<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chàng trai trẻ và phần mềm bản đ</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b><span class="text16b" id="lbHeadline0">Chàng trai trẻ và
phần mềm bản đồ số "made in Việt Nam"</span></b></font></p>
<div style="float: left; width: 177px; height: 25px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="chang%20trai%20tre%20va%20phan%20mem%20ban%20do%20so.bmp" width="200" height="142"></td>
</tr>
</table>
</div>
<font face="Arial" size="2">
<span class="indexstorytext">Lần đầu tiên, một chương trình kiểm soát, định vị,
dẫn đường từ xa cho thiết bị cầm tay PDA của người Việt xuất hiện và được chia
sẻ hoàn toàn miễn phí trên mạng. </span>
</font><span class="indexstorytext" id="lbBody0">
<p><font face="Arial" size="2">Càng thú vị hơn khi biết "chủ nhân" của chương trình này là một chàng kỹ sư
8X còn rất trẻ, bắt nguồn từ tự ái người Việt không thể cứ "lò dò" đi theo nước
ngoài. Chàng trai có biệt danh "Mr của công chúng" ấy là Nguyễn Tư Triều.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>"Người Việt dùng hàng Việt"</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">"Khi định hướng vào khoa Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội, mình đã
có ý định lập trình cho thiết bị di động. Hồi ấy thử với J2ME - ngôn ngữ lập
trình viết cho di động thường, thấy không hay nên bỏ, đổi qua lập trình cho
thiết bị PDA. Xài PDA thấy phần mềm bản đồ rất ý nghĩa vì PDA có khả năng thao
tác tốt, màn hình vừa phải, khá tiện dụng. Cái tên PDA viết tắt từ Personal
Digital Assistant, tức là trợ lý cá nhân nên bản đồ là rất cần thiết. Ở Việt Nam
không có phần mềm bản đồ cho PDA, chỉ có cái handmap của nước ngoài, nhưng chạy
không tốt và mất tiền nên mình quyết định viết ViệtMap.
</font> </p>
<p><font face="Arial" size="2">Việc đầu tiên mình gặp phải là quyết định nên dùng dữ liệu có sẵn của Cục Bản
đồ, các công ty bản đồ tại Việt Nam để viết chương trình hay bắt tay xây dựng hệ
thống dữ liệu từ đầu, bởi vì một hệ thống bản đồ hoàn chỉnh phải có 2 module
dựng dữ liệu và chương trình bản đồ.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Chương trình ViệtMap như mọi người thấy chỉ là phần nổi, tức là phần hiển thị
dữ liệu, chỉ chiếm khoảng 20-30% công sức trong toàn bộ hệ thống. Lúc đó mình
nhận thấy một số vấn đề với nguồn dữ liệu của các công ty bản đồ cả nước ngoài
và VN như: phải mua với giá không rẻ; phụ thuộc, bị động hoàn toàn vào nguồn dữ
liệu đó và phải theo chuẩn của họ nên ảnh hưởng đến tốc độ và bộ nhớ trên PDA
rất nhiều. Mình cũng có trong tay mấy bản dữ liệu "chui" do bạn bè "cóp" từ trên
mạng, nhưng nghĩ không thể "ăn cắp" như thế vì vấn đề bản quyền. Đặc biệt điều
khiến mình quyết tâm xây dựng hệ thống dữ liệu là do một người quen hiểu về bản
đồ số cho rằng đây là điều điên rồ, bất khả thi vì để làm được hệ thống như thế
phải có cả công ty làm việc hàng năm trời mới hy vọng xong, tốt nhất là tìm
nguồn mở (opensource). Nghe thế mới tức vì opensource hay thật, nhưng mang tính
chất đi theo người khác, không sáng tạo. Sao người Việt cứ phải "lò dò" theo
nước ngoài? Xuất phát từ slogan "Người Việt dùng hàng Việt", vậy là mình quyết
tâm làm bằng được và chọn đó làm đề tài tốt nghiệp".</font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Bắt đầu từ con số 0</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">"Mình không theo bất kỳ chuẩn nào. Nói đúng hơn là không đọc lý thuyết về bản
đồ số trước khi xây dựng hệ thống vì sợ sẽ áp lối suy nghĩ theo nước ngoài, mất
đi tính sáng tạo. Lập trình không lâu, nhưng thẫn thờ khoảng nửa năm để suy nghĩ
phân tích thiết kế hệ thống rồi thử nghiệm các hướng suy nghĩ đó xem cái nào tốt
nhất. Mình hay suy nghĩ khi đi trên đường, may mà hệ thống cũng gắn liền với...
