<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm 24 năm ngày truyền thống</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle"><b><font face="Arial" size="2">Kỷ niệm 24 năm ngày truyền
thống thanh niên công nhân TP.HCM 50 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp thanh
niên VN (15-10-1956 - 15-10-2006)</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Nữ thủ lĩnh Suối Nhung</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nu%20thu%20linh%20suoi%20Nhung.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i>
<font face="Arial" color="#808080" style="font-size: 9pt">Thiều Thị Thảo
- nữ thủ lĩnh ở vùng sâu Suối Nhung</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Thiều Thị Thảo đang học lớp 12 thì gia đình phải bán
nhà ở Đồng Xoài (Bình Phước) vào rẫy ở Suối Nhung làm ăn. Cảm xúc ở miền đất mới
của Thảo là sự xót xa cho những bạn bè cùng lứa đen nhẻm vì nắng gió mà lại
chẳng có một chữ lận lưng. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thảo bàn với anh chị em trong nhà
tìm cách tạo sân chơi cho thanh niên (TN). Một người, hai người rồi tất cả TN
trong ấp cứ tối đến là tập trung ở điểm hẹn và học chữ, vui chơi, ca hát. Song
song đó Thảo tìm đến những nhà khó khăn, xin phép để cho TN được giúp sức. Nhỏ
thôi, có khi chỉ là đám cỏ, bãi mì, có khi là vá lại cái vách nhà bị lủng lỗ.
Trong xóm có ai đau yếu là Thảo đến nấu cho bát cháo, ân cần thăm hỏi. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Giúp từ trong nhà, giúp ra ngoài
ngõ, cũng là giúp mình”, là phương châm mà Thảo và bạn bè dặn dò nhau. Năm đó,
để vào được Suối Nhung ai cũng phải đi qua con suối chắn ngang. Chiếc cầu chênh
vênh bắc qua suối đã xuống cấp trầm trọng, nhân dân ở gần suối chứng kiến bao
tai nạn ở đây. Thảo đã vận động bạn bè rồi đi xin ban ấp cho TN sửa lại cầu. Gần
30 TN vác cây, ghè đá sửa lại cầu. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngày Thảo nhận giấy báo trúng tuyển
đại học cũng là lúc cô đã trở thành điểm tựa của khá nhiều TN ở đây. Thảo hứa
hằng tuần sẽ về cùng các bạn sinh hoạt. Rồi hai năm theo học đại học, hằng tuần
Thảo lại trở về địa bàn, duy trì sinh hoạt cho TN Suối Nhung. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table6">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Suối Nhung, một ấp nằm cách
trung tâm xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (Bình Phước) gần 30km, dân cư chủ
yếu là người dân tộc thiểu số di cư tự do. Gầy dựng phong trào TN là một
việc khó, mà người làm việc đó lại là một nữ sinh viên của Trường đại
học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM hằng tuần sinh hoạt với những
người bạn nói tiếng Kinh chưa sõi thì quả là chuyện “xưa nay hiếm”.</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Thông tin một chi hội TN vùng sâu khó khăn như Suối
Nhung tưởng chừng đã bị xóa trắng bỗng nhiên có quĩ đến 30 triệu đồng đã gây
ngạc nhiên cho phong trào cả tỉnh. Cô thủ lĩnh năng động ấy đã lựa theo mùa để
tìm cách cùng TN kiếm tiền và gây quĩ cho nhóm. Với những trang trại, hoặc những
nhà khá giả có tiền thuê mướn nhân công thì Thảo đến xin nhận cho TN làm, mùa mì
làm mì, mùa điều làm điều. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thảo lại ra xã xin giấy giới thiệu
rồi tất tả tìm giám đốc các nông trường xin được nhận một phần đất cho TN khu
Suối Nhung chăm sóc. Có đất rồi, cả nhóm tay nải tay xách vào rừng dựng chòi
chăm sóc cao su. “Nhiều nhỏ góp lại thành to”, TN tham gia làm vẫn được chia
tiền theo công nhật, phần dôi ra góp vào làm quĩ. Từ nhiều hoạt động có chất
lượng và chiều sâu ấy mà TN Suối Nhung còn nhiều lần được tham gia các hoạt động
cấp huyện, cấp tỉnh. Đến nay, hầu hết TN ở Suối Nhung đều biết chữ, các bạn biết
tổ chức sinh nhật cho nhau. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thảo lại một mình ba ca dạy học.
Vừa dạy xóa mù chữ cho bà con, cho các bạn TN trong ấp, vừa ôn tập hè cho thiếu
nhi. Cả ấp có được một khu nhà tình thương làm phòng học. Người lớn trẻ nhỏ chia
nhau đến học. Mẹ của Thảo - người đàn bà bị bệnh tim - thở dài: “Tội nghiệp con
bé, thế là phải dở dang chuyện học hành”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">... Lớp học tan khi đồng hồ chỉ 9
giờ đêm. Những ánh đuốc rộn ràng chào cô giáo rồi tỏa ra như một đàn đom đóm.
Theo ngọn đuốc bước thấp bước cao trên con dốc về nhà, tôi hỏi Thảo: “Đang học
đại học được hai năm rồi mà em nghỉ chi uổng vậy?”. Thảo thoáng chựng lại rồi
nhẹ nhàng: “Em muốn bù đắp cho anh hai của em. Hồi đó để em được đi học anh hai
đã phải nghỉ học đi làm mướn nuôi cả nhà. Bây giờ anh hai mới xin được việc làm
nên tập trung cho anh hai”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thảo cũng vừa được kết nạp vào
Đảng, và quyết định hi sinh quyền lợi của riêng mình. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>