<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong>Tối 22-5, Lễ Kỷ niệm 10 năm Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu nhi TP.HCM đã diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Chương trình vừa là dịp để nhìn lại chặng đường 10 năm, vừa khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong cuộc thi năm nay. Lễ Kỷ niệm nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần 2 tại TP.HCM.</strong></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<p style="text-align:justify"><strong>Vững vàng chặng đường 10 năm</strong></p>
<p style="text-align:justify">Năm 2005, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu nhi TP.HCM chính thức được tổ chức. Ngay từ lần đầu tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh. Hơn 840 bài dự thi lý thuyết và 24 mô hình sáng tạo mà tác giả là các em học sinh từ 6 đến 19 tuổi tham gia. Từ sân chơi mới và bổ ích này, nhiều tài năng trẻ của thành phố đã được phát hiện, bồi dưỡng. Có thể kể đến “thần đồng tin học”, Nguyễn Khánh Ánh Hoàng. Hay bạn Hà Lê Thu Nga đã sáng tạo ra mô hình “máy nung chất lỏng” được hội đồng giám khảo đánh giá cao về khả năng tư duy sáng tạo.</p>
<p style="text-align:justify">“Sức sống của cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu nhi TP.HCM nằm ở chính thí sinh, những người trẻ có đam mê và khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức khoa học và công nghệ. Cuộc thi thực sự là một sân chơi bổ ích để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời là cơ hội để phát huy khả năng sáng tạo. Cuộc thi đã ươm mầm cho nhiều bạn trẻ yêu thích và đam mê sáng tao”-Đồng chí Lâm Đình Thắng <em>(Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn TP.HCM)</em> phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.</p>
<p style="text-align:justify">Anh Dương Đức Minh <em>(Phó Giám đôc Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP.HCM, thường trực Ban tổ chức cuộc thi một vài năm)</em> bày tỏ niềm vui tại buổi giao lưu: “Trải qua 10 năm tổ chức, quy mô và chất lượng của Cuộc thi dần được nâng lên. Hơn 6500 lượt thí sinh và 1100 mô hình, sản phẩm sáng tạo từ hàng trăm trường Tiểu học, THCS, THPT gửi về. Lần tổ chức thứ X, cuộc thi đã nhận được 152 sản phẩm sáng tạo. Nội dung thi lý thuyết bỏ từ năm 2009. Dẫu vậy, những kiến thức lý thuyết áp dụng chặt chẽ đã làm cho các mô hình, sản phẩm được đánh giá cao về mặt chuyên môn, kỹ thuật”</p>
<p style="text-align:justify">Cuộc thi đã được lan tỏa khắp các địa bàn thành phố. Đồng chí Đặng Ngọc Phú (<em>Phó Ban Thanh niên Trường học-huyện Đoàn Cần Giờ)</em> chia sẻ về quá trình tiếp cận khoa học công nghệ địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phát động cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình các em học sinh. Những niềm vui ban đầu với những sản phẩm đơn giản trở thành lực lớn cho em cố gắng phấn đấu. Việc khích lệ, động viên và hướng dẫn đã làm kích thích hơn nữa khả năng sáng tạo trong mỗi bạn trẻ.</p>
<p style="text-align:justify"><strong>Sáng tạo-hành trình không ngừng nghỉ</strong></p>
<p style="text-align:justify">Sáng tạo là khả năng tiềm tàng ở mỗi con người. Ai cũng có thể sáng tạo nhưng không phải sáng tạo nào cũng mang lại thành công. Tính đột phá trong tư duy đề tài hoặc khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn đời sống là những tiêu chí đánh giá sự thành công của một mô hình sáng tạo. Đạt được những điều trên, từ khâu ý tưởng đến khâu thực hiện sản phẩm là một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ.</p>
