<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt</title>
</head>
<body>
<p><font face="Arial" size="2">Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11,
website Thành Đoàn đã có cuộc trò chuyện với 2 gương mặt giáo viên trẻ làm công
tác Đoàn – Đội về kỷ niệm, cũng như những thuận lợi, khó khăn của các giáo viên
vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa hoàn thành vai trò của người cán bộ
phong trào.<br>
<br>
Ban biên tập webiste Thành Đoàn xin gửi lời chúc mừng đến những giáo viên –
những cán bộ Đoàn – Hội – Đội. Chúc các thầy cô có được nhiều ngày 20.11 tràn
đầy hạnh phúc, và mong rằng các thầy cô sẽ luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt
tình để gắn bó mãi với phong trào thanh thiếu nhi.<br>
<br>
<b>Cô giáo Thu Trang – Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Minh Đạo: </b></font>
</p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Hoạt động Đội
là một niềm vui lớn</b></font></p>
<div style="float: left; width: 104px; height: 148px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="20-11.JPG" width="111" height="142"></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p><font face="Arial" size="2">Những lần trước đến gặp Trang để lấy thông tin
viết bài về những Chỉ huy đội giỏi, Gương công dân trẻ Thành phố…, Trang cung
cấp thông tin rất nhiều. Lần này, khi nói về chính mình, Trang lại khiêm tốn
“Trang có làm được gì đâu mà viết, ngại quá!”. Nhưng Thu Trang lại là một Tổng
phụ trách giỏi trong mắt của mọi người.</font></p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Đến với công tác Đội vì “Nhát
quá!”</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Khi còn nhỏ, cô bé Thu Trang luôn bị bạn bè trêu
chọc vì “Nhát quá!”. Mỗi lần đi học, Trang chỉ biết ngồi thu lu một chỗ, thậm
chí sợ đi học vì đến lớp có nhiều người. Đến nỗi Ba Thu Trang – cũng là một giáo
viên lo lắng khi không biết sao Trang lại “sợ người” đến thế. <br>
<br>
Thu Trang kể lại: “Mỗi lần có anh chị trên phường xuống gọi đi sinh hoạt với
thiếu nhi trong phường, Trang cứ phải chạy trốn hoặc khóc nhè để không phải đi.
Chừng nào Rằm Trung thu hay hội hè gì vui quá thì đi nhưng cũng “lấm la lấm
lét”. Vì vậy mà bạn bè thường gọi Trang là Ốc sên. Những năm tiểu học, Trang rất
thích được xem các bạn đánh trống đội và tập nghi thức, nhiều lúc cũng muốn được
tham gia nhưng không đủ dũng cảm, mặc thầy cô có khuyến khích thế nào cũng không
chịu. Thế nhưng về nhà lại tập theo những gì lén nhìn thấy trên trường rồi thấy
tiêng tiếc. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 – Phân hiệu Đại học Bách Khoa, Trang thi
vào trường Trung học sư phạm Thành phố. Đây cũng là thời điểm bất ngờ nhất cho
một quyết định mà chị không bao giờ nghĩ tới lúc còn nhỏ: Thi vào lớp học làm
tổng phụ trách đội. Khi đó, trường Trung học Sư phạm có 4 lớp sư phạm và chỉ thi
tuyển để mở một lớp chính quy đào tạo tổng phụ trách đội. Nhớ về hình ảnh cô
tổng phụ trách và đội nghi thức, Trang thích lắm nhưng… lại sợ. Được ba mẹ và
bạn bè ủng hộ, Trang quyết định thi và đậu. Chị tâm sự: “Những năm tháng tham
gia lớp tổng phụ trách đã để lại những kỷ niệm đẹp nhất và ảnh hưởng sâu sắc đến
suy nghĩ và hoạt động sau này của mình. Nhất là biến mình từ một “con ốc sên”
trở thành tổng phụ trách”.<br>
<br>
<b><font color="#008000">Vui buồn cùng “nghề” Tổng phụ trách</font></b></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">“Làm tổng phụ trách cực nhưng cũng vui lắm!”. Đó
là những lần đến đợt hoạt động, Đội Nghi thức phải tập luyện hết công suất. Vì
