<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đó là chủ đề của Cuộc thi Ý tưởng Sáng tạo năm 2015 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Sở Công thương tổ chức. Sáng 23/7, vòng chung kết Cuộc thi đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tìm giải pháp cho cuộc sống xanh</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Với mục đích phát huy khả năng sáng tạo, tạo sân chơi khoa học, trí tuệ và bổ ích cho thanh niên thành phố; tìm kiếm những ý tưởng, sáng kiến, hiến kế hoặc giải pháp cụ thể, thiết thực trong các đối tượng thanh niên để triển khai thành những hoạt động có ý nghĩa, góp phần tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên trong việc bảo vệ, giữ gìn và cải thiện môi trường; đồng thời động viên, khuyến khích giới trẻ tìm hiểu, đưa ra các sáng kiến vì môi trường bền vững, cuộc thi năm nay đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ tham gia.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đã có 40 ý tưởng được phát triển thành đề tài, giải pháp từ 112 ý tưởng tham gia. Trải qua vòng bán kết, 11 đề tài xuất sắc nhất đã được Hội đồng khoa học đánh giá cao và vào vòng chung kết.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nội dung ý tưởng sáng tạo tham gia là những sáng kiến, giải pháp tiết kiệm năng lượng đảm bảo có tính mới, sáng tạo và có khả năng ứng dụng cao. Các ý tưởng dự thi tập trung nội dung hướng vào việc tiết kiệm năng lượng như: Tái sử dụng nguồn nhiên liệu, tìm kiếm ý tưởng sử dụng nhiên liệu mới, nhiên liệu thay thế; Phát kiến khoa học và sáng tạo công nghệ góp phần sử dụng hiệu quả năng lượng; Ý tưởng kiến trúc và xây dựng góp phần giảm thiểu sự hao phí năng lượng, góp phần xây dựng mảng xanh đô thị, xây dựng nếp sống xanh, giải quyết các vấn đề ô nhiễm khói bụi trong không khí; Phát huy tinh thần, trí tuệ và sức trẻ của thanh thiếu nhi trong việc tham gia bảo vệ môi trường, các ý tưởng góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan các tuyến kênh, rạch ô nhiễm, phương án xử lý lục bình trên sông Sài Gòn; Nâng cao ý thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước,… góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cuộc sống của người dân.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tại vòng chung kết, các tác giả và nhóm tác giả của 11 đề tài đã thuyết trình và trả lời phản biện của Hội đồng khoa học. Tiêu chí chấm điểm của đề tài nhấn mạnh vào tính sáng tạo, tính khả thi của ý tưởng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Hướng tới cộng đồng</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong tổng số 11 đề tài được trình bày tại vòng chung kết, hầu hết các đề tài đều hướng đến việc phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng. Vừa tiết kiệm năng lượng vừa tạo ra nguồn năng lượng xanh, bảo vệ môi trường. Bạn Hạnh Hoa (Đại học Ngân hàng TP. HCM) – tác giả đề tài “Công viên năng lượng xanh” chia sẻ về đề tài của mình: “Con người cần rất nhiều không gian xanh, ở thành phố hiện nay lại thiếu mảng xanh hiện đại. Nhu cầu năng lượng càng cao, con người cần những giải pháp về năng lượng. Có rất nhiều tranh cãi về việc nếu cần tạo ra nhiều nguồn năng lượng thì cần phải xây dựng nhiều nhà máy, như vậy thì sẽ không còn không gian để xây dựng mảng xanh, công viên xanh. Nên đây là một đề tài có sự kết hợp mục tiêu của cộng đồng và của các nhà quản lý, vừa có năng lượng, vừa có không gian xanh”. Còn đề tài “chai mặt trời cải tiến 2015” của tác giả trẻ Lê Minh Vương, một dự án về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường anh cho biết: “khi nhận được niềm vui từ bà con và nụ cười mãn nguyện thì đó thực sự là món quà lớn nhất mà mình nhận được”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cuộc thi một hoạt động ý nghĩa trong việc thúc đẩy và phát triển phong trào nghiên cứu ứng dụng trong thanh thiếu nhi thành phố. Kết quả chung cuộc, giải nhất thuộc về nhóm tác giả Đào Thị Ngọc Diệp và Phạm Thị Tình với đề tài “Đánh giá khả năng chuyển hóa Biodiesel từ sinh khối côn trùng” – với ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu côn trùng giá rẻ nhằm giảm chi phí sản xuất trong ngành công nghiệp biodiesel. Góp phần xử lý môi trường thông qua việc chuyển đổi chất dinh dưỡng trong phụ phẩm nông nghiệp thành sinh khối.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>QUỲNH DUNG</strong></span></span></p>
</body></html>