<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Ứng viên Công dân trẻ tiêu biểu 2015: </strong></span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Phan Lê Ánh Dương – Ý tưởng sáng tạo từ rác thải của cô bé lớp 4</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Bà chúa” ve chai là tên gọi mà một số bạn bè ở trường thường đặt cho cô bé Phan Lê Ánh Dương, sở dĩ bạn bè hay gọi Ánh Dương với biệt danh ấy bởi vì cô bé rất yêu những sản phẩm được chế tạo từ rác. Hiện tại bé Phan Lê Ánh Dương đang là học sinh lớp 4 trường tiểu học bán trú Thới Tam, huyện Hóc Môn TP.HCM.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Ý tưởng từ cuộc sống</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Được hỏi vì sao em lại chọn rác thải để chế tạo những sản phẩm của mình mà không chọn những nguyên liệu khác thì em hồn nhiên chia sẻ: “Mỗi người có một sở thích riêng, em chọn rác thải bởi vì em muốn bảo vệ môi trường và đây cũng là những nguyên liệu gần gũi hằng ngày đối với em”. Một lí do khác nữa vì em nghĩ rằng có rất nhiều người bị bệnh, bị khuyết tật, nhưng không phải ai cũng bị nhiễm chất độc màu da cam do chiến tranh gây ra mà một phần cũng vì môi trường sống của mỗi người.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Lúc còn nhỏ Ánh Dương đã thích chơi các trò chơi thiết kế, biểu diễn thời trang từ rác…từ những trò chơi được sáng tạo như vậy em đã nghĩ ra ý tưởng tạo khu vui chơi dạy nghề cho trẻ em và dạy các bạn nhỏ biết làm các sản phẩm từ rác thải, từ khu vui chơi sẽ có tiền để xây dựng một bệnh viện miễn phí cho trẻ em nghèo. Thế là ý tưởng Khu vui chơi dạy nghề cho trẻ em đã được em đem đi thi Ý tưởng sáng tạo trẻ thành phố năm 2012 và đạt giải 3, khi đó chỉ mới học lớp 1.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Lên lớp 2, vì em làm bài bị nhầm lẫn giữa cá nước mặn và cá nước ngọt, nên em đã nghĩ ra mô hình “Vừa học, vừa chơi”, với mô hình này, tất cả nguyên liệu đều được làm từ các hộp xốp đựng thức ăn rất rẻ tiền, dễ làm và quan trọng nhất là giảm đi một lượng rác thải khá lớn từ nhiều hộp xốp bỏ đi . Em cũng đem ý tưởng này đi thi và em được giải ba cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ năm 2013.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Lên lớp 3, không dừng lại ở đó, Ánh Dương đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm trang trí nội thất đẹp mắt, xây dựng lên ý tưởng mở cửa hàng bán đồ thời trang từ rác với lí do: “Em thấy ngày nào thùng rác cũng đầy, nhưng trong đó có nhiều vật dụng còn dùng được, mình có thể sử dụng để trang trí cho nhiều thứ”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ những suy nghĩ đó, em lại nghĩ đến Mô hình khu vui chơi, hướng nghiệp dạy kỹ năng sống lưu động để có thể mang đến cho các bạn vùng sâu, vùng xa những trò chơi mà chỉ có ở thành phố lớn mới có và từ khu vui chơi này em sẽ dạy cho các bạn hiểu về những khó khăn, những thiệt thòi mà người khuyết tật phải chịu. Từ đó dạy cho các bạn cách ỗ trợ người khuyết tật trong đời sống hàng ngày. Từ suy nghĩ thiết thực và sáng tạo như thế, năm 2015 em đã đạt giải nhất Ý tưởng sáng tạo trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Em vẫn thường xuyên khuyên những người bạn của mình không nên vứt rác bừa bãi và có ý thức bảo vệ môi trường. Em còn khuyên các bạn phụ giúp mình gom rác để làm nguyên liệu cho các sản phẩm. Với tình cảm chân thành của mình, dần dần những lời khuyên và chia sẻ của em cũng được một số bạn bè đồng tình. Những sản phẩm từ rác mà Ánh Dương làm đó là những chú búp bê nhỏ nhắn, xinh xắn với nhiều màu sắc, chiếc đèn để bàn học, bình đựng hoa… Tất