phải đảm bảo thời gian học tập cho học sinh nên các em chỉ tập luyện vào thời
gian tranh thủ sau giờ học. Có lần phải tập luyện cho kịp hội thi, Đội nghi thức
năm ngoái, một số đã lên lớp, các em sau thì nhỏ quá, lại tập không được đầy đủ,
tập được rồi nhưng lên biểu diễn chắc gì được, chỉ cần một em sai là cả đội
luống cuống ngay. Làm sao để các em có thể thành thạo được trong thời gian nhanh
nhất, hiểu ý nhau và đồng nhất trong biểu diễn cũng là vấn đề lớn. Phụ trách đội
không đơn thuần là lo cho công tác đội mà còn phải thực sự là một người bạn của
các em. Khuyến khích các em tham gia hoạt động tích cực nhưng vẫn dành thời gian
để đảm bảo học tốt là yêu cầu đặt ra cho tổng phụ trách. Ngoài những buổi tập,
Trang luôn quan tâm đến từng học sinh trong lớp học, liên hệ thường xuyên với
giáo viên chủ nhiệm để hiểu thêm tính cách và khả năng của từng em, “càng hiểu
học sinh thì làm phụ trách càng tốt”, Trang tâm sự. <br>
<br>
Nhận thấy cần phải có những biện pháp hữu hiệu cho hoạt động đội để thu hút đội
viên, Trang đề nghị Ban giám hiệu đưa hoạt động Đội vào các lớp học và được đồng
tình. Trường Tiểu học Minh Đạo là trường đầu tiên đưa các nội dung của hoạt động
Đội thành tiết học chính thức trong thời khoá biểu. Mỗi tuần một lần các cô phụ
trách đến từng lớp hướng dẫn các nội dung về Đội cho từng đội viên. Ngoài các
giờ học lý thuyết, các em còn có các tiết thực hành tại sân trường, đó cũng là
điều kiện để có những đội viên đội nghi thức hoàn chỉnh nhất. Cũng nhờ vậy mà
các cô phụ trách Đội càng trở nên thân quen và gần gũi với học sinh. “Mình có
thể góp phần nhỏ bé làm cho phong trào Đội ngày càng mạnh, gắn bó với đội”, đó
là niềm vui lớn nhất của cô Trang và có lẽ cũng là niềm vui của những thầy cô
làm tổng phụ trách.</font></p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Thành công có được là nhờ sự
ủng hộ </font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Sư phạm và
lớp Tổng phụ trách, Thu Trang trở về lại nơi con ốc sên ngày xưa lớn lên: trường
Tiểu học Minh Đạo. Trường Tiểu học Minh Đạo cũng là lá cờ đầu của Quận 5 trong
công tác Đội và phong trào thiếu nhi, luôn đạt các giải cao trong Hội thi nghi
thức đội của Quận và Thành phố, là trường có nhiều đội viên đạt giải Chỉ huy đội
giỏi… Riêng Trang đạt nhiều danh hiệu: Đoàn viên – Thanh niên lao động sáng tạo
giỏi, Giáo sinh duy nhất xuất sắc 4 đợt thực tập, Giải Nhì tiếng hát Phụ trách
Đội Toàn Thành, Gương “Người Tốt – Việc Tốt”, Phụ trách Đội Giỏi toàn thành,
Thanh niên tiên tiến, Lao động giỏi, Học viên xuất sắc, … Khi được hỏi về bí
quyết để làm tốt công tác phụ trách Đội, Trang chỉ cười: “Một mình Trang thì có
thể làm được gì. Tất cả là nhờ sự ủng hộ của mọi người”. <br>
<br>
Cô Võ Ngọc Thu - hiệu trưởng trưởng thành từ Tổng phụ trách và công tác Đoàn nên
rất hiểu và ủng hộ chị trong các hoạt động, được các đồng nghiệp là giáo viên
chủ nhiệm hỗ trợ hết mình, những những phụ trách đội khác san sẻ công việc… “Và
gia đình”, chị tự hào: “Gia đình thực sự là chỗ dựa tinh thần rất lớn, những
ngày đi hoạt động, đi học thường xuyên, Trang áy náy khi không làm tròn trách
nhiệm làm dâu. Nhưng chính mẹ chông Trang đã khuyến khích Trang rất nhiều. Mình
may mắn khi được mọi người giúp đỡ. Nếu thế này gọi là thành công thì đó là
thành công chung của rất nhiều người”. Có lẽ từ những thuận lợi có được, Thu
Trang lại mong cho những phụ trách Đội như chị có được điều kiện như mình. Đó
cũng là động lực để Trang cố gắng hơn nữa làm tốt vai trò của mình. Cũng có lẽ
