<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Người chiến thắng đớn đau</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Người chiến thắng đớn đau</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nguoi%20chien%20thang%20don%20dau.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Nguyễn
Chí Thuận</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Bạn sẽ làm gì khi cánh cửa cuộc đời khép dần trước
mắt? Đó là câu hỏi mà Nguyễn Chí Thuận đã từng phải đối mặt và cũng tự mình tìm
ra câu trả lời. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Gần 15 năm vật lộn với bệnh tật,
thậm chí đã có lúc tưởng như đã bị số phận quật ngã, nhưng tất cả những điều đó
không làm anh từ bỏ khát vọng được học tập .</font></p>
<p class="pSubTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Đường đến
giảng đường </font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Vào ngày tựu trường của năm học
2004-2005, tất cả tân SV của lớp Tin 5K49 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều không
khỏi ngạc nhiên trước một thành viên đặc biệt trong lớp: Nguyễn Chí Thuận. Ngạc
nhiên không chỉ vì Thuận vào ĐH trễ hơn các bạn cùng khóa tới bảy năm mà còn bởi
vóc dáng gầy guộc và từng bước đi xiêu vẹo đầy vất vả, đau đớn do cột sống bị
cứng lệch cả người… </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng rồi, qua hai năm học, các
thành viên trong lớp Tin 5K49 đã được chứng kiến những nỗ lực của chàng trai bé
nhỏ này. Sức khỏe yếu ớt, những trở ngại của căn bệnh luôn dày vò Thuận mỗi ngày
cùng sự khó khăn, eo hẹp về kinh tế…. không ngăn cản được nỗ lực cố gắng học
hành của Thuận để trở thành một SV có kết quả học tập khá trong lớp học “đầy
những cao thủ”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thuận nói với chúng tôi - bằng từng
tiếng nói thoát ra khỏi lồng ngực một cách khó khăn nhưng lại rất rõ ràng, tràn
ngập sự tự tin và nghị lực - “Tôi không muốn lãng phí thời gian. Đã cố gắng đến
được trường ĐH, thì phải tiếp tục cố gắng, học cho ra nghề chứ”… </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sinh năm 1979, là con út và cũng là
con trai duy nhất trong một gia đình nông dân ở xã Minh Khai (Hoài Đức, Hà Tây),
ngay từ bé Thuận đã yêu thích những công việc có tính sáng tạo. Nếu như không có
bước ngoặc nghiệt ngã của số phận, có lẽ Thuận đã đạt được ước mơ trở thành một
kiến trúc sư. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng đến năm học lớp 8, mọi ước mơ
và hoài bão của Thuận tan vỡ khi trong cùng một năm cha Thuận qua đời, còn bản
thân anh bắt đầu phải đối mặt với những triệu chứng ngày càng nặng của căn bệnh
không rõ nguyên nhân, luôn khiến cơ thể đau nhức, cột sống cứng lại, cử động khó
khăn dần. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thật ra, Thuận đã bị đau từ vài năm
trước, theo chẩn đoán có thể do di truyền hoặc cảm lạnh phong hàn để lại di
chứng. Nhưng những cơn đau rồi cũng qua cùng với gia cảnh không có điều kiện
kinh tế khiến cả nhà không ai nghĩ đến một căn bệnh nan y đang đe doạ anh. Cứ
mỗi khi đau lại tiêm vài mũi giảm đau. Cho đến khi Thuận 14 tuổi, bệnh bắt đầu
nặng…</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thương đứa con trai duy nhất thông
minh, ham học, người mẹ đã từng cõng Thuận lặn lội đến gần hết các bệnh viện lớn
của Hà Nội, thăm khám từ thầy thuốc tây y đến đông y... Ở bệnh viện nào các bác
sĩ cũng có cùng một câu trả lời: Thuận đã mắc phải bệnh viêm dây cột sống dính
khớp, lại là viêm đa khớp, tất cả các đốt sống đều bị. Căn bệnh này hiện nay y
học chưa có khả năng chữa khỏi, chỉ có thể làm chậm sự phát triển của nó mà
thôi!</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Điều này có nghĩa là Thuận sẽ phải
sống suốt phần đời còn lại cùng những cơn đau bệnh tật dày vò. Nhưng ngay từ lúc
nhận được lời kết luận cho căn bệnh cũng là một bản án lơ lửng cho cuộc đời
mình, Thuận không chán nản, buông xuôi. Anh tự xác định phải quyết tâm cùng
