<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sáng 5/9, buổi tọa đàm cán bộ, công chức, viên chức trẻ với phong trào “3 trách nhiệm” đã diễn ra tại Hội trường Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với bản thân là ba trách nhiệm đã được Ban Thường vụ Thành Đoàn cụ thể hóa tại Hướng dẫn số 64, vào ngày 15/4.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Mang sức sống vào phong trào</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">10 bài tham luận, 12 lượt phát biểu của các cán bộ, công chức, viên chức trẻ đã khiến cho hội trường trở nên sôi động khi liên tục đưa ra những đánh giá về thực trạng của phong trào “3 trách nhiệm” hiện nay tại các cơ sở. Bên cạnh đó, các cán bộ, công chức, viên chức trẻ cùng nhau bày tỏ những ý kiến, quan điểm của mình về việc triển khai và hoạt động của phong trào, qua đó đề xuất những biện pháp để cải thiện, hoạt động phong trào có hiệu quả.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Cần mang sức sống vào phong trào”, đó là những chia sẻ khá thú vị và thiết thực của đồng chí Nguyễn Thành An - Đơn vị ĐH Luật TP.HCM. Đồng chí cho rằng, có 3 yếu tố để phong trào trở nên gần gũi và thực sự đi vào đời sống thực tiễn hoạt động tại các cơ sở đó chính là nhận thức của đơn vị triển khai, nhận thức của lãnh đạo cơ quan đơn vị và nhận thức của cá nhân. Cần có sự kết hợp và thống nhất với nhau giữa 3 yếu tố này thì phong trào mới thực sự có sức sống, và có ý nghĩa, nó không còn mang tính hình thức và đơn thuần chỉ là một cái tên phong trào nữa.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hiện nay có rất nhiều cá nhân, tổ chức tham gia rất nhiều hoạt động, tổ chức rất nhiều chương trình, thậm chí không có thời gian để có thể nghỉ ngơi nữa, nhưng đó là một sai lầm, nếu chỉ có tham gia các hoạt động phong trào theo kiểu chạy theo số lượng nhưng không biết rút lại những bài học, những gì phù hợp và có ý nghĩa đối với cơ sở của mình để áp dụng và đưa vào hoạt động thì nó trở nên vô nghĩa.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đồng chí cũng chia sẻ thêm: “Mỗi cá nhân cần xây dựng thương hiệu cho bản thân, làm việc có trách nhiệm và hiệu quả, thì những đề xuất, giải pháp sẽ được tôn trọng và đón nhận. Trong quá trình thực hiện phong trào, chúng ta cần ý thức được việc triển khai như thế đã thực sự sâu sát chưa, hiệu quả chưa, phù hợp chưa”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong> “Muốn diệt cỏ phải trồng nhiều hoa”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trên thực tế, phong trào “3 trách nhiệm” vẫn còn gặp rất nhiều hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức, chính vì thế phong trào vẫn chưa được mở rộng và đạt hiệu quả. Một số cán bộ vẫn còn làm việc theo lối tư duy copy - paste từ cấp trên xuống cấp dưới, chưa nắm rõ công việc một cách cụ thể và dành nhiều thời gian, tâm huyết của mình cho công việc. Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao để phong trào ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân và thực hiện nó một cách tình nguyện. Đồng chí Nguyễn Đức Thông - Đại diện Sở Tư Pháp TP.HCM đã đưa ra ý kiến của mình trong tọa đàm: “Mỗi đơn vị, mỗi cơ sở sẽ có môi trường làm việc khác nhau, cách thức hoạt động khác nhau, vì thế cần áp dụng phong trào phù hợp theo điều kiện của mỗi nơi. Cần có sự ủng hộ của lãnh đạo đơn vị, quan tâm, theo dõi, để phong trào đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, đối với các cán bộ, công chức, viên chức trẻ cần có những công trình thanh niên thiết thực và có ý nghĩa thực tế”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh cũng cho biết, tại đơn vị đang tiến hành một công trình thanh niên khá thực tế, tư vấn, hướng dẫn thủ tục công chứng và trợ giúp pháp lí tại nhà cho các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người neo đơn, bệnh tật, người già…Đây là một trong những hoạt động giúp chúng ta gắn kết và gần gũi với người dân hơn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Muốn diệt cỏ, phải trồng nhiều hoa”, việc tuyên dương các tấm gương tốt, điển hình, và những ghi nhận, đánh giá nhận xét của các lãnh đạo cơ đơn vị sẽ tạo điều kiện để mỗi cá nhân phấn đấu và học tập. Mỗi cá nhân cần phải tự giác rèn luyện cả về phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ, và quan trọng nhất đó chính là sự quan tâm, chia sẻ, động viên hỗ trợ nhau thực hiện tốt công việc giữa các thành viên trong đơn vị và các cấp lãnh đạo.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ra đời từ năm 2002, qua gần 15 năm thực hiện, cho đến nay phong trào “3 trách nhiệm” đã tỏ rõ sức sống và tạo môi trường rèn luyện, phấn đấu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ thành phố.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vào sáng 6/9, 21 đồng chí cán bộ, công chúc, viên chức cũng được khen thưởng về tấm gương điển hình tiên tiến cán bộ, công chức, viên chức trẻ thành phố tại Hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>HOÀI THƯƠNG – ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>