vì vậy mà “không biết khi nào Trang mới dứt được hoạt động Đội vì đó thực sự là
niềm vui lớn”. <br>
<br>
<b>Nguyễn Thị Thu Huyền – Giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục – trường Đại học Sư
phạm Thành phố:</b></font></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Cô giảng viên
trẻ nhiệt tình với công tác Đoàn</b></font></p>
<p align="left"><font face="Arial" size="2">Đứng trên bục giảng với tư cách của
một giảng viên, khơi dậy phong trào trong vai trò của một cán bộ Đoàn. Đôi khi
bắt gặp trong trang phục áo dài nhà giáo, lúc lại mặc áo xanh thanh niên Việt
Nam. Nhưng dù với tư cách nào, trang phục ra sao vẫn cố gắng làm tốt nhiệm vụ
của mình, đó là những điều sinh viên Đại học Sư phạm nói về Nguyễn Thị Thu Huyền
– cán bộ Đoàn cũng là cô giáo của mình. <br>
<br>
Gặp Thu Huyền – cô giảng viên trẻ khi tiết lên lớp cuối cùng trong ngày vừa kết
thúc. Cuộc nói chuyện khá gấp gáp vì sau đó, Huyền lại phải tham gia gác thi
buổi tối. Khoảng thời gian không dài để được nghe Huyền kể nhiều về bản thân.
Nhưng qua cách nói chuyện cởi mở, phong cách ăn mặc trẻ trung, rất “sinh viên”,
cùng với những tình cảm mà thầy cô cũng là đồng nghiệp trong Khoa Tâm lý giáo
dục – Trường Đại học Sư phạm, Nguyễn Thị Thu Huyền đã để lại trong tôi nhiều ấn
tượng tốt đẹp.</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="20-111.JPG" width="311" height="234"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Nguyễn Thị Thu Huyền (hàng trên
cùng, thứ hai từ phải sang) cùng các bạn trong Lễ tổng kết Mùa hè xanh 2006</i></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Vốn là dân chuyên Văn Trường THPT Chuyên Lương
Thế Vinh (Đồng Nai), học rất khá Ban C, Huyền đã có dự định thi vào một nghành
nào đó mà giới trẻ cho là thời thượng của dân khối C như lời bạn bè khuyên. Khi
ấy, hồ sơ thi Đại học của Huyền là ngành Luật và Báo chí. Thế nhưng một thay đổi
được quyết định vào phút chót của Huyền khiến mọi người bất ngờ: Thi vào Khoa
Tâm lý giáo dục – Trường Đại học Sư phạm. Bạn bè ngăn cản vì khi đó Tâm lý giáo
dục không đi vào cuộc sống như bây giờ, thậm chí không nhiều người biết đến sự
tồn tại của nó. Huyền thì nghĩ: “Cuộc sống luôn có những trở ngại, khó khăn với
những buồn vui khi thành công hay thất bại, đời sống tinh thần đóng một vai trò
quan trọng để mỗi người cân bằng cuộc sống. Với ngành học này mình sẽ giúp được
nhiều người mà trước tiên là chính bản thân mình”. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Cũng vì điều đó mà Huyền được bố mẹ đồng tình ủng
hộ. Sau khi nhận kết quả trúng tuyển, khăn gói lên thành phố Hồ Chí Minh học
tập, cũng như bao sinh viên khác, Huyền cũng phải tự mình đương đầu với khó
khăn. Áp lực cuộc sống, cơm áo gạo tiền của sinh viên nhưng với bản lĩnh của một
“sinh viên tâm lý”, Huyền luôn vượt qua bằng sự lạc quan của mình. Đời sống nội
tâm phong phú cùng với cách nhìn nhận về môi trường xung quanh giúp Huyền luôn
có niềm tin vào tương lai đã chọn, dứt khoát hơn trong những quyết định của
mình. Trong mắt bạn bè, Huyền là người yêu đời, lạc quan, hòa đồng và cởi mở.
Nhưng cũng như Huyền nói: “Nếu ta nhìn vấn đề theo hướng tích cực, có mục tiêu
và cố gắng hết mình, ta có quyền tự hào về bản thân dù mục tiêu đó không thành
công mĩ mãn. Những nỗi buồn – ai cũng có nhưng quan trọng là chúng ta vượt qua
nó như thế nào”. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đối với sinh viên, Tâm lý giáo dục thực sự là môn
“khó nuốt” khiến không ít bạn mơ hồ cả trong lý thuyết lẫn ứng dụng thực tiễn.
