<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Là lao động chính của gia đình, ban ngày Nghĩa đi làm ở xí nghiệp để kiếm tiền nuôi mẹ và trang trải cuộc sống, chiều về tham gia công tác xã hội ở Chi Đoàn.</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chúng tôi gặp Nghĩa mặc một chiếc áo thun đã sờn chỉ, cái quần tây đen đã bị phai màu thời gian với đôi dép tổ ong cũ kĩ, trên chiếc xe máy đã cũ anh chạy khắp các nẻo đường ven Quận 2 để mua một số bánh kẹo, tối nay tổ chức trung thu cho mấy em nhỏ ở khu phố. “Tối nay chắc mấy đứa nhỏ vui lắm” – Nghĩa hớn hở.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>“Trước hết phải báo hiếu công ơn của mẹ”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Hoàng Nghĩa hiện đang là công nhân đóng gói sản phẩm tại công ty 3M Việt Nam, đồng thời ở địa phương anh còn là Bí thư Chi Đoàn khu phố 4, phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Nguyễn Hoàng Nghĩa có một hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, ngay từ khi còn trong bụng mẹ Nghĩa đã mất đi tình yêu thương của cha, anh chỉ sống với bà ngoại và mẹ trong một căn nhà cấp bốn đơn sơ. Cách đây hai năm bà của Nghĩa qua đời, trong nhà chỉ còn hai mẹ con nương tựa nhau sống qua ngày.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Nghĩa làm nhiều việc như vậy tuy có vất vả nhưng mong muốn duy nhất là để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ” – anh Nghĩa tâm sự.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sáng Nghĩa thường dậy rất sớm ra chợ mua đồ về nấu ăn sẵn cho mẹ ăn rồi sau đó mới đi làm, chiều về lại đến tham gia hoạt động Đoàn ở khu phố đến tối. Đối với Nghĩa việc chăm lo cho bản thân là một điều khá xa xỉ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong suy nghĩ Nghĩa luôn nhớ đến câu nói của bà dặn, sống ở đời phải biết trước biết sau, ngoại và mẹ đã tảo tần nuôi con khôn lớn rồi sau này cố gắng làm việc, trả hiếu cho mẹ để đúng với đạo làm con. Do đó từ trong tâm thức của Nghĩa dù làm gì cũng nghĩ đến mẹ, làm thế nào để mẹ có cuộc sống tốt hơn, đỡ vất vả về sau này.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nghĩa kể, ngay từ lúc nhỏ anh đã phải cầm bao đi gặt lúa, lội sông để bắt mấy con cá, con tôm về nuôi sống ra đình. Lớn lên, sau khi tốt nghiệp lớp 12 Nghĩa còn làm đủ thứ nghề như thợ sơn, phụ hồ, sửa điện… để kiếm tiền lo cho bà ngoại và mẹ. Anh từng mơ ước mình sẽ trở thành một đầu bếp, nhưng vì hoàn cảnh anh đã phải từ bỏ mong muốn của mình. Cuộc sống khó khăn, anh đi làm công nhân để rồi sau đó bén duyên với công tác Đoàn. Hiện anh đang theo học lớp cảm tình Đảng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chàng trai chưa bước qua tuổi 30 này đã dạn dày sương gió trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời để tằn tiện những đồng tiền đem về phụ mẹ, nuôi bà. Khi tâm hồn muốn từ bỏ thì dường như ý chí, kinh nghiệm của cuộc đời đã vượt lên tất cả, nó đánh bại những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc để rồi giúp con người ta trưởng thành bước tiếp. “Gia đình là động lực lớn nhất của mình. Nghĩa không bao giờ chùn bước và từ bỏ. Trong mỗi con người đều có tiềm năng trỗi dậy. Có vượt qua hay không là do ý chí bản thân tự rèn luyện” – Nghĩa chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Làm công tác Đoàn để sống mãi với tuổi thơ</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Phương châm sống của Nghĩa là: bước chân ra ngoài là cơ quan xí nghiệp, bước chân về nhà là làm việc cho khu phố. Nghĩa mê các công tác Đoàn từ khi còn nhỏ, nhìn mấy anh chị đoàn viên xuống địa phương hoạt động tuyên truyền, dọn dẹp môi trường, dạy xóa mù chữ cho người dân, tự nhiên mình thấy thích rồi chạy theo xin tham gia cùng. Thế mới thấy chàng trai trẻ này có tinh thần trách nhiệm rất lớn không chỉ đối với gia đình mà còn có bổn phận đóng góp công sức chăm lo cho xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Ở địa phương, cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, đa phần thanh niên ở đây không chịu đi làm mà chỉ chăm chút cuộc sống trong thế giới ảo ở mạng xã hội, đó là một điều nguy hại rất lớn đối với xã hội” – Nghĩa trăn trở. Anh Nguyễn Hoàng Nghĩa thổ lộ với chúng tôi, bây giờ chỉ mong sao các cấp lãnh đạo đề ra một mô hình làm kinh tế cụ thể và thực tiễn để giúp tạo công ăn việc làm cho thanh niên và người dân ở địa phương.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khuôn mặt đen sạm của anh trở nên rạng rỡ mỗi khi anh kể cho chúng tôi nghe về thời thơ ấu, về những kỷ niệm khi làm công tác Đoàn của mình. “Công tác Đoàn tuy có nhiều vất vả như vậy nhưng nếu mình làm hết sức, dành hết tâm huyết cho các hoạt động thì nó tự nhiên trở thành một niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân mình. Kỉ niệm vui nhất trong hoạt động Đoàn có lẽ đó là tổ chức những ngày hội vui chơi cho các em thiếu nhi chẳng hạn như trung thu hay tết thiếu nhi ngày 1/6. Nhìn mấy em nhỏ quây quần bên mình, vui vẻ với tâm hồn của thiếu nhi tự nhiên Nghĩa lại thấy nhớ đến tuổi thơ của mình. Làm công tác Đoàn như là một cơ hội để ta có thể sống mãi với tuổi thơ của mình” – Nghĩa bồi hồi kể lại.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trên bức tường trong căn nhà nhỏ, giữa những tấm giấy khen của Nghĩa là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo trang trọng. Anh nói “Bác và Đại tướng là hai người mình luôn kính phục và ngưỡng mộ. Treo ảnh Bác và Đại tướng trong nhà như tấm gương để mình noi theo, phải phấn đấu và không từ bỏ khi khó khăn”. Nguyễn Hoàng Nghĩa là một tấm gương điển hình về người con hiếu thảo, một cán bộ Đoàn trách nhiệm, xung kích vì cộng đồng. “Hãy sống cho trọn tuổi trẻ, để sau này có thể tự hào kể lại cho con cháu mình nghe và dạy chúng nối tiếp truyền thống của cha ông” – đó là điều anh luôn tâm niệm.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>NGỌC PHONG – TIỂU MI</strong></span></span></p>
</body></html>