<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Khơi dậy lòng yêu nước qua lịch</title>
</head>
<body>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Khơi dậy lòng yêu nước qua lịch sử nước nhà</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: #ffffff" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="170" align="right" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="khoi%20day%20long%20yeu%20nuoc%20qua%20LS%20nuoc%20nha.bmp" width="170" height="160"></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
Nhân dân thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM)</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<font size="2" face="Arial">Lịch sử như nguồn lớn, nếu chúng ta không khơi dòng
hợp lý thì có chỗ bị úng, có chỗ khô hạn và chắc chắn mùa màng phải thất bát</font></span><font size="2" face="Arial">
</font>
<p><font face="Arial" size="2">Vừa rồi, tại hội thảo thành lập Quỹ Phát triển
tài năng văn học Việt Nam, nhà văn Trần Hoài Dương kể một câu chuyện về hai cử
nhân văn chương tranh luận một vấn đề lịch sử khá đơn giản tưởng chừng ai cũng
biết: Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, ai là anh? Câu chuyện làm cả hội trường cười ồ.
Kể xong, ông chua xót thở dài nói: “Cử nhân văn chương mà còn mù tịt lịch sử
nước nhà như thế thì khó chấp nhận”. Câu chuyện bên lề của diễn đàn hội thảo ấy
đã cho thấy phần nào sự nhợt nhạt về kiến thức lịch sử trong lớp trẻ Việt Nam
hiện nay. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Chúng ta hoàn toàn nhất trí khi đất nước tập
trung cho khoa học - công nghệ để đẩy mạnh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
nhằm sớm đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh... Nhưng không nên vì thế mà chúng ta
lơ là môn học lịch sử nước nhà. Đã là người dân Việt Nam, tôi nghĩ không ai
không tự hào về lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ấy mà
những ngày ngồi học ở nhà trường phổ thông, chúng tôi chỉ biết... lơ mơ những
chiến công hiển hách của tổ tiên. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Những kiến thức lịch sử nhà trường cung cấp cho
chúng tôi chưa mấy cân xứng, nên những tiết học sử chưa thu hút được sự đam mê
của chúng tôi như một số môn học khác. Lớn lên, lớp trẻ chúng tôi phải lo tập
trung học thêm ngoại ngữ, tin học, học thêm một vài chuyên ngành khác để kiếm
sống, nên thì giờ dành cho đọc sách lịch sử không còn nhiều, thậm chí không có.
Ngày còn đi học với những chương trình “Về nguồn” cũng làm chúng tôi băn khoăn.
Về nguồn là về đâu? Nếu về Pắc Bó thì dân tộc chúng ta mới có mấy chục năm. Về
Phú Thọ thì 53 dân tộc anh em khác về đâu? Tôi đã từng có câu hỏi như vậy mà
không ai giải thích tường minh, nên những ngày ngồi ở giảng đường đại học, tôi
không mặn mà lắm với phong trào này. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nhớ lại những gì đã học, tôi thấy lịch sử hiện
đại rất được chú ý về những sự kiện, về tính khoa học và chiếm một thời lượng
giảng dạy rất lớn, còn phần lịch sử trước cách mạng chỉ được phân bố một cách
rải rác, mang tính nhỏ lẻ. Nên chăng chúng ta phải cấu trúc lại chương trình
giảng dạy một cách hợp lý hơn nhằm giúp con em chúng ta hiểu được cả chặng đường
lịch sử đầy biến động và lắm vinh quang của dân tộc. Lịch sử như nguồn lớn, nếu
chúng ta không khơi dòng hợp lý thì có chỗ bị úng, có chỗ khô hạn và chắc chắn
mùa màng phải thất bát. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần chú trọng
phát triển khoa học - công nghệ, nhưng cũng cần phải điều chỉnh quy luật đó cho
hợp lý. Đặc biệt, Hội Khoa học lịch sử cần tìm nguồn tài trợ để tạo ra những sân
chơi bổ ích tuyên truyền cho lịch sử nước nhà; cần có những suất học bổng cho
những học sinh giỏi sử, những giáo viên dạy sử hay; hợp tác chặt chẽ với những
nhà biên kịch viết kịch bản cho sân khấu, điện ảnh... để có được những vở kịch,
vở cải lương, những bộ phim lịch sử hay, hấp dẫn. Chúng ta không hy vọng vào bất
cứ biện pháp nào trong một sớm một chiều ai ai cũng làu thông lịch sử. Nhưng với
phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tôi nghĩ chúng ta sẽ khơi dậy lòng yêu nước hơn
nữa qua lịch sử nước nhà.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLDO</i></b></font></p>
</body>
</html>