<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đi thăm mộ anh Trỗi</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Đi thăm mộ anh
Trỗi</b></font></p>
<font face="Arial" size="2">Thời nhỏ đọc Sống như anh (Trần Đình Vân) tôi rất ấn
tượng những câu chuyện về chị Quyên và anh Trỗi. Nay trước mặt tôi là chị Phan
Thị Quyên - vợ anh Trỗi - vẫn còn đó những câu chuyện nồng nàn về trái tim của
người anh hùng...</font><table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td>
<img border="0" src="di%20tham%20mo%20anh%20Troi.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Chị
Quyên và con gái đang chăm sóc ngôi mộ của anh Trỗi</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pInterTitle"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Trái tim
người anh hùng</b></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hình tượng hiên ngang của anh hùng
Nguyễn Văn Trỗi trước lúc hi sinh vẫn đang là thần tượng của bao thế hệ đi sau.
Anh hi sinh ở tuổi 24 (15-10-1964 - ngày hi sinh của anh cũng là ngày truyền
thống thanh niên công nhân TP.HCM - NV), và mang theo cả câu chuyện tình với
người vợ tròn 20 tuổi mới cưới được sáu tháng.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chị Quyên lần giở lại những lá thư
anh Trỗi viết cho mình ngày ấy, nhớ như in lần đầu tiên gặp anh là buổi chiều
thứ bảy ngày 9-2-1963 lúc tan tầm, một người đứng bên kia đường áo sơmi trắng
dài tay cài măngsét, đóng thùng. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Chiếc quần tây ống rộng, trong khi
thanh niên thời đó mặc ống túm, chùm chìa khóa treo lủng lẳng bên hông, chẳng
gây ấn tượng gì” - chị Quyên nghĩ. Anh giới thiệu ngắn gọn: “Tui thứ tư trong
nhà, Quyên kêu tui là Tư”. Chị đạp xe đạp, anh chạy chiếc Mobylette bên cạnh.
Mối tình đầu của người anh hùng thật bình dị và nồng nàn của những người trẻ
trong thời loạn lạc. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đôi lần chị Quyên cũng sang thăm
nhà anh Trỗi ở khu Kiến Thiết, gần Lăng Cha Cả (Tân Bình, TP.HCM). Anh thường
mang chiếc đàn mandolin của mình ra khu vườn nhỏ phía sau nhà ngồi đàn cho chị
nghe. Quen nhau mấy tháng trời vậy mà chị Quyên vẫn chỉ biết anh tên là Tư. Chị
đưa lá thư đầu tiên của anh gửi cho tôi xem mà cho đến giờ chị còn giữ. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lá thư đề “Thanh Quít (Điện Bàn -
Quảng Nam là quê anh Trỗi - PV) ngày 7-4-1963”, trong đó có câu “Chúc em ăn
ngon ngủ nhiều và ráng uống mỗi ngày hai lít nước”. Đó cũng là lần đầu tiên anh
Tư gọi Quyên bằng “em”. Và đó cũng là lần đầu tiên chị mới hay anh tên là Nguyễn
Văn Trỗi nhờ ký tên phía dưới.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lần về quê, anh mua tặng chị chiếc
nón bài thơ Huế với câu thơ “Bước chân ra đất thần kinh, mua về chiếc nón tâm
tình tặng em” cùng hai chục đôi đũa nứa. Chị Quyên nói: “Quyên thích đũa mun mà
Tư mua đũa nứa?”. Anh lặng lẽ đem cất rồi nói: “Quyên chê đũa xấu thì thôi, mai
mốt Tư cho vợ Tư xài”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tưởng anh giỡn vậy mà không ngờ
ngày đầu mới cưới nhau, anh Trỗi cũng lặng lẽ mang bó đũa nứa ra và nói: “Năm
ngoái anh về quê mang vô bó đũa tặng cô bạn gái, cổ chê nên anh ghét quá mang về
bảo để mai mốt vợ anh xài”. Chị Quyên hết hồn: “Anh này ghê thiệt”, còn anh
cười: “Ủa, em cũng biết cô đó hả?”.</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="200" hspace="0" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=157788" width="150" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Di ảnh
anh Trỗi trước lúc hi sinh - Ảnh tư liệu</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Đầm ấm một gia đình</b></font><p class="pBody">
<font face="Arial" size="2">“Đọc Sống như anh, em thích nhất là đoạn ba Trỗi
xách nước cho mẹ tắm” - cô con gái 19 tuổi Lê Phan Hồng Nga (con chị Quyên và
anh Lê Tâm Dũng - người chồng sau của chị) hồn nhiên nói. Nga biết đến “ba Trỗi”
từ lúc còn nhỏ xíu, và không hiểu từ lúc nào hai đứa con anh Dũng đều gọi anh
Trỗi bằng ba. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những đồng đội bảo rằng anh Dũng tự
nhận mình là “em của anh Trỗi”. Anh Lê Tâm Dũng tâm sự: “Với tôi, anh Trỗi còn
là tình đồng chí đồng đội”. Anh chị đi đến đâu đều dành một phần trang trọng
nhất của ngôi nhà làm bàn thờ anh Trỗi.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ở nghĩa trang thành phố có một ngôi
mộ trang trọng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng hôm nay tôi lại được
đứng trước mộ phần và thắp nén hương cho anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ở một nghĩa
trang đơn sơ, mộc mạc. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Mộ anh bình dị như bao ngôi mộ xung
quanh ở nghĩa trang Văn Giáp, phường Bình Trưng Đông (quận 2, TP.HCM). Đây là
nghĩa trang của những người thuộc làng Văn Giáp, Thường Tín, Hà Tây, quê của chị
Quyên. Chị Quyên cho biết: “Sau ngày anh Trỗi hi sinh, chị và gia đình đã tìm
mọi cách đưa anh về nghĩa trang làng”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Tôi muốn anh yên nghỉ trong tình
thân gia đình như nguyện ước của anh lúc sinh thời”. Ba má chị Quyên khi mất
cũng đều nằm bên cạnh mộ anh. Cứ đến ngày vu lan, tết, đám giỗ là cả nhà chị
Quyên lại đưa nhau ra nghĩa trang làng Văn Giáp để chăm sóc mộ phần cho anh. Sắp
đến ngày giỗ anh Trỗi, cả nhà chị Quyên lại tất bật lo sắp đặt bàn thờ, mời đồng
đội, đồng chí đến nhà để ôn lại những kỷ niệm hào hùng và đằm thắm tình thương
của người anh hùng... </font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo Tuổi Trẻ</b></i></font></p>
</body>
</html>