<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lá cờ Tổ quốc luôn trong tâm thứ</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Lá cờ Tổ quốc
luôn trong tâm thức của những người cộng sản</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm ra được căn nhà số
007, chung cư Ung Văn Khiêm, phường 25, Quận Bình Thạnh - nhà của cô Ba Phi Vân
- cựu cán bộ Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, người đã từng trải qua 7 năm ròng
rã vào sinh ra tử trong các nhà tù của chế độ Mỹ-Ngụy: từ nhà giam Thủ Đức đến
nhà giam Chí Hòa, cuối cùng là nhà tù Côn Đảo - nơi Mỹ-Ngụy giam giữ những người
hoạt động kháng chiến mà chúng cho là "phiến cộng" (cộng sản phiến loạn). Với
thời gian bị tù đày như vậy, khi được hỏi về những phong trào, hoạt động chính
trị trong nhà tù (như việc chào cờ Tổ quốc), cô nghĩ thời gian ở tù của mình còn
ngắn, nếu kể không đầy đủ, các đồng chí, đồng đội sẽ không đồng ý. Tuy vậy, qua
tiềm thức của mình, cô Ba vẫn cho chúng tôi thấy được giá trị thiêng liêng của
lá cờ Tổ quốc và việc đấu tranh, gìn giữ hình ảnh lá cờ trong tâm thức mỗi người
cộng sản lúc bấy giờ.</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#808080">
<img border="0" src="co%203%20Phi%20Van.JPG" width="359" height="269"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Cô Ba Phi Vân (áo dài, đứng giữa)
cùng các đồng chí cán bộ Thành Đoàn trong lễ trao tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
của cô.</i></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Năm 1967, khi tham gia đấu tranh vũ trang ở nội
thành cô bị bắt giam ở nhà giam Thủ Đức. Những người bị bắt giữ được chia ra
thành ba hình thức giam giữ là: tù thi hành, tù kỷ luật và tù biệt giam. Ở Thủ
Đức lúc bấy giờ có xưởng dệt và xưởng may quân trang do Mỹ- Ngụy lập nên. Với
những người tù thi hành (mức độ nhẹ) thì chúng cho ra làm việc ở các xưởng này
với luận điệu là: hướng nghiệp, trang bị tay nghề để khi ra trại có việc làm,
tránh đấu tranh, phản loạn. Nhưng thực chất, chúng muốn tiêm nhiễm vào đầu những
con người kháng chiến này hình ảnh lá cờ "ba que" của chúng. Và sau này khi ra
trại cũng sẽ tiếp tục công việc may cờ cho chúng. Lúc này, những người như cô Ba
cương quyết là không làm vì không muốn cố công để tạo ra một lá cờ nào mà không
phải là lá cờ của Tổ quốc mình. Tất nhiên, những người như cô sẽ bị chúng đưa
lên mức nặng hơn hoặc chuyển đi trại giam khác.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Không những thế, bọn chúng còn đưa ra thủ đoạn
bắt những người cộng sản phải chào cờ của chúng để được thả tự do nhưng tất cả
đều không chấp nhận. Có lần, chúng kêu các cô lên rồi nói: "Các cô nhìn xem,
xung quanh đây không hề có một lá cờ nào, chỉ cần các cô đứng và thực hiện như
tôi hô: "Nghiêm. Chào cờ, chào" là các cô được tự do". Có người còn bị chúng
đánh và hăm dọa: "Thép chúng tao uốn còn cong huống gì cái đầu của bọn cộng
sản". Đáp lại lời hăm dọa đó dì Xây (mẹ của anh Lê Tấn Tài - hiện anh là Phó Bí
thư Quận Đoàn 5) cương quyết: "Thép có thể uốn cong nhưng đầu những người cộng
sản thì chúng mày không thể uốn được". Những thủ đoạn xảo quyệt đến mức nào cũng
không lừa gạt và làm lung lay được ý chí và lý tưởng của những con người cộng
sản. Vì với họ, không có hình ảnh lá cờ nào ngoài lá cờ Tổ quốc tồn tại trong
tâm thức của mình.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Với những lần phản kháng mạnh mẽ để bảo vệ hình
ảnh lá cờ Tổ quốc như vậy, bọn chúng buộc phải đưa các cô đi trại giam khác.
Tháng 7 năm 1969, cô Ba bị bọn chúng đưa qua nhà giam Chí Hòa thì tháng 9 năm đó
cô tham gia vào việc để tang Bác Hồ trong một tuần lễ tại nhà giam Chí Hòa. Lá
cờ lúc này được làm bằng vải trắng (do các anh chị trong tù xé áo may thành)
nhuộm thuốc đỏ còn ngôi sao thì nhuộm bằng thuốc kí sinh (loại thuốc trị sốt
rét). Sáng, tất cả xếp hàng ngay ngắn, chào cờ và hát bài "Giải phóng miền Nam"
vì lúc này chưa có bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao. Thấy hoạt động diễn
ra đồng loạt và mạnh mẽ, bọn quản lí nhà tù thương lượng từ không được để tang,
không hát quốc ca, không chào cờ xuống mức nếu có những hoạt động trên thì chỉ
được thực hiện 3 ngày chứ không được một tuần. Thương lượng không được chúng
tiến hành đàn áp. Tháng 11 năm 1969, cô Ba và nhiều người khác bị đày ra Côn Đảo
cho đến năm 1974. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Theo cô Ba, cho dù bọn chúng đày đi hết nhà tù
này đến trại giam khác, dùng hết thủ đoạn này đến âm mưu khác thì cũng không bao
giờ ép được những con người cộng sản phải quên đi lý tưởng của mình. Không bao
giờ có thể tẩy trắng được hình ảnh lá cờ Tổ quốc trong tâm thức của những người
cộng sản mà lá cờ vẫn tồn tại như một hình ảnh thiêng liêng, đẹp đẽ và hào hùng.
Chính vì thế mà thế hệ thanh niên ngày nay có thể kế thừa và gìn giữ hình ảnh
đẹp đẽ thiêng liêng ấy, để chúng ta còn mãi tự hào và không quên những bài học,
những niềm hạnh phúc dưới lá cờ Tổ quốc thiêng liêng. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>VIỆT TOÀN</b></font></p>
</body>
</html>