<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>Khi đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, đồng bào phẫn nộ vì những hành vi đốt nhà cửa, làng xóm, giết dân, giết hại đồng bào… của quân thù, thanh niên, học sinh lại xếp bút nghiên lên đường tranh đấu.</strong></span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Những năm tháng xa nhà, được bà con khắp nơi nuôi dưỡng, che chở, đã để lại trong lòng người chiến sĩ Huỳnh Thảo một mối “tình đồng bào” đơn sơ. Chính vì thế nên, khi thấy những người lính trẻ hoạt động mà không có chốn chở che an toàn, nhớ lại ngày trước được nhân dân che chở, ba Huỳnh Thảo đã mở rộng vòng tay nuôi giấu các cán bộ.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>Người chiến sĩ ngày ấy</strong></span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Ba Huỳnh Thảo, sinh năm 1920 tại làng Cẩm Thanh thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Xứ Quảng đầy nắng và gió cũng chịu không ít thương đau tàn phá từ bom đạn của kẻ thù. Năm 18 tuổi, Ba Thảo đã được kết nạp vào Đảng và bắt đầu tham gia cách mạng, góp sức mình cho nhiều hoạt động. Khi tham gia vào lực lượng dân quân, Ba Thảo kiêm rất nhiều nhiệm vụ như vận chuyển hàng hóa, lương thực cho bộ đội, biểu tình xuống đường… Ngoài ra, Ba còn là thành viên của đội “Dân quân thoát ly”, hay còn được gọi là “Trung đội tự vệ tập trung”, có trang bị thêm lựu đạn, kiếm, súng trường… Sau đó, Ba Thảo giữ chức vụ Xã đội trưởng. Nhiệm vụ của ba là tổ chức, lãnh đạo lực lượng dân quân toàn xã, thực tập huấn luyện cho các cán bộ ở thị xã. Ba còn đóng góp tích cực cho Ban chấp hành Thanh niên toàn xã trong việc xây dựng mặt trận dân quân và đào tạo các cán bộ đoàn viên. Ba kể: “Cuộc sống thời ấy rất khó khăn, ăn uống, ngủ nghỉ của ba và các anh em đồng chí đều theo kiểu tập thể. Lương của ba cũng rất “đủ”, mỗi tháng ba nhận được từ 15 đến 17 kg gạo”. Thị xã dưới sự lãnh đạo của Ba đã thành lập đại đội 81 là lực lượng nồng cốt của thị xã. Vào thời điểm sau Cách mạng tháng Tám, có một số đồng chí cán bộ nhận được chỉ thị chuyển công tác vào miền Nam, riêng ba Thảo chỉ ở lại “nằm vùng hoạt động bí mật” để bảo vệ cho thị xã. Đồng đội của Ba lúc bấy giờ còn có thêm năm người anh em nữa. Dưới sự chỉ huy của Bí thư thị ủy Nguyễn Kim Khánh, lực lượng với sáu đồng chí ấy đã ở lại thị xã và thực hiện nhiều hoạt động giúp cho người dân trong vùng nói chung và cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân Việt Nam nói riêng. Ba cùng các anh em ban ngày chỉ hoạt động bí mật, ban đêm thì đi tuyên truyền nhân dân bảo vệ cho lực lượng cách mạng.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Ba cùng đồng đội giáo dục người dân, trong mọi tình huống khẩn cấp, dù cho bị địch bắt và tra hỏi dã man thì phải giữ một quy tắc “Ba không” trong lòng : “Không biết – không nghe – không thấy”. Ba ngậm ngùi kể: “Lính Pháp càn quét theo quy tắc “ba sạch”: Đốt sạch, giết sạch, phá sạch, uy hiếp khủng bố nhân dân... Ngày xưa, làm hoạt động phải trà trộn trong dân, phải đào hầm mà trốn, hầm nhỏ chiều ngang 4 tấc, dài 6 tấc chỉ vừa cho một người chui xuống, nhiều lúc trong hầm ngộp không thể thở được mà giặc đang truy soát ngoài kia, ông đành phải toan bỏ chạy, giặc chĩa súng bắn về phía mình, hên thì thoát được mà xui thì…”. Những năm tháng “chạy giặc”, khó khăn gian khổ ấy vẫn không làm hạ quyết tâm chiến đấu và hoạt động cách mạng của Ba. “Ngày trước, sáu anh em đã đề ra một câu khẩu ngữ “Thân Dậu Niên Lê Kiến Thái Bình” theo tên các thành viên trong đoàn công tác để thêm quyết tâm chiến đấu”, Ba nhớ lại.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>“Hậu phương” của người chiến sĩ</strong></span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Hoạt động được một thời gian thì đại đội của ba Thảo đã bị lộ và bị truy nã. Ba phải trốn vào Sài Gòn trước năm 1954. Tại đây, Ba tham gia vào các hoạt động biểu tình ngày 1/5, đòi quyền dân sinh…và bị bắt giam. Giặc đã tra khảo nhiều lần với lời lẽ hăm dọa: “Ai tổ chức mày, mày tổ chức ai?” mà Ba vẫn không khai, sau hơn 2 tháng ròng, chúng mới thả Ba. Quãng thời gian ở Sài Gòn, Ba nuôi giấu các cán bộ của tổ chức K41 tại nhà. Khoảng thời gian ấy thật nhọc nhằn. Ba kể: “Ba chở vật liệu xây dựng bằng xe ba bánh, vừa nuôi con vừa nuôi tổ chức K41. Ba thương các đồng chí anh em phải hoạt động bí mật mà không có nơi nương tựa. Ba nhớ ngày xưa nhân dân đã không sợ bị liên lụy mà nuôi Ba khi còn ở Hội An, cái chân tình ấy ta ngàn đời không thể quên được, nên dù vất vả thế nào Ba cũng cố gắng nuôi giấu tổ chức K41”. Trong nhà, Ba cũng xây hầm để lỡ có bị động thì các cán bộ có chỗ để mà trốn.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Thời gian thấm thoắt trôi đưa, có người còn sống, có người đã mất. Ba nhìn xa xăm về phía cuối trời như muốn nhớ lại thêm một điều gì đó mà tuổi già lại không cho phép. Nhắc đến những đồng đội năm xưa cùng chiến đấu, Ba bảo rằng vẫn còn một vài người đồng đội lâu ngày đến thăm Ba. “Quý cái tình gắn bó keo sơn giữa đồng bào với nhau, dù thời bình hay thời chiến thì vẫn luôn như thế”, Ba chia sẻ.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cuối buổi nói chuyện, Ba không quên nhắn nhủ lại với chúng tôi rằng: “Các cháu hãy sống nhân ái, chan hòa… sống làm sao cho người dân thương mình bởi cảm tình mà nhân dân dành cho mình là rất quý báu”.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong> </strong></span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>HUỲNH THỊ THÀNH VI</strong></span></span></div>
<div> </div> </html>