<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%;">Gần 40 năm đã đi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, nhìn lại chặng đường kháng chiến chống Mỹ gian nan, ác liệt, bao lớp người đã nằm xuống, hy sinh để đất nước trọn niềm vui chiến thắng.</span></strong><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%;"> </span></span></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%;">Tưởng nhớ công ơn của những người từng che chở, giúp đỡ chiến sĩ cách mạng, những người nông dân bình dị mà can đảm vì một niềm mong mỏi cho ngày đất nước tự do, ngày 23/1, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi về nguồn thăm căn cứ cách mạng Bình Dương.</span></span></span><span lang="EN-GB" style="font-size: 13pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif;"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%;">Nhà ông bà Võ Văn Bìa (Ông Ba), Võ Thị Mười (Xã Thới Hòa, huyện Bến Cát) từng là một trạm giao liên trong thời chiến. Ngày ấy, cô </span><span style="line-height: 115%;">Đoàn Thị Kim Cúc (Bí danh Út Hằng) làm giao liên, cứ mỗi bận về Lái Thiêu, cô lại ghé nhà ông Ba thay đồ, rồi được</span><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%;"> ông Ba đánh xe bò đưa xuống Lái Thiêu. Vì sống giữa lòng địch, cán bộ, giao liên phải nhận anh em, họ hàng với những gia đình giúp mình giấu thân phận, có lần cô Út Hằng “mang chôm chôm, măng cụt xuống Châu Đốc, bị cảnh sát nghi ngờ giữ lại, cô phải nói mình là em của một người làm trong bửng, lúc đó mới được tha đi” - Cô </span><span style="line-height: 115%;">kể lại.</span></span></span><span lang="EN-GB" style="font-size: 13pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif;"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%;">Xuôi về căn cứ Minh Hòa, Dầu Tiếng gặp gia đình bà Võ Thị Nê (Huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) các cán bộ xưa lặng lẽ thắp lên bàn thờ gia đình một nén nhang. Một cuộc đời đã nằm xuống, nhưng nhờ có cuộc đời người phụ nữ ấy mà những học sinh sinh viên xưa, sau chiến đấu mới có dịp đứng đây, trở về.</span></span></span><span lang="EN-GB" style="font-size: 13pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif;"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%;">Là nơi mà cán bộ từng đào hầm, </span><span style="line-height: 115%;">giấu vũ khí trong nhà, ông Ba Trí (Tên thật là Nguyễn Ích Trí) ngụ xã Minh hòa, huyện Dầu Tiếng giữ những người bạn lâu năm ở lại cùng bữa cơm trưa. Mấy mươi năm cuộc đời vui sướng khổ cực, đối với họ, tình cảm của những người lính cùng đi qua chiến tranh mới quý làm sao. Trong bữa cơm, các cô chú nhắc lại chuyện quá khứ. Ngày đó Ngụy quân áp dụng kế hoạch Phượng Hoàng, khi các gia đình có chồng đi tập kết, lính Ngụy, thường mặc áo bà ba đen, tới cưỡng bức những người phụ nữ, người vợ ở nhà, gây li gián tâm lý với những người chồng ở xa trở về. Bọn chúng nguy hiểm không phải vì vũ khí tối tân, lực lượng đông đúc mà còn vì những âm mưu nham hiểm, xảo quyệt ít ai ngờ. Chú Đặng Công Tâm (Sáu Học) chia sẻ: “Những năm chú bị bắt ra Côn Đảo, chúng tra khảo chú không khai, chúng bèn bắt nhốt chú trong chuồng cọp”.</span></span></span><span style="font-size: 13pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif;"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%;">Ghé nhà bà Ngô Thị Ba (Xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), người phụ nữ có đôi mắt mờ không còn có thể nhìn thấy này cảm nhận niềm vui qua từng bàn tay nắm lấy. Bà chẳng có gì, chỉ có mấy cây tắc trồng sau vườn, “mấy ông mấy bà cứ lấy về làm quà đi”.</span></span></span><span lang="EN-GB" style="font-size: 13pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif;"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span style="line-height: 115%;">Trên chuyến xe trở về Thành phố, các cô chú cùng nhau ôn lại kỷ niệm thuở nào. Những mật ngữ như “khách”, “đưa khách ra, rước khách về” là cách mà họ từng dùng để đưa cán bộ Thành Đoàn vào vùng trọng điểm. Những cậu ấm, cô chiêu ngày nào đã gác bút nghiêng, lên đường xung phong vì tổ quốc. Ở đó, khi gặp khó khăn, đói gạo đói ăn, họ bỏ đi của cải riêng mình, đem vàng đi bán, sẻ chia bữa cơm cùng đồng đội. Cơm mỗi bữa, chỉ ăn kho quẹt, lục bình. “Có khi, cô phải lấy tô hứng mũ cao su để ăn cơm” – Cô Nguyễn Thị Cúc (Mười Thu) chia sẻ. Còn những người dân, họ sáng, chiều nấu cơm cho cán bộ, có 6 chén cơm sẽ chỉ ăn một, năm chén còn lại để dành cho cán bộ, chiến sĩ ta. Họ cảm mến nhau vì sống trong sung sướng không màng, bỏ tuổi xuân tươi đẹp một lòng đứng lên đấu tranh, họ cảm mến nhau vì để giữ gìn mạng sống đến hôm nay, là nhờ không ít người dân quê thật thà cho nương mình như thế.