<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Kỷ niệm 10 năm danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh</span></span></em></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Giờ học giáo dục công dân không có những lý thuyết khô cứng, xa xôi, thầy giảng trò nghe những câu chuyện giản dị về tình thương của cha mẹ, về chuyện cơm ăn áo mặc của người nghèo, cho học trò nghe bài nhạc có tiếng mẹ ru, tiếng trẻ khóc… Đó là những câu chuyện thực tế, có cả hình ảnh, âm nhạc đi kèm, mà Thầy Tuấn Anh đã mềm hóa nó đi và tạo thuyết phục nơi các em.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Sống chậm lại</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Từ khi còn là sinh viên trường ĐH Sài Gòn thầy đã bắt đầu tìm hiểu về phương pháp giảng dạy mới lạ này ngoài giờ học trên giảng đường, Thầy còn học hỏi thêm bên ngoài dựa vào nội dung sách giáo khoa. Với những câu chuyện, dẫn chứng cụ thể Thầy luôn làm sáng tỏ vấn đề và nó đã mang lại hiệu quả tích cực từ khi đi thực tập đến khi ra trường, rồi bắt đầu công việc giảng dạy tại trường THCS Bạch Đằng (Lê Văn Sỹ, Q.3)</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">8 năm gắn bó với trường với lớp, thầy đã sưu tầm và lưu giữ khá nhiều tư liệu hình ảnh đắt giá. Vì là môn học phụ, một tuần lên lớp 1 tiết, nên thầy đã xin nhà trường cho phép sáng chủ nhật mỗi tháng một lần tổ chức tiết học ngoại khóa, giáo dục đạo đức cho các em, đặc biệt là những em học sinh lớp 9. Đây hoàn toàn là những giờ học miễn phí. Thế là đều đặn cứ đến chủ nhật cuối tháng, các em dù bận đi học thêm, nhưng vẫn luôn giành thời gian để đến với lớp học bổ ích này.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Mình muốn truyền đạt cho các em trước khi bước ra trường, cuối cấp là thời gian các em phải tăng tốc để chuẩn bị thi cử, 1 tuần chỉ có 2 tiết công dân, các bạn hãy sống chậm lại 1 chút, nghe những câu chuyện về cuộc sống, nghe những câu chuyện về cha về mẹ, về những người xung quanh chúng ta, lắng nghe những hơi thở của cuộc sống, cảm nhận ý nghĩa của cuộc đời này” Thầy Tuấn Anh chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thầy không dạy theo quy củ của giáo án khô khan, không theo một mô típ có sẵn nào cả, với thầy mỗi tiết học như là một câu chuyện, thầy truyền đạt lại cho các em và các em lĩnh hội được gì, rút ra bài học gì cho mình sau câu chuyện là điều thầy mong mỏi nhất. Trong 45 phút đứng lớp, thầy tạo sự hứng thú cho các em trong phương pháp giảng dạy áp dụng đã lâu nhưng không hề cũ, giờ học giáo án điện tử có loa để phát từ các bộ phim, hình ảnh đựơc in lên khổ A3 để các em tiện theo dõi, chính vì vừa có thể xem hình vừa có thể nghe nhạc nên các em tiếp thu kiến thức rất nhanh và cũng đúc kết được khá nhiều bài học thú vị.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Mỗi tuần một câu chuyện</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Tuần vừa qua, tôi cho các em xem 1 đoạn cải lương “ Lá sầu riêng” của nghệ sĩ Kim Cương. Trích đoạn là câu chuyện của người con trai quen với một cô bạn gái, chàng trai này đã mặc cảm không muốn cho bạn gái biết là gia đình anh nghèo, mẹ anh là một người mẹ quê mùa. Người mẹ đã lên thăm con lần cuối sau đó trở về quê, chấp nhận đau khổ để cho con được hạnh phúc.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Khi các em xem xong vỡ cải lương này thì nhiều em đã bật khóc “ Thầy ơi con đã sai rồi, con sai rồi thầy ạ! Khi mẹ nuôi con trưởng thành, mẹ không bao giờ kể công lao của mẹ làm cho con, mà con thì luôn than thở, trách mẹ mỗi khi con muốn có những thứ đồ chơi giống bạn bè “Mình cảm thấy đây như sự thăng hoa trong giờ dạy, mình chỉ biết hòa chung vào cảm xúc với các em, làm cho giờ giảng thêm lắng đọng lại, tạo ra sự đồng cảm hơn đến với các em” Thầy Tuấn Anh bày tỏ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngoài việc giảng dạy trên trường, Thầy còn thường xuyên tham gia những lớp học ngoại khóa ở những trường Đại học trong địa bàn TP, tỉnh lẻ, thậm chí là vùng sâu vùng xa, chỉ cần có người lắng nghe câu chuyện của Thầy, Thầy lại tiếp tục truyền đạt lại. Cứ thế những câu chuyện về các chủ đề nóng của xã hội, vấn đề được mọi người quan tâm lần lượt được thầy chia sẻ: sử dụng facebook, bạo lực học đường, nhưng cốt lõi vẫn là sự biết ơn cha mẹ, những bậc sinh thành, đạo làm người.