<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Phan Anh Điền</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font color="#0000FF" face="Arial" size="2">Phan Anh Điền:
Thanh niên cần có tinh thần dân tộc</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ở tuổi 60, anh Phan Anh Điền - người cán bộ Thành
Đoàn dũng cảm, tràn đầy nhiệt huyết ngày nào - để lại ấn tượng với dáng vẻ phúc
hậu và phong cách trò chuyện cởi mở, gần gũi. Anh kể chuyện hoạt động, chuyện
gia đình và tâm sự cả những suy nghĩ về thế hệ trẻ một cách rất mộc mạc, chân
tình. Một phần lịch sử anh hùng của tuổi trẻ thành phố dường như sống lại trong
căn nhà nhỏ nhìn ra khoảng sân xanh mát… </font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Con người của cách mạng </b>
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Anh Phan Anh Điền (tên thường gọi là Ba Khắc)
sinh năm 1945, trong một gia đình trung nông giàu truyền thống cách mạng ở xã
Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Dòng họ anh có 10 liệt sĩ và 01 bà mẹ Việt Nam anh
hùng. Từ khi còn nhỏ, anh đã quen với không khí cách mạng trên quê hương Củ Chi.
Hình ảnh những người thầy giáo của ngôi trường làng vừa dạy học, vừa tham gia
cách mạng và thường xuyên bị bắt bớ, tù đày in sâu vào tâm trí của anh. Anh vẫn
còn xúc động khi nhắc đến không khí dữ dội của những ngày phong trào Đồng Khởi
nổ ra trên quê hương năm 1960. Truyền thống gia đình và không khí cách mạng đã
giúp anh sớm giác ngộ và chọn con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống
nhất đất nước. </font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2">
<img border="0" src="Phan%20Anh%20Dien.JPG" width="395" height="234"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Anh Phan Anh Điền (hàng thứ nhất,
người thứ hai từ trái sang) cùng các đoàn viên cơ quan Thành Đoàn trong buổi
sinh hoạt tập thể lửa trại</i></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Năm 1962, anh vào thành phố trọ học cấp 3 và tham
gia tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh khu Sài Gòn - Gia Định.
Trong thời gian này, Hội tổ chức các Ban đại diện trường, làm các tờ nội san với
nội dung tuyên truyền yêu nước, tổ chức sinh hoạt thanh niên… Anh được giao
nhiệm vụ phát triển cơ sở, rải truyền đơn, treo cờ mặt trận, làm báo bí mật… Qua
phong trào sinh viên học sinh, anh được thử thách, trui rèn, được những người đi
trước như anh Lê Minh Châu, chị Trương Mỹ Lệ hướng dẫn và kết nạp Đoàn, Hội.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Sau một thời gian hoạt động, cơ sở nội thành
(vùng A) bị lộ. Anh được chỉ đạo rút về căn cứ ngoại thành (vùng B) học
tập. Tháng 7 năm 1964, anh được bố trí học lớp báo chí tuyên truyền miền Nam
trong vòng 6 tháng. Năm 1965, anh được cử làm Phó Chánh Văn Phòng Khu đoàn Đặc
khu 4 Sài Gòn - Gia Định. Khi ấy anh vừa tròn 20 tuổi. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Hai năm sau, anh Điền được phân công quay trở lại
nội thành tham gia chống trận càn "Cedar Fall" (còn gọi là trận càn "Lột vỏ trái
đất"). Trận càn này rất khốc liệt. Mỹ Ngụy tập trung các loại bom, pháo, xe tăng
nhằm tiêu diệt căn cứ của phe ta. Chúng cày nát hai bên bờ sông Sài Gòn. Khi lấy
ghe bơi qua sông, anh Điền cùng các đồng chí tham gia chống càn bị lọt vào ổ
phục kích. Lần ấy 10 đồng chí (trong số 18 người trên ghe) hi sinh. Còn lại 8
người thì hết 6 bị thương, trong đó có anh. Mặc dù vậy, các anh vẫn bảo vệ được
tài liệu và đưa người bị thương qua sông. Vết sẹo của lần bị thương ấy giờ vẫn