</span></span></span><span style="font-size: 13pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif;"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span style="line-height: 115%;">Những bí danh Tư Hiếu, Sáu Học, Hai Liên, Tám Tiếng… được các cô chú luôn miệng gọi một cách thân thiết thay vì những cái tên thật như Nguyễn Thị Phi Vân, Đặng Công Tâm, Trần Phi Vân, Lê Xuân Hoàng… Các cô chú nói, ngày ấy có bí quyết “</span><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%; font-style: normal; background-image: initial; background-attachment: initial; background-size: initial; background-origin: initial; background-clip: initial; background-position: initial; background-repeat: initial;">nhất lý</span><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%; background-image: initial; background-attachment: initial; background-size: initial; background-origin: initial; background-clip: initial; background-position: initial; background-repeat: initial;">,<span class="apple-converted-space"> </span><span style="font-style: normal;">nhì lì</span>,<span class="apple-converted-space"> </span><span style="font-style: normal;">tam suy</span>,<span class="apple-converted-space"> </span><span style="font-style: normal;">tứ tử”, có nghĩa là khi bị bắt, bị tra khảo, khai gì phải hợp lý, hợp lẽ với nhau. Nếu khai gian, khai man bị phát hiện sẽ bị tra khảo rất tàn ác, mà lỡ khai gian rồi lại khai thật, thì lại bị đánh tàn ác hơn. Bởi vậy, lý không được thì phải lì, mà lì không được thì giả ốm đau bệnh hoạn, đến cuối cùng giả chết để mà giữ gìn mạng sống.</span></span></span></span><span lang="EN-GB" style="font-size: 13pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif; background-image: initial; background-attachment: initial; background-size: initial; background-origin: initial; background-clip: initial; background-position: initial; background-repeat: initial;"><span style="mso-bidi-font-weight:
bold;font-style:normal"><o:p></o:p></span></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span lang="EN-GB" style="line-height: 115%; font-style: normal; background-image: initial; background-attachment: initial; background-size: initial; background-origin: initial; background-clip: initial; background-position: initial; background-repeat: initial;">Nhiều năm đã đi qua, </span><span style="line-height: 115%;">Thành Đoàn không ngừng quan tâm đến các thế hệ từng có công với cách mạng. Sau giải phóng, đây là nơi khởi xướng việc tìm hài cốt, cất nhà tình nghĩa đầu tiên, rồi mỗi năm Tết đến, Thành Đoàn tiếp tục công cuộc “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của mình. Kết thúc chuyến đi, tuổi trẻ thành phố đã trao được 18 phần quà cho 18 gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh đó, các cô chú cùng đi cũng gói ghém bên mình những món quà nhỏ, đơn giản như cái bánh bao để tặng cho những người bạn cũ của mình. Như một lẽ tự nhiên, sẽ còn nhiều lần, nhiều năm sắp tới, trong khả năng sức khỏe còn cho phép, các cô chú sẽ còn đi, còn về để mà tri ân những người từng cưu mang mình và để kể lại cho thế hệ sau này những câu chuyện của lớp người đi trước, mà một mai… biết còn ai để kể.</span></span></span><span style="font-size: 13pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif;"><o:p></o:p></span></p>
<p class="MsoNormal" align="right" style="text-align:right;line-height:115%"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><b><span style="line-height: 115%;">KHÁNH HÀ</span></b></span></span><b><span style="font-size: 14pt; line-height: 115%; font-family: 'Times New Roman', serif;"><o:p></o:p></span></b></p> </html>