
và học hỏi kỹ thuật nuôi, anh đều vui vẻ chỉ dẫn tận tình. Tôi hỏi về mấy cái
bằng khen, anh cười: "Mình có hai cái nhưng cũng không để ý lắm". Phía trên bàn
máy vi tính, tôi thấy bằng khen của Ủy ban Nhân dân thành phố trao tặng "vì đã
có thành tích xuất sắc nhiều năm liền góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng
và phát triển thành phố" và bằng khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
thành phố trao tặng "danh hiệu tập thể lao động, trại dế Lê Thanh Tùng xã Tân
Phú Trung, huyện Củ Chi, đã đạt nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ công
tác, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố 2005".
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Anh vừa lên chức bố cách đây bốn tháng. Niềm vui
lấp lánh trong đôi mắt anh. Trông anh có vẻ già dặn hơn tuổi 28. Ngày xưa vì
nghèo nên anh nghỉ học khi vừa hết lớp 5. Anh thổ lộ nguyện vọng muốn học tiếp
vì đối với anh việc học không bao giờ là trễ. Kinh tế gia đình hiện nay đã tương
đối ổn, anh có thời gian đi dự Hội nghị khuyến nông để tìm hiểu, nuôi thêm những
loại côn trùng mới. Anh bắt cho tôi xem hai con rết núi mập mạp, thấy tôi so
vai, rụt cổ, anh lại cười... tiếp thị: "Coi vậy chứ ngon lắm đó". </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">ÁNH NGUYỆT</font></b></p>
</body>
</html>