<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Sáng 22/11, buổi tọa đàm Tài xế trẻ, giỏi, an toàn, thân thiện năm 2015 đã diễn ra tại Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh. Chương trình được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng hai loại phương tiện công cộng chủ lực là xe buýt và taxi và đây cũng là diễn đàn để các tài xế trẻ trao đổi, tìm giải pháp cho các khó khăn của nghề.</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Tài xế gặp quá nhiều khó khăn</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại Tọa đàm, các tài xế đã thẳng thắn nêu ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cầm lái. Hầu hết những vấn đề này đều diễn ra hằng ngày, trở thành chuyện quen thuộc với người tham gia giao thông, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Được nhắc đến nhiều nhất là áp lực phải về trạm đúng giờ. Các tài xế cho biết rất nhiều lý do khách quan để làm chậm tốc độ chuyến xe: đường xá bị đào bới, giờ cao điểm tại các điểm kẹt xe không có công an điều chốt, nhiều xe ôm, hàng rong nên khó tấp vào lề… Thế nhưng mỗi khi trễ giờ thì bị xử phạt rất nặng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cơ sở vật chất cũng là vấn đề đáng quan tâm: rất nhiều chiếc xe buýt đã cũ, nhả khói đen khi chạy, tài xế phải chịu thêm áp lực về kỹ thuật xe. Đặc biệt, phong cách ứng xử với hành khách được các tài xế trao đổi sôi nổi hơn hết. Rất nhiều vấn đề trên xe được đặt ra: móc túi, hành khách không chuẩn bị tiền lẻ khi lên xe, xe máy bất ngờ lao ra chạy chắn trước đầu xe buýt… đôi khi, tài xế không kiềm chế được nóng giận, có cách cư xử không đúng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các tài xế taxi cũng phản ánh: chưa có điểm đậu đón khách, vậy nên có tình trạng taxi dù đậu (sai quy định) hay chạy lòng vòng đón khách gây ùn tắc giao thông.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Nhiều hiến kế thiết thực</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh em tài xế cũng cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của mình trong quá trình cầm lái. Tài xế Đặng Sơn Tùng (công ty taxi Mai Linh) hào hứng kể: “Hôm nọ em đang đi với tốc độ 50km/h, bỗng có một đoàn bảy, tám chiếc xe ben chạy qua tốc độ vượt lên, khách nước ngoài trong xe họ sợ quá nên em phải tấp vào lề chờ xe ben đi qua, vậy mà phải dừng như vậy tới hai lần. Cuối cùng khách họ cảm ơn em, còn cho em thêm mười đồng!”</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhiều tài xế khác cũng tiếp câu chuyện của mình: “Tôi gặp nhiều chuyện lắm, khách ăn bận hở hang rồi lên ghế kế tài xế ngồi, hay có người nhậu xỉn chở tới nơi không chịu xuống, lúc đó anh em phải tấp vào công an phường”, hay như “gặp chuyện gì nổi nóng trên xe, tui cũng cố gắng cư xử nhã nhặn, rồi sau đó cũng tìm cách giải quyết bực tức đó cho hợp lý, giống như mình cầm cục rác vậy đó, mình phải quăng vô thùng rác, chứ đâu thể bỏ lung tung, mình không thể kìm nén bực tức đó, rồi đem về xả vô vợ con mình được!”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Nguyễn Minh Tâm, (nhân viên công ty Vinasun) cũng đóng góp nhiều giải pháp hay: gắn camera tại các điểm hay xảy ra vi phạm; lưu điện thoại, địa chỉ các cơ quan chức năng để phản ánh tai nạn kịp thời; khiển trách tài xế chê khách đi đường gần…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố) hài hước chia sẻ: “Tài xế phải chịu đựng giỏi, phải thuộc loại “công lực thâm hậu”, không nổi nóng khi gặp các sự cố”. Ông Nguyễn Văn Cường (Đội trưởng đội Tuyên truyền Điều tra và Xử lý Tai nạn Thành phố) cũng nhấn mạnh việc ưu tiên cho một số đối tượng hành khách: “Cần có người phục vụ riêng cho người già, phụ nữ mang thai, người tàn tật, tôi đề xuất thí điểm lực lượng thanh niên xung phong. Ngoài ra, tôi đề xuất hình thức xử phạt xe buýt bằng camera, tránh mất thời gian của hành khách, đồng thời xây dựng thêm sổ tay về các tình huống nghề nghiệp, các sự cố trên xe buýt, taxi, không chỉ cho tài xế, mà còn phải tuyên truyền cho người dân”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Còn phải cùng nhau cố gắng rất nhiều</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ông Phạm Minh Sương (Giám đốc công ty taxi Mai Linh) tâm sự: “Nghề tài xế là nghề cao quý, giờ người ta chơi, mình làm, hầu hết các anh em đều không được hưởng mâm cơm gia đình dịp 30 Tết… Vậy mà không mấy ai dám tự hào! Hễ chúng ta có một hành vi không phù hợp, nó sẽ được lưu lại và xã hội sẽ nhìn nhận chúng ta, bởi họ kỳ vọng vào chúng ta nhiều, nên sẽ thất vọng nhiều! “sau lưng tay lái là sự sống”, các anh em ai cũng thuộc lòng câu này mà chưa áp dụng được. Phải thay đổi! Phải cởi mở! chứ nếu cứ lập luận “vì cơm, áo, gạo, tiền” thì không thể nào thay đổi hình ảnh nổi!”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo định hướng, tới năm 2016-2017, xe buýt và taxi phải vương lên con số đáp ứng 15-25% nhu cầu đi lại của người dân thành phố (nay là 10%). Đó là trách nhiệm chung của cơ quan nhà nước, đơn vị tham gia điều hành, xử lý, từng doanh nghiệp, từng anh em lái xe và cả người dân tham gia giao thông. Ông Lê Hoàng Minh (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố) chia sẻ: “Chúng tôi cũng trăn trở những câu chuyện mà anh em kể hôm nay. Các ý kiến của anh em chúng tôi sẽ khắc phục, cái nào khắc phục được ngay, chúng tôi sẽ làm ngay!”.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>TÂM HIỀN</strong></span></span></p>
</body></html>