<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chúng tôi theo chân cô Tư Liêm và cô Chín Mai về mảnh đất trù phú Long An và Tiền Giang, thăm lại những gia đình, bà con thân thuộc đã từng nuôi giấu, bảo bọc cán bộ Thành Đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu chuyện của cô cháu chúng tôi dài ra theo dòng kỷ niệm của những người đã từng tham gia kháng chiến. Nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo của những ngôi làng nghèo, con đường rộng thênh thang, thẳng tắp nối những bờ vui, nhưng trong ký ức của những người tham gia cách mạng vẫn vẹn nguyên những ngày thật gian khổ mà hào hùng. Cô Tư chỉ cho chúng tôi biết rằng, ngôi nhà đó đã từng che giấu cô chú trong một thời gian dài mà địch không hề phát hiện.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chúng tôi đến nhà của chú Trần Văn Ngôn (Thị xã Tân An, Long An), đã mất cách nay 3 năm. Người đã mất nhưng tình cảm với “gia đình thứ hai” của các cô, các chú vẫn còn đó. Cô Tư kể, chính gia đình chú Trần Văn Ngôn đã nuôi giấu cô Tư, cô Hiền, chú Mười Quân và chú Ba Vũ, những cán bộ phong trào học sinh sinh viên một thời. Vì chú Ngôn chính là một y sĩ nên có điều kiện dùng xe bệnh viện vận chuyển “lực lượng của ta” được “giấu” sẵn để qua trạm kiểm soát của lính Mỹ một cách an toàn. Trạm kiểm soát của địch, theo trí nhớ của cô Tư là nơi địch kiểm soát vô cùng gắt gao và nhiều chiến sĩ cách mạng đã bị bắt, bị nhốt với phương châm “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót!”. Không chỉ bản thân chú Ngôn mà vợ chú, em chú cũng là những “địa chỉ” nuôi giấu cán bộ Thành Đoàn. Ngôi nhà của chú Trần Văn Ngôn trong những năm 1963 là nơi họp hành bí mật của tổ chức học sinh sinh viên Sài Gòn – Gia Định. Và trong những ngày khói lửa sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, rất nhiều lực lượng bị chiêu hồi và gia đình chú Trần Văn Ngôn chính là bức bình phong che chắn để lực lượng chiêu hồi không thể nhận ra. Thời gian qua đi, hòa bình đã về, những ân tình với người dân vùng cứ mãi nặng lòng và khắc sâu.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tạm biệt Long An, chúng tôi lại đến với ấp Lương Phú C, xã Lương Hào Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Cô Chín Mai kể đây là một “vùng trắng” trong kháng chiến chống Mỹ, gọi là “vùng trắng” vì ban ngày địch càn quét dữ dội với bom lạc, pháo bắn đến nỗi không một nhà dân nào dám sinh sống. Thế mà nhà của má Hai (Nguyễn Thị Phu) kiên cường bám làng, bám đất nuôi giấu cán bộ. Má năm nay đã 97 tuổi, chợt thấy chúng tôi mừng rơi nước mắt. Tuổi già sức yếu nhưng má nhớ rõ cô Tư Liêm, cô Chín Mai và những câu chuyện nuôi giấu cán bộ một thời. Má xúc động dặn chúng tôi: “Về được với má thì ráng mà về, má còn sống thì về cho má thấy!”. Với má Hai, có lẽ cô Tư và cô Chín Mai như vẫn còn rất trẻ, mãi là những người con của má một thời.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Rồi cô Tư dẫn chúng tôi đến thăm cô Tư Sâm, cô Ba Hoa ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Chúng tôi đến thăm người đã mất. Họ đã yên nghỉ bình an trong sự tĩnh lặng ở chùa Phật Quang. Trong câu chuyện của cô Tư kể cho chúng tôi nghe, thì hai cô là những người rất có cảm tình với cách mạng, các cô đã đóng góp tiền bạc, quần áo, tư trang để cán bộ có điều kiện tiếp tục hoạt động, bằng mọi cách khác nhau, hai cô đã nhiều lần che giấu lực lượng của ta mà địch không thề nào phát hiện được.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cô Tư Liêm cho chúng tôi biết, căn cứ Thành Đoàn không phải ở đâu xa lạ, chính là ở sự bảo bọc của người dân, nên ân tình với các gia đình nặng lắm. Người dám chứa cán bộ hoạt động là người thật sự dũng cảm, liều lĩnh vì chỉ cần bị địch phát hiện thì cả gia đình sẽ bị bắt nhốt, tán gia bại sản, chưa kể nguy hiểm đến tính mạng của cả gia đình.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Những ba, má phong trào một thời có người đã mất, có người trí nhớ lãng quên, có người sức khỏe rất yếu. Chứng suy thận của má Nguyễn Thị Sáu (huyện Cần Giuộc, Long An), người đã từng nuôi giấu cô Tư, ngày càng trầm trọng hơn. Thăm má tại bệnh viện Cần Giuộc, dù không nói được, không ngồi dậy được, nhưng má cũng cô gắng nắm lấy tay chúng tôi, nhìn chúng tôi bằng ánh mắt trìu mến và đỏ hoe. Má không nói, chúng tôi cũng không dám nói nhiều nhưng cảm giác vẫn có sự hiểu nhau rất nhiều.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chúng tôi cảm nhận được sự trọn vẹn nghĩa tình của các gia đình và cả các cô chú trong CLB truyền thống Thành Đoàn, cô Tư dặn chúng tôi phải đi đến từng nhà, gặp gỡ từng người, hiểu thêm từng hoàn cảnh sống của các gia đình để kịp thời động viên và giúp đỡ. 18 gia đình mà chúng tôi đến mỗi người một hoàn cảnh nhưng tựu chung lại chính là tình yêu thương tha thiết, có gia đình trân trọng từng cuốn lịch Thành Đoàn, giữ gìn còn rất mới và treo trang trọng trong góc nhà, có người cứ dặn đi dặn lại cô Tư và cô Chín rằng “phải ráng khỏe để năm sau còn đến thăm chúng tôi”.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Những ba, má, anh chị đã từng che giấu, nâng đỡ, gắn bó tình cảm với phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên giờ đây nhiều người không còn nữa, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao tiếp bước và nuôi dưỡng truyền thống đền ơn đáp nghĩa tốt đẹp này. Có biết bao thế hệ cán bộ Thành Đoàn đã trưởng thành từ chính phong trào rèn luyện cách mạng và không gì quý giá bằng truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã rèn luyện nhiều thế hệ cán bộ Đoàn sống xứng đáng với sự hy sinh của cha anh và sự đùm bọc, chở che của các gia đình đã từng là “căn cứ”. Điều đó đặt ra cho tổ chức Đoàn một nhiệm vụ hết sức nặng nề và cao cả, đó là sự rèn luyện, giáo dục truyền thống để tuổi trẻ thành phố ngày càng hiểu, cảm và trân trọng, tự hào về tổ chức Đoàn, tổ chức của tuổi trẻ có sức sống lâu bền trong 85 năm qua.</span></span></em></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>THU THỦY</strong></span></span></p>
</body></html>