Thế nhưng với Huyền, đó là môn học cực kỳ lý thú, nhất là khi bạn liên hệ giữa
lý thuyết sách vở và thực tiễn chính đời sống của bạn. Đó cũng là bí quyết để
Huyền học tốt môn này. Trong suốt những năm học của mình, năm nào Huyền cũng đạt
số điểm 8.0 trở lên, là sinh viên giỏi của trường và là ngôi sao của khoa Tâm lý
giáo dục. Tốt nghiệp thủ khoa, Huyền nhận quyết định ở lại làm giảng viên của
trường. <br>
<br>
Mặc dù khi còn là sinh viên, không ít lần làm trợ giảng cho các thầy cô, lại là
sinh viên tâm lý nhưng tiết đứng lớp đầu tiên thật không khỏi hồi hộp. Đó là cảm
giác khi ngày hôm qua mình ngồi bên dưới lắng nghe, và hôm nay mình lại đứng
trên bục giảng nói cho nhiều sinh viên bên dưới lắng nghe. Sau những giờ giảng
chưa hài lòng, Huyền luôn ghi nhận đóng góp từ sinh viên, từ đồng nghiệp, nhất
là những thầy cô từng giảng dạy mình. Dần dần, những trang giáo án được chuẩn bị
kỹ lưỡng, những bài giảng, cách xử lý tình huống bằng lập luận sâu sắc, Huyền đã
chiếm được sự tin cậy của sinh viên.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Không chỉ khẳng định mình trong học tập và giảng
dạy, 4 năm sinh viên, 1 tuổi giảng viên và 5 năm công tác Đoàn, cô tân binh Khoa
Tâm lý giáo dục còn được biết đến là người “máu phong trào”. Những nơi Đội sinh
viên Tình nguyện trường Đại học Sư phạm đi qua, thì ở đó có dấu chân Huyền đến.
Ngày từ năm nhất là Bí thư chi đoàn, từ năm 2 đến năm 4 là Phó chủ tịch Hội sinh
viên trường Đại học Sư phạm, Huyền nghĩ “mình có duyên với hoạt động phong
trào”. Hiện cô giảng viên trẻ này là Uỷ viên thường vụ Đoàn trường, phụ trách
mảng học tập nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tháng 08/2006 vừa qua, công
trình nghiên cứu “Ảnh hưởng của công tác Đoàn đối với việc rèn luyện phẩm chất
và năng lực nghề giáo” của sinh viên Đại học Sư phạm được nghiệm thu và đánh giá
cao. Huyền cho biết: “đối với nghề giáo, phẩm chất đạo đức và năng lực nghề
nghiệp rất quan trọng, nó quyết định cả một thế hệ tương lai của đất nước. Công
tác đoàn và hoạt động phong trào thực sự có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc rèn luyện
nhân cách, định hướng lý tưởng sống của sinh viên. Ngay cả bản thân Huyền, công
tác Đoàn đã giúp mình trưởng thành, chín chắn và bản lĩnh hơn rất nhiều”. Sắp
tới, mảng học tập nghiên cứu của sinh viên do Huyền phụ trách sẽ tiếp tục hoàn
tất đề tài “Lịch sử Đoàn trường Đại học Sư phạm”. Hằng ngày bận rộn với nhiệm vụ
chuyên môn của một giảng viên nhưng vẫn không quên vai vai trò cán bộ Đoàn: kết
thúc giờ dạy buổi sáng, trưa có mặt tại Văn phòng Đoàn họp Thường vụ, 12 giờ 30
chiều lại lên lớp, đến lớp học Anh văn và trở về nhà khi 9 giờ khuya, lại cặm
cụi bên trang giáo án. Thế nhưng lúc nào bạn bè cũng thấy nụ cười thường trực
trên môi cô đồng nghiệp trẻ dễ mến.</font></p>
<p align="left"><font face="Arial" size="2">Tương lai Huyền còn rất nhiều những
dự định: Tốt nghiệp Cử nhân ngoại ngữ, đủ điều kiện thi cao học và du học để lấy
bằng Thạc sĩ. Nhưng trước mắt Huyền vẫn sẽ cố gắng làm tốt công tác chuyên môn
và nhiệm vụ của một cán bộ Đoàn. Xin chúc cho những dự định của Huyền sớm trở
thành hiện thực.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>MINH NGUYỆT</b></font></p>
</body>
</html>