<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm ngày truyền thống thanh</title>
</head>
<body>
<p class="subtitle"><b><font face="Arial" size="2">Kỷ niệm ngày truyền thống
thanh niên công nhân TPHCM 15-10</font></b></p>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Những kỷ vật của chị Quyên, anh Trỗi</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: #ffffff" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="170" align="right" border="0" id="table32">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.nld.com.vn/img/3758/19-2h1.jpg" width="170" border="1"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Anh
Trỗi, chị Quyên ngày thành hôn (21-4-1964)</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<font size="2" face="Arial">Tình cờ, tôi được làm... xe ôm chở chị Phan Thị
Quyên, vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tìm lại một số kỷ vật tình yêu của
hai người ngay trên đất thủ đô Hà Nội...</font></span><font size="2" face="Arial">
</font>
<p><font face="Arial" size="2">Mấy năm nay, đã thành thông lệ, khi Báo Người Lao
Động tổ chức trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi ở đâu, đều mời chị Phan Thị Quyên
tham gia. Đây là giải thưởng dành cho giáo viên, học sinh các trường dạy nghề
tiêu biểu trong cả nước nên sẽ là niềm động viên lớn lao cho người nhận giải nếu
được chính tay vợ người anh hùng trao tặng. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Lần này, trước khi ra Hà Nội cùng ban tổ chức
giải, chị Quyên được người quen báo tin, hiện còn một số kỷ vật của anh Trỗi (mà
chị đã trao cho giao liên đưa ra Bắc những năm tháng chiến tranh) đang được Bảo
tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ. Vậy là mới đặt chân lên đất thủ đô, chị vội tìm
đến bảo tàng ngay. </font></p>
<div align="left">
<table style="border-collapse: collapse" borderColor="#ffffff" cellSpacing="1" width="250" align="left" border="1" id="table33">
<tr>
<td width="250">
<img border="0" src="nhung%20ky%20vat%20cua%20chi%20Quyen%20anh%20Troi.JPG" width="250" height="188"></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg" width="250">
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Chị
Quyên đọc lại bài thơ chị thêu trên khăn tay tặng anh Trỗi, được lưu
giữ ở Bảo tàng Cách mạng VN</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p><font face="Arial" size="2">Anh bảo vệ bảo tàng trẻ măng thoáng giật mình khi
nghe tôi giới thiệu đây là chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi. Khó ai nhận ra chị
Quyên đã ngoài 60 với hình ảnh chị Quyên tròn 20 xinh tươi đứng bên anh Trỗi
trong ngày cưới năm nào, vậy mà chỉ cần nghe 3 chữ “vợ anh Trỗi”, anh bảo vệ vội
vàng mời ngay chúng tôi vào chẳng cần một thứ giấy tờ chứng minh nào cả. </font>
</p>
<p><font face="Arial" size="2">“Chị là chị Quyên vợ anh Trỗi đây sao?”, người...
sửng sốt thứ hai là chị Trần Hải Nhị, Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản của bảo
tàng. Quá vui vì chuyến viếng thăm bất ngờ, chị cứ xoắn lấy chị Quyên thăm hỏi
đủ thứ chuyện về anh Trỗi. Cả bảo tàng lặng lẽ trong cái rét của Hà Nội như bừng
tỉnh khi hướng dẫn viên bất đắc dĩ Trần Hải Nhị đưa vị khách đặc biệt Phan Thị
Quyên đi khắp các phòng ban của bảo tàng để “khoe”. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Cây đàn măng-đô-lin của anh Trỗi là kỷ vật đầu
tiên chúng tôi nhìn thấy được đặt trang trọng trong khung kính phòng trưng bày.
