Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Nhớ thầy Nguyễn Duy Khâm
![]() |
Dân tộc ta, từ xa xưa, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Trật tự xã hội quân - sư - phụ, tuy ít nhiều ảnh hưởng đạo đức nho giáo nhưng cũng thể hiện được vai trò của người thầy trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Do vậy, thật dễ hiểu khi sự lựa chọn, thái độ dấn thân của từng người thầy cụ thể trong giai đoạn này có ảnh hưởng rất lớn đến đâu chỉ quan niệm sống của những thế hệ học trò mà còn cả cộng đồng cư dân địa phương đó. Phong trào cách mạng vô sản bắt đầu bén rễ, nẩy lộc đâm chồi trên vùng đất miền Tây Nam bộ vào cuối thập niên 1920, thông qua tổ chức Công - Nông hội đỏ, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội... rồi đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ buổi manh nha khởi phát ấy, phong trào đã tập hợp được nhiều vị trí thức, giáo viên chấp nhận gác một bên cuộc sống sung túc, phong lưu, dấn thân vào cuộc đấu tranh cam go, gian khổ vì độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Qua uy tín của những người thầy giáo ấy, Đảng đã tập hợp đông đảo quần chúng là thanh thiếu niên học sinh và gia đình họ vào phong trào. Tiêu biểu trong số các giáo viên ấy là thầy Nguyễn Duy Khâm (1912 - 1977) - người từng đảm nhiệm cương vị đứng đầu chính quyền nhân dân đầu tiên của tỉnh Trà Vinh sau Cách mạng Tháng Tám và sau Hiệp định Genève, được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao trọng trách trực tiếp tổ chức, điều hành hệ thống trường lớp cho học sinh miền Nam trên đất Bắc, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nên một thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên khắp các lĩnh vực đời sống xã hội từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay.
Nhà giáo, nhà cách mạng Nguyễn Duy Khâm, tên thường dùng là thầy Tám Khâm, sinh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Mỹ Thập, tổng Bình Trị Thượng, quận Ô Lắc (nay là xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang), tỉnh Trà Vinh trong một gia đình nho học nông thôn. Thân sinh ông là cụ Nguyễn Duy Phú, vốn là một nhà nho ưu thời mẫn thế, từng tham gia nhiều phong trào yêu nước trước đó như Thiên Địa hội, Truyền bá chữ quốc ngữ... Chính vì vậy, anh em Nguyễn Duy Khâm có điều kiện ăn học tới nơi tới chốn. Sau khi học xong tiểu học tại tỉnh lỵ Trà Vinh, Nguyễn Duy Khâm được gia đình gởi lên học ban Thành chung tại Mỹ Tho và ban Tú tài tại trường Pétrus Ký (Sài Gòn) cùng với người anh là Nguyễn Duy Cường - người sau này trở thành vị dược sĩ có tiếng ở Sài Gòn.
Có bằng tú tài Tây, Nguyễn Duy Khâm được xếp vào giới “thượng lưu trí thức” ở Trà Vinh thời ấy. Ông được nhà đương cục trải thảm đỏ mời tham gia vào bộ máy cai trị với địa vị và mức lương hậu hĩnh. Thế nhưng, ông đã từ chối tất cả để nhận chân anh giáo tiểu học rày đây mai đó. Tài năng, đức độ và uy tín của thầy Tám Khâm không bao lâu đã nổi tiếng khắp Cầu Ngang, khắp Trà Vinh. Quê hương Mỹ Long của ông là một vùng đất giàu truyền thống, là chiếc nôi thiêng cách mạng với sự ra đời của Chi bộ Đảng từ năm 1930, là một trong ba Chi bộ được thành lập sớm nhất trên địa bàn Trà Vinh. Từ truyền thống cách mạng của quê hương, truyền thống yêu nước của gia đình, Nguyễn Duy Khâm đã toàn tâm, toàn ý dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ.