còn trên cánh tay và trên lưng anh. Kí ức dữ dội về chiến tranh khiến anh trầm
ngâm: <i>"Những người yêu hòa bình không ai muốn chiến tranh, vì nó khốc liệt
lắm"</i>. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Quay trở lại căn cứ một thời gian, năm 1968, anh
Phan Anh Điền được phân công tham gia chiến dịch Mậu Thân ở cánh võ trang của
Thành Đoàn. Kết thúc chiến dịch, anh lại quay trở về căn cứ. Sau đó, anh được
phân công các công tác như: Bí thư Liên Quận Đoàn Liên Quận 4, Trưởng Ban Tuyên
huấn Thành Đoàn, Bí thư Liên Quận Đoàn Liên Quận 5. Phong trào cách mạng ngày
càng phát triển, lực lượng mỗi lúc một lớn mạnh. Đại thắng mùa xuân năm 1975 là
thành quả của cả dân tộc, trong đó có cả một thế hệ được trui rèn trong lửa đỏ
như anh…</font></p>
<p><font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Và câu chuyện tình yêu…</b></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Khi được hỏi về gia đình, anh cười hóm hỉnh: <i>
"Tình yêu của tôi đẹp lắm à"</i>. Anh gặp chị sau lần bị thương năm 1967. Khi ấy
anh được cử đi học lớp Nghị quyết Quang Trung, còn chị là y tá chăm sóc anh hàng
ngày. Anh chị báo cáo tình cảm của mình với tổ chức. Tuy nhiên, tình cảm nảy
sinh sau một thời gian ngắn khiến cho nhiều người e ngại. Sau đó, anh lại phải
quay về vùng đô thị. Chị ở lại chiến khu. Vì lý do an toàn, hai người không giữ
được liên lạc với nhau nữa. Năm 1968, cả hai anh chị cùng tham gia chiến dịch
Mậu Thân mà không gặp được nhau. Mãi đến năm 1970, khi ấy chị được cử về thành
phố làm giao liên cho đồng chí Nguyễn Thái Sơn, anh chị mới gặp lại nhau và tổ
chức đám cưới. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Sau khi cưới, anh công tác trong nội thành và gửi
chị về quê sinh con. Để che mắt địch, ba má anh phải nói rằng thấy chị lâm hoàn
cảnh đáng thương nên đưa về giúp đỡ chứ không dám nhận là con dâu. Sau khi sinh,
chị được cử sang Campuchia công tác. Đến khi đất nước giải phóng, cả nhà mới gặp
lại. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Anh kể về chị với nét mặt phấn khởi, hào hứng hơn
kể về bản thân mình: chị tiếp tục học lên bác sĩ, có thời gian làm chủ tịch Hội
Chữ Thập Đỏ thành phố Hồ Chí Minh, được mời sang Mỹ tham dự hội thảo... Hai
người chiến sĩ cách mạng năm xưa giờ đã trở thành ông bà với ba đứa con đều lập
gia đình, ba cháu nội ngoại… Tình yêu đẹp đẽ nảy sinh và được thử thách trong
chiến tranh ấy đi theo anh chị suốt cả cuộc đời. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nhìn vẻ mộc mạc, hóm hỉnh của anh, ít ai biết
rằng sau giải phóng, anh đã được giao các trọng trách như: Ủy viên thường vụ
Thành Đoàn, Giám đốc trường Đoàn Lý Tự Trọng, Chính trị viên trưởng Lực lượng
Thanh niên xung phong Thành phố, Phó Giám đốc Sở Thể dục Thể thao, Phó Giám đốc
Sở Lâm nghiệp, Chuyên viên Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận… </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Bây giờ về hưu, hàng ngày anh đọc sách, báo, làm
vườn, chơi với cháu nội, ngoại và… chở chị đi làm. Anh rất quan tâm đến những
vấn đề thời sự, nhất là những vấn đề về thế hệ trẻ. <i>"Thanh niên bây giờ rất
thông minh, có điều kiện để học hành phát triển, nhưng một bộ phận thanh niên
lại có những biểu hiện đáng lo như vọng ngoại, thiếu tỉnh táo trước âm mưu diễn
biến hòa bình của kẻ thù. Cái mà thanh niên cần có nhất hiện nay chính là tinh
thần dân tộc!"</i> - anh nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>THANH LÊ</b></font></p>
</body>
</html>