chung sống với căn bệnh quái ác. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Không chỉ tiếp tục đi học, Thuận
còn chạy đua với thời gian và bệnh tật. Thuốc giảm đau dần dần không còn tác
dụng, từ chỗ Thuận chỉ đau nặng một bên hông, dần dần lan khắp nửa người trên…
Thuận vẫn cố cầm cự để đến trường tiếp tục học lên THPT. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Trong suốt bốn năm trời, mỗi khi
nhìn người mẹ đã hơn 60 tuổi, ngày ngày lủi thủi bán hàng tạp hoá lặt vặt lấy
tiền chạy chữa và nuôi con trai, Thuận lại vượt qua những cơn đau nhức, cố gắng
học bằng tất cả quyết tâm: “Mình sẽ học, phải đỗ ĐH, rồi có một công việc để có
thể tự nuôi sống bản thân và đỡ đần mẹ. Không thể nào đầu hàng căn bệnh này để
trở thành một người tàn tật, phải dựa dẫm, làm gánh nặng cho người khác”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng bất hạnh không dừng lại. Căn
bệnh viêm dây cột sống dính khớp với những cơn đau hành hạ càng ngày càng gia
tăng, số phận đã đưa ra sự thử thách lớn nhất đầy khắc nghiệt đối với Thuận. Năm
1997, khi đang học lớp 12, Thuận bắt đầu phải nằm liệt giường. Nuối tiếc vô cùng
nhưng Thuận đành phải nghỉ học vì đến lúc này, việc tiếp tục sống còn khó nói gì
đến đi học. Cánh cửa cuộc đời gần như khép lại với Thuận ở tuổi 18. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bảy năm tiếp theo là chuỗi ngày dài
tưởng như chỉ còn bóng tối trong cuộc đời Thuận, nhưng cũng là những năm tháng
mà nghị lực chống chọi bệnh tật của anh khiến người khác phải khâm phục. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Trong đó có những năm tháng anh bị
liệt hoàn toàn phải nằm bất động một chỗ. Nằm một chỗ chống chọi với bệnh tật để
có thể tồn tại nhưng Thuận vẫn luôn nung nấu “Không được để mình rơi vào đường
cùng. Nếu quyết tâm và cố gắng, mình sẽ làm được cả những việc tưởng như không
làm được”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Trong khi nằm trên giường bệnh,
cánh cửa duy nhất để Thuận tiếp xúc với thế giới rộng lớn bên ngoài là chiếc TV
nhỏ. Cũng qua chiếc TV mà Thuận nghĩ đến một hướng đi mới cho cuộc đời: Có thể
học về công nghệ thông tin và tìm kiếm một công việc phù hợp với sức khoẻ bản
thân. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Người thân không thể hiểu nổi tại
sao Thuận lại kiên trì tập luyện đến thế bên cạnh các biện pháp chữa trị bằng
thuốc đông y và dần đi lại được. Những lúc dò dẫm được vài bước, Thuận sang nhà
hàng xóm mày mò trên chiếc máy vi tính. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thuận khám phá ra rằng mình vẫn có
thể theo đuổi niềm đam mê sáng tạo cùng chiếc máy vi tính: “Tôi thấy mình cần
phải thực tế hơn, gần cả cột sống đã dính hết, không thể cho phép tôi làm những
công việc cần vận động nhiều nhưng có thể làm lập trình viên, một công việc phù
hợp với sức khoẻ”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Từ đó, Thuận khẳng định hướng đi
tiếp của cuộc đời mình: trở thành một lập trình viên. Anh bắt tay vào ôn luyện
lại kiến thức và xin đi học lại lớp 12 nhưng bị từ chối với lý do “đã quá tuổi”.
Không nản, Thuận xin vào học hệ bổ túc, ngày đêm tự ôn để đi thi ĐH. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Gia đình, bè bạn cũng chỉ nghĩ
Thuận học để có niềm vui chứ cũng không mấy ai dám nghĩ sau bảy năm rời xa đèn
sách, chỉ bằng tự học, Thuận tốt nghiệp bổ túc THPT và trúng tuyển vào khoa công
nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 23,5 điểm, thừa 0,5 điểm so
với điểm chuẩn của trường năm ấy. Giờ, Thuận đang bước vào năm thứ ba của cuộc
đời SV.</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Sống giữa
những tấm lòng </font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="200" hspace="0" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=155930" width="150" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Nguyễn
Chí Thuận</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Không nói nhiều đến những nỗ lực
bản thân, Thuận luôn cho rằng anh có ngày hôm nay phần nhiều bởi đã gặp may mắn.