Mắt đỏ hoe, chị Quyên lấy ngón tay sờ vào kính như cố tìm lại tiếng đàn réo rắt
quen thuộc ngày nào. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đến phòng kiểm kê, bảo quản, “sếp” Nhị hãnh diện
giới thiệu với “lính” trẻ: “Các em biết ai đây không? Đây là chủ nhân những kỷ
vật của anh Trỗi được chúng ta giữ gìn bấy lâu nay”. “A, chị Quyên!”, một - hai
giọng nói trong trẻo cất lên. Chị Quyên tươi cười đáp lại lời chào mà mắt rưng
rưng. Và rồi, không thể kìm nén những giọt nước mắt được nữa khi chị run run lần
giở lại những lá thư tình mộc mạc mà nồng thắm ngày nào. </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2"><em>Dù
cho sóng gió bão bùng </em></font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2"><em>Lòng
em vẫn giữ thủy chung vẹn toàn </em></font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2"><em>Cầu
mong anh được bình an </em></font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2"><em>Nước
nhà thống nhất vinh quang anh về </em></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Bài thơ trên chiếc khăn thêu vẫn đỏ rực như ngày
chị gởi tặng anh trong khám tử tù. “Anh còn bảo chị gởi kim chỉ vào để anh em
trong tù dạy anh thêu, dù lúc đó đã bị kêu án tử hình”, chị Quyên kể. Và cứ thế,
căn phòng sôi động hẳn lên bởi những mẩu chuyện về anh Trỗi và bởi hiếm hoi lắm
mới có dịp được nghe chính người trong cuộc kể chuyện thế này. Hình như lúc ấy,
trước mắt mọi người không phải là bác Quyên, cô Quyên với mái tóc hoa râm của
tuổi 60 mà vẫn là chị Quyên của anh Trỗi ngày nào... </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ý định ban đầu của chị Quyên là xin lại những bức
thư tình của 2 người, nhưng khi chia tay ra về, chị lại hứa... gởi thêm cho bảo
tàng một số kỷ vật! “Thật ấm lòng khi những kỷ vật của anh Trỗi được gìn giữ
trân trọng như thế này”. Trong cái rét lất phất mưa phùn của Hà Nội ngày cuối
năm, tôi cảm nhận sự nồng ấm qua câu nói và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của
chị... </font></p>
<div align="center">
<table style="border-collapse: collapse" borderColor="#4169e1" cellSpacing="0" cellPadding="3" width="90%" bgColor="#f5f5f5" border="1" id="table34">
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#008000">
<strong>Thăm trường Nguyễn Văn Trỗi ở Cuba </strong></font></p>
<div align="left">
<table style="border-collapse: collapse" borderColor="#ffffff" cellSpacing="1" width="250" align="left" border="1" id="table35">
<tr>
<td width="250"><font face="Arial" size="2">
<img height="187" hspace="2" src="http://www.nld.com.vn/img/3758/19-2h.jpg" width="250" align="left" vspace="2" border="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg" width="250">
<p align="center">
<font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Chị Quyên
chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh trường tiểu học
Nguyễn Văn Trỗi ở Cuba</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Phan Thị Quyên đã
tháp tùng đoàn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Cuba dự Hội
nghị Thượng đỉnh các nước phong trào không liên kết lần thứ 14 được
tổ chức vào giữa tháng 9-2006. Lần thứ hai trở lại đất nước này,
chưa đi đâu, chị đã bị... phát hiện. Một bạn trẻ Cuba vô tình đọc
thấy tên chị trong danh sách khách mời đã tìm đến thăm hỏi rồi tự
hào khoe: “Em là cựu học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi!” </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đâu đâu trong ngôi
trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi xinh xắn mà chị đến thăm cũng đều có
bóng dáng anh Trỗi: trong phòng là bức chân dung, ngoài sân là pho
tượng được đặt nơi trang trọng... Nhưng món quà bất ngờ nhất mà chị
Quyên nhớ mãi là hoạt cảnh các em tái hiện hình ảnh của anh Trỗi lúc
ra pháp trường: “Nhìn các em mới 8,9 tuổi đọc vanh vách tiểu sử và
diễn thật sống động giờ phút hào hùng của anh Trỗi, mình quá bất
ngờ.” </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Rời Cuba, chị tiếc vì
chưa đi thăm hết được những nơi mang tên anh Trỗi và băn khoăn mãi
khi chỉ mang có 10 kg kẹo làm quà cho các em, “chắc là không đủ chia
vì dường như cả trường đều có mặt để chào đón mình”.</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLDO</i></b></font></p>
</body>
</html>