Trong phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), Nguyễn Duy Khâm được phân công đứng ra thành lập và trực tiếp lãnh đạo Hội Ái hữu trí thức, Hội Ái hữu giáo chức và Hội Ái hữu học sinh tỉnh Trà Vinh. Nhân sĩ, trí thức, thanh thiếu niên học sinh Trà Vinh trở thành một lực lượng hùng hậu, hoạt động sôi nổi theo sự chỉ đạo của Ủy ban Hành động tỉnh trong các phong trào thu thập dân nguyện đón phái đoàn Gaudart, đấu tranh đòi dân chủ. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của trí thức, học sinh Trà Vinh tại trường Ông Chưởng vạch trần chân tướng chiêu bài Pháp - Việt đề huề của Bùi Quang Chiêu trong lần hắn về tranh cử Hội đồng Quản hạt Nam kỳ đã gây được tiếng vang lớn. Sau Thế chiến thứ II nổ ra, trong lớp áo giáo viên tiểu học, Nguyễn Duy Khâm vẫn giữ được thế hợp pháp vượt qua cuộc khủng bố trắng của kẻ thù.
Tháng 6-1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong tỉnh Trà Vinh ra đời, với ban lãnh đạo Tỉnh bộ gồm các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu của Trà Vinh như nhà điền chủ yêu nước Từ Bá Đước, bác sĩ Mạch Dùng, nhà giáo Nguyễn Duy Khâm... Tuy trên danh nghĩa Từ Bá Đước là Tỉnh bộ trưởng nhưng thực chất linh hồn của phong trào lại là Nguyễn Duy Khâm - khi ấy là Tỉnh ủy viên. Chính nhờ uy tín của một nhà giáo tên tuổi, có ảnh hưởng khá sâu rộng trong tầng lớp trí thức, học sinh, Nguyễn Duy Khâm đã góp phần tập hợp đông đảo các tầng lớp thanh niên Trà Vinh vào đội ngũ, dưới bóng ngọn cờ vàng sao đỏ, sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền.
Ngày 24-8-1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền của Xứ ủy Nam kỳ được phát đi, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh được thành lập, do Bí thư Tỉnh ủy Dương Quang Đông làm Chủ tịch, Nguyễn Duy Khâm làm Ủy viên Thường trực, nhằm lãnh đạo toàn dân Trà Vinh - mà nòng cốt là lực lượng Thanh niên tiền phong - nhất tề nổi dậy giành chính quyền từ tỉnh đến các huyện. Trên cương vị đó, nhà giáo Nguyễn Duy Khâm trở thành nhân vật chủ chốt, trực tiếp điều phối lực lượng khởi nghĩa trên các hướng, tiến tới chiếm Tòa Bố, buộc Tỉnh trưởng Đốc phủ Thìn phải tuyên bố bàn giao chính quyền lại cho nhân dân vào sáng ngày 25-8-1945, gần như cùng lúc với Sài Gòn - Gia Định.
Sau khi khởi nghĩa thành công, ngày 28-8-1945, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh được thành lập thay cho Ủy ban Hành chánh lâm thời (gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh), do nhà giáo Nguyễn Duy Khâm làm Chủ tịch và ra mắt nhân dân trong cuộc mít-tinh quần chúng. Nhà giáo Nguyễn Duy Khâm trở thành tấm gương để biết bao trí thức, nhà giáo, học sinh Trà Vinh noi theo, tích cực tham gia vào công cuộc kháng chiến kiến quốc sau này. Sau đó, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội vào ngày 6-1-1946, Nguyễn Duy Khâm là một trong ba vị đại biểu của tỉnh Trà Vinh tham gia Quốc hội thống nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng đầu năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân Trà Vinh, quân dân miền Nam đi vào thế ổn định, Nguyễn Duy Khâm lên đường ra Hà Nội dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội để bàn và giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước, đồng thời bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong chuyến đi này, Nguyễn Duy Khâm còn mang theo số vàng mà nhân dân Trà Vinh quyên góp được trong Tuần lễ Vàng ủng hộ Chính phủ. Cuộc họp kết thúc, nhà giáo Nguyễn Duy Khâm được Hồ Chủ tịch, Quốc hội giữ lại - và sau đó lên chiến khu Việt Bắc - tham gia Ban Công tác Quốc hội (tương đương Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này), trực tiếp tham mưu cho Bác Hồ, Chính phủ, Quốc hội những vấn đề liên quan đến chiến trường miền Nam.
Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhà giáo Nguyễn Duy Khâm cùng Quốc hội trở về Hà Nội. Tại đây, ông được Đảng và Chính phủ cử làm Ủy viên thường trực Ủy ban Thống nhất (mà Trưởng ban là đồng chí Phạm Hùng). Sau đó, ông đảm nhiệm chức vụ Tổng cục phó Tổng cục Thống kê nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1958, với kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy của một nhà giáo lâu năm, với vốn kiến thức uyên bác về miền Nam, Nguyễn Duy Khâm được phân công làm giám đốc các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Từ đó cho đến ngày giải phóng, nhà giáo Nguyễn Duy Khâm lại được gắn bó với sự nghiệp trồng người, ông trực tiếp tổ chức, quản lý, điều hành một hệ thống các trường đặc biệt, từ tiểu học cho đến trung học phổ thông, đóng rải rác ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, với chức năng tạo nguồn cán bộ, chuẩn bị tiếp quản miền Nam sau ngay chiến thắng. Điều lý thú là hệ thống trường lớp này lại không thuộc Bộ Giáo dục mà do Ban Thống nhất Trung ương quản lý, sau này khi các học sinh tốt nghiệp phổ thông vào đại học, rồi được tuyển vào hệ nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhà trường vẫn tiếp tục quản lý, theo dõi, tạo điều kiện tốt nhất cho đến khi họ hoàn thành nhiệm vụ học tập đã được giao phó.
Đây là một công tác hết sức khó khăn trong điều kiện lịch sử lúc ấy, bởi đối tượng học sinh đến từ nhiều nguồn khác nhau, có trình độ khác nhau (có người là bộ đội còn trẻ được đưa vào học tập, có người khi ở miền Nam đang là học sinh nhưng cũng có người chưa từng một ngày đến lớp...) lại được phân bố rải rác khắp các tỉnh thành miền Bắc. Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ và ngày một ác liệt hơn, trong đội ngũ học sinh miền Nam lại xuất hiện tư tưởng thiếu an tâm học tập, phần đông trong họ muốn trở về Nam, trực tiếp chiến đấu. Nhà giáo Nguyễn Duy Khâm cùng ban giám hiệu các trường, thầy cô giáo các lớp phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, từ giáo dục động viên, răn đe đến kỷ luật quân sự trên tinh thần chiến đấu, công tác, học tập đều vẻ vang như nhau, đều là công tác cách mạng mà Đảng, Nhà nước giao phó nhằm bảo đảm sĩ số. Từ năm 1965 trở đi, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, một bộ phận trong số các trường học sinh miền Nam phải chuyển sang đóng ở Trung Quốc, nhà giáo Nguyễn Duy Khâm lại liên tục đi đi, về về bảo đảm việc dạy tốt, học tốt cho số học sinh miền Nam ở miền Bắc cũng như số đang sống trên đất khách quê người, chăm chút cho từng hạt giống quí của tương lai cho đến khi họ thành tài.
Từ những ngôi trường miền Nam trên đất Bắc, dưới bàn tay trực tiếp điều hành, quản lý và chăm sóc của người thầy, người cha Nguyễn Duy Khâm, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, có mặt khắp các lĩnh vực đời sống xã hội trên khắp cả nước từ sau ngày giải phóng đến nay. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành thành những cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, kinh tế, văn học nghệ thuật... mà tên tuổi gắn liền với công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh những cống hiến xuất sắc khác về chính trị, quân sự, khoa học... trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhà giáo Nguyễn Duy Khâm đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp trồng người. Nối chí cha, con trai ông - Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu Trưởng trường Đại học kinh tế TPHCM - cũng là một nhà giáo tài năng, tâm huyết và thành đạt.
Theo Cần Thơ