“Cuộc sống lấy của tôi thứ này thì sẽ trả lại cho tôi một thứ khác” - Có lẽ cách
nhìn cuộc sống lạc quan này đã giúp Thuận vượt qua được những cánh cửa hẹp của
cuộc đời mình. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Theo Thuận, điều may mắn nhất, thứ
quí báu nhất mà cuộc sống đã đền đáp cho anh chính là những tấm lòng của những
người xung quanh, luôn chia sẻ, giúp đỡ anh vượt qua khó khăn. Công sức, tình
yêu thương của mẹ, đối với Thuận là một nguồn động lực để anh luôn cố gắng,
không đầu hàng số phận. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng ngoài mẹ, còn có tấm lòng của
anh Định - một người hàng xóm đã ba năm liền bất kể nắng mưa chở Thuận đến
Trường THPT Hoài Đức A cho đến ngày Thuận phải nghỉ học. Rồi bạn bè cũng khoá ở
Trường THPT Hoài Đức A ngày nào, cho dù có những người trong hoàn cảnh không
khấm khá nhưng luôn sẵn lòng giúp bạn một tay khi cần. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Khó khăn trong từng cử động, nói gì
đến việc đi học và sinh hoạt hàng ngày nhưng Thuận có thể vượt qua ba năm đời SV
trọ học ở Hà Nội nhờ có sự giúp đỡ của các em SV cùng làng đang học tại đây. Từ
những ngày đầu đến giờ, Thuận vẫn sống trong sự đùm bọc của anh em cùng nhà trọ,
những người sẵn sàng chia sẻ với anh từng bữa ăn, cho anh mượn chiếc máy vi tính
để học bài ở nhà… </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Và có một người, mà từ ba năm nay
đã như bóng với hình với Thuận - người mà chúng tôi không thể không nhắc
đến: Khang, bạn cùng lớp Tin 5K49 với Thuận. Bắt đầu từ sự cảm phục, Khang đã
trở thành bạn thân nhất của Thuận ngay từ ngày đầu đến lớp ĐH. Coi Thuận như anh
trai, ngày ngày Khang ghé qua nhà trọ đón anh Thuận đi đến trường. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Vừa như một người bạn đồng hành bền
bỉ, vừa là một người em đầy tình thương yêu, những buổi học thêm, đi khám bệnh,
cắt thuốc, những lần anh Thuận về quê… cũng đều là Khang đưa đón suốt gần ba năm
qua. Học cùng lớp nên hai anh em càng ngày càng gắn bó, “có Khang giúp đỡ tôi
như có thêm đôi chân mạnh khỏe” - Thuận nói trong sự rưng rưng cảm động - “Khang
còn chưa dám có người yêu. Khang cứ bảo đợi khi nào học xong, anh Thuận có việc
làm đâu vào đấy rồi tìm người yêu cũng chưa muộn vì bây giờ có “ai” lại không
chăm sóc được anh đến nơi đến chốn”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Còn theo Khang “Anh Thuận mới đáng
nể, bệnh tật như vậy mà học cứ băng băng, chăm chỉ khó ai bằng. Sống bên anh
Thuận, em thấy mình trưởng thành lên nhiều”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thuận đang học, bằng tất cả sức lực
của mình, chạy đua với thời gian “vì không biết khi nào căn bệnh lại giở chứng”,
để có thể hoàn thành ước mơ trở thành một lập trình viên. Thua kém bạn bè về
trình độ tiếng Anh khi mới vào trường, Thuận miệt mài tự học để bù lại khoảng
trống vì anh tự xác định “đã muốn làm lập trình viên, không thể không thành thạo
tiếng Anh”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sức khỏe hạn chế, học một lúc lại
mệt rũ nhưng Thuận vẫn cần mẫn, lúc nào mệt thì thay đổi bằng cách đọc sách,
nghe băng tiếng Anh với sự trợ giúp của Khang. “Càng ngày tôi càng thấy việc lựa
chọn ngành học này và mục tiêu trở thành một lập trình viên là đúng đắn. Tôi hi
vọng tốt nghiệp ra trường có thể tìm được một công ty nào đó nhận vào làm việc
để có thể tự nuôi sống bản thân và mẹ bằng chính sức lao động của mình” - Thuận
trầm ngâm “Vẫn biết là sẽ khó khăn hơn mọi người, cơ hội ít, yếu thế hơn khi
cạnh tranh xin việc nhưng tôi tin là mình sẽ làm được”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hai anh em cũng hi vọng qua những
lần lang thang trên mạng có thể tìm được những thông tin về căn bệnh này để giúp
Thuận duy trì cuộc sống, hi vọng một ngày nào y học có thể tìm ra phương pháp
chữa bệnh cho Thuận…</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi có may mắn gặp Thuận vào
dịp Thuận được hội lưu học sinh tại Pháp trao một suất học bổng Đồng hành dành
cho những SV vượt khó. Thuận cũng mới có thêm một “người bạn đồng hành” nữa,
Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech trao tặng Thuận một
học bổng với mong muốn hỗ trợ Thuận đạt tới ước mơ trở thành lập trình viên của
mình. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng có lẽ những sự trợ giúp đó
chưa đủ. Hai anh em Thuận - Khang đang bàn tính với nhau làm thủ tục vay tiền
ngân hàng để Thuận có thể trang trải sinh hoạt phí và mua một chiếc máy tính.
“Cũng chẳng còn giải pháp nào hơn, hàng tháng đều mất một khoản tiền để cắt
thuốc, chữa bệnh, chi phí cho việc học ngành CNTT đến năm thứ ba ngày càng nhiều
hơn, sức mẹ tôi không còn kham nổi. Bạn bè cùng lớp cấp 3 vẫn bảo sẽ giúp nhưng
không thể nhờ bạn đến khi tốt nghiệp được” - Thuận giãi bày- “Nếu phải tìm cách
vay tiền ngân hàng để học, tôi cũng vay. Rồi sau này đi làm kiếm tiền trả dần
chứ không bao giờ bỏ dở việc học”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Với câu hỏi “Bạn sẽ làm gì khi cánh
cửa cuộc đời khép dần trước mắt?”, Nguyễn Chí Thuận đã có câu trả lời của mình
“Đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy làm tất cả những gì có thể để tự mở cánh cửa cuộc đời
mình”. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>