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chính vì lòng nhiệt huyết, sự yêu nghề của Thầy, nhà trường đã rất ủng hộ và tạo điều kiện tối đa cho Thầy giảng dạy. Một lần thầy tham gia giảng dạy tại tỉnh, những câu chuyện từ facebook của thầy một lần nữa đánh vào tâm lý, vào cảm xúc của người nghe:</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Có bà cụ đi lạc ngoài Bắc, anh công an chụp lại ảnh và đăng lên facebook, vài ngày sau người nhà tìm được bà. Lại một câu chuyện khác, một cô gái cho ông cụ ăn xin tiền và lỡ làm rớt viên kim cương, ông cụ đã tìm và trả lại cho cô gái đó, sau khi câu chuyện được chia sẻ trên facebook, nhiều người đã giúp đỡ cho ông cụ mua được căn nhà và có một cuộc sống đỡ vất vả hơn”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chuyện về những bài giảng làm rơi nước mắt học trò của thầy giáo mới ra trường Trần Tuấn Anh lan ra, hai giáo viên bộ môn khác cùng đến dự giờ, nghe thầy giảng cũng ngậm ngùi. Những tiết dạy của thầy từ đó được học sinh Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) gọi là “giờ học cảm động”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Lý Trương Kim Hoàn, học sinh lớp 6/1, kể: “Hôm học bài Biết ơn vào tiết cuối buổi sáng, đến giờ ăn trưa nhiều bạn nức nở, nghẹn ngào. Cả lớp đều khóc. Chiều về nhà mắt vẫn còn sưng, cha mẹ hỏi vì sao khóc, có bạn ôm chầm mẹ. Cả tuần sau nhóm bạn em vẫn còn xôn xao về bài học đó.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bữa khác, giảng bài Tiết kiệm, thầy kể câu chuyện các bạn hay bỏ phí cơm, mỗi hạt cơm là công sức mẹ cha. Hôm thầy dạy bài Lễ độ, em tự nghĩ mình phải nói năng cư xử đàng hoàng hơn, không nói leo, chửi bậy. Học xong bài nào em cũng thấy mình còn khuyết điểm, còn thiếu sót, cần phải cố gắng, sửa đổi. Bài nào thầy Tuấn Anh cũng có 3-4 câu chuyện và rất nhiều hình ảnh, âm thanh minh họa. Vào trường, gặp thầy giáo nào tay xách bao bị đầy tranh ảnh và cặp loa từ lớp này qua lớp khác ai cũng biết đó là thầy Tuấn Anh! Tới giờ của thầy, tự nhiên cả lớp háo hức, vừa thấy thầy ở cầu thang cả lớp chuẩn bị sẵn sách vở đứng lên chờ thầy vào lớp”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Còn câu chuyện Hải My, học sinh lớp 8/2, kể về những bài học thầy Tuấn Anh dạy năm lớp 7: “Dạy về Lòng yêu thương, thầy cho cả lớp xem những hình ảnh một chú chim bị bắn chết và đôi mắt thảng thốt của một chú chim khác đau buồn bên xác bạn mình. Loài vật còn biết yêu thương nhau!</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Từ những câu chuyện của thầy, nhiều bạn thay đổi lắm. Nhiều học sinh cá biệt trong lớp cũng sửa đổi, siêng năng hơn. Lớp 7 có tình trạng nam nữ thích nhau. Thầy kể câu chuyện những bạn trẻ vị thành niên yêu sớm, sinh con ra rồi bỏ rơi, những đứa trẻ trở thành mồ côi. Nghe xong, thấy giật mình, mỗi người tự rút bài học cho mình. Những lần kiểm tra 15 phút, hầu hết thầy cho đề viết cảm nhận về bài học, không phải học thuộc lòng, chỉ cần viết cái gì mình hiểu, rút ra bài học, cố gắng gì từ bài học đó. Môn giáo dục công dân từ đó học rất nhẹ nhàng”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thầy Trần Tuấn Anh kể: “Năm trước, lúc giảng về tình thương cha mẹ cho học sinh lớp 7, lúc đó mình mới ra trường, thấy học sinh khóc nhiều quá cũng sợ. Cô hiệu trưởng động viên: không sao, cứ để các em được bày tỏ cảm xúc của mình! Năm nay, dạy phần biết ơn cha mẹ, một em nữ lớp 6 khóc rất nhiều, đến quỵ xuống đất khi được bạn dẫn đi rửa mặt. Trong bài viết cảm nghĩ của mình sau đó, em tâm sự: thầy giảng mẹ lúc nào cũng thương con, sao mẹ em nỡ bỏ em đi theo ba khác? Bài giảng của mình đã gây sốc cho học sinh đó! Vậy là thêm một trường hợp cần được tư vấn tâm lý riêng…”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Lớp 9 có một chủ đề về quyền nghĩa vụ lao động, Thầy đã dùng một bức ảnh hình những người công nhân đang ôm nhau, choàng lên vai cười với chiếc áo thun bạc màu, chiếc mũ sờn, vẻ mặt mệt mỏi nhưng vẫn tươi cười, họ nhận được tiền lương tuần đầu tiên, mặc dù đó chỉ là tiền ứng trước nhưng nghĩ đến việc có tiền đóng học phí cho con cái thì đó là niềm vui của ba mẹ. Đến đây, lớp học lại lắng xuống, có vài âm thanh sụt sùi phía hàng ghế cuối, một số em cúi đầu im lặng…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Thầy ơi em muốn làm bác sĩ, làm Cảnh sát giao thông, em muốn trở thành người lính bảo vệ biển đảo….” Nhưng “Có em nào muốn làm bác sĩ chữa trị cho người tâm thần không? Cả lớp im lặng, vài em học sinh lắc đầu và có cả những tiếng thở dài” Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ biết giành phần ai? Thầy Tuấn Anh kể lại.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Những câu chuyện của Thầy cứ “thấm” vào các em một cách rất tự nhiên không có gì gượng ép cả, bài học tạo ra cung bậc cảm xúc cứ lên xuống thất thường, những câu chuyện có thật với hình ảnh thực tế, luôn thuyết phục của các em.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>MỸ NƯƠNG</strong></span></span></p>
</body></html>