<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sáng 19/11, nằm trong khuôn khổ chương trình của Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản lần thứ 42 tại Việt Nam (SSEAYP 42), 28 đại biểu của SSEAYP 42 đã ghé thăm trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn– Đại học Quốc gia TP. HCM.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Được biết, Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản đã cập cảng Cát Lái (Lữ đoàn 125 Hải quân) chiều 17/11. Sau lễ đón Tàu, các đại biểu đã tham gia chương trình chào xã giao lãnh đạo thành phố tại Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố, tham gia tiệc chiêu đãi đại biểu chương trình đón Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản, giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các đại biểu và thanh niên thành phố.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cảnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường thay mặt cho nhà trường gửi lời chào đón nồng nhiệt đến các đại biểu đến thăm trường. Mỗi lần đón đại biểu Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản là một niềm vui lớn của thành phố nói chung và nhà trường nói riêng, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hết sức vui mừng và tự hào vì đã 4 lần vinh dự đón các đại biểu về thăm trường, có các hoạt động giao lưu với sinh viên, giảng viên nhà trường và nhiều giảng viên, sinh viên của trường cũng từng tham gia Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản. “Mặc dù thời gian của chuyến thăm rất ngắn nhưng hi vọng các đại biểu sẽ có nhiều kỷ niệm mới” – TS. Nguyễn Khắc Cảnh nhấn mạnh.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa – Giảng viên khoa Việt Nam học, từng là thành viên SSEAYP 38 (năm 2011) cho biết: “Mỗi lần giao lưu với nội dung khác nhau, nội dung giao lưu các năm trước là thảo luận về các vấn đề như giáo dục, văn hóa, quan hệ quốc tế. Tuy nhiên năm nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực đang được đẩy mạnh nên nội dung giao lưu tại trường sẽ là trải nghiệm văn hóa Việt Nam”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bạn Lan Hương – Tình nguyện viên của SSEAYP 42, đồng thời cũng là sinh viên năm 3, khoa Đông phương học chia sẻ, đây là lần đầu tiên bạn làm tình nguyện viên và cảm thấy rất vinh dự khi các đại biểu của SSEAYP 42 thăm trường. Các đại biểu sẽ hiểu hơn về sinh viên của trường, giao lưu văn hóa với sinh viên. Lan Hương cũng chia sẻ, qua quá trình làm tình nguyện viên của chương trình, Lan Hương cũng đã học hỏi được nhất nhiều điều, nhất là tác phong chuyên nghiệp, ngoài ra Hương cũng cho biết các đại biểu của SSEAYP 42 rất thân thiện và luôn hợp tác hết mình đối với các tình nguyện viên Việt Nam. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bạn Thùy Vân (sinh viên năm 4, trường Đại học Ngoại thương cơ sở II) – tình nguyện viên dẫn đoàn chia sẻ, nhiệm vụ chính của bạn là dẫn đoàn đến địa điểm giao lưu và giới thiệu với các đại biểu về TP. Hồ Chí Minh, là người trực tiếp gây ấn tượng đối với đại biểu nên trước khi chương trình chính thức diễn ra bạn ấy đã được tập huấn rất kỹ càng suốt 4 tuần liên tục.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Yusuke – Đại biểu Nhật Bản chia sẻ, sau khi tham gia các hoạt động, anh Yusuke cảm thấy rất thích các hoạt động do nhà trường tổ chức. Anh rất ấn tượng với trò chơi xếp lá dừa, nó khá giống với xếp giấy origami của Nhật Bản quê hương anh, nhưng ở Việt Nam, thay vì xếp bằng giấy thì các bạn lại sử dụng lá dừa, anh thấy rất thú vị. Trò chơi banh thẻ cũng gợi anh nhớ về tuổi thơ của mình vì ở Nhật Bản cũng có trò chơi này, và anh thấy đây là một nét tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Được biết trước đó, vào ngày 18/11, đại biểu các nước cũng tham quan Bảo tàng Thành phố, tham quan đền Bến Dược, thưởng thức nghệ thuật múa rối nước, địa đạo Củ Chi. Ngoài trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM, cùng ngày các đại biểu chia thành nhiều nhóm khác nhau để đến thăm Tòa soạn Báo Tuổi trẻ, Nhà Văn hóa Sinh viên TP. HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Quận Đoàn 3, Quận Đoàn 5, Quận Đoàn 10, Đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Đoàn khối Công nghiệp Trung ương tại TP. HCM, Đoàn trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đoàn trường Đại học Tôn Đức Thắng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo thông tin từ Ban tổ chức, Lễ tiễn Tàu sẽ được tổ chức từ lúc 15g30 đến 16g30 ngày 21/11/2015 tại Quân cảng Cát Lái. Rời Thành phố Hồ Chí Minh, Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản sẽ đưa 322 đại biểu đến với Thành phố Yangon (Myanmar), tiếp tục chuyến hải trình của tình bạn, hữu nghị giữa thanh niên Nhật Bản và thanh niên 10 nước trong khối ASEAN.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><strong>QUỲNH DUNG</strong></p>
<p> </p>
</body></html>