đường. Hơn nữa nhà mình đến Trường Bách khoa lại xa, đi qua nhiều loại đường nên
thiết kế phân tích cấu trúc đường khá hoàn thiện.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Sau đó mình bắt tay vào làm, mất khoảng 6 tháng. Lúc ấy mình đang làm bán
thời gian cho FPT nhưng xin nghỉ để chuyên tâm thực hiện. Trong 6 tháng đó, mỗi
ngày ngủ độ 4 tiếng, vì phải dồn nhiều công sức cho hệ thống dữ liệu. Đến khi
tốt nghiệp thì hệ thống dữ liệu đã hoàn thiện phần thiết kế, chương trình đủ đáp
ứng 90% và phần chạy trên PDA đạt ở mức demo. Thầy phản biện của mình lúc đó là
TS Nguyễn Ngọc Bình - người rất giỏi và nổi tiếng khắt khe trong khoa CNTT.
Nhưng mình vẫn cố xin thầy phản biện vì nghĩ rằng sản phẩm của mình sẽ đi tiếp
sau khi ra trường, chứ không như các đồ án ra trường là "bỏ xó".</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ra trường, vào FPT làm được một thời gian ngắn thì mình tham gia cuộc thi "Ý
tưởng kinh doanh - Cùng hướng tới thành công" của nội bộ công ty. Lần đó, mình
được giải 3 nhưng thấy rất ý nghĩa vì toàn những người giỏi tham gia phản biện,
góp ý cho ý tưởng về hệ thống, về sự phát triển của ViệtMap. Lúc ấy non nớt nên
bị “xoay” nhiều, nhưng cũng vui vì qua đó có cái nhìn chính xác hơn về đường lối
phát triển. Sau đó, tháng 2/2006, mình chuyển sang VTC làm và được tạo nhiều
điều kiện để hoàn thiện sản phẩm. Mình đã tung tất cả 7 phiên bản trên các diễn
đàn lớn về công nghệ thông tin như handheld.com.vn, ppcvn.com... để mọi người sử
dụng miễn phí và đưa ra góp ý. Mình mong bị chê càng nhiều càng tốt vì chê tức
là thật lòng, là phiên bản sau sẽ tốt hơn phiên bản trước, là sản phẩm ngày càng
"gần gũi" hơn".</font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Trở thành "Mr của công chúng"</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">"Có nhiều người bảo mình "hâm" khi mất bao công sức nghiên cứu chương trình
lại đem "biếu không" cho thiên hạ. Thực ra mình muốn mọi người cùng có một sản
phẩm thực sự vì nhu cầu của họ, không thương mại phiên bản cho từng người vì
trong bản đồ cái khó nhất là luôn giữ cho dữ liệu của mình được cập nhật thường
xuyên và luôn đúng nhất với thay đổi thực tế. Khi càng có nhiều người dùng thì
chương trình của mình càng ít lỗi hơn cũng như kho dữ liệu chung sẽ càng hoàn
chỉnh và chính xác. Ví dụ ở đường A vừa có nhà hàng, tiệm sách mới... thì lập
tức những người đang sử dụng chương trình của mình sẽ cập nhật vào kho dữ liệu.
Trong khi với các công ty bản đồ thương mại thì việc này rất mất công. Chính kho
dữ liệu ấy mới "đáng tiền" vì nhờ nó mình có thể phát triển các hệ thống khác
nhau cho những tổ chức khác mà không phải tốn quá nhiều công sức, chi phí lại rẻ
hơn nhiều. Cũng nhờ dùng miễn phí mà giao diện chương trình của mình ngày càng
thân thiện, ít thao tác, tốc độ nhanh hơn so với các chương trình nước ngoài
chạy trên PDA. Trên các diễn đàn mọi người đánh giá sản phẩm của mình tốt hơn cả
sản phẩm của những hãng uy tín trên thế giới. Mình thích điều này nhất - "đẩy
lùi" sản phẩm nước ngoài ra khỏi Việt Nam.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Mang ViệtMap đến cuộc thi Nhân tài đất Việt 2006, mình không đặt nặng lắm
việc đoạt giải. Điều mình cảm thấy hài lòng và hạnh phúc hơn cả là ngày càng có
nhiều người sử dụng chương trình. Những lời động viên, khích lệ, góp ý của người
sử dụng khiến mình quyết tâm hoàn thiện sản phẩm này. Trong tương lai gần, mình
sẽ cố xây dựng dữ liệu cho 64 tỉnh, thành và triển khai trên các điện thoại di
động thông thường. Ngoài ra, chức năng theo dõi đối tượng từ xa của ViệtMap là
một chức năng rất hữu dụng cho cá nhân nói riêng và trong lĩnh vực an ninh vận
tải nói chung, nên tương lai xa, mình sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống này cũng
như xây dựng hệ thống trên nhiều chủng loại thiết bị khác nhau (điện thoại di
động, máy tính PC, hệ thống nhúng) dựa trên nền dữ liệu chính xác rất giá trị do
chính người dùng đem lại".</font></p>
</span>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo Thanh Niên</b></i></font></p>
</body>
</html>