<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Võ Chí Hiếu -</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Võ Chí Hiếu -
"Vạn sự khởi đầu nan"</font></b></p>
<p><b><font face="Arial" size="2">Đến công an xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ để
gặp gương thanh niên khởi nghiệp. Đó là điều thú vị đầu tiên về anh Võ Chí Hiếu
- thanh niên khởi nghiệp có thành tích xuất sắc trong chế biến thức ăn và nuôi
tôm sú, được Trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu "Triệu phú trẻ tuổi 30" và được
Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh khen tặng điển hình Nhà nông trẻ, giỏi "Hoa của
đất" năm 2005. </font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Dù đã hẹn trước nhưng do có nhiệm vụ đột xuất,
tôi đành phải đến nhà đợi anh. Mẹ anh Hiếu - bác Bớt chỉ cho tôi cơ ngơi của gia
đình trong niềm tự hào: "Tất cả nhờ nuôi tôm mà có được đó!". Khoảng ao nuôi
rộng và mấy cái ao lấn bao quanh nhà cho thấy quy mô nuôi trồng khá lớn và sự
công phu, chu đáo của người chủ. Bác Bớt cho biết, từ khi nuôi tôm, đời sống của
gia đình đã khá hơn rất nhiều, có điều kiện sắm sửa đồ dùng trong gia đình và mở
rộng diện tích nuôi trồng. Trước đây gia đình anh Hiếu cũng chỉ trồng lúa như
bao nông dân khác trong ấp, nhưng phải trầy trật cầm cự với điều kiện khắc
nghiệp để đủ ăn. Năm 2002, anh Hiếu xuất ngũ trở về, cảnh gia đình 5 người, suốt
ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, anh nghĩ: "Cấy ruộng 10 năm, năm năm lo
đói, cứ mãi sống trong thiếu - đủ - không dư, với cây lúa thì không biết chừng
nào mới khá lên được?". Cũng lúc đó, chủ trương chuyển đổi cơ cấu trong nông
nghiệp được phổ biến ở Cần Giờ, hầu hết các gia đình đều chuyển một số diện tích
đất canh tác sang nuôi tôm. Hình thức nuôi trồng phổ biến được lựa chọn: nuôi tự
nhiên và nuôi công nghiệp. Với mảnh đất mùa nước ngọt, mùa nước mặn này, nuôi tự
nhiên trên diện tích rộng chẳng khác nào đánh cuộc với thiên nhiên. Còn nuôi
công nghiệp với công nghệ khép kín, tỷ lệ rủi ro thấp nhưng đầu tư cao và công
sức bỏ ra không hề nhỏ, quan trọng hơn là mình chưa có chút vốn kiến thức nào.
Sau thời gian suy nghĩ, anh Hiếu quyết định sẽ nuôi tôm sú theo mô hình nuôi
công nghiệp. Để có đủ số vốn cần thiết ban đầu, anh vay Ngân hàng Nông nghiệp và
phát triển nông thôn 30 triệu, còn lại chạy vạy vay mượn người quen. Mùa tôm ấy,
cả nhà sống trong thấp thỏm lo âu vì tất cả dồn vào tôm sú. Vu å đâuì tiên, anh
nuôi trồng trên diện tích 3000m2, thu hoạch được 1,6 tấn, dù giá thấp nhưng cũng
lãi được gần 50 triệu. Số lãi thu được anh tiếp tục đầu tư cho vụ sau, mở rộng
diện tích, sắm đầy đủ thiết bị máy móc, bạt lót... "Thấy người ta nuôi tôm thất
bại nhiều, mình cũng chùn", anh kể lại. Để khắc phục điểm yếu kiến thức, anh
Hiếu thường xuyên theo dõi các chương trình VTV2, sách báo tham khảo, thông tin
trên đài về nuôi trồng thuỷ sản và vận dụng có chọn lọc. Đồng thời, mỗi tuần anh
đều nhờ kỹ sư nông nghiệp của xã đến kiểm tra tình hình ao nuôi, con giống. Anh
kể về lần mạo hiểm của mình khi nuôi thử tôm mùa nước ngọt: Mặc dù đầu tư nhiều
nhưng vì là thử nghiệm nên anh không đặt nhiều kỳ vọng. Tôm chỉ nuôi vào mùa
nước mặn, còn lại để bạt giang nắng mùa nước ngọt, để không thì phí nên nuôi
thử. Anh chú ý chăm sóc kỹ hơn ao nuôi của gia đình. Sau giờ làm việc ở Công an
xã về, anh lại cặm cụi lần mò từng góc ruộng để theo dõi từng biểu hiện của tôm.
Thu hoạch, lãi 15 triệu, không bằng công sức bỏ ra nhưng anh lại có thêm bài
học. Chính sự chịu khó tích luỹ kiến thức nên anh chưa năm nào chịu lỗ vốn. Bà
con trong ấp đến hỏi kinh nghiệm, anh nhiệt tình chia sẻ kiến thức. Mặc dù đọc
rất nhiều sách khuyến nông, nắm vững nội dung hướng dẫn nhưng anh vẫn khẳng
định: "Không thể áp dụng hoàn toàn lý thuyết sách vở, chỉ nên tham khảo rồi tuỳ
theo thực tế và rút kinh nghiệm của các chính mình và những người khác để không
phải thất bại". </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Hằng ngày, nhiệm vụ của một Trực ban hình sự ở xã
đã chiếm trọn thời gian của anh. Vì vậy, để vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa phát
triển kinh tế gia đình, anh đã phải tận dụng thời gian nghỉ của mình. Ngày 2 lần
anh chạy từ xã về ấp kiểm tra ao nuôi, lượng thực ăn, độ pH... Khi công tác bận
rộn, anh phải ghi giấy lại hướng dẫn gia đình cụ thể thời gian cho tôm ăn, quạt
máy tăng oxi trong nước, tỷ lệ thức ăn... Có mặt tại nơi anh đang làm nhiệm vụ,
không trò chuyện được nhiều nhưng tôi cảm nhận được ở anh sự nhiệt tình, trách
nhiệm của người chiến sĩ công an, cái chân chất của một người nông dân. Làn da
cháy đen ghi dấu những ngày lăn lộn cùng đìa tôm. Khi được hỏi về bí quyết làm
giàu, anh cười tươi: "Bí quyết thì không có nhưng làm nhiều rồi sẽ có kinh
nghiệm, làm việc gì mà chẳng có khó khăn?". </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>MINH NGUYỆT</b></font></p>
</body>
</html>