<p style="text-align:justify">Anh Đoàn Thiên Phúc <em>(chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm Setech Việt)</em> chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển thiết bị chống trộm dùng cho xe máy. Với anh, đó là cả một quá trình sáng tạo trên những khó khăn. Ý tưởng về một thiết bị chống trộm cho xe gắn máy bắt nguồn từ thực tế cuộc sống của anh-một chàng sinh viên năm 3 vừa mua được một chiếc xe máy. Lúc đó, kiếm được tiền để mua xe, nghĩ tới mất mát là rất sợ. Vậy là bắt tay vào nghiên cứu thiết bị. Những ngày đầu trăn trở với ý tưởng, anh Phúc gặp nhiều khó khăn trong kinh nghiệm, kiến thức, người hướng dẫn, nhân lực và cả kinh phí. Trải qua những thất bại, Đoàn Thiên Phúc không hề nản lòng. Anh mang ý tưởng về thiết bị chống trộm dùng cho xe gắn máy đến các cuộc thi. Từ cấp trường đến cấp thành, rồi từ một sân chơi bên ngoài anh mang nó vào trong luận văn tốt nghiệp của mình tại trường Đại học Khoa học tự nhiên-ĐHQGTP.HCM. Dần dà hoàn thiện sản phẩm sau những góp ý của các chuyên gia tại các cuộc thi. Thiết bị giúp anh nhận được giải thưởng cao tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu nhi Thành phố năm 2010 và học bổng du học tại trường Đại học Claude Bernard Lyon I, Pháp. Hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Pháp, anh về Việt Nam và tiếp tục phát triển thiết bị trên những kiến thức được tiếp nhận thêm. Tính ứng dụng cao trong đời sống đã giúp thiết bị chống trộm dành cho xe gắn máy trở thành một trong những sản phẩm bán chạy. Sự ra đời Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm Setech Việt là kết quả cho nỗ lực sáng tạo và hoàn thiện ý tưởng sáng tạo không ngừng nghỉ của một người trẻ. Đoàn Thiên Phúc nói: “Ý tưởng sáng tạo có thể đến bất chợt nhưng thành công của sáng tạo đó là cả một chặng đường dài học hỏi, thất bại, quan sát thực tiễn và nỗ lực hoàn thiên. Đó phải là một sự tìm tòi có chiều sâu chứ không thể hời hợt”.</p>
<p style="text-align:justify">Với Phan Lê Ánh Dương <em>(học sinh trường Tiểu học Bán trú Thới Tam, huyện Hóc Môn): </em>sáng tạo là câu chuyện của bất kì ai, không phân biệt lứa tuổi. Ngay từ khi 3 tuổi, cô gái nhỏ nhắn đã bắt đầu mày mò với những sáng tạo đầu tay. Ánh Dương sử dụng đồ tái chế làm các mô hình trò chơi, đò dùng trang trí cho góc học tập của mình… Ánh Dương chia sẻ: Tình trạng ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân ưng thư. Để giảm thiểu phần nào tình trạng này, sử dụng những sản phẩm tái chế trở thành nguồn nhiên liệu dồi dào cho những sản phẩm. Điều này vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ sức khỏe con người. Đề cập đến Mô hình khu vui chơi hướng nghiệp kỹ năng sống lưu động, Ánh Dương nói: “Các bạn nhỏ ở những vùng quê còn khó khăn trong điều kiện vật chất, không được chơi nhiều trò chơi thú vị như các bạn ở thành phố. Nguyên do là các khu vui chơi rất hạn chế. Mô hình là một giải pháp. Không chỉ vui chơi, giải tỏa căng thẳng, các bạn nhỏ còn được trang bị kỹ năng sống. Điều đặc biệt là mô hình này áp dụng dưới hình thức lưu động”. Mô hình không chỉ giải quyết phần nào kinh phí xây dựng công trình vui chơi dành cho thiếu nhi vừa kết hợp việc chơi mà học, học mà chơi. Mô hình đạt Giải Nhất khối học sinh Tiểu học Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu nhi TP.HCM lần X năm 2015. Sự sáng tạo và tầm nhìn của một cô gái lớp 4 đã khiến nhiều bạn trẻ thán phục.</p>
<p style="text-align:justify">Hành trình sáng tạo là hành trình phát triển khả năng tiềm tàng trong chính mỗi người. Đó là hành trình chinh phục kiến thức không ngừng nghỉ, chinh phục khó khăn không nản lòng. Câu chuyện về Đoàn Thiên Phúc sáng tạo trong chính chiều sâu của một thiết bị. Câu chuyện của Phan Lê Ánh Dương là sự sáng tạo trong chiều dài của độ tuổi. Họ đều là những người trẻ, rất trẻ và họ đã thành công trong sáng tạo của mình.</p>
<p style="text-align:right"><strong>Hoàng Hiếu - Ngọc Phong</strong></p>
</body></html>