cả những sản phẩm ấy đều tự tay em thiết kế từ những vỏ chai nhựa, bao ni lông…Đặc biệt em còn biết dùng bã cà phê để vẽ tranh, những bức tranh được em vẽ rất ấn tượng và có hồn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>“Mẹ là động lực của em” </strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Người đứng sau lưng em, cũng là chỗ dựa tinh thần động viên và giúp đỡ em làm những sản phẩm ấy không ai khác ngoài chị Lê Thị Huệ - Mẹ của bé Phan Lê Ánh Dương. Hiện tại cô là chủ nhiệm của mái ấm Thành Đạt, mái ấm của những mảnh đời kém may mắn. Tại mái ấm này chị Lê Thị Huệ cũng là người tạo điều kiện giúp đỡ các anh chị có số phận không được may mắn có được công ăn việc làm, từ những sản phẩm handmade bán ra thị trường. Với tấm gương của mẹ, bé Phan Lê Ánh Dương hằng ngày vẫn ấp ủ trong mình những ước mơ thật giản dị, có những ý tưởng gì mới em lại tự mình mày mò đi tìm nguyên liệu rồi về lặng lẽ làm, làm xong sản phẩm em mới đi khoe với mẹ, nhờ mẹ chỉnh sửa.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Có ba mẹ, thầy cô, bạn bè động viên khuyến khích và những giải thưởng mà em đạt được, tất cả những điều đó đã thắp lên trong em niềm đam mê và ước mơ đối với rác thải. Em chia sẻ: “Em sẽ tiếp tục cố gắng và nghĩ ra thật nhiều ý tưởng nữa. Em mong rằng thông qua những sản phẩm của mình mọi người sẽ chung tay góp sức bảo vệ môi trường, sẽ không vứt rác bừa bãi và biết phân loại rác thải hợp lí”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Mẹ em là động lực của em, là người luôn ủng hộ, giúp đỡ em nhiều trong việc trong viêc xây dựng những ý tưởng. Đó thường là những ý tưởng mang lại lợi ích cho cộng đồng, và đặc biệt là những người kém may mắn. Hiện nay mẹ đang giúp em viết dự án xây dựng "Khu vui chơi hướng nghiệp cho trẻ em “để tìm người tài trợ”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô Lê Thị Huệ tâm sự: “Ngay từ nhỏ Ánh Dương đã có sở thích với những sản phẩm từ rác thải, những ý tưởng và suy nghĩ của em, cô đều động viên, khuyến khích. Cô vẫn thường căn dặn em, mỗi người có một quan điểm và sở thích khác nhau việc nào con nghĩ nó đúng và con yêu thích, đam mê thì con cứ làm”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hiện nay em đang suy nghĩ về ý tưởng làm sao để có thể tiết kiệm nước, làm sạch nước từ rác thải. “Vì em biết nước sạch rất thiếu lại rất mắc nhất là ở vùng nước mặn. Đây là ý tưởng mới, nhưng em không biết có được không, em sẽ cố gắng”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ước mơ về các mô hình một ngày nào đó sẽ được thực hiện, cô bé nhỏ nhắn, hồn nhiên ấy, vẫn ý thức được rằng, kinh phí sẽ là điều khó khăn mà em luôn nghĩ tới. Tiền bán được từ các vật dụng rác thải, tuy không được bao nhiêu nhưng em vẫn đóng góp cho chương trình Ước mơ của Thúy do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Em mong muốn các bệnh nhi ung thư sẽ luôn có nhiều niềm vui.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tạm biệt căn nhà nhỏ có cô nàng đam mê rác thải, tôi lại nhớ tới câu nói còn lúng túng của em</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Nghệ thuật thì không có gì sánh bằng, em nghĩ nghệ thuật thì rất đẹp nhưng quan trọng nhất là mỗi người phải có tâm hồn và tấm lòng của mình trong những sản phẩm ấy”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Có những điều đối với một người rất đơn giản và bình thường, nhưng đối với một ai đó, điều ấy là cả trời ước mơ, là những đam mê, là cả tấm lòng giành cho những người yêu thương.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>THƯƠNG HOÀNG</strong></span></span></p>
</body></html>