<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size:small"><span style="font-family:arial">Căn nhà nhỏ nằm trên con đường Nguyễn Đình Chiểu là nơi che mưa, che nắng cho một người phụ nữ, người mẹ Việt Nam Anh Hùng đã hy sinh tuổi xuân của mình để phục vụ hết mình cho độc lập dân tộc – đó là Má Thanh Hòa. </span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size:small"><span style="font-family:arial">Má tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Hòa, sinh năm 1940, Má sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo cách mạng ở huyện Nhà Bè. Từ nhỏ Má vốn học giỏi nhưng khi đến năm Má 17 tuổi, Má đã tham gia cách mạng, kể từ đó việc học của Má dang dở. Má tham gia 2 cuộc kháng chiến lớn chống Pháp và chống Mỹ. Với phong trào kháng chiến chống Pháp, Má nhận nhiệm vụ của một người giao liên. Dừng câu chuyện, nhìn lên bàn thờ, nhìn những di ảnh người thân của Má mà ngậm ngùi, Má kể: “Hễ mà mình tham gia cách mạng thì không sợ gì hết, kể cả những lúc khó khăn, nguy hiểm nhất Má cũng không sợ, miễn sao là hy sinh được phần nào cứu được dân tộc, cứu được đất nước”. Có những lần đang sinh hoạt cùng các đồng chí đồng đội chiến hữu là Má Dân và Má Thu, thì thực dân Pháp đi tuần tra bắt tất cả quăng lên xe cây, không những một lần mà mấy lần như vậy. Rồi được thả, mình mẩy tay chân không đi lại được. Chính vì ý chí kiên cường, tinh thần bất diệt ấy của Má Hòa, đã khiến trong trái tim Má có một lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size:small"><span style="font-family:arial">Nhớ lại khoảng thời gian phong trào học sinh – sinh viên, Má kết hợp với Luật sư Ngô Bá Thành đứng lên đòi quyền sống, giành lại hòa bình cho đất nước do bà Ngô Bá Thành lãnh đạo. Và cũng chính phong trào này, Má bị bắt nhiều nhất, thường thì Má bị bắt nhiều nhất ở Quận 1. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size:small"><span style="font-family:arial">Má chỉ sống một mình vì người thân đã mất hết. Trước khi tham gia hoạt động cách mạng Má là một tiểu thương bán vải ở chợ Bến Thành. Nhưng sóng gió của cuộc kháng chiến đã cướp mất người thân của Má. Hiện tại, Má sống vào tiền trợ cấp của nhà nước. Số tiền đó có thể nuôi sống Má qua từng ngày nhưng qua ánh mắt của Má, tôi hiểu được không có sự đầy đủ nào cho bằng một gia đình hạnh phúc và không có niềm vui nào có thể lấp hết vết thương lòng của một người phụ nữ đã gửi thân xác của mình vào nơi tiền tuyến kháng chiến</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size:small"><span style="font-family:arial">Má Hòa giờ đã gần 74 tuổi, đôi khi thỉnh thoảng Má kể cũng có những cán bộ Thành Đoàn đến thăm và tặng quà cho Má. Tuổi Má đã cao, nhưng trong trái tim Má vẫn hướng về cách mạng, hướng về đất nước. Má nhắn nhủ với chúng tôi phải ráng học tốt: “Má với các cô các chú hy sinh tất cả chỉ mong bây sau này làm được vậy”, khóe mắt Má rưng rưng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size:small"><span style="font-family:arial">Không có những trang vở, những trang nhật kí nào có thể kể và ghi lại hết tấm lòng đó, người phụ nữ ấy xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác tặng cho người phụ nữ kháng chiến Nam Bộ: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size:small"><strong><span style="font-family:arial">LÂM PHONG</span></strong></span></div>
<div style="text-align: right;"> </div>
</body></html>