<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nữ sinh nhận Giải thưởng</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle"><b><font face="Arial" size="2">Nữ sinh nhận Giải thưởng
“Sống đẹp” - Đỗ Thị Hường:</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Hơn mười năm cõng bạn đến trường</font></b></p>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Điều gì khiến Hường đủ nghị lực
giúp bạn trong suốt thời gian dài như vậy? Hường tâm sự: “Mỗi khi thấy bạn đứng
không vững trên đôi chân teo nhỏ em rất thương Ngân. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="hon%2010%20nam%20cong%20ban%20den%20truong.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td class="tLegend">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Đỗ Thị
Hường</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Ngay lần gặp đầu tiên, Đỗ Thị Hường học sinh lớp
12C4 THPT Yên Lạc II tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những gương mặt trẻ nhất vừa được
T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trao giải thưởng Sống đẹp đã gây ấn tượng
với chúng tôi bởi nụ cười trong sáng của một cô gái nông thôn. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Mới bước vào tuổi 17 nhưng Hường đã
có thành tích đáng nể với hơn 10 năm đưa người bạn gái Nguyễn Thị Ngân ở xã Liên
Châu đến trường kể từ khi Hường và Ngân cùng học lớp 1 trường làng.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Một tuần ít nhất 5 buổi đưa bạn đến
trường và kéo dài suốt cả chục năm đã khiến Hường xem việc đưa Ngân đến trường
như là công việc rất đỗi thường ngày mặc dù bản thân Hường đã phải biết bao lần
nhòe nước mắt vì bạn. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bị bại liệt từ nhỏ, cho đến khi học
lớp 12, Ngân mới chỉ cao chừng 1mét, hai chân teo lại và đi lại rất khó khăn.
Khi cả hai còn học trường làng, Hường thường cõng Ngân trên lưng đi men theo
những con đường sống trâu, trên những triền đê, khi lại vừa đi vừa dìu Ngân bằng
đôi vai bé nhỏ qua cánh đồng. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lúc mệt cả hai cùng ngồi nghỉ, khi
khỏe lại cùng dìu bạn tiếp bước. Ngay cả cho đến những năm học THPT, khi đoạn
đường từ nhà đến trường không thể đi bộ được nữa, Hường lại tập đi xe đạp và chở
Ngân phía sau. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Khó nhất là mỗi khi đến trường tụi
em phải vượt qua hai cái dốc vừa cao vừa dài trên năm chục mét vào lúc trời mưa.
Do người em thấp, đường trơn, dốc cao nên em thường phải xuống xe dắt bộ để Ngân
ngồi trên ghế sau, nhiều lần xe nghiêng ngả muốn lật nhào, bàn chân em bám xuống
đất không vững” - Hường tâm sự.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Điều gì khiến Hường đủ nghị lực
giúp bạn trong suốt thời gian dài như vậy? Hường tâm sự: “Mỗi khi thấy bạn đứng
không vững trên đôi chân teo nhỏ em rất thương Ngân. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bố mẹ Ngân cũng đã đi vào sinh sống
tại miền Nam nên Ngân hiện ở với ông bà ngoại đã già yếu. Ngân là học sinh giỏi
nên cũng hết lòng giúp đỡ em trong học tập. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Em còn nhớ mãi khi cả hai đi xem
điểm thi tuyển sinh vào THPT và đều nhận được thông báo trúng tuyển. Khi đó hai
đứa vui đến ứa nước mắt, chỉ muốn nhảy lên mà reo vì lại tiếp tục được học cùng
nhau, được gần bên nhau”. </font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TPO</i></b></font></p>
</body>
</html>