<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>“Tôi có sở thích trồng cây, với tôi việc trồng cây có ý nghĩa cũng giống như một người giáo viên chia sẻ, hướng dẫn các em học sinh của mình trưởng thành, trở thành những người có ích” – thầy Vĩ tâm sự.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Bàn tay nhào bột” là tên gọi độc đáo của một phương pháp dạy học do thầy Lương Quốc Vĩ, công tác tại trường THCS Nguyễn Thị Định (Q.2) sáng tạo ra. Theo thầy, bàn tay ở đây chính là các em học sinh, bột đó là kiến thức. Thầy muốn mỗi người giáo viên chỉ cần đưa ra vấn đề còn chính các em mới là người tìm tòi, nhào nặn nên những tri thức để phục vụ cho việc học tập của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thật ra đây là cách dạy học không hề mới khi việc tự học đã ngày càng nhân rộng trong môi trường giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên chỉ có phương pháp dạy thôi vẫn chưa đủ, mà còn dạy như thế nào mới quan trọng, mọi cách thức sẽ trở nên tương đồng nếu mỗi người giáo viên tự bó hẹp mình trong ánh mắt mở rộng của trẻ nhỏ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó cũng là điều trăn trở của thầy Vĩ: “Mỗi thầy cô giáo đứng trên bục giảng ngoài sự đam mê và chuyên môn thực sự của mình cần có một cái tâm của người làm giáo dục”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khác với nhiều giáo viên trong trường, vì thầy Vĩ đã từng trải qua thời gian 2 năm hoạt động trong môi trường quân đội nên sự bản lĩnh, nghiêm túc và bản tính quyết đoán của một người lính đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc dạy học của anh. “Những nội dung nào mình cần dạy thì phải truyền tải hết tất cả cho các em học sinh, nhưng phải làm sao cho bài giảng thật dễ hiểu thì các em mới tiếp thu được hết và nhanh chóng” – Thầy Vĩ chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bởi vậy, hễ tới đầu tiết môn Địa lý của thầy Lương Quốc Vỹ là không có chuyện học sinh căng thẳng cúi mặt xuống sách vì sợ bị thầy gọi tên lên bảng trả bài. Thầy kể, mình không kiểm tra miệng của học sinh theo cách truyền thống vì các em chỉ học thuộc lòng rồi lên đọc bài nhưng chưa chắc đã hiểu hết nó. Thầy thường dùng các phần mềm trên máy vi tính để xóa đi một số chi tiết của hình vẽ liên quan đến bài học rồi yêu cầu các em lên điền vào. “Cách này vừa giúp các em hiểu bài tốt hơn vì có cái nhìn trực quan sinh động về những gì mình học ngoài ra còn giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học tập” – Thầy kể.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển một cách chóng mặt do vậy đối với mỗi người thầy giáo, cô giáo bây giờ việc dạy dạy dỗ học sinh khó khăn hơn khi xưa rất nhiều. Trồng người là truyền thụ cho các em những kiến thức nhưng muốn công chăm trồng của mình không bị gãy đổ thì phải cần giúp các em xây dựng một nhân cách đẹp. Đối với thầy Lương Quốc Vĩ, thầy luôn tâm niệm chính mình phải như là một người bạn của học sinh, ngoài ra ta phải là một tấm gương phản chiếu hình ảnh từ lời nói đến hành động để các em học tập và noi theo.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thầy Vĩ tâm sự, hiện nay trên thế giới người ta luôn lấy tri thức làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, làm giáo viên thì đừng nghĩ phải nhận đồng lương bèo bọt rồi từ bỏ. Chúng ta đang góp phần đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính các em sẽ làm cho đất nước mình thêm giàu đẹp, rồi mai này, cũng chính những người học sinh ấy sẽ trở lại quan tâm đến những người làm giáo dục như chúng ta.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nghề giáo luôn là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề, bởi những người thầy phải đem hết cả trí lực lẫn tâm lực của mình để tạo ra những con người lương tri của xã hội, những niềm tự hào cho đất nước.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">9g sáng 14/11, lễ tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu sẽ được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Thầy Lương Quốc Vĩ là một trong 13 giáo viên được trao giải thưởng này 3 năm liên tiếp.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>NGỌC PHONG</strong></span></span></p>
</body></html>